Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Hà Nam (25-07-2018)

Hà Nam là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng với nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, khí hậu và thổ nhưỡng được thiên nhiên ưu đãi. Từ lâu các sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, gà móng Tiên Phong, bánh đa làng Chều, rượu Vọc Vũ Bản,.....đã đi vào tiềm thức của người Việt bởi hương vị độc đáo, chất lượng vượt trội...Chính vì thế, Tỉnh hà Nam luôn xác định nông nghiệp là một thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung trọng tâm vào việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Quan điểm phát triển nông nghiệp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo, ban hành Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 về Quy hoạch phát triển nông nghiệp của Hà Nam gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp của cả nước, của vùng Đồng bằng sông Hồng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, trên cơ sở khai thác thế mạnh điều kiện tự nhiên của từng vùng.

            Theo đó: Huyện Lý Nhân và Bình Lục được xác định là 2 huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp của Hà Nam, tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực (lúa hàng hóa, rau, củ, quả chất lượng cao, bò thịt, lợn, gia cầm…). Huyện Duy Tiên và Thanh Liêm phát triển theo hướng nông nghiệp ven đô các khu công nghiệp, phát triển nông nghiệp kết hợp với bảo quản, chế biến nông sản.. Thành phố Phủ Lý phát triển nông nghiệp đô thị với các sản phẩm rau củ, nấm, cây ăn quả, hoa cây cảnh.... Kim Bảng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái phục vụ du lịch. Phấn đấu giai đoạn 2016-2020, sản xuất nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,3%/năm và 4%/năm trong giai đoạn 2021-2025, ổn định tốc độ tăng trưởng bình quân 3,5% trong giai đoạn 2025-2035.

Trong những năm qua, để phát huy tiềm năng và lợi thế cùng với đổi mới đột phá trong cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, Hà Nam đã chỉ đạo xây dựng 4 Khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích là 500 ha; đến nay đã thu hút được các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đầu tư vào sản xuất. Nhờ thực hiện tốt chủ trương tích tụ ruộng đất, dồn diền đổi thửa, người sản xuất đã có điều kiện thuận lợi để canh tác tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng hóa chất độc hại, thực hiện quy trình chăm sóc, thu hái sạch và an toàn theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cung ứng cho thị trường. Bước đầu thu được kết quả quan trọng, số liệu thống kê cho thấy: Giai đoạn 2015 -2017:  Sản lượng lương thực cung cấp cho thị trường bình quân là 434.802,6 tấn/năm; tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trung bình đạt 87.823 tấn/năm; tổng sản lượng thủy sản trung bình đạt 22.367 tấn/năm. Sản phẩm nông sản chế biến bao gồm đồ hộp dưa bao tử, cà chua, thịt lợn,...ước đạt 5.800 tấn/năm. Tổng giá trị sản phẩm cung ứng cho thị trường trung bình đạt 7.667 tỷ đồng.

            Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tình hình phát triển nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn tồn tại như: Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao còn ít, chưa đa dạng về chủng loại mẫu mã, chủ yếu mang tính mùa vụ: lúc thiếu hụt, lúc lại dư thừa (mang nét chung của nông sản Việt Nam: được mùa mất giá, được giá mất mùa) quy hoạch nhiều khi bị phá vỡ do công tác dự báo thị trường, phát triển thị trường còn hạn chế và chưa có chế tài đủ mạnh; kết nối sản xuất tiêu thụ còn lỏng lẻo, giá trị kinh tế còn thấp, đầu ra không ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người sản xuất. Vì vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo liên kết cung ứng chặt chẽ, có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp cần áp dụng đồng bộ ba nhóm giải pháp sau đây:

            Một là, nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản: tiếp tục đổi mới xây dựng các cơ chế chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với Xây dựng, nhân rộng mô hình “Liên kết 4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng cung ứng. Tiếp tục xây dựng mô hình cánh đồng lớn, mô hình tích tụ ruộng đất gắn với liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xuất khẩu.

            Chú trọng phát triển, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương như: đồ hộp dưa, cà chua, rau quả, thịt, sữa, sản phẩm lúa gạo chế biến,... cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

            Tiếp tục xây dựng, phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến nông sản, tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản phẩm an toàn, áp dụng VietGAP; triển khai xây dựng Đề án mỗi xã một sản phẩm nông sản, mỗi huyện có ít nhất một cửa hàng giới thiệu nông sản sạch.

            Hai là, nhóm giải pháp phát triển thị trường trong nước: Tăng cường hợp tác đầu tư trong cả nước đặc biệt là TP. Hà Nội để liên kết, tiêu thụ sản phẩm; chú trọng hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ như Jica, VeCo về phát triển sản xuất, tiêu thụ cây trồng an toàn; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu nông sản sạch.

Tăng cường quản lý chất lượng nông –lâm- thủy sản bảo đảm an toàn  thực phẩm, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, ngăn chặn kịp thời tình trạng trà trộn sản phẩm, kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản.

            Ba là, nhóm giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản:   Tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại; thúc đẩy tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có thế mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường như: sữa sạch, thịt lợn sạch, rau, củ, quả sạch....

            Kịp thời thông tin những chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường của các nước nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam nói chung, nông sản Hà Nam nói riêng để có giải pháp tháo gỡ.

Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới công tác thông tin thị trường, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo các tham tán thương mại ở các nước thường xuyên cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin thị trường, phân tích về thị trường để các địa phương trong đó có tỉnh Hà Nam nói riêng có định hướng xuất khẩu vào những thị trường có lợi thế. Thường xuyên quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản của Hà Nam và Việt Nam ra các nước cũng như mời gọi các nhà đầu tư, các nhà bán lẻ nước ngoài đến với Hà Nam.

Tích cực tìm kiếm, giới thiệu các hiệp hội ngành hàng nông sản, các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín tại các nước để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Hà Nam, Việt Nam, tranh thủ vận động nguồn vốn ODA, FDI vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong nước quảng bá nông sản Việt Nam tại các nước.

            Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường; xây dựng và tổ chức mạng lưới thông tin, đáp ứng yêu cầu về thông tin thương mại hàng nông sản cho doanh nghiệp; thành lập các trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại các huyện/thành phố Phủ Lý làm dịch vụ thương mại sản phẩm nông nghiệp.