Chương trình khuyến công quốc gia năm 2020 Những kết quả góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển (06-01-2021)

           Từ những tháng đầu của năm 2020, kinh tế thế giới và trong nước đã trải qua những diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi khi đối mặt với tình hình khó lường của đại dịch Covid-19 và thiên tai tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là bão lũ tại khu vực miền Trung, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) - đối tượng của chính sách khuyến công. Các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) không nằm ngoài sự bất định và rủi ro ở mức độ cao của nền kinh tế, phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh, thiên tai.

          Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid - 19, thiên tai; đồng thời tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) đã có các văn bản điều hành, chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, tổ chức dịch vụ khuyến công trên cả nước kịp thời áp dụng các giải pháp thông qua chính sách khuyến công để hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở CNNT ứng phó với các diễn biến tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai để khôi phục và duy trì sản xuất đứng vững trên thị trường.

          Trên cơ sở hồ sơ đăng ký kế hoạch kinh phí KCQG của các địa phương, đơn vị, Cục CTĐP đã tổng hợp, thẩm định, trình Bộ Công Thương phê duyệt Quyết định phân bổ kế hoạch kinh phí KCQG năm 2020 và các Quyết định ngừng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch kinh phí KCQG năm 2020. Theo đó, tổng kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt là 150 tỷ đồng (số thực hiện là 147,747 tỷ đồng/218 đề án).

          Triển khai Chương trình KCQG năm 2020 đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Hỗ trợ xây dựng được 21 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho 307 cơ sở CNNT cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Tổ chức bình chọn, tôn vinh và trao giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020 cho 340 sản phẩm; Hỗ trợ tổ chức 01 Hội chợ triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực tại Quảng Bình với 200 gian hàng tiêu chuẩn; Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài với 920 gian hàng tiêu chuẩn; Hỗ trợ gần 10 cơ sở có sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia đầu tư các phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng 30 website cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ 10 cơ sở CNNT ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm;

          Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 6 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các địa bàn khó khăn để thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại các làng nghề; Hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng cho 02 cụm công nghiệp;

          Thực hiện thông tin tuyên truyền, quảng bá về hoạt động khuyến công trên kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam và một số ẩn phẩm báo chí như Báo Công Thương, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí doanh nghiệp và Thương mại, Báo Thương hiệu và Công luận, Báo Đại biểu nhân dân, Tạp chí Làng nghề Việt...,Xuất bản được 12 Bản tin Khuyến công với 1.200 cuốn/số/tháng cung cấp cho các cơ sở CNNT, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương và một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

          Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT: Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 1.925 học viên là chủ hoặc cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT; Tổ chức 15 hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên đề cho hơn 2.700 đại biểu; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác; tổ chức hội nghị đánh giá kết qủa thực hiện một số đề án khuyến công quốc gia điểm...

          Tổ chức hội nghị thường niên về hoạt động khuyến công năm 2020 tại Quảng Bình; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN áp dụng trong hoạt động thuộc lĩnh vực khuyến công quốc gia; Tổ chức 06 lớp bồi dưỡng kiến thức cho cộng tác viên khuyến công; in ấn tái bản cuốn hỏi đáp về khuyến công; tổ chức 06 đoàn kiểm tra, hướng dẫn thực hiện hoạt động khuyến công tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đăk Nông, An Giang, Đồng Tháp, Nam Định, Ninh Bình...

          Thông qua các hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt trước tác động và diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh Covid-19; Chương trình KCQG đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở CNNT khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương; góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Các đề án KCQG triển khai thực hiện trong năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương; tổ chức thực hiện sử dụng nguồn kinh phí KCQG đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả cao đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

          Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, thực hiện Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020, Chương trình KCQG giai đoạn tới cần phải có những đổi mới, thích ứng và chuyển mình tích cực; bắt đầu từ khâu khảo sát, xây dựng các đề án, nhiệm vụ khuyến công, tổ chức thẩm định và xét duyệt kế hoạch. Với tinh thần đó, việc xây dựng kế hoạch kinh phí KCQG năm 2021 đã và đang được Bộ Công Thương khẩn trương triển khai với một số điểm mới, khác biệt từ khâu tổng hợp kế hoạch, tổ chức thẩm định cấp Bộ thông qua Hội đồng thẩm định là các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, tổ chức kinh tế - xã hội...Kỳ vọng rằng với sự chuyển biến tích cực trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt được nhiều kết quả mới góp phần trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.