BÁO CÁO CHUYÊN SÂU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG THÁNG 04/2022 (09-05-2022)

  1. Những thuận lợi và thách thức để tận dụng hiệu quả các FTA
  1. Xuất nhập khẩu năm 2022: Tận dụng hiệu quả các FTA

Kết quả xuất khẩu của 3 tháng đầu năm rất tích cực, thể hiện doanh nghiệp đã có được môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 176 tỷ USD, tăng 14,4% - mức tăng trưởng rất cao, riêng xuất khẩu tăng 12,9%. Đặc biệt, nhóm hàng hóa nông sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá cao, lên đến 18 - 19%. Những mặt hàng như cà phê, gạo, thủy sản đạt mức tăng trưởng còn cao hơn nữa, đạt từ 38 - 50%. Đây là những dấu hiệu chung rất tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Với riêng nhóm mặt hàng nông sản: Xuất nhập khẩu của lĩnh vực nông nghiệp luôn được đặc biệt quan tâm, đặc biệt đối với những sản phẩm mùa vụ và xuất tươi như trái cây, rau, hoa quả… Trong thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn, đặc biệt trong khâu lưu thông. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến nông sản cũng như cung ứng lao động đã được thực hiện rất tốt. Đến nay, sau hơn 6 tháng Nghị quyết được triển khai, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông sản đã có dấu hiệu phục hồi và gia tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhóm hàng nông sản trên thế giới hiện nay đang rất cao. Đặc biệt, với những nhóm hàng như cá tra, tôm, cà phê, hạt tiêu..., thị trường các nước đang gia tăng mua vào. Đây là những thuận lợi rất lớn cho cho hoạt động xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu nông sản tại một số thời điểm có những khó khăn nhất định, như xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường bộ đang gặp khó do các biện pháp chống dịch. Trong tình hình đó, các bộ, ngành đã phối hợp với địa phương biên giới tích cực tháo gỡ cũng như có biện pháp giao thiệp với phía Trung Quốc để có thể giảm thiểu được những tác động từ biện pháp chống dịch đối với hoạt động thương mại nông sản. Từ đó, giúp xuất khẩu - nông lâm - thủy sản tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả đạt được của quý I rất đáng mừng. Nhưng nhìn tổng thể, có thể thấy nhiều vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu. Những thách thức lớn nhất mà chúng ta sẽ phải đối diện trong các tháng tới đây.

Thách thức lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù tại Việt Nam, tác động đã giảm bớt và chúng ta đã có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất, tuy nhiên tác động của dịch bệnh ở các thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Đặc biệt là hiện nay, dịch bệnh bắt đầu gia tăng ở Trung Quốc và với chính sách chống dịch của Trung Quốc như hiện nay, ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa rõ ràng sẽ tác động đến nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam.

Thứ hai, những vấn đề về vận chuyển, logistics. Hai năm vừa qua, tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao và cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thêm vào đó, với việc dịch bệnh khiến Trung Quốc phong tỏa gây ra ùn tắc các cảng tại Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề cước phí.

Thứ ba, bất ổn từ xung đột thương mại tại Nga, Ukraine cũng tác động đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Dù Nga hay Ukraine chưa phải là thị trường lớn của hàng Việt, song hai quốc gia này cũng đang cung cấp những nguyên liệu cơ bản hoặc nông sản như lúa mì, than, phân bón, sản phẩm kim loại… Cuộc xung đột đó sẽ tác động đến giá trên thị trường, dẫn đến giá đầu vào của các nguyên liệu cơ bản nói chung cũng sẽ bị gia tăng.

Sau đó các rào cản kỹ thuật vẫn là trở ngại lớn đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội từ FTA, tiến trình hội nhập kinh tế cũng như tham gia các Hiệp FTA đang mở ra cơ hội nhưng đặt ra cho doanh nghiệp không ít thách thức, trong đó các yêu cầu kỹ thuật như quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường chính là rào cản lớn. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Quả thực, đây là vấn đề, là thách thức đối với hàng hóa, doanh nghiệp mà chúng ta đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Thực tế cho thấy, quá trình tham gia thực thi FTA có nghĩa là các doanh nghiệp đang ở "sân chơi" kinh tế toàn cầu. Với quy mô, cấp độ như vậy, doanh nghiệp phải chấp nhận một "cuộc chơi" với nhiều quy định cao, khắt khe và mỗi thị thị trường có FTA luôn có tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt, cũng như quy định tuân thủ về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, để hàng hóa xâm nhập nhiều thị trường lớn, một số lĩnh vực, nhất là nông nghiệp dù các doanh nnghiệp đã sản xuất theo mô hình VietGap nhưng thế giới lại đòi hỏi mức độ cao hơn là GlobalGap, đây cũng chính là bước cản của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp trong nước không dễ gì đạt tiêu chuẩn cao như vậy khi tiềm lực vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Đặc biệt, hai năm qua, dù một số FTA đã triển khai, thực thi song do đại dịch Covid-19, địa chính trị nên việc tận dụng hiệu quả cơ hội từ FTA của doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải thiện hệ thống quản lý để sản xuất sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.

Năm 2022, ngành Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8% so với năm 2021. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết  , chúng ta sẽ hiện thực hóa mục tiêu?

Cơ hội lớn nhất sẽ đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chúng ta đã ký kết. Gần đây, chúng ta đã liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn và mức độ cam kết sâu. Với những đối tác thương mại đều là những thị trường có quy mô lớn, nhu cầu cao, trên thực tế, các FTA này đã bước đầu phát huy được hiệu quả đáng kể.

Ví dụ, trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), những quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Mexico, Peru đều có mức tăng trưởng xuất khẩu đạt ở mức 25 - 35%, đây là cơ hội rất rõ ràng cho doanh nghiệp Việt Nam. Hay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang triển khai gồm một số thị trường truyền thống trong khối châu Á và một số đối tác khác nhưng với một cơ chế và cam kết sâu hơn, sẽ tạo thuận lợi rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp của chúng ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, RCEP bao gồm các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - những nước đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam hiện nay, việc tham gia cùng với các quốc gia khác trong RCEP sẽ giúp tạo ra sự luân chuyển hàng hóa, giúp Việt Nam có thể kết nối các chuỗi cung ứng của đầu ra - đầu vào tốt hơn.

  1. FTA - Động lực cho thực phẩm sạch và phát triển bền vững

ETA được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao. Để xuất khẩu sang thị trường các nước liên minh châu Âu, thực phẩm cần đảm bảo các loại tiêu chuẩn khác nhau về thực phẩm sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu cũng như đáp ứng các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.

Đối với nhiều doanh nghiệp, họ coi đây là những “rào cản” bởi yêu cầu cao và rất khó đáp ứng dẫn đến việc tận dụng và hưởng lợi từ ưu đãi trong Hiệp định còn hạn chế. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp khác, những tiêu chuẩn cao này lại trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao giá trị của sản phẩm và phát triển theo hướng bền vững. Tập đoàn HANFIMEX Việt Nam là một ví dụ.

Theo thông tin do Cục Xúc tiến thương mại và Doanh nghiệp cung cấp, Tập đoàn HANFIMEX Việt Nam được thành lập năm 2013 với sứ mệnh cung cấp chuỗi thực phẩm sạch. Đây là một trong những nhà cung cấp cũng như xuất khẩu hàng đầu Việt Nam về thực phẩm và gia vị như hạt điều, hạt tiêu đen, hạt tiêu trắng, quế, cà phê vối, dừa khô, v.v…Nhờ việc lựa chọn nguyên liệu sạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà tất cả các sản phẩm đầu ra đều giữ được hương vị và chất lượng nguyên bản. Thành công của Tập đoàn HANFIMEX là nhờ tầm nhìn của họ khi hình thành hệ thống với tư duy 6F: Fresh Farm - Fair Factory - Fine Food (Nông trại sạch–Nhà máy công bằng–Thực phẩm chất lượng). Thêm vào đó là những cam kết tạo ra giá trị từ những nông sản xanh sạch.

Với tầm nhìn dài hạn và bền vững như vậy, HANFIMEX đã thành công xuất khẩu sang những thị trường “khó tính” như Liên minh châu Âu, Trung Đông và nhiều nước châu Á khác. Hiện tại, cả 6 nhà máy của tập đoàn đã đáp ứng được tất tiêu chuẩn xuất khẩu của Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…HANFIMEX cũng hợp tác với hơn 2.000 nông dân tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, những người cam kết không sử dụng chất hóa học trong các nông trại của họ.

Bên cạnh việc tự nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng những tiêu chuẩn cao về chất lượng, trong quá trình vận hành nhà máy, tập đoàn cũng tập trung vào các giải pháp bảo vệ môi trường như sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời với chi phí lắp đặt lên tới gần 10 tỷ đồng, chi phí vận hành khoảng 100 triệu đồng/ năm thay cho sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia. Công ty cũng đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi nước thải được thải ra môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho người lao động.

Sau khi Việt Nam gia nhập ETA, các loaị thuế liên quan đến nông sản được cắt giảm là cơ hội lớn cho công ty mở rộng thị trường, tăng lượng khách hàng mới, đặc biệt là các sản phẩm chế biến. Với nỗ lực sản xuất theo hướng bền vững để theo đuổi mục tiêu xuất khẩu, các sản phẩm của công ty như hạt điều, quế,… đã được cấp giấy chứng nhận của USDA và EU NOIP cho sản phẩm hữu cơ, thành công xuất khẩu và được hưởng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA sang các nước liên minh châu Âu. Hiện tại, Hanfimex đang tập trung vào dự án về các loại hạt dinh dưỡng Hansia với mục tiêu doanh số xuất khẩu sang Châu Âu năm 2025 lên đến 50 triệu đô la.

Trên thực tế, phát triển bền vững trở thành quan điểm xuyên suốt trong các chính sách của Đảng và Nhà nước và đã được lồng ghép trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm. Gần đây nhất, ngày 25/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/CP-NQ về phát triển bền vững.

Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 136 là con người là trung tâm của phát triển bền vững. Có thể thấy quan điểm này trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong các FTA mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định UKVFTA.

Xuất phát từ quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững, trong các quy định của FTA thế hệ mới có đến hai trong ba trụ cột liên quan đến con người, đó là thương mại an toàn và thương mại trách nhiệm xã hội, trụ cột còn lại là thương mại tự do. Có hai quy định về thương mại an toàn liên quan đến an toàn về sức khỏe con người, đó là rào cản kỹ thuật (technical barriers to trade - TBT) và biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (sanitary and physosanitary measures - SPS).

TBT quy định về đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, được sử dụng để bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người và môi trường sinh thái. SPS được áp dụng nhằm bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người, động vật và thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Biện pháp SPS là các yêu cầu về chất lượng, quy trình đóng gói, bao bì, kiểm dịch, cách lấy mẫu, phương thức vận chuyển động vật và thực vật.

Nhằm tạo cầu nối và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả EVFTA, các Hiệp hội ngành hàng cũng đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang thị trường EU cho các thành viên thông qua các chương trình trực tuyến và trực tiếp về cơ hội hợp tác sau đại dịch Covid-19. Trong đó, tập trung tổ chức hoạt động hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp về các FTA cũng như EVFTA rộng rãi, đi vào chiều sâu. Trọng tâm mà hiệp hội hướng tới là cung cấp những thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu hàng hóa, thói quen người tiêu dùng của thị trường EU; xây dựng tiêu chí để khuyến khích hội viên áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất hàng hóa.

Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các FTA thế hệ mới đòi hỏi những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại và dịch vụ với mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và gồm cả những lĩnh vực như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư...

Việc đàm phán thành công và tham gia các FTA thế hệ mới đã chứng tỏ sự trưởng thành của nền ngoại giao, kinh tế Việt Nam, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp nước ta. Tuy vậy, việc tham gia các FTA thế hệ mới cùng các nền kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực mới chỉ là bệ phóng tốt để phát triển kinh tế. “Trái ngọt” từ các cơ hội hợp tác này vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực để tham gia tích cực, chủ động hơn vào “sân chơi” kinh tế quốc tế thời đại mới.

  1. Tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA

Không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế nội tại của nền kinh tế, việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, sáng ngày 24/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ Hội thảo Công bố báo cáo cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo - Viện trưởng CIEM cho rằng: Kể từ khi bắt đầu đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã tiến hành những cải cách toàn diện và đạt được hàng loạt những thành tựu, duy trì liên tục phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một loạt các thách thức đối với quá trình phát triển, những thách thức này đã được nhận diện trong nhiều năm qua, như: Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khiến Việt Nam có nguy cơ “mắc kẹt” trong bẫy thu nhập trung bình, kèm với đó là nguy cơ già hoá dân số, hay những thách thức mới đang nổi lên ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững hậu Covid-19.

Hội thảo diễn ra theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) - cho biết: Thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm thay đổi thói quen tiêu dùng, khiến thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đòi hỏi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường mạng ngày càng quan trọng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp, quyền tác giả và những vấn đề liên quan. Đồng thời, việc chú trọng quyền SHTT cũng giúp Việt Nam thực thi các cam kết đưa ra tại các FTA đã ký kết và mang lại cơ hội cho nền kinh tế.

Cùng với đó, chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập niên vừa qua đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ SHTT ở Việt Nam. Trong đó, những mốc nổi bật phải kể đến, như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ký kết vào năm 2000 hay việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007 đều ghi nhận những cam kết quan trọng của Việt Nam đối với hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ SHTT. Gần đây nhất, các FTA quan trọng, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều có những nội dung quan trọng về bảo hộ quyền SHTT... điều đó càng khẳng định, vấn đề SHTT đang rất được quan tâm.

Tăng cường SHTT là công cụ giúp doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững

Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho rằng: Câu chuyện từ gạo ST25 cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thờ ơ, chưa coi trọng và hiểu rõ vấn đề bảo hộ SHTT tại thị trường nước ngoài. Đồng thời với đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA, theo đó xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng tại Việt Nam và trên toàn thế giới, điều đó giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có những cơ hội nhưng cùng với đó là những thách thức. Và SHTT chính là công cụ giúp doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững.

Dựa trên những phân tích trên, theo các chuyên gia kinh tế, việc chú trọng, bổ sung các quy định pháp luật về SHTT không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng tới phát triển nền kinh tế số, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ quyền SHTT cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là đối với các sản phẩm hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm kỹ thuật số khi mà chúng dễ bị sao chép và phát tán trên Internet. Ngoài ra, các quy định về SHTT được cải thiện sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ của CMCN 4.0 như AI, blockchain, dữ liệu lớn... từ đó mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Lợi ích thì như vậy, nhìn nhận từ thực tế, các chuyên gia kinh tế nhận định, việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam đã thực hiện từ rất lâu, thời gian qua sức ép tham gia các FTA và nội tại nền kinh tế, Việt Nam cũng đã có tiến bộ trong khung khổ xây dựng quyền SHTT. Nhưng xét 2 góc độ, tính đầy đủ của chính sách và tính hiệu quả, thì chúng ta mới đạt được tính đầy đủ, còn hiệu quả thì chưa. Do đó, để tận dụng tốt hơn cơ hội từ FTA, khắc phục những nội tại cố hữu của nền kinh tế, thì vấn đề SHTT cần được quan tâm và thực thi hiệu quả hơn nữa. Theo đó, Báo cáo của nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý về SHTT, cần thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn bằng cách nâng cao ý thức và năng lực bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phụ nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ trong hệ thống và các hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số nói chung và bảo vệ, phát huy tài sản trí tuệ nói riêng.

5. Tham gia các FTA: Cần tuân thủ “luật chơi” theo tiêu chuẩn cao

Tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp (DN) đang được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Song, việc thực thi các FTA cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi DN phải tuân thủ “luật chơi” theo tiêu chuẩn cao.

Chỉ rõ những thuận lợi từ Hiệp định EVFTA, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với cam kết cắt giảm sâu và nhanh mức thuế suất, đối với các hàng hóa dịch vụ, các DN trong nước sẽ nâng cao sức cạnh tranh khi giá thành hàng hóa, sản phẩm được giảm xuống. Bên cạnh đó, thực hiện EVFTA, sẽ tạo áp lực thúc đẩy, đổi mới hệ thống pháp luật; cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tư duy quản lý. Đặc biệt, theo Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, với yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, DN trong nước sẽ nâng cao nhận thức sản xuất hàng hóa, không ngừng nỗ lực cải thiện để có thể tự tin hội nhập vào “sân chơi” kinh tế quốc tế.

Cơ hội lớn, nhưng thực tế, để có thể tận dụng hiệu quả của EVFTA, DN Việt Nam còn rất nhiều khó khăn. Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu - cho hay, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng đồng DN đang rất trông đợi vào các FTA, nhất là EVFTA, để có thể rộng đường xuất khẩu, tiếp cận các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, EU là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, trong khi nguồn lực của DN còn rất hạn chế, để vượt qua được các rào cản thương mại không đơn giản.

Chia sẻ thêm các khó khăn trong việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA của DN nhỏ và vừa, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tham gia vào thị trường xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt, DN càng bộc lộ những hạn chế vốn có. Theo đó, hệ thống sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu; DN chưa chú trọng đến vấn đề sử dụng nguyên liệu đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; mẫu mã, bao bì thiếu sự đổi mới trước đòi hỏi cao của thị trường. Không chỉ vậy, dịch Covid-19 đang khiến cho nguồn nhân lực của DN biến động, thu hẹp; nguồn lực tài chính cũng đang suy yếu nghiêm trọng… Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, nhiều khuyến cáo dành cho DN trong việc tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, đó là: Những DN có mong muốn tham gia xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm phải có ý thức tìm hiểu thị trường, tìm kiếm hướng đi, chọn phân khúc phù hợp với năng lực của mình. Đồng thời, cần chủ động trước bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số, từng bước nâng tầm kỹ năng về quản trị, văn hóa kinh doanh; thay đổi phương thức sản xuất, theo hướng coi trọng những yếu tố đầu vào như nguồn nguyên liệu, nguồn lao động, các tiêu chuẩn sản xuất…

Nhằm tạo cầu nối và hỗ trợ DN khai thác hiệu quả EVFTA, Hội Doanh nhân quốc Việt Âu đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang thị trường EU cho các thành viên thông qua các chương trình trực tuyến và trực tiếp về cơ hội hợp tác sau đại dịch Covid-19. Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã và đang tập trung tổ chức hoạt động hỗ trợ thông tin cho DN về các FTA cũng như EVFTA rộng rãi, đi vào chiều sâu. Trong đó, trọng tâm mà hiệp hội hướng tới là cung cấp những thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu hàng hóa, thói quen người tiêu dùng của thị trường EU; xây dựng tiêu chí để khuyến khích hội viên áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất hàng hóa.