Phát triển thương mại điện tử (11-05-2018)
Thương mại điện tử (TMĐT) có thể hiểu một cách đơn giản là việc ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động quản lý và kinh doanh, là một trong những phương thức để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, với ưu thế giảm chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị, rút ngắn thời gian giao dịch với khách hàng, giúp doanh nghiệp tìm kiếm, liên lạc với đối tác một cách dễ dàng và thuận lợi hơn mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý.

Ngoài ra, tất cả các hoạt động kinh doanh có thể tiến hành trên phạm vi cả nước và nước ngoài, sản phẩm của doanh nghiệp có thể dễ dàng được khách hàng biết đến thông qua internet, khách hàng trong và ngoài nước có thể tìm hiểu về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp bất cứ khi nào họ muốn. Bên cạnh đó, thương mại điện tử còn là công cụ giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục những điểm bất lợi để cạnh tranh ngang bằng với những doanh nghiệp quy mô lớn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường, đồng thời giúp các khu vực chưa phát triển có cơ hội nhanh chóng mở rộng trao đổi thương mại. Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế. Nhận thức được lợi ích to lớn mà thương mại điện tử mang đến cho các doanh nghiệp, trong những năm qua, Sở Công Thương Hà Nam đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức 06 lớp đào tạo, tấp huấn kiến thức về thương mại điện tử cho gần 700 học viên tham gia, đối tượng là các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và cán bộ quản lý, nhân viên tại các doanh nghiệp. Qua lớp tập huấn các học viên đã có được những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử và áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại đơn vị mình; hỗ trợ 33 doanh nghiệp xây dựng Website thương mại điện tử, từ đó, các doanh nghiệp đã biết khai thác các tiện ích của dịch vụ internet để giới thiệu, quảng bá, giao dịch bán hàng, trao đổi thông tin tìm kiếm mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm trên mạng internet. Ngoài ra, Sở còn xây dựng phần mềm hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ngành Công Thương trong lĩnh vực thương mại với 13 thủ tục hành chính được đăng tải lên hệ thống giúp các doanh nghiệp tra cứu và liên hệ dễ dàng với cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2017, xây dựng và vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam. Sau khi đi vào hoạt động, sàn giao dịch sẽ thúc đẩy doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hiệu quả.
Tuy nhiên, việc áp dụng thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh và mang lại những lợi ích cho các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn hạn chế, số doanh nghiệp xây dựng website nhằm quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp và sản phẩm trên thị trường chưa mạnh, việc khai thác những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại như: Tiếp thị và quảng cáo trực tuyến, bán hàng, đặt hàng, thanh toán trực tuyến, kế hoạch truyền thông trực tuyến,… chưa được triển khai ứng dụng nhiều. Hầu hết các website mà của các doanh nghiệp đã xây dựng chủ yếu mới đưa ra các thông tin, hình ảnh sản phẩm, tìm kiếm khách hàng qua mạng hay liên hệ với khách hàng bằng email, chưa có những tính năng mở rộng cho phép giao dịch qua mạng: thanh toán qua mạng, quản lý khách hàng,…Điều này làm hạn chế các lợi ích của website thương mại điện tử mang lại và chưa phát huy hết vai trò của website thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của thương mại điện tử mang lại và chưa hiểu hết, khai thác hết các tính năng cũng như lợi ích khi áp dụng thương mại điện tử; còn nặng về tập quán kinh doanh truyền thống dẫn đến tâm lý e ngại và chưa chủ động trong việc gắn kết ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cần có những giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương mại điện tử. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển nguồn nhân lực cho quá trình phát triển thương mại điện tử. Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, bên cạnh đó cần sự nỗ lực và cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chú trọng và ứng dụng thương mại điện tử nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua những tiện ích mà thương mại điện tử mạng lại trong quá trình phát triển./.