Tín hiệu tích cực từ phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi (14-01-2019)

Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018, Kế hoạch số 984/KH-SCT ngày 28/9/2018 của Sở Công Thương Hà Nam về tổ chức Chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi” năm 2018. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương Hà Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 2 Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” năm 2018 tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng và xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Các phiên chợ thực sự tạo nên những hiệu quả tích cực.

Những tín hiệu tích cực

Về phía doanh nghiệp tham gia: Ngay từ khi có thông báo tổ chức phiên chợ tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Nam, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh và các tỉnh lân cận đăng ký tham gia từ rất sớm với số lượng nhiều (khoảng 20 cơ sở). Vì số lượng gian hàng có hạn nên Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Trung tâm) đã lựa chọn mỗi phiên 15 cơ sở tham gia trưng bày với 24 gian hàng tiêu chuẩn. Các cơ sở đều cam kết 100% sản phẩm bày bán là hàng Việt. Có cơ sở còn trang bị xe máy và loa cổ động đi đến từng ngõ ngách trong thôn, xóm để tuyền truyền, vận động bà con đi tham quan, mua sắm tạo không khí hồ hởi, phấn khởi giữa doanh nghiệp và nhân dân. Doanh thu các phiên chợ thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/phiên.

Về phía người dân: Các phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” tuy chỉ diễn ra 4 ngày/phiên nhưng điều đáng mừng là phiên chợ đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân miền núi xã Tượng Lĩnh, xã Liêm Sơn và các xã lân cận. Mỗi phiên chợ có khoảng 3.000 lượt khách tham quan mua sắm. Được hỏi tại sao đến phiên chợ từ sớm, chị Nguyễn Thị Hải (người dân xã Tượng Lĩnh) cho biết chị đến sớm để có thời gian tham quan hết các gian hàng, xem ở phiên chợ bán những gì, có phù hợp để mình mua không, sau đó muốn được xem chương trình khai mạc vì ở xã miền núi không có chương trình như thế bao giờ.

Các mặt hàng được bày bán tại các phiên chợ rất đa dạng bao gồm: Hàng gia dụng, quần áo thời trang, giày dép, máy móc thiết bị, sách vở, hàng nông sản…Các sản phẩm đều sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được phép lưu thông hợp pháp trên thị trường, bảo đảm về chất lượng. Với không khí mua bán tấp nập, vui vẻ, các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi đã giúp bà con có cơ hội tiếp xúc, nhận biết các hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Tham gia phiên chợ tại thôn Nghè (xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm), ông Trịnh Văn Thành cho biết: “Từ trước tôi chỉ biết miến dong, bây giờ lại có miến trùm ngây có nhiều tác dụng trong bảo vệ sức khỏe nên tôi mua nhiều để dùng, tôi còn mua cả đôi giầy do cơ sở anh Hanh ở huyện Duy Tiên sản xuất. Tôi thấy các mặt hàng tại phiên chợ rất đa dạng, là hàng do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất và tư vấn nên tôi rất hài lòng, ưu tiên sử dụng hàng Việt.”. Có thể thấy, các phiên chợ đã phát huy mạnh mẽ tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của bà con nhân dân trong tỉnh. Tinh thần ấy không chỉ có ở thành phố, thị trấn mà còn được lan tỏa tới các xã miền núi. Tín hiệu tích cực đó đã giúp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam có thêm động lực tiếp tục tổ chức các phiên chợ trong những năm tiếp theo.

Tại mỗi phiên chợ, đơn vị tổ chức đã kết hợp với doanh nghiệp dành tặng 20 phần quà ý nghĩa cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc các trường trung học cơ sở và tiểu học thuộc xã Tượng Lĩnh và Liêm Sơn. Đây là hoạt động hết sức nhân văn được chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Ngoài ra còn có chương trình ca nhạc sôi động thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia.

Nói về nguyên nhân

Ông Nguyễn Liên Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam cho biết: “Phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi là hoạt động nằm trong chương trình xúc tến thương mại quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt hàng năm, nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Mặc dù thời gian tổ chức ngắn, quy mô nhỏ nhưng các phiên chợ đã thu hút đông đảo bà con tham quan, mua sắm, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa Việt, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng. Phiên chợ còn là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức khảo sát, nắm bắt thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ từng bước cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường miền núi”. Ông cũng cho biết thêm để có được tín hiệu tích cực như trên cần có sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức hai phiên chợ trên, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Sở Công Thương tỉnh Hà Nam và UBND huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm; sự phối hợp, hưởng ứng nhiệt tình của Đảng ủy, HĐND, UBND, các tổ chức đoàn thể và nhân dân xã Tượng Lĩnh, xã Liêm Sơn. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thức hiện, khâu lựa chọn doanh nghiệp rất quan trọng. Các doanh nghiệp tham gia phải là cơ sở có uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng xúc tiến thương mại. Hàng hóa bày bán phải được cam kết là hàng Việt, phù hợp với nhu cầu thiết yếu và thu nhập của người dân. Ngoài ra, lựa chọn địa điểm tổ chức gần khu dân cư và thời gian diễn ra phiên chợ gắn với ngày cuối tuần cũng tạo nên thành công của phiên chợ vì bà con có thời gian đến tham quan, mua sắm và đi lại thuận tiện hơn, giúp cho bà con có cơ hội mua sắm những hàng hóa có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người dân trên địa bàn nông thôn, miền núi.