Hoạt động Khuyến công – Xúc tiến thương mại Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương (13-08-2018)

Năm 2017 là năm gặt hái được nhiều thành công của hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại đã phát huy tính hiệu quả, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế công nghiệp tỉnh nhà phát triển.

 Về hoạt động khuyến công trong năm 2017, được sự quan tâm của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Hà Nam, năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công được giao là hơn 3,5 tỷ đồng, Trung tâm khuyến công đã triển khai 08 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, bao gồm: 04 đề án sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; 01 đề án sản xuất nồi hơi công nghiệp; 01 đề án sản xuất than sạch từ mùn cưa, dăm bào và dăm tre; 01 đề án sản xuất tôn múi; 01 đề án sản xuất giày dép da.

            Tính đến thời điểm hiện tại, các đề án đã phát huy tính hiệu quả về kinh tế đối với các đơn vị được thụ hưởng. Điển hình là đề án hỗ trợ “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất nồi hơi công nghiệp” cho Công ty cổ phần nồi hơi Bách Khoa tại cụm công nghiệp Kim Bình, thành phố Phủ Lý. Sau khi đầu tư mở rộng và đưa thiết bị dây chuyền vào sản xuất, máy cắt công nghệ CNC cho phép gia công các sản phẩm phức tạp, có độ chính xác cao mà máy công cụ truyền thống không thể làm được. Nếu như trước đây dùng máy cắt kim loại chỉ cắt được dạng hình tròn, hình elip, đường thẳng, đường cong… khi cắt các đường cắt không có quy luật như đường cong bất kỳ, đường gấp khúc hay không gian 2D, 3D thì các máy cắt này không thể thực hiện được. Công nghệ CNC ra đời đã giải quyết được những vấn đề nan giải đó. Đây là bước ngoặt mới của công nghệ tự động hóa trong ngành sản xuất cơ khí chế tạo, đã nâng cao tính chủ động trong sản xuất, đẩy nhanh năng suất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, chất lượng đảm bảo và kiểm soát tốt hơn. Qua đó, đã giúp Công ty tăng uy tín với khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

            Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, trong năm qua, Trung tâm Phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn thương mại và truyền thông Bắc Hà tổ chức thành công Hội chợ Công nghiệp – Thương mại đồng bằng Sông Hồng – Hà Nam 2017 với quy mô trên 300 gian hàng, nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp các địa phương trao đổi, mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư. Hội chợ đã thu hút được khoảng 25 nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm hàng hóa; nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác, phát triển thêm chi nhánh và tiếp tục mở rộng được các đại lý, điểm kinh doanh mới, doanh thu của hội chợ ước đạt khoảng 50 tỷ đồng.

            Tham gia gian hàng tại Triển lãm “Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng” trong khuôn khổ APEC CEO Summit 2017 tại Đà Nẵng. Tham gia sự kiện này đã quảng bá được những sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đặc trưng, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp và sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh Hà Nam đến với du khách trong và ngoài nước. Hỗ trợ cho 50 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh như: Lễ hội Tịch Điền (Đọi Sơn – Hà Nam), Hội chợ Hùng Vương, Hội chợ thương mại đồng bằng sông Hồng – Ninh Bình, Hội chợ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên, Hội chợ Công Thương tại Phú Thọ…

            Tổ chức thực hiện 02 phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” tại xã Đại Cương – Kim Bảng và xã Thanh Tâm – Thanh Liêm, các phiên chợ đã góp phần tích cực vào quá trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện cho người dân ít có điều kiện được tiếp cận với hàng hóa có chất lượng cao do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo được lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

            Đánh giá về tính hiệu quả của hoạt động khuyến công – xúc tiến thương mại, trong năm 2017 đã tạo được những kết quả rất tích cực. Thông qua các đề án hỗ trợ, các chương trình xúc tiến thương mại được triển khai thì quy mô các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tại nhiều làng nghề, khu vực nông thôn ngày càng được mở rộng; số lượng lao động đã qua đào tạo tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thị trường sản phẩm được mở rộng, sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến… Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nội dung trọng tâm là tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đổi mới, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến và chuyển giao công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Tổ chức hội chợ triển lãm trong tỉnh; Hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; Hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN; Hỗ trợ di dời cơ sở CNNT đan xen trong khu dân cư hoặc cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường vào các CCN…

            Có thể khẳng định, nguồn kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại đã thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực và là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Tin tưởng rằng, bằng sự quan tâm, hỗ trợ của Cục Công Thương địa phương, UBND tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành thì những đề án khuyến công và xúc tiến thương mại trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và là nhân tố quan trọng góp phần phát triển công nghiệp địa phương.