BÁO CÁO CHUYÊN SÂU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG THÁNG 06/2020 (02-11-2020)

  1. Đơn giản hóa các biện pháp kiểm dịch động thực vật sẽ góp phần phục hồi kinh tế toàn cầu

 Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng lan rộng với những diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia cho rằng, việc thực hiện cứng nhắc một số biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) đang tạo ra những hạn chế đối với thương mại quốc tế, cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế trên toàn thế giới.

Vừa qua, một số lượng lớn các nước đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đình chỉ các quy định hiện hành 12 tháng để xem xét lại các quy trình, cách xác định mức dư lượng tối đa (MRL) đối với các sản phẩm bảo vệ thực vật do tác động tiêu cực của các biện pháp này đối với việc nhập khẩu rau quả từ nước thứ ba. Họ cũng kêu gọi trì hoãn việc cắt giảm MRL cho phép đến hết năm 2020 để đối phó với suy thoái kinh tế và thương mại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ngày 26/6/2020, các thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã thảo luận về Tuyên bố vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) có thể đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO vào năm tới( ). Ủy ban SPS cũng đã thảo luận về một loạt các biện pháp liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe động vật, thực vật khi nhiều nước xuất khẩu e ngại về các yêu cầu nhập khẩu mà họ cho là nghiêm ngặt hơn mức cần thiết. Cụ thể:

- Kiểm dịch thực vật của Thái Lan đối với việc nhập khẩu trái cây có múi tươi từ Nhật Bản.

- Hoa Kỳ không công nhận tình trạng không có dịch hại trong Liên minh Châu Âu đối với bọ cánh cứng châu Á và bọ cánh cứng cam quýt ở châu Âu.

- Yêu cầu khử trùng của Ấn Độ đối với ngũ cốc và các sản phẩm khác (do Nga đưa ra thảo luận)

- Lệnh cấm nhập khẩu của Nepal đối với nước tăng lực của Thái Lan.

- Sửa đổi MRLs của EU cho các sản phẩm bảo vệ thực vật: Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl từ Colombia và Ecuador.

- Sửa đổi MRLs của EU cho các sản phẩm bảo vệ thực vật: Mancozeb từ Colombia, Costa Rica, Côte d'Ivoire, Ecuador và Paraguay.

- Danh sách dự thảo các chất độc hại của Thái Lan liên quan đến thực phẩm có chứa dư lượng thuốc trừ sâu (do Hoa Kỳ đưa ra thảo luận).

- Những hạn chế chung đối với việc nhập khẩu sô cô la và các sản phẩm ca cao do hàm lượng cadmium tối đa (do Peru đưa ra thảo luận).

- Các quy định của Việt Nam về thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi (do Argentina và Hoa Kỳ đưa ra thảo luận).

- Yêu cầu mới của Ấn Độ đối với thức ăn chăn nuôi (được Hoa Kỳ đưa ra thảo luận)

- Hạn chế nhập khẩu của Guatemala đối với thịt bò và thịt lợn từ Mexico.

- Hạn chế nhập khẩu của Costa Rica đối với các sản phẩm thịt lợn từ Mexico.

- Hạn chế nhập khẩu của Costa Rica đối với các sản phẩm sữa và sữa (do Mexico đưa ra thảo luận).

- Hạn chế nhập khẩu của Peru đối với thịt lợn của Brazil.

- Thủ tục phê duyệt của Ấn Độ cho các sản phẩm động vật (do Nga đưa ra thảo luận).

- Các biện pháp hành chính của Trung Quốc để đăng ký các nhà sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài (được Hoa Kỳ đưa ra thảo luận).

- Đình chỉ tạm thời của Saudi Arabia đối với các cơ sở xuất khẩu gia cầm của Brazil.

Có thể thấy, kể cả khi các Hiệp định thương mại (FTA) đi vào thực thi, các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ dần được xóa bỏ giữa các nước thành viên, nhưng thực tế thì các rào cản phi thuế quan lại có xu hướng được sử dụng ở nhiều hình thức khác như gia tăng các quy định về kiểm dịch động thực vật. Để có thể tận dụng được cơ hội từ các FTAs, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh trong thời kỳ mới, khuyến nghị cả các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực và hiệu quả như sau:

- Nâng cao năng lực phân tích chính sách, nghiên cứu xây dựng các quy chế ứng phó rào cản.

- Nắm bắt và cập nhật kịp thời các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép, các tiêu chuẩn chất lượng, dán nhãn… theo các Hiệp định SPS, hệ thống SPS và tiêu chuẩn MRL của các khu vực hay quốc gia nhập khẩu.

- Tập trung đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng cao.

- Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành hữu quan, doanh nghiệp và nông dân nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước.

       Tham khảo một số quy định về kiểm dịch động thực vật mới của Nhật Bản

Theo Luật Bảo vệ Động vật và Thực vật của Nhật Bản, nhiều mặt hàng thực phẩm của các nước trong đó có Việt Nam khi nhập khẩu vào Nhật Bản đều phải tuân thủ các thủ tục về kiểm dịch. Các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản thường có yêu cầu cao hơn so với nhiều thị trường khác trên thế giới và thường xuyên thay đổi định mức dư lượng cho đối với các hóa chất có trong hoặc trên các loại thực phẩm, rau củ quả hay các sản phẩm nông nghiệp.

Mới đây, Nhật Bản còn tiếp tục gửi thông báo đến Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc sửa đổi các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật cho thực phẩm và các chất phụ gia thực phẩm theo Đạo luật vệ sinh thực phẩm (sửa đổi các tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất nông nghiệp).

  1. Mở rộng ‘hành lang’ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản khi tham gia FTA

Để giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản khi tham gia vào các FTA, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế và tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại.

Việc tham gia ký kết các FTA đã nâng cao đáng kể năng lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các FTA đã tạo ra động lực và sức ép mới để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước theo đó cũng dần được hoàn thiện, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.

Các cơ hội mà chúng ta có được đó chính là thuế suất giảm, minh bạch hóa về mặt chính sách, cơ hội liên quan tới cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT… mà cụ thể là đảm bảo không phát sinh những rào cản không cần thiết cho thương mại của hai hay các bên, gây cản trở thương mại và tổn thất cho doanh nghiệp (DOANH NGHIỆP) nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Về thách thức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn từ việc thuế suất giảm, hàng hóa nhập khẩu với chất lượng tốt tràn ngập trên thị trường. Theo thống kê của Uỷ ban TBT trong năm 2019 có tới gần 3.000 biện pháp TBT được các nước thành viên WTO thông báo dự kiến sẽ ban hành và áp dụng và con số này tăng đều qua các năm, điều này đồng nghĩa với việc các DOANH NGHIỆP phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi vào thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, DOANH NGHIỆP của hầu hết các nước đối tác FTAs của Việt Nam đã có thói quen tham gia sâu vào quá trình xây dựng chính sách về TBT trong nước và quốc tế. Họ thường phản ứng ngay nếu nhận thấy một chính sách TBT mà nước khác xây dựng có khả năng cản trở thương mại quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, như vậy họ sẽ tận dụng quyền lợi TBT tốt hơn DOANH NGHIỆP Việt Nam. Thời gian tới, Tổng cục sẽ tăng cường các hoạt động giúp cộng đồng DOANH NGHIỆP hiểu rõ hơn quyền lợi của mình trong các cam kết TBT FTAs để tận dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các cơ chế tham vấn khi gặp các vướng mắc về TBT. Chỉ khi DOANH NGHIỆP hiểu được quyền lợi của mình và sử dụng được các quyền lợi đó, cam kết TBT trong các FTAs mới thực sự đi vào đời sống và thực sự mang lại lợi ích cho DOANH NGHIỆP.

Các FTA tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng cũng khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt trong vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc…theo ông cần có những giải pháp gì để DOANH NGHIỆP có thể vượt qua các rào cản này?

Ký kết các FTA, Việt Nam đã chuẩn bị những năng lực cần thiết để tham gia vào sân chơi nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này. Cụ thể, thực hiện rà soát, cải cách hành chính, cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh; tạo sân chơi bình đằng minh bạch giữa DOANH NGHIỆP nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và DOANH NGHIỆP tư nhân; cơ quan quản lý nhà nước đã cắt giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh; thực hiện xã hội hóa các hoạt động dịch vụ tư vấn, đánh giá sự phù hợp.

Để tạo một hành lang “thông thoáng” giúp cho các DOANH NGHIỆP dễ dàng vượt ra các rào cản từ FTA cần một số giải pháp như: Đồng bộ về chính sách; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa tiêu chuẩn quốc tế; Đổi mới cách thức triển khai thực hiện xã hội hóa công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn; Chủ động hướng dẫn DOANH NGHIỆP tổ chức thực thi các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn kỹ thuật… sẽ cần phải được tăng cường.

Đáng chú ý hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam không ngừng được nâng cao; Hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia đã phủ cho hầu hết các sản phẩm hàng hóa củaViệt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã có 12.000 TCVN, đạt tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn quốc gia có khoảng 800 QCVN dần hoàn thiện, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiêu chuẩn quốc gia với tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực tạo thuận lợi về hành lang kỹ thuật để hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn đầy sức cạnh tranh phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vậy, Tổng cục TCĐLCL đã có những đóng góp cụ thể như thế nào trong việc hỗ trợ DOANH NGHIỆP khi tham gia các Hiệp định này, thưa ông?

Tổng cục TCĐLCL thời gian qua đã tham gia triển khai các hiệp định, cụ thể: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) đề cao vấn đề truy xuất nguồn gốc (TXNG) hàng hóa, do đó, để đảm bảo TXNG đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc – Việt Nam, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (MSMV) đã làm việc với cơ quan chức năng của chính phủ Trung Quốc để ký hợp tác về TXNG, bước đầu thừa nhận lẫn nhau về TXNG, tiến tới thừa nhận kết quả chứng nhận chất lượng hàng hóa…

Còn đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam, nông sản được coi là “cánh cửa mở” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi các DOANH NGHIỆP Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay. Khi thuế về 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật là điều quan trọng nhất. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều DOANH NGHIỆP.

Về vấn đề này, Tổng cục TCĐLCL đã giao Trung tâm MSMV Quốc gia xây dựng TCVN 12850:2019 về yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG, đồng thời trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quản lý về mã số mã vạch và TXNG. Trong năm 2020, Trung tâm MSMV Quốc gia tiếp tục xây dựng các TCVN về thể thức vật mang dữ liệu và các loại mã truy vết sử dụng trong TXNG để đáp ứng các quy tắc xuất xứ mà FTA này đặt ra.

Và để đảm bảo chất lượng hàng hóa và các yêu cầu truy xuất nguồn gốc cực kỳ khắt khe của bên Hàn Quốc, Trung tâm MSMV Quốc gia đã tiến hành liên lạc và kết nối thành công với KTR (Viện Nghiên cứu Thử nghiệm Hàn Quốc) về việc hỗ trợ các DOANH NGHIỆP Việt Nam trong việc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, thừa nhận kết quả chứng nhận. Điều này đáp ứng yêu cầu tại Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã đồng hành như thế nào với DOANH NGHIỆP trong các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế?

Để đồng hành với DOANH NGHIỆP trong các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đánh giá sự phù hợp, quản lý chất lượng theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chất lượng, đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DOANH NGHIỆP; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa của DOANH NGHIỆP.

Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp đã giúp các DOANH NGHIỆP kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu. Đồng thời, thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DOANH NGHIỆP.

Với việc triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Bộ KH&CN đã triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” cùng với việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng giúp DOANH NGHIỆP tiết giảm chi phí, thời gian cho thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh

3. Các quy định về SPS và TBT của EU đối với mặt hàng rau quả

3.1. Quy định về SPS

* Quy định về vệ sinh thực vật và an toàn thực phẩm

- Các mặt hàng rau quả phải đáp ứng tất cả quy định chung về thực phẩm theo Luật Thực phẩm tổng hợp của EU (EU General Food Law), luật này cũng có các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc.

Các loại thực vật và các sản phẩm thực vật, kể cả rau quả có xuất xứ từ những khu vực không xác định được, bị nhiễm sinh vật gây hại sẽ không được phép nhập khẩu vào EU.

EU cũng đưa ra hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn gia súc - RASFF: Hệ thống này giúp các nước EU trao đổi thông tin về các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng và thực hiện các biện pháp cần thiết tiếp theo.

- Quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của EU (HACCP - Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) là quy định bắt buộc mang tính pháp lý đối với những nhà chế biến thực phẩm, trong đó có rau quả đã qua chế biến. HACCP đưa ra 7 nguyên tắc cần phải thực hiện nhằm ngăn chặn các mối nguy hại trong quá trình sản xuất ra thành phẩm.

Đối với rau quả tươi, EU thường yêu cầu người XK phải có giấy chứng nhận về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hay các chứng nhận an toàn thực phẩm khác. Ngoài đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, GlobalGAP còn liên quan tới đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường và xã hội thông qua giảm lượng hóa chất sử dụng, có trách nhiệm về sức khỏe và an toàn lao động. GlobalGAP được phát triển từ EurepGAP. Phạm vi EurepGAP gồm: sản xuất quả, rau, khoai tây, salad, hoa cắt cành và gia súc chăn nuôi.

- Quy định chung về kiểm soát, kiểm tra sản phẩm: Tất cả sản phẩm nhập khẩu vào EU đều bị kiểm tra xem sản phẩm có phù hợp theo các quy định trong luật về thực phẩm có liên quan của EU.

- Trong chính sách an toàn thực phẩm, EU cũng đưa ra tiêu chí về nhiễm vi khuẩn trong thực phẩm (thực phẩm có mang vi sinh vật, độc tố, chất chuyển hóa của nó), quy định về dư lượng tối đa chất gây ô nhiễm trong sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể.

Đối với nguyên liệu và đồ vật tiếp xúc với thực phẩm (ví dụ như bao bì), EU cũng có quy định nhằm ngăn ngừa những biến đổi không cho phép trong thành phần của thực phẩm và đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người.

- Các lô hàng nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận vệ sinh và an toàn thực vật để thể hiện tình trạng sản phẩm, biện pháp kiểm tra và chữ ký xác nhận của cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia trước khi gửi hàng. EU cũng có quy định riêng về vật liệu đóng gói làm từ gỗ không được chứa sâu bệnh.

EU vừa đưa ra quy định sửa đổi về kiểm dịch thực vật. Theo đó, từ ngày 01/9/2019 EU áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt hơn đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, trước đây, EU đã từng cảnh báo Việt Nam về các lô hàng rau thơm không đạt chất lượng, rau quả bị nhiễm vi sinh vật và một số dịch hại. Thậm chí, EU từng cảnh báo nếu phát hiện đủ 5 lô hàng rau quả không đảm bảo quy định thì sẽ ngừng nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng rau quả của Việt Nam.

* Quy định về mức tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Rau quả nhập khẩu vào EU phải tuân thủ quy định về Giới hạn mức tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Quy định này nhằm đảm bảo rằng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm không gây hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, EU còn cấm sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người và động vật hoặc gây hại cho môi trường.

3.2. Quy định về TBT

* Quy định về dán nhãn thực phẩm

Các doanh nghiệp XK cần tuân thủ các quy định chung của EU về dán nhãn hàng thực phẩm. Ngoài ra còn có các quy định riêng liên quan đến nhãn thực phẩm dinh dưỡng.

Trong ngành hàng rau quả, việc sản xuất, dán nhãn hữu cơ phải tuân thủ theo quy định của EU. Đối với khách hàng nhập khẩu EU, mối quan tâm hàng đầu của họ chính là có chứng nhận đáp ứng quy định này hay không.

* Quy định về tiêu chuẩn và phân loại chất lượng

Hàng rau quả tươi nhập khẩu từ nước ngoài vào EU phải tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng thị trường chung của EU. Ngoài ra, EU còn đưa ra các yêu cầu bổ sung riêng cho từng loại sản phẩm rau quả. Các sản phẩm nhập khẩu sẽ được kiểm tra thường xuyên và nếu không tuân thủ các quy định này thì sẽ không được phép tiêu thụ tại đây. Nếu sản phẩm nhập khẩu không nằm trong tiêu chuẩn chất lượng của EU, thì các tiêu chuẩn của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE) sẽ được áp dụng.

Những lô hàng rau quả tươi nhập khẩu từ các nước ngoài khối EU theo tiêu chuẩn EC cần phải có Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn (Certificate of conformity). Các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường EU được dùng để chế biến yêu cầu phải có Giấy chứng nhận sử dụng công nghiệp (Certificate of industrial use).

* Một số tiêu chuẩn khác

- Quy định về Thực hành sản xuất tốt (GMP): EU thực hiện quy định GMP đối với nhà sản xuất nguyên liệu và những sản phẩm có thể tiếp xúc với thực phẩm. Quy định này không áp dụng trực tiếp đối với nhà sản xuất ngoài EU, nhưng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới họ vì khách hàng từ EU sẽ yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

- Tiêu chuẩn BRC (của Hiệp hội Bán lẻ Anh - British Retail Consortium) là một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hàng đầu về vấn đề an toàn thực phẩm, bao bì, lưu kho và phân phối được nhiều công ty bán lẻ và siêu thị lớn áp dụng. Đây cũng là tiêu chuẩn mà nhiều khách hàng EU hiện đang yêu cầu nhà XK thực phẩm phải đáp ứng.

Chi tiết về quy định nhập khẩu, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nói chung và rau quả nói riêng của EU, tham khảo tại trang web: http://www.cbi.eu/marketinfo.