Định hướng xây dựng đề án khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 (29-12-2020)

Công tác Khuyến công trên cả nước thời gian qua đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong khuyến khích, động viên, huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn có sự cải thiện đáng kể và theo hướng tăng đều qua từng năm; góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

          Có được kết quả này, bên cạnh việc các văn bản, quy phạm pháp luật về khuyến công được ban hành ngày càng đầy đủ, cụ thể thì việc định hướng, cách thức xây dựng đề án khuyến công, nhất là đề án khuyến công quốc gia(KCQG) đã có những cải thiện đáng kể, với điểm nhấn là việc xây dựng theo đề án nhóm, đề án điểm, qua đó đã hỗ trợ có trọng tâm hơn cho các cơ sở CNNT theo từng ngành nghề, địa bàn, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng khu vực, địa phương.

          Các đề án KCQG điểm được lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc qia, vùng, địa phương; có từ 02 nội dung hoạt động khuyến công và 02 đối tượng thụ hưởng trở lên, thời gian thực hiện  từ 2-3 năm; các nội dung trong đề án có sự liên kết nhằm khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển CNNT theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Giai đoạn 2018-2020, kinh phí KCQG phân bổ cho các đề án điểm là 46,3 tỷ đồng, chiếm 11% tổng kinh phí được giao của cả giai đoạn. Trong giai đoạn này có 05 đơn vị triển khai thực hiện đề án KCQG thực hiện đề án KCQG điểm: Trung tâm Khuyến công và TVPTCN1, các địa phương Thanh Hóa, Bình Phước, Lâm Đồng, Bến Tre.

          Các đề án KCQG nhóm có từ 02 đối tượng thụ hưởng trở lên thực hiện cùng một nội dung hoạt động khuyến công cũng đã được các đơn vị khai thác và triển khai đúng định hướng, đúng quy định. Nếu như trước năm 2018, số hồ sơ đề án đăng ký khến công quốc gia khoảng 400 hồ sơ/năm, thì trong giai đoạn 2018-2020, số lượng hồ sơ đăng ký đã giảm mạnh, và tổng kinh phí hỗ trợ cho một đề án, nhiệm vụ tăng lên đáng kể.

          Định hướng xây dựng đề án, nhiệm vụ KCQG giai đoạn 2021-2025

          Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục cụ thể hóa nội dung của Nghị định số 45 của Chính phủ về khuyến công trong giai đoạn mới, thực hiện Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1881 ngày 20/11/2020, hoạt động KCQG giai đoạn 2021-2025 xác định phải có những đổi mới và chuyển mình tích cực bắt đầu từ khẩu khảo sát, xây dựng các đề án, nhiệm vụ khuyến công hàng năm.

          Các nội dung hoạt động KCQG cần tập trung theo những mục tiêu đã được định hướng rõ nét tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có xét đến thế mạnh, đặc trưng riêng có của chương trình khuyến công và tính hiệu quả đo lường định lượng được các đề án sau khi hỗ trợ cho các đơn vị thụ hưởng; đặc biệt là nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

          Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng các dạng đề án KCQG điểm, nhóm nhằm tập trung được nhiều đối tượng thụ hưởng, tạo sự lan toa và đột phá vững chắc cho các sản phẩm CNNT chất lượng, có giá trị mang tính đại diện cho một địa phương hoạt một vùng.

          Cách thức khảo sát, xây dựng đề án KCQG giai đoạn 2021-2025

          Việc triển khai công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công thời gian tới tiếp tục bám sát các mục tiêu, quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn của Bộ Công Thương tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án, huy động mạnh mẽ các nguồn lực để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc tạo nhiều việc làm cho người lao động. Ưu tiên lựa chọn đơn vị thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Lưu ý việc xác định đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các tiêu chí của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, trong đó yêu cầu cụ thể về số lao động của doanh nghieeoj tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

          Ngoài việc chú trọng các nội dung hoạt động đặc trưng, đạt hiệu quả cao của Chương trình như đã nêu trên, có thể phối hợp lồng ghép để tăng tính hiệu quả như: đào tạo nghề; xúc tiến thương mại; công nghiệp hỗ trợ, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do, thương mại điện tử…

          Đối với dạng đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến: Lập thành nhóm các đối tượng thụ hưởng, tập trung theo từng lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương trên cơ sở danh mục ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công theo quy định. Đề án phải có thuyết minh sơ đồ quy trình công nghệ, quy trình hoạt động của máy móc; nêu rõ đặc điểm vượt trội của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ tạo ra sản phẩm mới hoặc có phân tích so sánh cụ thể các yếu tố định tính, định lượng của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới so với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện cơ sở công nghiệp nông thon đang sử dụng. Sở Công Thương xác định tính đồng bộ của dây chuyền công nghệ.

          Đối với dạng đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật: cần xác định rõ là công nghệ/sản phẩm mới trên địa bàn cấp huyện. Sở Khoa học và Công nghệ xác định tính mới của công nghệ, đảm bảo thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về khoa học công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh được quy định tại Luật chuyển giao công nghệ.

          Tiếp tục khảo sát và chuyển mạnh sang hướng xây dựng các đề án KCQG điểm, nhóm; đặc trưng là đề án KCQG điểm: Lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương hoặc trên một địa bàn cụ thể tại địa phương. Trong giai đoạn tới, phấn đấy mỗi địa phương đều có thể xây dựng các đề án điểm.

          Để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025 cần có sự quyết tâm của toàn hệ thống tổ chức khuyến công từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng, tổ chức và triển khai thực hiện các nội dung hoạt động theo định hướng đã được nêu ra, đảm bảo chất lượng, phát huy tối đa năng lực của các cơ sở CNNT; bảo đảm sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững