Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ chính trị phát động thời gian qua đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước tham gia và được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tại tỉnh Hà Nam, trong 3 năm vừa qua nhiều điểm bán hàng Việt Nam đã được hình thành đem lại ý nghĩa thiết thực giúp người dân địa phương tiếp cận với hàng hóa Việt Nam phong phú, bảo đảm chất lượng, giá cả phải chăng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng … góp phần nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân; đồng thời là cơ hội để nhà sản xuất trong nước nói chung và tỉnh Hà nam nói riêng nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng.
Năm 2015, với sự khởi đầu thuận lợi của mô hình điểm bán hàng Việt, điểm bán hàng tại siêu thị Lan Chi Đồng Văn với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, Sở Công Thương Hà Nam đã tiếp tục xây dựng, triển khai nhân rộng thêm 03 điểm bán hàng Việt cố định tại các siêu thị khác trên địa bàn; cụ thể như điểm bán hàng Việt tại siêu thị Minh Khôi thành phố Phủ Lý (xây dựng năm 2016); tại siêu thị Lan Chi huyện Lý Nhân (xây dựng năm 2017). Tại mỗi điểm bán hàng Việt trên đều được hỗ trợ một phần kinh phí trong phần thiết kế, lắp đặt kệ trưng bày hàng hóa, biển hiệu gian hàng, in bảng giá, băng rôn, cờ phướn, tờ rơi tuyên truyền...
Mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện cho người dân địa phương được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng có chất lượng cao được sản xuất trong nước. Hiệu ứng tốt điểm bán hàng Việt đem lại thể hiện ở sự đánh giá cao của người tiêu dùng đối với hàng Việt; cụ thể như chia sẻ của chị Hòa ở KCN Đồng Văn "trong 3 năm gần đây, chúng tôi chọn mua hàng ở điểm bán hàng Việt Nam tại Siêu thị Lan Chi Đồng Văn. Hàng hóa tại đây không chỉ chất lượng tốt, mẫu mã phong phú mà giá rất phải chăng". Cũng giống như chị Hòa, từ năm 2015 đến nay, nhiều người tiêu dùng trên cả tỉnh … đã quen với tấm biển hiệu nền đỏ chữ trắng với dòng chữ quen thuộc "Điểm bán hàng Việt Nam".
Điểm bán hàng Việt ra đời khắc phục những hạn chế trước đây khi hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững và người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng với hàng hóa trôi nổi trên thị trường. Ở một số điểm bán hàng Việt tại tỉnh Hà Nam, các sản phẩm hàng hóa được bày bán ở đây 100% là hàng Việt Nam chính hãng, không chỉ niêm yết giá rõ ràng mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm, giá cả phải chăng phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người tiêu dùng. Việc làm này bước đầu đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì lựa chọn sử dụng các mặt hàng ngoại nhập, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây, nhằm tăng thêm uy tín cho hàng Việt, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, kích thích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước cũng như trong tỉnh.
Tuy nhiên, để lựa chọn điểm bán hàng Việt cố định trên địa bàn tỉnh theo đúng tiêu chí của Bộ Công Thương thì Sở đã gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể theo chia sẻ ông Đặng Anh Tuấn phó Giám đốc Sở Công Thương "Hà Nam là một trong 52 tỉnh, thành phố của cả nước được Bộ Công Thương chọn xây dựng thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam. Ngay sau khi được chọn, Sở Công Thương tiến hành khảo sát, điều tra thực tế về cơ sở vật chất và chọn lựa các điểm bán hàng Việt đáp ứng các tiêu chí của Bộ Công Thương, đảm bảo thuận tiện, phục vụ được nhiều khách hàng. Đồng thời Sở cũng tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tham gia xây dựng mô hình thí điểm bán hàng Việt và hỗ trợ một phần kinh phí theo Ngân sách Nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Nhưng để thuyết phục các doanh nghiệp tham gia xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam không đơn giản. Bởi ngân sách nhà nước có hạn, mỗi điểm bán chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng, không thấm vào đâu so với chi phí đầu tư xây dựng. Điểm bán hàng đòi hỏi 100% là hàng Việt Nam, nhưng doanh nghiệp nào cũng muốn đa dạng hàng hóa tại điểm bán"
Trong bối cảnh đó, Công ty Lan Chi - chủ đầu tư hệ thống Lanchimart chính là doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nam nhận lời phối hợp với Sở Công Thương xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam. Kinh doanh hàng Việt Nam chính là giải pháp doanh nghiệp phân phối này ủng hộ doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, với định hướng mở rộng hệ thống phân phối về khu vực nông thôn, các Điểm bán hàng Việt Nam của Lanchimart đều được đặt ở những vị trí nhu cầu hàng hóa Việt ở mức cao như gần các khu công nghiệp, khu dân cư … Giám đốc Siêu thị Lan Chi Hà Nam - cho hay, từ năm 2015, điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên được mở tại Siêu thị Lan Chi - Đồng Văn, cạnh KCN Đồng Văn. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, sản lượng tiêu thụ hàng hóa tăng đáng kể. Đây đã trở thành điểm mua sắm hàng hóa quen thuộc của hàng nghìn công nhân KCN Đồng Văn. Phát huy kết quả đạt được; trong năm 2017 Điểm bán hàng Việt Nam thứ hai tiếp tục được Lan Chi mở tại Siêu thị Lan Chi thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân).
Các “điểm bán hàng Việt Nam” tại Hà Nam đã thực sự mang lại hiệu quả, ngoài việc giúp nguời dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt đa dạng, phong phú và chất lượng, những điểm bán hàng này còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, từ đó tăng cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn, để đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, theo kết quả điều tra Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2018 thì tỷ lệ người tiêu dùng Việt yêu thích và thường mua các sản phẩm trong nước đã giảm lần lượt từ 27% và 32%, chỉ còn 51% và 60%; còn hàng hóa có xuất xứ từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần nổi lên trong sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt; do vậy hiệu quả từ việc nhân rộng Điểm bán hàng Việt đem lại sẽ để hàng Việt "giữ chân" người tiêu dùng Việt.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (13-08-2018)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (13-08-2018)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (13-08-2018)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (13-08-2018)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (13-08-2018)