BÁO CÁO CHUYÊN SÂU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG THÁNG 05/2021 (08-06-2021)

  1. Logistics dự báo ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng

Ngành logistics Việt Nam đang trên đà hồi phục và được dự báo còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới, có thể là một trong những lĩnh vực bứt phá mạnh nhất trong năm 2021.

Giới chuyên gia cho rằng, có được điều này là nhờ vào sự phục hồi của thương mại khi các nền kinh tế tái mở cửa trở lại, cũng như vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

*Tiềm năng lớn

Theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy, ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những lĩnh vực nhiều có tiềm năng lớn và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra ngày càng rõ nét.

Việc tạo lập một nền tảng hạ tầng và dịch vụ logistics vững chắc được coi là một trong những thành tố đặc biệt quan trọng trong quá trình “dọn tổ đón đại bàng” cũng như tạo lập cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hội nhập với tâm thế chủ động, hiệu quả và bền vững hơn.

Đây cũng là mối quan tâm lớn của cả Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức đầu tư, tư vấn, đánh giá độc lập của quốc tế và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng tại Việt Nam.

Thực tế, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Quyết định 221/QĐ-TTg cũng đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ chính mà các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần thực hiện để đạt được mục tiêu nêu trên; trong đó, phát triển thị trường dịch vụ logistics là một trong 6 nhóm nhiệm vụ chính mà Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg đã đưa ra.

Có vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, dân số trẻ với sức mua tăng và thị trường bán lẻ trực tuyến bùng nổ, ngành logistics tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu mua bán hàng hóa ngày càng tăng.

Nhu cầu đối với dịch vụ vận chuyển quốc tế, vận tải nội địa và dịch vụ phân phối gia tăng. Triển vọng của nền kinh tế nói chung và sản xuất và xuất khẩu nói riêng mang đến tiềm năng tăng trưởng nhanh và là cơ hội tốt cho ngành logistics Việt Nam trong năm 2021.

Thực tế, logistics luôn gắn liền với xuất, nhập khẩu, trong khi đó hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 rất sôi động.

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, ước tính tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động thương mại sôi động, 4 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 617,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho hay, trong quý I/2021, vận tải hàng hóa bằng đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất; vận tải đường sắt tăng trưởng mạnh nhất, trong khi vận tải thì hàng không vẫn ghi nhận mức ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch COVID-19.

*Doanh nghiệp logistics khởi sắc

Thực tế, các doanh nghiệp logistics có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I/2021. Một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng là Doanh nghiệp cổ phần Transimex (mã chứng khoán: TMS).

Quý I/2021, doanh nghiệp này có doanh thu thuần đạt 1.084 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng cao nên lợi nhuận gộp đạt 112,6 tỷ đồng, tăng 54% so với quý 1/2020. Sau khi trừ các khoản chi phí, Transimex lãi sau thuế 101,2 tỷ đồng, tăng 75,7% so với cùng kỳ.

Nhờ doanh thu tăng cao giúp Transimex (TMS) lãi ròng 99 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) đạt 1.429 đồng, là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử niêm yết của TMS. Hiện nay, Transimex nhà cung cấp dịch vụ logistics với các mảng hoạt động giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, vận tải nội địa và phân phối. Cùng với kết quả kinh doanh tăng tiến vượt bậc, cố phiếu TMS cũng tăng rất mạnh. Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 13/5, TMS có giá 49.800 đồng/cổ phiếu, tăng tới gần 38% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1.

Một doanh nghiệp đầu ngành cảng biển là Doanh nghiệp cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD) cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 với doanh thu đạt 687,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 171,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 14,4% và 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng của Gemadept chiếm 85% tổng doanh thu của GMD, còn lại đến từ hoạt động logistics và cho thuê văn phòng. Trên thị trường chứng khoán, GMD có giá 36.400 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 13/5), tăng gần 10% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1.

Với Doanh nghiệp cổ phần Cảng Đồng Nai (mã chứng khoán: PDN), quý I/2021, lãi ròng của doanh nghiệp đạt hơn 144 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ nhờ doanh thu hoạt động khai thác cảng tăng do tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường. Cổ phiếu PDN cũng tăng nhẹ 2,3% so với đầu năm.

Trong khi đó, Doanh nghiệp cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: PHP) cho biết trong quý I, tổng sản lượng hàng hóa toàn Doanh nghiệp đạt 7,126 triệu tấn vượt 4% kế hoạch và bằng 114,1% so với cùng kỳ; dự kiến doanh thu đạt 440,7 tỷ đồng vượt 3,18% kế hoạch và bằng 120,2% so với năm 2020. Lượng tàu qua Cảng Hải Phòng trong tháng 3 đạt 217 tàu bằng 110,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng cả quý I đạt 585 tàu vượt 15,6% so với quý I năm 2020. Với luồng hàng hải khu vực Hải Phòng đã có công bố về độ sâu chuẩn tắc (-7,0m) nên các hãng tàu đều tăng lượng hàng nhập xuất trên mỗi chuyến, đặc biệt đối với mặt hàng container. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHP tăng 8% so với đầu năm 2021.

Tổng Doanh nghiệp cổ phần Vận tải Dầu khí - PV Trans (mã chứng khoán: PVT)  cho biết trong quý I/2021, PV Trans ghi nhận doanh thu đạt 1.716,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 173,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8,8% và 94,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,3% lên 15%. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVT tăng gần 15% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1.

Nhờ những triển vọng sáng về ngành mà cổ phiếu ngành cảng biển cũng theo đà đi lên. Đà tăng này thực tế đã diễn ra trong thời gian khá dài.

Theo Doanh nghiệp cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), nhóm ngành cảng biển và logistics đã có diễn biến rất tích cực trong năm 2020, với mức tăng tới 42%. Doanh nghiệp chứng khoán này đánh giá, diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngành cảng biển và logistics phần lớn là nhờ kỳ vọng vào tăng trưởng thương mại của Việt Nam do tác động tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FATA) đã ký kết. Cụ thể là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Bên cạnh đó là những kỳ vọng của giới đầu tư vào tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất./.

2. Nguồn nhân lực logistics Việt Nam: Thêm xung lực mới

 Trong những năm qua, dịch vụ logistics tại Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển dịch vụ logistics đặt ra nhu cầu rất cao đối với nguồn nhân lực lĩnh vực này, cả số lượng và chất lượng. Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng trong phát triển dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam cũng có một số điểm bất cập; trong đó bất cập lớn nhất là mạng lưới thiếu tư cách pháp nhân, không có bộ máy, nhân sự để có thể phối hợp các cơ sở đào tạo với nhau và liên kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp là người sử dụng nhân lực.

Nhằm xác định tầm nhìn, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh và phát triển nhân lực ngành logistics, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương về việc chung tay thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới.

Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng trong phát triển dịch vụ logistics. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhân lực logistics.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã dành một mục riêng về đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực logistics.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng cần nâng cao.

Đặc biệt nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán... sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Về lâu dài nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế. Với đặc điểm thị trường dịch vụ logistics mới phát triển trong những năm gần đây, nhân lực logistics Việt Nam có điểm mạnh là nguồn nhân lực trẻ, năng động, ưa thích mạo hiểm và sẵn sàng chịu đựng thử thách cũng như rủi ro.

Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt chính là nguồn nhân lực logistics thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Cùng với đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của lao động logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN chưa cao.

Ngoài ra, vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động thấp cũng là những hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới đối với nhân lực logistics Việt Nam.

Theo kết quả của nhóm nghiên cứu trường Đại học Ngoại thương công bố tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2019, khoảng 60 - 80% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết sự sẵn có của nhân lực logistics lành nghề ở tất cả các cấp từ công nhân lao động trực tiếp đến đội ngũ nhà quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều chủ yếu ở mức trung bình thấp.

Riêng về việc đào tạo trong ngành, tại Việt Nam có ba hình thức đào tạo nhân lực logistics chính, đó là chương trình đào tạo chính quy dài hạn tại các trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp nghề; chương trình đào tạo ngắn hạn tại các viện, trung tâm đào tạo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo và hoạt động tự đào tạo của các doanh nghiệp.

Những năm gần đây đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong đào tạo nhân lực logistics bậc đại học, khi hàng loạt các trường chính thức mở ngành, chuyên ngành đào tạo về logistics. Bên cạnh đào tạo ở bậc đại học, các trường cao đẳng, trung cấp cũng tích cực tuyển sinh và đào tạo nghề logistics. Những số liệu thống kê cho thấy một động thái tích cực của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề nhằm đáp ứng được phần nào nhu cầu cấp thiết của thị trường về nhân lực logistics, giải quyết dần bài toán thiếu nhân lực logistics mà ngành đang phải đối diện.

Tuy nhiên, đào tạo nhân lực logistics bậc đại học, cao đẳng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực logistics: nhận thức chưa đồng đều của các trường cũng như xã hội, đội ngũ giảng viên còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, hệ thống giáo trình chưa được chuẩn hóa, tính kết nối với doanh nghiệp còn thấp... Đây là điểm yếu mà chúng ta cần phải cải thiện nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics.

Để khắc phục những bất cập trên, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động phát triển nhân lực logistics nói chung và đào tạo logistics nói riêng, ngày 30 tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.

Đây là một bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được nêu tại Quyết định 200 và Quyết định 221của Thủ tướng Chính phủ. Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam có nhiệm vụ tham gia thực hiện quyết định của Chính phủ nhằm phát triển nhân lực logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics và phát triển ngành logistics đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.

Theo đó, hoạt động của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam sẽ tập trung xây dựng và phát triển chương trình đào tạo logistics, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, thu hút và tạo ra nguồn nhân lực logistics chuyên nghiệp, chất lượng.

Mặt khác, tư vấn, phản biện cho các cơ quan hoạch định chính sách của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến đào tạo logistics; nghiên cứu, cung cấp thông tin, tư vấn về các vấn đề liên quan đến logistics và đào tạo logistics.

Cùng với các hiệp hội khác trong lĩnh vực logistics như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, ... Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam sẽ cùng chung tay đóng góp để thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới.

Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt từ 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương từ 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Đáng lưu ý, Quyết định 221/QĐ-TTg cũng đặt ra 61 nhiệm vụ cụ thể chia làm 6 nhóm nhiệm vụ chính chính mà các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực…

Vì thế, Bộ Công Thương hiện đang tích cực cùng các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các cơ sở đào tạo, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

3. Chuyển đổi số, "chìa khóa" phát triển cho ngành vận tải toàn cầu

 Những vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ tình trạng thiếu container ở Trung Quốc cho đến lần tắc nghẽn gần đây ở Kênh đào Suez, đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành vận tải.

Xu hướng này đang mở ra hy vọng cho một loạt các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), trước đó còn đang loay hoay tìm đầu ra cho công nghệ theo dõi hành trình vận chuyển bằng phần mềm của mình.

Một phân tích của hãng tin Reuters đối với các startup số trong lĩnh vực vận tải cho thấy có gần 250 doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong mảng logistics của Uber là Uber Freight, và nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đang tìm cách “lên sàn” như Full Truck Alliance.

Quá trình số hóa trong ngành vận tải đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chi phí để đưa các hệ thống kỹ thuật số trong việc theo dõi hành trình vào cơ sở dữ liệu đã làm “nản lòng” nhiều doanh nghiệp.

Giờ đây, nhiều startup đã phát triển các nền tảng có thể hợp nhất với các hệ thống quản lý vận tải của khách hàng, từ đó giúp họ dễ dàng sử dụng chúng ở nhà. Đây là “chìa khóa” đối với Loadsmart, một doanh nghiệp môi giới xe tải ở Mỹ.
Khi các khách hàng của Loadsmart, trong đó có Home Depot, Coca-Cola và Kraft Heinz, đặt chỗ trên hệ thống quản lý vận tải của riêng họ, thay vì phải tìm đến một doanh nghiệp môi giới xe tải, họ sẽ có ngay một bảng chào cước vận chuyển từ Loadsmart.
           Loadsmart đã huy động được 150 triệu USD từ các nhà đầu tư và ghi nhận doanh thu tăng 208% trong quý IV/2020. CEO của Loadsmart Ricardo Salgado nhận định: “Sự chuyển đổi số trước đây được xem là vitamin thì giờ đây là thuốc giảm đau. Nếu bạn không chuyển đổi số, các đối thủ cạnh tranh sẽ đè bẹp bạn”.
Xu hướng chuyển đối số còn diễn ra cùng với làn sóng hợp nhất trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là ở Trung Quốc trước sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp logistics Kuehne & Nagel của Thụy Sỹ ngày 24/5/2021 cho biết sẽ mua lại nhà cung cấp dịch vụ logistics tại châu Á Apex International Corp từ doanh nghiệp MBK Partners, qua đó trở thành doanh nghiệp giao nhận vận tải hàng không lớn nhất thế giới.

Trước đó, hồi tháng Tư, DSV Panalpina cũng cho biết sẽ thâu tóm mảng logistics của doanh nghiệp Agility Public Warehousing Co ở Kuwait trong một thương vụ trị giá 4,1 tỷ USD, qua đó tạo ra doanh nghiệp giao nhận vận tải lớn thứ ba thế giới./.