Hội chợ này được tổ chức trên cơ sở nhận thức của Chính phủ Ấn Độ về vai trò quan trọng của mô hình hợp tác xã trong thời điểm hiện tại với hơn 3 triệu hợp tác xã trên toàn thế giới, hơn 800.000 hợp tác xã tại Ấn Độ với 275 triệu thành viên mà 94% là nông dân tiến hành kinh doanh sản xuất tất cả các loại hình với một tiềm năng phát triển to lớn.
Lĩnh vực của Hội chợ bao gồm: Nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại, nuôi trồng thủy hải sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ, máy móc thiết bị và công nghệ, Marketing và phát triển thương hiệu, Ngân hàng tài chính cho Hợp tác xã, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, IT, bán lẻ, kho tàng, chuỗi bảo quản lạnh, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, đóng gói...
Các hoạt động diễn ra tại Hội chợ sẽ bao gồm cả việc trưng bày và bán sản phẩm hàng hóa; gặp gỡ giữa các hợp tác xã, B2B meetings; hội thảo kinh doanh và kỹ thuật; biểu diễn văn hóa và ẩm thực của Ấn Độ.
Ban tổ chức dự kiến mời các đơn vị tham gia hội chợ bao gồm: các hợp tác xã và cá nhân của Ấn Độ và các nước ngoài, đoàn các chính phủ các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến của Ấn Độ và quốc tế.
Kinh phí: Chi phí gian hàng tiêu chuẩn 3M x 3M = 9M đối với các hợp tác xã của các nước đến trưng bày sản phẩm là 800 USD, doanh nghiệp không phải hợp tác xã là 1000 USD.
Thời gian: Từ ngày 11đến ngày 13 tháng 10 năm 2019
Địa điểm: Tại Trung tâm hội chợ triển lãm Pragati Maidan, New Delhi.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trân trọng kính mời các hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Hội chợ.
Thông tin chi tiết xin liên hệ:
Bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán (đ/c Phan Văn Trường, Bí thư thứ Nhất, điện thoại: +919205968118, email: truongpv@moit.gov.vn; in@moit.gov.vn; vnemb.in@gmail.com.
Ngày 08/8/2019, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Sở Công Thương Hà Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực marketing xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam" tại khách sạn Hòa Bình, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Điều hành hội thảo gồm các đồng chí: Hoàng Chính Nghĩa, phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công thương); Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Trương Quốc Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Về tham dự hội thảo còn có đại diện các Sở, ngành của tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình trung ương và địa phương, các Nghệ nhân, Thợ giỏi trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội thảo "Nâng cao năng lực marketing xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam," ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương nhấn mạnh, hoạt động marketing xuất khẩu đang được các doanh nghiệp quan tâm, là yếu tố then chốt giúp đưa các sản phẩm của Việt Nam đến với thị trường nước ngoài.
Bản chất của hoạt động marketing xuất khẩu là thích ứng với những thay đổi của các yếu tố môi trường bên ngoài với các chính sách marketing hỗn hợp của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Do vậy, marketing xuất khẩu đòi hỏi phải có các chiến lược và kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện bài bản, linh hoạt theo sự thay đổi của thị trường.
Phát biểu chào mừng hội thảo, phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy cũng cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN, làng nghề. Để chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu thì hoạt động marketing đóng vai trò rất quan trọng, buộc doanh nghiệp phải thay đổi chương trình marketing của mình để phù hợp với thị trường nước ngoài.
Hội thảo đã cung cấp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn những thông tin, kiến thức về thị trường, cách nhận diện những sản phẩm dành cho xuất khẩu, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn phân tích, xếp hạng thứ tự ưu tiên các thị trường tiềm năng để xây dựng kế hoạch marketing xuất khẩu phù hợp.
Hội thảo cũng đã trao đổi các nội dung liên quan đến vai trò của Nhà nước đối với phát triển sản xuất thủ công mỹ nghệ, làng nghề; nâng cao năng lực marketing xuất khẩu; năng lực marketing cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt Nam; những kinh nghiệm trong hoạt động marketing xuất khẩu; marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề với đối tác...
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hội thảo được tổ chức với mục đích lắng nghe ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học và những tâm tư, trăn trở của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất làng nghề trong hoạt động marketing xuất khẩu ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề trong điều kiện hội nhập để đưa ra những phương hướng, giải pháp để ngành hàng phát triển bền vững, hội nhập sâu kinh tế khu vực và thế giới.
Tại hội thảo đồng chí Đinh Văn An, Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh Hội thảo “Nâng cao năng lực marketing xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam" là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tỉnh nhà được tiếp cận và trao đổi, tìm hiểu, nâng cao nhận thức về marketing xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; được trang bị tư duy và nhận thức đúng đắn về chiến lược marketing định hướng xuất khẩu, tạo bước tăng trưởng đột phá trong thời kỳ hội nhập, góp phần nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan, tham mưu những chương trình phát triển ngành nghề công nghiệp – TTCN, đặc biệt là ngành nghề thủ công mỹ nghệ nhằm tạo bước tăng trưởng đột phá trong xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề tỉnh nhà, tích cực hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn qua các chương trình khuyến công.
Những ý kiến kiến nghị cũng như băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu là về các vấn đề như: cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động marketing xuất khẩu, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm TCMN, làng nghề; cách thiết kế sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động marketing xuất khẩu hàng TCMN; giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, mở rộng thị trường.... đã được địa diện lãnh đạo Cục Công thương địa phương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam giải đáp./.