![](/media/cache/eb/3c/eb3c0c8dac93a33192d30a669c662bb0.jpg)
Khi bước vào thị trường thời kỳ hội nhập, ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, ai cũng biết nhưng chưa đổi mới được. Đó là: sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, thiếu liên kết, thiết bị sản xuất cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, thiếu thân thiện với môi trường…Vậy làm thế nào để các sản phẩm TCMN có thể trụ vững được trước những thử thách hiện nay.
Khó trăm bề
Thiếu nguyên liệu là khó khăn đầu tiên. Đặc điểm của sản xuất TCMN là sản phẩm gắn liền với nguyên liệu tại chỗ, nhưng trong điều kiện hiện nay, các nguyên liệu đặc trưng hoặc đã bị khai thác cạn kiệt, hoặc bị thay thế bởi những nguyên liệu khác bán được giá trị hơn. Ngoài thiếu hụt nguyên liệu chính, các nguyên liệu phụ trợ như sơn ta đóng hộp, đất gốm đóng bao; các phụ kiện như bản lề, khóa, móc, dây quai; các thiết bị như những loại máy nhỏ cầm tay, các loại keo dán, chất phủ bề mặt phù hợp với các nghề cũng là một khó khăn không nhỏ đối với nhiều cơ sở sản xuất các mặt hàng TCMN. Vì phải nhập phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài, mua nguyên liệu từ nơi khác nên chi phí sản xuất tăng trong khi bán sản phẩm không tăng, khiến nhiều nghề TCMN trở thành công việc thời vụ, ngày càng teo tóp, nhiều cơ sở không muốn mở rộng quy mô sản xuất.
Thứ hai, mẫu mã đơn điệu: Sản phẩm thủ công được các nghệ nhân truyền từ đời này sang đời khác với tất cả các giá trị từ màu sắc, hình dáng, đường nét, hồn cốt của nó. Chủ nhân làm ra sản phẩm mới là người quyết định mọi chi tiết. Tuy nhiên, thị hiếu của người tiêu dùng mới quyết định “dung nhan” của sản phẩm. Vì vậy, các làng nghề TCMN đang thiếu thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu người tiêu dùng, từ mẫu mã, hoa văn…của mặt hàng. Hậu quả là, các mẫu chào hàng quà tặng đối tác nước ngoài của Việt Nam cứ na ná hàng Trung Quốc, Thái Lan. Tình trạng cải biên, sao chép mẫu xảy ra phổ biến, tràn lan khiến sản phẩm đơn điệu, nhàm chán. Các làng nghề vẫn quẩn quanh với các đề tài cũ mà thiếu trầm trọng những mẫu thiết kế theo xu hướng hiện đại, mang dáng dấp Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp làng nghề ngày càng thiếu vắng dần các đơn đặt hàng của nước ngoài.
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội TCMN và làng nghề Hà Nội cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… hàng TCMN Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều chủ doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu hàng TCMN sang thị trường EU cho biết, thiết kế mẫu mã có vai trò rất lớn, chiếm tới 30-50% sự thành công của đơn hàng khi vào thị trường này. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khách hàng nước ngoài đánh giá hàng TCMN của nước ta yếu nhất là khâu thiết kế. Có khoảng 85% mẫu hàng TCMN xuất khẩu làm theo mẫu của người mua. Sự lệ thuộc này khiến ngành TCMN rơi vào tình trạng không ổn định, đời sống người lao động luôn bấp bênh.
Các làng nghề TCMN Việt Nam có rất nhiều nghệ nhân giỏi nhưng hầu hết mới chỉ là… thợ khéo tay chứ chưa phải nhà thiết kế mẫu. Chức năng chính của của hàng TCMN là để trưng bày, ngắm nghía nên khâu thiết kế mẫu sản phẩm là chìa khóa giúp doanh nghiệp bán hàng thành công. Các nghệ nhân, nhà thiết kế cần đặt tâm thế để sản xuất sản phẩm hướng đến thị trường. Thiết kế là “linh hồn” của sản phẩm. hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang, cần có mẫu mới liên tục. Nếu hiểu rõ làm gì, cho ai và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thị trường thì sản phẩm đó sẽ thành công.
Kém về thiết kế mẫu mã khiến các làng nghề TCMN không tạo được thương hiệu, không tiếp cận được các thị trường lớn, thị trường mới và chấp nhận hình thức gia công cho thương hiệu của đối tác nước ngoài nên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng TCMN rất thấp. do không có thương hiệu riêng, chi phí nguyên liệu, đầu vào cao nên nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ như ở Hòa Bình hay lục bình ở Đồng Tháp, Đồng Nai và nhiều làng nghề khác…dù nhận đơn hàng lớn, làm không xuể, nhưng tiền thu về vẫn không đáng là bao. Theo các báo cáo, mỗi năm Mỹ nhập 13 tỷ USD hàng TCMN, nhưng hàng của Việt Nam chỉ chiếm 1,5%; thị trường EU khoảng hơn 7 tỷ USD/năm, hàng Việt Nam chỉ chiếm 5,4%.
Đặc biệt, sự thiếu liên kết giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất cùng loại sản phẩm với nhau; giữa các hộ sản xuất trong cùng một làng nghề; giữa cơ sở sản xất với doanh nghiệp xuất khẩu; giữa các làng nghề với ngành du lịch cũng khiến cho làng nghề chơi vơi. Hiện nay hầu hết các công ty du lịch lữ hành chủ yếu khai thác các thứ vốn có sẵn của làng nghề như: Giới thiệu lịch sử làng, loại sản phẩm TCMN. Khách nghe rất nhanh chán. Phía làng nghề cũng còn rất nhiều thứ khiến khách tới nhưng không muốn quay lại: Bụi bặm, ô nhiễm, thiếu chỗ nghỉ ngơi thoải mái; khi mua sản phẩm thì bị chèo kéo, bắt chẹt giá, hàng Trung Quốc tràn lan, người dân làng nghề thiếu kỹ năng giao tiếp…
Cần được hỗ trợ từ nhiều phía
Để ngành TCMN chữa khỏi các căn bệnh kinh niên và hồi phục sau đợt dịch covid -19, trước hết cần có sự liên kết giữa các hộ, cơ sở, địa phương sản xuất cùng loại sản phẩm TCMN; liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với cơ sở sản xuất với hệ thồng đào tạo nghề, giữa các công ty du lịch với các làng nghề; giữa các hội, hiệp hội nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…Các mối liên kết này là hết sức cần thiết trong điều kiện thị trường cạnh tranh, hội nhập.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng TCMN cần đầu tư mạnh vào thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm trên cơ sở đầu tư nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài. Khuyến khích các nghệ nhân, thợi giỏi, các nhà nghiên cứu tham gia đào tạo và thiết kế để có những sản phẩm vừa giữ được nét truyền thống vừa đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có cả những yêu cầu về bảo vệ môi trường. Để đáp ứng được các yêu cầu này, các hộ, doanh nghiệp cần có sự phối hợp hỗ trợ từ Nhà nước, các bộ ngành, chính quyền các địa phương như vay vốn mở rộng sản xuất, thay máy móc cũ, áp dụng công nghệ mới; hỗ trợ đào tạo nghề; được ưu đãi thuê mua hạ tầng làm xưởng… Đặc biệt, cần tích cực hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường và phát triển mẫu mã sản phẩm để ngành TCMN nhanh chóng tiến tới liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có những hỗ trợ cụ thể hơn giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN xây dựng thương hiệu sản phẩm và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu sản phẩm.
Chính phủ đã có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền ngân sách, ban hành các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả dịch Covid -19, các cơ sở, doanh nghiệp ngành TCMN cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thụ hưởng. Cũng qua đợt dịch này, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội đã áp dụng tối đa công nghệ điện tử. Đây cũng là thời điểm các bộ ngành liên quan ra tay hỗ trợ ngành TCMN đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử, xây dựng wedsite giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bộ tư liệu, thông tin về làng nghề, nghề TCMN đối với cả khách mua hàng và khách du lịch trong và ngoài nước.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (29-12-2020)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (29-12-2020)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (29-12-2020)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (29-12-2020)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (29-12-2020)