- Hai chiều tác động đến doanh nghiệp Việt
Trước diễn biến căng thăng giữa Nga và Ukraine, một số ngành hàng và doanh nghiệp tại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng với xu thế trái ngược khi có ngành có thêm cơ hội, có ngành chịu tiêu cực.
Dầu khí, thép, phân bón thêm cơ hội?
Theo các chuyên gia, hoạt động giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng giá trị thương mại, lần lượt là 1% và 0,1%. Vì vậy, ảnh hưởng của sự kiện Nga và Ukraine đến thương mại của Việt Nam là không quá lớn. Tuy nhiên, ảnh hưởng rõ ràng nhất đến các doanh nghiệp Việt Nam lại từ tình hình chung của thế giới, với việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, đẩy giá nguyên vật liệu cũng đi lên, kéo theo áp lực về lạm phát.
Chính vì thế, theo các chuyên gia Chứng khoán VnDirect, ngành có khả năng được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng bao gồm dầu khí, thép và phân bón. Cụ thể, giá dầu Brent được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do tác động tổng hợp đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hiện nay và tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine. Điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Đồng quan điểm, theo các chuyên gia Chứng khoán BSC, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn. Đối với nhóm trung nguồn, nhu cầu vận tải dầu năm 2022 dự kiến sẽ gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa.
Đối với ngành thép, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Vì thế, BSC cho rằng, nguồn cung thiếu hụt do các lệnh cấm vận hàng hóa từ Nga sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này như Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Phân bón cũng là một trong những ngành được hưởng lợi, bởi theo VnDirect, Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu và gần 16% thương mại toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng. Do đó, các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, ngành cá tra Việt Nam có thể gián tiếp hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành cá tra Việt Nam vào năm 2021, nên các doanh nghiệp có thể tận dụng tình hình này để mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Ngành vận tải gặp khó
Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, ngành vận tải biển đang phải đối mặt với tác động từ xung đột Nga - Ukraine, vì Nga là nước xuất khẩu lớn dầu khí và nhiều nguyên liệu cơ bản... Hiện tại, tất cả các cảng của Ukraine ở Biển Đen đều phải đóng cửa trong khi các cảng của Nga vẫn hoạt động, tuy nhiên một số hãng tàu bắt đầu cân nhắc việc tạm dừng tất cả các chuyến hàng đến Nga để tránh những hậu quả không mong muốn. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu, SSI cho rằng điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Mặt khác, chi phí nhiên liệu tăng và giá cả tăng do lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sức mua.
Do vậy, Bộ phân phân tích của Chứng khoán SSI nhận định gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến năm 2023, do 3 yếu tố gồm ca nhiễm Omicron tăng nhanh và khả năng xuất hiện các biến thể mới, chính sách "không Covid" của Trung Quốc, căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine sẽ gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu.
Để tránh khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng kế hoạch kinh doanh. Đơn cử, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho hay, Công ty sẽ bổ sung 6 tàu mới trong giai đoạn 2022-2024, nhưng sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh trong thị trường châu Á để tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi. Hơn nữa, trong 3 năm tới, công ty đặt mục tiêu tiến ra thị trường khu vực, với bước đầu là hợp tác với các hãng tàu nước ngoài để mở các tuyến dịch vụ mới trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á bắt đầu từ nửa cuối năm 2022.
Bên cạnh ngành vận tải, theo nhiều báo cáo phân tích, những lĩnh vực như thức ăn chăn nuôi, dầu ăn, điện khí, điện than… cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn với ngành thức ăn chăn nuôi, theo VnDirect, Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ 3 thế giới, căng thẳng giữa 2 nước đã khiến giá lúa mì tăng 17,8% so với mức giá trước xung đột. Trong khi lúa mì là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Còn với ngành điện khí, giá bán điện có thể tăng theo giá dầu thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của nguồn điện khí và biên lợi nhuận bị thu hẹp. Hơn nữa, tiến độ một số các dự án năng lượng của nhà đầu tư Nga có thể bị ảnh hưởng bao gồm nhiệt điện (Long Phú 1, Quảng Trị) và điện năng lượng tái tạo (Vĩnh Phong).
Nói thêm về những tác động đến doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng, các biện pháp trừng phạt thương mại đang khiến giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng cao, đẩy chi phí logistics đi lên… khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu đang hồi phục cũng sẽ bị chững lại. Trong khi đó, Việt Nam lại là nền kinh tế có độ mở cao, nên hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
- Tác động lâu dài đến xuất nhập khẩu
Xuất hiện những rủi ro thương mại
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD. Đối với Ukraine, thương mại hai chiều Việt Nam - Ukraine mới đạt trên 720 triệu USD. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng trên 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu nhìn vào hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nga và Ukraine thì thấy rằng, xung đột giữa 2 quốc gia ít ảnh hưởng đến trị giá XNK của Việt Nam. Tuy nhiên, là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam có thể hứng chịu những tác động sâu rộng trong dài hạn do xung đột Nga - Ukraine. Việt Nam hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, vì vậy sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động của thị trường quốc tế và ảnh hưởng ban đầu đó là về thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển, lưu thông hàng hóa…
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, về lâu dài các lệnh trừng phạt của một số nước nhằm vào Nga sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và công cụ thanh toán. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất sang Nga là điện thoại, máy tính, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, đồ gỗ, da giày, thực phẩm... Theo thông tin hiện nay, các mặt hàng này không nằm trong diện trừng phạt và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể giao dịch với Nga.
“Do tác động của lệnh trừng phạt và kinh tế giảm sút nên đồng nội tệ Nga cũng mất giá rất nhanh, sức mua giảm và việc Nga bị trừng phạt nặng nền làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngại ngần, hạn chế giao dịch với thị trường Nga trong thời gian tới. Dự báo xuất khẩu thời gian tới của Việt Nam sang Nga sẽ có những sự giảm sút nhất định”.
Ngoài ra, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, vì vậy giá cả nhiều mặt hàng thời gian tới sẽ tăng trên phạm vi toàn cầu. Đối với Việt Nam, lạm phát sẽ là yếu tố chính, quan trọng ảnh hưởng trực tiếp khi nói tới nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
- Nhận diện những tác động
Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6. Chính vì vậy, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước trên.
Tác động cả trực tiếp và gián tiếp
Với lịch sử hơn 70 năm quan hệ ngoại giao, Việt Nam là đối tác toàn diện quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của Nga với ASEAN. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga đạt trung bình khoảng 30%/năm.
Năm 2020 - 2021, thương mại song phương vẫn tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 4,85 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Nga gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày. Việt Nam đã nhập khẩu từ Nga các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản.
Nga hiện chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 150 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 953,7 triệu USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thông tin, vật liệu xây dựng mới.
Trong khi đó, Việt Nam - Ukraine thiết lập quan hệ ngoại giao từ 23/1/1992, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, Ukraine đứng thứ 36/140 nước có FDI vào Việt Nam, với 26 dự án, tổng 30 triệu USD và Việt Nam xuất khẩu 344,6 triệu USD, nhập khẩu 375,8 triệu USD từ Ukraine.
Động thái phức tạp liên tiếp diễn ra gần đây xung quanh quan hệ căng thẳng về ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế giữa Nga với Ukraine và một số quốc gia liên quan đã và đang ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến đời sống kinh tế nhiều quốc gia, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Những hệ lụy đang được ghi nhận nổi bật là xu hướng tăng nhanh hơn của giá xăng dầu, khí đốt, giá vàng và áp lực lạm phát; hay sự gián đoạn và đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ tài chính, tiền tệ, du lịch, vận tải xuyên quốc gia của các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế có liên quan đến Nga và Ukraine.
Tăng giá nguyên nhiên liệu, giảm tổng cầu của nền kinh tế
Giá vàng biến động mạnh là một chỉ báo trực tiếp và nổi bật dễ thấy về tác động kinh tế của căng thẳng quan hệ Nga - Ukraine đến Việt Nam. Từ ngày 24/2, khi căng thẳng giữa hai bên bắt đầu nổ ra cho đến nay, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh, đạt những mức chưa từng có trong lịch sử ở cả chiều thu mua và chiều bán ra. Rạng sáng 8/3, giá vàng trong nước đã chạm mốc 74 triệu đồng/lượng.
Tác động tiếp theo dễ thấy nhất là giá xăng dầu. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Ukraine và phương Tây dẫn đến việc giá dầu trên thế giới đã tăng mạnh từ tháng 2/2022 đến nay. Trong nước, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 5 lần tăng giá xăng, với mức tăng khoảng 12 - 13% (tùy loại) và có thể sẽ còn tăng, có tác động đáng kể đến nền kinh tế.
Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu, và chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,4 - 4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế và chiếm tới 35 - 40% chi phí đầu vào của lĩnh vực vận tải. Bởi vậy, giá dầu thô tăng sẽ có những tác động hai chiều tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn. Cụ thể, biến động giá xăng dầu làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó làm tăng nhập siêu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.
Đồng thời, giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày (nhất là giao thông), trong khi giá xăng tăng cũng gây áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo. Chi tiêu cho xăng dầu hiện chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga - Ukraine cũng là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt - dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô… do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn. Bên cạnh đó, một số hãng tàu lớn đã ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga.
Các yếu tố trên sẽ khiến chi phí đầu vào và cước vận tải biển tăng đột biến. Nhìn xa hơn, không chỉ các đơn hàng xuất khẩu sang Nga bị ảnh hưởng mà xuất khẩu sang EU cũng chịu liên đới vì nhiều bạn hàng EU nhập khẩu nông sản Việt Nam để bán sang Nga.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp và cộng đồng người Việt đang đầu tư, làm ăn ở Nga, Ukraine và các nước Đông Âu cũng có thể chịu những thiệt hại nhất định, như khó khăn trong thanh toán ngoại hối; tăng phí chuyển tiền; thiếu hụt ngoại hối và áp lực các đồng tiền giảm giá, tăng lạm phát ở Nga, Ukraine gắn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thanh toán quốc tế của Nga với các nước Đông Âu và thế giới.
Có thể thấy, căng thẳng Nga - Ukraine chưa biết lúc nào có điểm dừng sẽ có những tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng… Theo đó, việc cần nhất lúc này là sự chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm cùng với sự bình tĩnh sẽ giúp Việt Nam có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra.
- Bình tĩnh ứng phó sẽ giảm được những tác động tiêu cực
Mặc dù cả Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn, khi chiếm trên 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng vẫn quan hệ giao thương ở những mặt hàng nông nghiệp, sắt thép, máy móc thiết bị, dệt may… nên căng thẳng giữa 2 nước này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có sự nhìn nhận rõ tầm ảnh hưởng của sự việc và với một thái độ bình tĩnh để ứng phó thì sẽ giảm được những tác động tới doanh nghiệp, nền kinh tế.
Phải nhìn nhận căng thẳng giữa Nga - Ukraine sẽ là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như: khí đốt - dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô… Lý do bởi thị phần sản xuất và xuất khẩu của 2 nước trên rất lớn. Bên cạnh đó, một số hãng tàu lớn đã ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga. Các yếu tố trên sẽ khiến chi phí đầu vào và cước vận tải biển tăng đột biến.
Nhìn xa hơn, không chỉ các đơn hàng xuất khẩu sang Nga bị ảnh hưởng mà xuất khẩu sang EU cũng chịu liên đới vì nhiều bạn hàng EU nhập khẩu nông sản Việt Nam để bán sang Nga. Rõ ràng, dù Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn khi chiếm trên 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn quan hệ giao thương ở những mặt hàng nông nghiệp, sắt thép, máy móc thiết bị, dệt may…thì căng thẳng giữa 2 nước này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vốn được đánh giá rất linh hoạt trong xử lý ảnh hưởng từ các vấn đề liên quan thiên tai, dịch bệnh hay những căng thẳng thương mại giữa các nước. Đó là Chính phủ, các bộ ngành chủ quản luôn trong tâm thế chủ động, bình tĩnh đánh giá tầm ảnh hưởng của vấn đề để đưa ra các quyết định xử lý kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam - đối tượng chịu ảnh hưởng trực diện luôn tìm ra những giải pháp thích ứng với mỗi tình huống, hoàn cảnh.
Ngay tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới các vấn đề ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine đã cho thấy Chính phủ nhận thức rõ được mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột này. Sự chủ động không chỉ từ cấp cao nhất của Chính phủ mà ngay các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng đã có những động thái để đối phó.
Bởi trước khi có chỉ đạo này của Thủ tướng, 2 Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp Phát triển nông thôn- Bộ phụ trách những ngành hàng, lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của tình hình Nga - Ukraine đã có cuộc họp để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp ứng phó. Hai Bộ này đã thống nhất cùng ngồi lại giao ban thường xuyên để nhận thông tin, phản hồi và xử lý thông tin tới các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương đã gửi các hiệp hội và doanh nghiệp khuyến cáo lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ giao do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán. Thận trọng lường trước tình hình, với phương án dài hơi hơn, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu để mở rộng thêm thị trường các nước trong khu vực Á – Âu. Và bộ này cũng sẵn sàng hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của rất nhiều Hiệp định thương mại tự do.
Cũng chính doanh nghiệp đã chủ động tự thân trong giải quyết khó khăn. Mặc dù có thể thấy có những doanh nghiệp khá bất ngờ, lo lắng trước diễn biến của xung đột Nga - Ukrane gây nên những bất lợi trong tiếp nhận đơn hàng từ các đối tác, những chi phí có thể tăng thêm do giao thương khó khăn nhưng có nhiều doanh nghiệp đã chủ động tính toán những bước đi dài hơn như tìm kiếm những thị trường mới, thị trường trong khu vực Á – Âu. Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cũng khẳng định, trong tình huống doanh nghiệp khó thanh toán với Nga, thì cũng sẽ chủ động ứng phó, tìm ra các cách thanh toán mới.
Có thể thấy, căng thẳng Nga - Ukraine chưa biết lúc nào có điểm dừng sẽ có những tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới; trong đó có Việt Nam. Nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng…Nhưng việc chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm cùng với sự bình tĩnh sẽ giúp Việt Nam có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra./.
- Những giải pháp đảm bảo ổn định hoạt động xuất nhập khẩu
Trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp chủ động ứng phó. Hiện nay có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga, nhưng chưa nhận được tiền và đang băn khoăn về việc sẽ thu tiền hàng như thế nào khi Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Việc tìm những cách thức thanh toán khác để thay thế và không làm gián đoạn hoạt động giao thương cần được tính đến. Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt với Nga có thể đặt ra thách thức với những doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nga và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường khác. Những tác động này sẽ diễn ra trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung cao độ việc đánh giá tình hình, tăng cường cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tình hình hiện nay. Bộ Công thương đã có khuyến cáo tới các hiệp hội và doanh nghiệp lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm trễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán. Chính vì vậy, các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng.
Với các doanh nghiệp đang làm ăn tại Nga và Ukraine, nếu gặp khó khăn thì cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng như Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước để tìm hướng tháo gỡ. Đặc biệt là Bộ Công thương sẽ chủ động cùng với Bộ Tài chính nắm bắt tình hình thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều hành đảm bảo nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu này. Trên thực tế xung đột giữa Nga và Ukraine đang khiến giá dầu tăng “dựng đứng”. Ngày 2/3, dầu Brent đã vượt mức 110 USD/thùng - lần đầu tiên kể từ năm 2014. Giá dầu, khí đốt tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới bởi đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu để bình ổn nguồn cung
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn tập trung nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 để bù đắp nguồn cung trong nước và ứng phó với biến động của xung đột Nga - Ukraine, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi kinh tế đất nước.
Cũng theo Bộ Công thương, với mức 3,7 - 3,8 triệu tấn hiện có trong nước, từ nguồn xăng dầu dự trữ, từ nguồn cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là từ nguồn nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường trong thời gian từ đầu tháng 2 đến nay có đủ lượng xăng dầu cung ra thị trường trong nước đến hết tháng 3.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (09-05-2022)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (09-05-2022)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (09-05-2022)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (09-05-2022)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (09-05-2022)