
1.1. Diễn biến:
Thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 khi thiệt hại về người và kinh tế bởi dịch bệnh COVID-19 liên tục tăng. Các hoạt động kinh tế nói chung và thương mại nói riêng đã bị gián đoạn bởi việc đóng cửa và hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia trong nửa đầu năm 2020, trước khi được nới lỏng vào cuối tháng 6/2020. Dữ liệu sơ bộ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho thấy một số dấu hiệu phục hồi của thương mại và sản xuất trong quý III/2020, nhưng thương mại nhìn chung vẫn tiến triển chậm trong quý IV/2020, thậm chí tình hình đang phức tạp hơn tại một số nước khi số ca nhiễm mỗi ngày đang tăng nhanh nhất từ trước đến nay.
Những khó khăn được dự báo có thể sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2021. Rủi ro cho thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng trong khi phản ứng chính sách của mỗi quốc gia ngày càng bất ngờ hơn và mang tính đặc thù để phù hợp với diễn biến thực tế về dịch bệnh tại mỗi nước.
Theo số liệu của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới trong quý I/2020 đã giảm 3,4% so với quý I/2019 và trong quý II tiếp tục giảm mạnh tới 17,2% so với cùng kỳ. Tính trung bình, thương mại đã giảm 10,2% trong nửa đầu năm 2020 so với năm 2019. Mặc dù có dấu hiệu khả quan hơn vào tháng 6/2020, nhưng thương mại đã giảm 14,3% trong quý II/2020 so với quý trước đó, khiến đây là mức giảm theo quý lớn nhất được ghi nhận từ trước tới nay.
Nếu so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước, có thể thấy thương mại giảm 10,2% trong quý đầu tiên của năm 2009, nhưng mức giảm từ đỉnh đến đáy tương tự nhau trong cả hai cuộc khủng hoảng (giảm 17,6% trong cuộc khủng hoảng tài chính và giảm 17,5% trong cuộc khủng hoảng do dịch bệnhCOVID-19).
1.2. Dự báo:
Vào tháng 11/2020, Ban Thư ký WTO đã điều chỉnh dự báo khối lượng thương mại hàng hóa thế giới, theo đó sẽ giảm 9,2% vào năm 2020 trước khi tăng 7,2% vào năm 2021. Mức dự báo này lạc quan hơn so với mức giảm 12,9% đượcđưa ra trong kịch bản thương mại công bố vào tháng 4 năm 2020 của WTO. Nhưng các chuyên gia cho rằng kết quả thực tế có thể tiêu cực hơn nếu dịch bệnhCOVID-19 tăng mạnh trong những tháng tới và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được áp dụng lại. Đến cuối tháng 11/2020, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với các đợt dịch mới, khiến các chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại có thể ảnh hưởng đến thương mại.
Trong khi sự suy giảm trong thương mại hàng hóa thế giới trong nửa đầu năm 2020 thấp hơn dự báo, sự sụt giảm của GDP thế giới lại lớn hơn, buộc nhiều tổ chức quốc tế phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.Theo đó, nhìn chung GDP thế giới năm 2020 sẽ giảm khoảng 4,8% (trước đó vào tháng 4/2020, nhiều dự báo chỉ xoay quanh mức giảm khoảng 2-3%). GDP dự báo sẽ tăng 4,9% vào năm 2021(giảm so với ước tính trước đó là 7,4%). Giống như dự báo thương mại, dự báo GDP có thể không chắc chắn vì phụ thuộc vào mức độ lớn và diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Xuất nhập khẩu hàng hóa dự báo sẽ giảm ở tất cả các khu vực vào năm 2020. Mức giảm xuất khẩu nhỏ nhất có thể thấy ở châu Á (giảm 4,5%), Nam và Trung Mỹ (giảm7,7%) và các khu vực khác (giảm9,5%), trong khi lại giảm mạnh hơn ở một số khu vực khác như Châu Âu (giảm11,7%) và Bắc Mỹ (giảm14,7%).
Về phía nhập khẩu, mức giảm một con số được dự đoán ở châu Á (giảm4,4%) và Bắc Mỹ (giảm8,7%), trong khi mức giảm hai con số được dự đoán ở châu Âu (giảm10,3%), Nam và Trung Mỹ (giảm 13,5%) và các khu vực khác (giảm16,0%).
Thương mại sẽ tăng trở lại ở tất cả các khu vực vào năm 2021, với sự tăng trưởng mạnh hơn ở những khu vực bị sụt giảm nhiều hơn vào năm 2020. Xuất khẩu sẽ tăng 10,7% ở Bắc Mỹ, 8,2% ở châu Âu, 6,1% ở các khu vực khác, 5,7% ở châu Á và 5,4% ở Nam và Trung Mỹ. Nhập khẩu sẽ tăng 8,7% ở châu Âu, 6,7% ở Bắc Mỹ, 6,5% ở Nam và Trung Mỹ, 6,2% ở châu Á và 5,6% ở các khu vực khác.
Tuy nhiên, thực tế sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 và hiệu quả của các phản ứng chính sách tại từng quốc gia. Sự phục hồi có thể được duy trì trong trung hạn hay không phụ thuộc vào triển vọng của đầu tư nhưng với các đợt dịch mớiđang gia tăng ở một số quốc gia, rủi ro sẽ tăng mạnh và khiến các dự báo trước đó không còn chính xác.
- Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và cản trở thương mại
2.1. Các biện pháp thường xuyên (không liên quan đến các chính sách ứng phó với COVID-19)
Số lượng và phạm vi thương mại của các biện pháp hạn chế thương mại và tạo thuận lợi thương mại thường xuyên đối với hàng hóa từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 10 năm 2020 giảm đáng kể.
Tổng số 237 biện pháp thương mại đã được các nền kinh tế G20 thực hiện trong kỳ báo cáo, bao gồm các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp liên quan đến thương mại khác, tức là các biện pháp hạn chế thương mại và không bao gồm các biện pháp được thực hiện để đối phó với đại dịch COVID-19.
Quy mô tác động về mặt thương mại của các biện pháp mới nhằm tạo thuận lợi cho nhập khẩu được các nền kinh tế G20 thực hiện ước tính đạt 36,8 tỷ USD (giảm so với mức 735,9 tỷ USD của kỳ báo cáo trước), tập trung ở các ngành hàng chính bao gồm máy móc, thiết bị điện và linh kiện phụ tùng, máy móc và thiết bị cơ khí và các sản phẩm dược phẩm.
Ngược lại, phạm vi thương mại của các biện pháp hạn chế nhập khẩu mới do các nền kinh tế G20 thực hiện ước tính đạt 42,9 tỷ USD (giảm so với mức 417,5 tỷ USD của giai đoạn trước). Các lĩnh vực chính bị ảnh hưởng bao gồm nhiên liệu, máy móc và thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và phụ tùng.
Có một số lý do chính cho mức độ tác động của các biện pháp thương mại thông thường như sau:
+ Thứ nhất, thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng kể từ quý II/2020 do đó có ít giao dịch hơn để tạo điều kiện hoặc hạn chế.
+ Thứ hai, tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu đang diễn ra gần như chắc chắn đã dẫn đến việc các chính phủ ít tập trung hơn vào việc thiết kế và thực hiện các chính sách thương mại thông thường và tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề thương mại tức thời trong bối cảnh đại dịch.
+ Thứ ba, bất chấp các hạn chế thương mại ban đầu đối với các mặt hàng y tếvà hàng thiết yếu khác nhau, các nước nhìn chung đã thể hiện và tuân theo cam kết đảm bảo rằng cần duy trì thương mại đểgiúp hàng hóa lưu thông tự do trong thời kỳ đại dịch.
+ Cuối cùng, phần lớn phạm vi thương mại của cả các biện pháp tạo thuận lợi và hạn chế trong 3-4 năm qua đều liên quan trực tiếp đến các biện pháp song phương được thực hiện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thực tế cho thấy những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại đã được kêu gọi ở nhiều diễn đàn quốc tế, nhưng song song với nó vẫn luôn là xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Ban Thư ký WTO ước tính 10,4% hàng nhập khẩu của G20, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD trong tổng số 14,6 nghìn tỷ USD hàng nhập khẩu của khối này bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế nhập khẩu do các nền kinh tế này áp dụng trong thập kỷ qua. Tính đến giữa tháng 10 năm 2020, con số này vào khoảng 1,6 nghìn tỷ USD.
2.2. Các biện pháp thương mại liên quan đến ứng phó với COVID-19
Theo thống kê của WTO, nhìn chung, kể từ khi dịch bệnhCOVID-19 bùng phát, đã có 133 biện pháp thương mại mà các nền kinh tế G20 áp dụng để ứng phó với dịch bệnh. Hầu hết các biện pháp này được áp dụng trên cơ sở tạm thời.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, phần lớn các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã khiến dòng chảy tự do thương mại bị cản trở, nhưng sau đó để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu và giúp nền kinh tế bình thường trở lại, phần lớn các nước phải điều chỉnh chính sách. Do đó, trong bức tranh chung thì tính đến giữa tháng 10/2020có 84 biện pháp mang tính chất tạo thuận lợi thương mại (chiếm 63%) và chỉ 49 biện pháp có thể được coi là hạn chế thương mại (37%). Trong khoảng thời gian này cũng có 4 biện pháp tạo thuận lợi thương mại và 7 biện pháp hạn chế thương mại bị loại bỏ.
Về các biện pháp mới, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2020, có tổng cộng 41 biện pháp được các nước G20 tiến hành mới, trong đó khoảng 34% là phần mở rộng của các biện pháp đã được thực hiện từ giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19 (giữa quý I đến giữa quý II/2020). Có 18 biện pháp có tính chất tạo thuận lợi thương mại (chiếm 44%) và 23 biện pháp (chiếm 56%) được coi là hạn chế thương mại, trong đó chủ yếu là các biện pháp cấm xuất khẩu để giữ nguồn hàng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước (chiếm hơn 90%).
Đánh giá chung:
Số lượng và sự đa dạng của các biện pháp thương mại mà G20 thực hiện nhằm đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế -xã hội do dịch bệnh COVID-19 nhìn chung đã tăng so với số lượng các biện pháp mà họ sử dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Các biện pháp này nhằm vào các lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, bao gồm y tế, hàng không, du lịch hoặc dịch vụ ăn uống. Ngoài ra cũng có các biện pháp tiền tệ, tài khóa liên quan và đặc biệt là các gói chính sách kích thích tăng trưởng có quy mô lớn kỷ lục. Bên cạnh các biện pháp được thực hiện ở phạm vi quốc gia, từ đầu năm đến nay cũng đã chứng kiến nhiều biện pháp thuộc các chương trình hỗ trợ khác nhau của các tổ chức quốc tế, liên chính phủ; các hợp tác ở cấp độ khu vực và thậm chí là châu lục.
Hầu hết các biện pháp này chỉ mang tính chất tạm thời và được thiết kế đặc thù với giai đoạn khủng hoảng, dịch bệnh, nhưng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề sự phục hồi của thương mại trong năm 2021.
- Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Tạo lập cấu trúc thương mại mới
Với những cam kết về lợi ích khác biệt và “thả lỏng” hơn các Hiệp định Thương mại (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và quan trọng hơn là tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.
Lợi ích khác biệt
Ngày 15/11, 15 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).Trao đổi với báo giới về lợi ích và tác động của RCEP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định RCEP khi được thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu, tương đương gần 27 nghìn tỷ USD và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. “Với các cam kết về mở cửa thị trường và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đánh giá về những lợi thế khác biệt của RCEP so với các hiệp định khác, lãnh đạo Bộ Công thương phân tích: Các cam kết của Việt Nam trong RCEP rất linh hoạt và thêm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các FTA của ASEAN trước kia, như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của chính phủ... RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP, EVFTA… nên lợi ích mang lại cũng khác biệt.
Đơn cử, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại và là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Các yếu tố ưu việt đến từ RCEP sẽ là cơ hội cho DN Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. “Đặc biệt, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp… có thêm cơ hội thị trường” - Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Đơn giản hóa xuất xứ, doanh nghiệp dễ tận dụng cơ hội
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Hiệp định RCEP đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán trong khu vực và đơn giản hóa tối đa. Tức là hàng hóa có xuất xứ một phần tại một quốc gia có thể sử dụng các quy tắc tương tự để xác định xem hàng hóa đó có thực sự xuất xứ ở đó hay không dù cho hàng hóa này được vận chuyển đến đâu. Theo đó, sẽ loại bỏ nhu cầu tham chiếu nhiều FTA và điều chỉnh các thủ tục khác nhau cho các quốc gia khác nhau đối với cùng một loại hàng hóa.
Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa cộng thêm các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu sẽ góp phần giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Thông qua đó, giúp hàng hóa xuất khẩu tăng năng lực cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận tại các thị trường trong nội khối.
Hơn nữa, tính ưu việt của RCEP còn nằm ở việc tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc duy trì cạnh tranh thương mại. Các quy định về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được cho phép và thực hiện nhất quán trong toàn khu vực. Điều này sẽ thay thế các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. Đáng chú ý, RCEP không tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp để thách thức việc một quốc gia áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một quốc gia thành viên khác.
Với những lợi ích to lớn, ưu đãi “khủng” như vậy, để tận dụng hiệu quả lợi ích từ hiệp định, theo các chuyên gia, cùng với giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và địa phương, DN Việt cần chủ động nắm bắt thông qua việc nhanh chóng tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường đối tác quan tâm. “DN nước ta cần thay đổi tư duy kinh doanh, tăng cường đổi mới, chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh và sớm có chiến lược hợp tác với các thị trường đối tác, thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường này. Đồng thời, tạo ra các lợi thế thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp để có nguồn vốn cũng như nguồn chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng khu vực” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
4. Doanh nghiệp làm thế nào để nắm bắt cơ hội từ Hiệp định RCEP?
Để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, trước tiên doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu kỹ cam kết, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Ví như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan, quy tắc xuất xứ, các quy định về thủ tục hải quan…
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhấn mạnh tại buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề về Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), nhằm thông tin tới các cơ quan truyền thông về cơ hội và thách thức của hiệp định này do Bộ Công thương tổ chức sáng 19/11.Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, RCEP với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và đặc biệt hài hòa hóa quy tắc xuất xứ, thay vì áp dụng 5 bộ quy tắc xuất xứ của 5 hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay sẽ tạo thuận lợi thương mại rất lớn cho DN. Hơn thế nữa, hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia và thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo cam kết, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với các nước đó sau 60 ngày kể từ ngày nước này hoàn tất các thủ tục trong nước.
“Tỷ lệ tự do hóa thuế quan của Việt Nam không cao hơn mức cam kết trong các FTA ASEAN+. Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình. Theo đó, đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6% - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho ta trong khoảng 90,7% - 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế” - ông Lương Hoàng Thái cho biết.
Đáng chú ý, một số mặt hàng được các nước xóa bỏ thuế quan ngay khi RCEP có hiệu lực như máy móc, trang thiết bị cơ khí, dụng cụ phụ tùng; máy móc, máy vi tính, thiết bị và linh kiện điện tử; hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất; bông; sản phẩm từ sắt và thép; nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo; gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; một số hàng thủy sản, thịt, hàng rau quả, hàng nông sản; chất dẻo, cao su, thủy tinh; dược phẩm; khoáng sản; gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; giấy, sản phẩm từ giấy; một số loại phương tiện vận tải và phụ tùng; đá quý, kim loại quý và sản phẩm…
Doanh nghiệp cần chủ động "đón đầu"
Với những lợi ích, cơ hội nổi bật như vậy, theo các chuyên gia cũng như đại diện cơ quan quản lý nhà nước, để nhanh chóng khai thác triệt để lợi ích trong RCEP mang lại, đầu tiên DN cần nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định để hiểu sâu rộng và nắm bắt tất cả thông tin liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong đó, “DN cần hiểu rõ về lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia hiệp định, quy tắc xuất xứ và cam kết mở cửa thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư…”, bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh.
“Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà Hiệp định RCEP đem lại, Bộ Công thương đã chuẩn bị lộ trình triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến đến các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Đồng thời, sẽ hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhất là các ngành hàng và dịch vụ mà ta có thế mạnh và tiềm năng.
- Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2025 (17-12-2020)
- Mời tham gia các chương trình, hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại (17-12-2020)
- Mời tham dự “Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với ứng dụng chuyển đổi số - Quảng Bình năm 2025” (17-12-2020)
- Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2025 (17-12-2020)
- Mời tham gia “Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ kết hợp Hội chợ Xúc tiến Thương mại, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền – tỉnh Vĩnh Long năm 2025”. (17-12-2020)