Hoạt động xúc tiến thương mại và những lợi ích thiết thực mang lại cho doanh nghiệp (16-11-2018)

Trước sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa và dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt và quyết liệt. Vì vậy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trở thành vấn đề sống còn và là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp, để tồn tại và phát triển doanh nghiệp phải cạnh tranh, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Trong đó cách thức để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, khách hàng hiệu quả nhất chính là việc tổ chức thực hiện và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

Hoạt động xúc tiến thương mại trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng. Xúc tiến thương mại là các hoạt động có chủ đích trong lĩnh vực marketing của doanh nghiệp nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội kinh doanh, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và tạo lập thêm nhiều kênh phân phối hàng hóa. Hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm các hoạt động chính như: quảng cáo, khuyến mại, tham gia hội chợ, triển lãm, bán hàng trực tiếp, trưng bầy hàng hóa, quan hệ công chúng,… Trong 6 tháng đầu năm 2018,  Sở Công Thương Hà Nam đã xác nhận cho 08 doanh nghiệp thực hiện 10 chương trình khuyến mại; xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ cho 05 tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ 30 doanh nghiệp tham gia các hội chợ và kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại cả năm 2018 là 953 triệu đồng.

Để đạt được mục tiêu trong kinh doanh các doanh nghiệp phải thực hiện tốt hoạt động xúc tiến thương mại, bởi hoạt động xúc tiến thương mại là cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường, đối tác và người tiêu dùng. Trong xu thế của nền kinh tế thị trường hiện nay, thị trường là nhân tố quyết định giải quyết các vấn đề cơ bản của sản xuất, kinh doanh như: Sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai?. Nhu cầu của người tiêu dùng giữ vai trò trung tâm, vai trò quyết định, chính vì vậy  mọi hoạt động về tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, tìm hiểu nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, các vấn đề về chiến lược sản phẩm, chiến lược phân phối, chiến lược giá, chiến lược kinh doanh để thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng và đối tác là các vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại.

Để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp cần xác định rõ các mục tiêu cơ bản như: Mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu vị trí sản phẩm trên thị trường,… và để đạt được các mục tiêu trên, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động marketinh thương mại, nghiên cứu thị trường, xác định chuẩn xác thị trường kinh doanh, nghiên cứu kỹ hành vi mua sắm của khách hàng và đưa ra cách thức đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất trong điều kiện cụ thể của doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự hài lòng của khách hàng. Mặt khác doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh, có các phương thức đổi mới và không ngừng tìm kiếm cơ hội kinh doanh hấp dẫn khác. Nhờ có hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tìm kiếm cho mình thị trường phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Thông qua hoạt động nghiên cứu hành vi mua sắm của các khách hàng, người tiêu dùng để doanh nghiệp tìm ra cách thức mới để chinh phục khách hàng một cách hiệu quả nhất. Doanh nghiệp muốn đạt được hiệu quả kinh doanh không thể không ứng dụng marketinh thương mại. Marketinh thương mại chính là nghệ thuật ứng xử trong kinh doanh của doanh nghiệp, vì đó là quá trình hoạt động nhằm đạt được mục tiêu tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả nhất của doanh nghiệp.

Hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh và thương hiệu sản phẩm nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi hàng hóa, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Thực tế cho thấy các hoạt động xúc tiến thương mại mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp, nhất là thông qua các kỳ tham dự hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người tiêu dùng và đối tác nhằm khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm và gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đối tác kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa khai thác, vận dụng hết mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của hoạt động xúc tiến thương mại. Đa số doanh nghiệp chưa chuẩn bị kỹ về thông tin sản phẩm, cách thức tiếp thị mới, để quảng bá thu hút sự quan tâm của khách hàng và chưa mang tính chuyên nghiệp lâu dài. Doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hầu như chỉ đánh giá mức độ thành công ở góc độ doanh thu trực tiếp tức thời được bao nhiêu trong đợt tham gia hoạt động xúc tiến thương mại đó mang lại chứ chưa đi sâu đánh giá sự quan tâm của thị trường và khách hàng tiềm năng đối với hình ảnh công ty, chất lượng, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ được doanh nghiệp cung cấp và đánh giá khả năng, mức độ đáp ứng nhu cầu thị trường của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Đây mới thực sự là vấn đề cốt lõi cần quan tâm của doanh nghiệp./.