BÁO CÁO CHUYÊN SÂU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG THÁNG 11/2021 (13-12-2021)

  1. Công nghiệp tăng trưởng nhờ “Lực kéo” của ngành chế biến, chế tạo

Trong 9 tháng và đầu tháng 10 năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 3,24%)…

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/09/2021, sản xuất công nghiệp trong quý 3/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 3/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 6,29%; quý 2 tăng 11,18%; quý 3 giảm 3,5%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05% (quý 1 tăng 8,9%; quý 2 tăng 13,35%; quý 3 giảm 3,24%); ngành khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 17,6%.

Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: kim loại tăng 28,4%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%; trang phục tăng 4,8%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,4%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2%. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm, gồm: Ninh Thuận tăng 32,6%; Đắk Lắk tăng 25%; Hải Phòng tăng 19,7%; Nghệ An tăng 18,3%; Gia Lai tăng 17,4%; Hà Tĩnh  tăng 16,6%; Thanh Hóa tăng 15,3%; Quảng Ngãi tăng 14,9%; Hà Nam tăng 14,4%; Bình Phước tăng 14%.

Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhờ “lực kéo” của ngành chế biến, chế tạo - Ảnh 2

Trong 9 tháng năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: linh kiện điện thoại tăng 43,6%; thép cán tăng 43,3%; ô tô tăng 18,6%; xăng dầu các loại tăng 16,1%; khí hóa lỏng LPG tăng 15,7%; sắt, thép thô tăng 12,4%; sữa bột tăng 10,3%; giày, dép da tăng 9,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 9,2%.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,4% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính tại thời điểm 30/9/2021, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1% (cùng kỳ năm trước là 75,6%).

Liên quan đến tình hình lao động, báo cáo cũng chỉ rõ, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/09/2021 tăng 1,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 13,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi và giảm 5,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,4% và giảm 16,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,8% và giảm 14,2%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,7% và giảm 14,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,1% và tăng 1,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% và giảm 2,3%.

Tiếp theo sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

  1. Tái cấu trúc: Gỡ thế bí cho ngành công nghiệp cơ khí

Năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ đơn giản, lạc hậu và rất ít sản phẩm có thương hiệu đó là thế bí lớn nhất của ngành cơ khí Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện nay khi đứng trước thách thức mới phát sinh do dịch Covid-19 lại càng khiến các doanh nghiệp ngành này chồng chất nhiều khó khăn. Vì thế, tái cấu trúc, thay đổi phương thức hoạt động để thích nghi với tình hình mới là đòi hỏi cấp thiết đối với các doanh nghiệp…

Số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho thấy hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần là hơn 1.465.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Do đó, thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Năng lực cạnh tranh hạn chế

Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành cơ khí đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Những doanh nghiệp còn sản xuất cũng chỉ duy trì được sản lượng khoảng 30% đến 50% kế hoạch.

Sản xuất đã khó khăn lại càng chật vật do chi phí logistics tăng rất cao, thậm chí gấp nhiều lần chi phí vận chuyển thông thường đang tạo “điểm nghẽn” lớn của nền kinh tế dẫn đến việc hủy bỏ đơn hàng đã xuất hiện nhiều hơn. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hơn là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành của Chính phủ do nhiều lý do mà các doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận.

Đáng nói hơn, tại thị trường trong nước, doanh nghiệp cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu khiến cho nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể tham gia được vào các dự án, công trình trong nước và thua thiệt ngay trên sân nhà.

Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia lâu năm trong ngành cơ khí cho biết có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ôtô, xe máy…vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đảm nhiệm.

Nhìn lại chất lượng các doanh nghiệp nội, Phó Chủ tịch VAMI nêu ra ba nguyên nhân cơ bản làm cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khó hoặc không thể chiếm lĩnh, giành giật được thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam có xuất phát điểm thấp và hạn chế, đặc biệt là vấn đề khoa học công nghệ, thiết kế kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lại đang có ưu thế vượt trội nên họ đã chiếm lĩnh đa phần thị trường của sản phẩm cơ khí ngay tại thị trường Việt Nam.

Thứ hai, vấn đề giành giật thị trường giữa các doanh nghiệp nội địa đã tự làm giảm năng lực cạnh tranh của chính mình. Cũng vì nhiều lý do khác nhau, ở từng hoàn cảnh cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với giá thấp, thậm chí rất thấp và chấp nhận rủi ro của biến động thị trường.

Vì thế doanh nghiệp rất khó hoặc không có lãi, có nhiều đơn vị đã bị thua lỗ lớn. Đó là nguyên nhân làm thiệt hại kinh tế và bào mòn dần nguồn lực của từng doanh nghiệp nói riêng và từng bước làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói chung.

Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất cho doanh nghiệp trùng lặp, thiếu chiều sâu và tự phát để cạnh thị trường mang tính thời vụ của nhiều doanh nghiệp, làm hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chấp nhận thay đổi hay tự đào thải

Trong nền kinh tế thị trường luôn biến động và phát triển không ngừng, việc các doanh nghiệp phải thường xuyên rà soát, củng cố các nguồn lực để thích ứng vốn được xem như một nhiệm vụ không thể tách dời quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là khi doanh nghiệp có những dấu hiệu như thiếu việc làm, hệ thống quản lý và dây chuyền công nghệ lạc hậu, lợi nhuận giảm... Đặc biệt, kể từ khi Covid-19 xuất hiện, việc tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Từ kinh nghiệm của Doanh nghiệp TNHH Thương mại Hikari Việt Nam, Tổng giám đốc Doanh nghiệp cho biết ngay khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã thay đổi kế hoạch và chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển.

Trước đây, việc chuyển giao công nghệ thường do nước ngoài làm, nhưng trong năm nay, chúng tôi đã tận dụng hết các điều kiện năng lực của mình từ cán bộ, nhân viên để tăng doanh thu, kinh nghiệm cho doanh nghiệp.  "Chúng tôi buộc phải tái cấu trúc, những bộ phận dư thừa người, phân bổ chưa hợp lý được cấu trúc lại và thay đổi quy trình cốt lõi để linh hoạt hơn trong cách làm việc”, ông Cường chia sẻ.

Tái cấu trúc doanh nghiệp là một vấn đề được nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế quan tâm. Theo VAMI, để dễ tiếp cận, phân tích những hạn chế, bất cập nảy sinh từ thực tiễn của doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam, trước tiên phải xác định bối cảnh, nhiệm vụ là phân tích chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quốc tế trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch.

Tái cấu trúc doanh nghiệp cốt lõi là tái cơ cấu ngành nghề, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Tái cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực, thiết lập cơ cấu tổ chức tinh gọn. Tái cấu trúc quản trị, thiết lập hệ thống an ninh, an toàn, quản trị rủi ro và quản lý sự thay đổi.

Thứ hai, đánh giá điểm yếu, điểm mạnh của doanh nghiệp. Thứ ba, xây dựng chiến lược, xác định mục tiêu tái cấu trúc và cải cách. Thứ tư, xây dựng đề án tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp.

Trong đó, cốt lõi là tái cơ cấu ngành nghề, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Tái cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực, thiết lập cơ cấu tổ chức tinh gọn. Tái cấu trúc quản trị, thiết lập hệ thống an ninh, an toàn, quản trị rủi ro và quản lý sự thay đổi.

Tái cấu trúc tài chính với nguyên tắc công khai minh bạch, huy động và phát huy tối đa nguồn tiền, tài sản mà doanh nghiệp đang có, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính sách cho cải cách, nhất là giai đoạn thảm họa dịch bệnh. Lập phương án tổ chức triển khai thực hiện và giám sát, kiểm tra, báo cáo.

Với mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp được bổ sung và tăng cường nguồn lực, hướng tới mục tiêu tái cấu trúc và cải cách, tăng năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Đình Hải đề nghị các cấp thẩm quyền có phương án, chính sách phù hợp cho việc định hướng chuyên ngành trong phát triển công nghiệp cơ khí cũng như nhu cầu sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan.

Thiết kế, xác lập quy trình để có hệ thống thông tin cơ bản, đồng bộ về nhu cầu sản phẩm cơ khí cho phát triển kinh tế cũng như tổng quan ngành công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam và thuận lợi cho các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu.

Đối với từng đơn vị, doanh nghiệp cần khách quan hơn, khoa học hơn và đúng quy luật hơn trong tư duy, phân tích, xác định tầm nhìn chiến lược và mục tiêu cũng như tổ chức thực hiện để đạt kết quả tốt nhất nhiệm vụ tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp trong từng hoàn cảnh thực tiễn cụ thể, nhất là giai đoạn Covid-19 và sau đại dịch.

  1. Khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp bền vững

Việt Nam đã có một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, để thật sự xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi thực thi các cam kết thương mại tự do, chúng ta cần tận dụng tốt hơn những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đó là ý kiến của Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo "Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức vào ngày 9/11 tại Hà Nội, nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2021) với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”.

Lên 16 bậc trong bảng năng lực cạnh tranh trong 5 năm

Theo chuyên gia, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam bước đầu đã tăng lên, phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao.

Việt Nam trở thành đối tác hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành chế biến, chế tạo.

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên (theo UNIDO, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019), phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu.

Về cơ cấu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích: Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp giảm dần các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỉ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.  

“Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm ‘các nền kinh tế đang phát triển’ lên nhóm ‘các nền kinh tế công nghiệp mới nổi’, thể hiện năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể”, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp những khó khăn. Cụ thể, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài (vốn, phụ tùng, linh kiện).

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, những điểm nghẽn trên trước hết là do thiếu khung pháp lý, cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ và hấp dẫn để có thể hỗ trợ các DN công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, lớn mạnh để trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước; thiếu tính liên kết giữa khu vực DN trong nước với khu vực FDI và thị trường thế giới để có thể tận dụng cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, tiếp cận với các phương pháp quản trị sản xuất hiện đại, hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Mục tiêu đặt ra cho năm 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

  1.  khắc phục các điểm nghẽn và giải pháp

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần có tư duy và tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có nhiều vấn đề lớn đặt ra, như việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các FTA.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần khẩn trương khắc các điểm yếu, trong đó dễ thấy nhất là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu, đổi mới khoa học công nghệ vẫn chưa thành động lực phát triển phổ biến. Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững nếu Việt Nam quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp.

“Một trong những nhiệm vụ then chốt được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là ‘đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo'".

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Quan trọng phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu, nhưng cũng phải phù hợp với hiện trạng phát triển và nền tảng công nghiệp trong nước. Trong thời gian tới, định hướng chiến lược của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực cho phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Thứ haisử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

Thứ bahỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu DN công nghiệp trong nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong DN công nghiệp hướng đến mô hình nhà máy thông minh. Phát triển DN công nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa DN trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, từ cuộc cách mạng công nghiệp  lần thứ tư nhằm đưa DN công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.