BÁO CÁO CHUYÊN SÂU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI THÁNG 02/2021 (05-03-2021)

1. Dự báo và các khuyến nghị ứng phó rủi ro đối với kinh tế -
thương mại toàn cầu năm 2021

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) đã công bố
Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021. Đây là ấn bản thường niên lần thứ 16 của WEF, tổng hợp kết quả cuộc khảo sát công phu với 650 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo nhiều ngành kinh tế lớn của thế giới về những rủi ro, thách thức thế giới phải đối mặt trong năm 2021.

Năm 2020, nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu đã trở thành hiện thực. Sau những khảo sát thiệt hại của các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội nói chung trong năm qua, việc tăng cường tầm nhìn chiến lược về những thách thức, rủi ro trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khi thế giới nhận thức rõ hơn các rủi ro, sẽ có cơ hội tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn để xác định và phản ánh các rủi ro cho những người ra quyết
định. Trong bối cảnh đó, Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của WEF tập trung phân tích các rủi ro cũng như hậu quả của việc gia tăng bất bình đẳng và phân hóa xã hội. Trong một số trường hợp, sự chênh lệch về sức khỏe, công nghệ hoặc cơ hội lực lượng lao động là kết quả trực tiếp của các tác động mà đại dịch đã tạo ra. Mặt khác, sự phân
hóa xã hội vốn đã tồn tại ngày càng gia tăng biểu hiện thông qua những rủi ro dai dẳng và mới nổi đối với sức khỏe con người, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sự phân chia kỹ thuật số ngày càng rộng và sự vỡ mộng của giới trẻ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong thời đại phức tạp về kinh tế, môi trường, địa chính trị và
công nghệ. Đối với hoạt động kinh doanh, áp lực kinh tế, công nghệ và thành tựu đạt được thời gian qua có nguy cơ gây xáo trộn, đe dọa tạo ra một nhóm lớn người lao động và các công ty bị bỏ lại trên thị trường trong tương lai. Các chính phủ cũng phải cân bằng giữa việc quản lý đại dịch và sự suy giảm kinh tế, đồng thời tạo ra
những cơ hội mới gắn kết xã hội và khả năng chống chọi của người dân. Điều nghiêm trọng nhất, nếu những cân nhắc về môi trường - rủi ro dài hạn hàng đầu một lần nữa không được giải quyết trong ngắn hạn thì suy thoái môi trường cùng với sự phân hóa xã hội sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Dự báo các rủi ro toàn cầu trong 10 năm tới

Theo WEF, trong số các rủi ro tác động cao nhất của 10 năm tới, các bệnh truyền nhiễm nằm ở vị trí hàng đầu, tiếp theo là thất bại về hành động khí hậu và các rủi ro môi trường khác; cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng sinh kế, khủng hoảng nợ và nguy cơ phá vỡ cơ sở hạ tầng CNTT. Chia theo từng giai đoạn, những
mối đe dọa có thể xảy ra nhất trong 02 năm tới bao gồm khủng hoảng việc làm và sinh kế, sự vỡ mộng lan rộng của giới trẻ, bất bình đẳng kỹ thuật số, kinh tế đình trệ, hủy hoại môi trường do con người tạo ra, sự xói mòn trong gắn kết xã hội và các cuộc tấn công khủng bố. Trong 3-5 năm tới, rủi ro kinh tế nổi bật của thế giới
dự báo bao gồm bong bóng tài sản, bất ổn giá cả, cú sốc hàng hóa và khủng hoảng nợ; tiếp theo là các rủi ro địa chính trị bao gồm xung đột trong quan hệ giữa các quốc gia và vấn đề chính trị hóa tài nguyên. Trong thời gian 5-10 năm, các rủi ro môi trường như mất đa dạng sinh học, khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và thất bại trong hành động khí hậu chiếm ưu thế; cùng với vũ khí hủy diệt hàng loạt, tác động tiêu cực của công nghệ và sự sụp đổ của các thể chế hợp tác đa phương.

 

 

Những rủi ro được dự báo sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới trong 10 năm tới

Nguồn: WEF - Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021

05 rủi ro toàn cầu trong năm 2021

Báo cáo của WEF dự báo các rủi ro lớn sau đây:

1. Suy yếu kinh tế và phân hóa xã hội ngày càng gia tăng

Sự chênh lệch về chăm sóc sức khỏe cơ bản, giáo dục, ổn định tài chính và công nghệ đã khiến cuộc khủng hoảng tác động khác nhau đến một số quốc gia và khu vực. Dịch Covid-19 không chỉ gây ra hàng triệu ca bệnh tử vong mà còn tiếp
tục gây ra những hậu quả mạnh mẽ tác động đến kinh tế thế giới. Cú sốc kinh tế của đại dịch dẫn tới hàng trăm triệu việc làm bị mất đi làm gia tăng sự bất bình đẳng và sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia sau đại dịch. Trong năm 2020 chỉ có số ít nền kinh tế có mức tăng  trưởng và mức tăng trưởng này cũng là rất thấp so với tình hình trước khi xảy ra dịch Covid-19. Năm 2021 dự báo sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia tiếp tục diễn ra. Gần 60% số người tham gia khảo sát xác định “các bệnh truyền nhiễm” và “khủng hoảng sinh kế” làm tăng nguy cơ “xói mòn liên kết xã hội” là những mối đe dọa ngắn hạn hàng đầu đối với thế giới.
2. Bất bình đẳng kỹ thuật số ngày càng tăng và việc áp dụng công nghệ đặt ra những lo ngại

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, mở rộng số hóa con người, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến và làm việc từ xa. Những thay đổi này sẽ biến đổi xã hội rất mạnh mẽ sau đại dịch và hứa hẹn những lợi ích to lớn như gia tăng khả năng làm việc từ xa và phát triển vắc-xin nhanh chóng nhưng chúng cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm và tạo ra bất bình đẳng. Những người trả lời khảo sát đánh giá “bất bình đẳng kỹ thuật số” là một mối đe dọa nghiêm trọng trong ngắn hạn.

Khoảng cách kỹ thuật số ngày càng rộng có thể làm trầm trọng thêm sự rạn nứt xã hội và làm suy yếu triển vọng phục hồi toàn diện. Những bước tiến hướng tới sự toàn diện kỹ thuật số đang bị đe dọa bởi việc phụ thuộc vào kỹ thuật số ngày càng tăng, tự động hóa tăng tốc nhanh chóng, lạm dụng và thao túng thông tin, lỗ hổng trong quy định công nghệ và khoảng cách về kỹ năng và năng lực công nghệ.
3. Thế hệ lao động trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức

Mặc dù bước nhảy vọt kỹ thuật số mở ra cơ hội cho nhiều thanh niên, tuy nhiên nhiều người lao động trong số họ hiện đang bị kẹt trong thời kỳ đóng băng việc làm. Không chỉ phải đối mặt với suy thoái môi trường, hậu quả của cuộc khủng
hoảng tài chính, bất bình đẳng gia tăng và sự gián đoạn từ quá trình chuyển đổi công nghiệp thông minh, thế hệ này còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đối với giáo dục, triển vọng kinh tế và sức khỏe tinh thần của họ. Nguy cơ “vỡ mộng của giới trẻ” đang bị cộng đồng toàn cầu xem nhẹ nhưng nó sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới trong ngắn hạn.

4. Khí hậu tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn khi hợp tác toàn cầu suy yếu

Biến đổi khí hậu - vấn đề liên quan đến tất cả mọi người trên thế giới tiếp tục là một nguy cơ thảm khốc. Mặc dù những nỗ lực trên toàn thế giới đã khiến lượng khí thải toàn cầu giảm trong năm 2020 nhưng bằng chứng từ Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 cảnh báo rằng lượng khí thải có thể tăng trở lại trong thời gian tới. Việc các quốc gia chuyển hướng sang các nền kinh tế xanh hơn có thể bị trì hoãn cho đến khi các cú sốc của đại dịch giảm bớt trong bối cảnh các hành động ứng phó với đại dịch đã gây ra những căng thẳng chính trị đe dọa sự ổn định ở nhiều quốc gia. Các cường quốc đang phát triển thường ủng hộ hợp tác đa phương về thương mại, ngoại giao, khí hậu, an ninh và gần đây nhất là sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, nếu căng
thẳng chính trị vẫn tiếp diễn, các quốc gia này sẽ phải vật lộn để phục hồi và củng cố khả năng chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia.

5. Một bối cảnh công nghiệp phân cực có thể xuất hiện trong nền kinh tế hậu đại dịch
Khi các nền kinh tế nổi lên từ cú sốc và kích thích của Covid-19, các doanh nghiệp phải đối mặt với một sự biến chuyển. Các xu hướng hiện tại đã được tạo động lực mới bởi cuộc khủng hoảng: các chương trình nghị sự tập trung ngăn chặn thiệt hại kinh tế, chuyển đổi công nghệ và thay đổi cấu trúc xã hội - bao gồm hành vi tiêu
dùng, bản chất công việc và vai trò của công nghệ tại nơi làm việc và gia đình. Những rủi ro kinh doanh phát sinh từ những xu hướng này đã được tạo ra bởi cuộc khủng hoảng và bao gồm sự trì trệ ở các nền kinh tế tiên tiến và mất tiềm năng ở các thị trường mới nổi và đang phát triển, sự sụp đổ của các doanh nghiệp nhỏ, mở rộng khoảng cách giữa các công ty lớn và nhỏ, giảm tính năng động của thị trường và làm
trầm trọng thêm sự bất bình đẳng; điều này ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững lâu dài. Với việc các chính phủ vẫn đang cân nhắc làm thế nào để chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang phục hồi và việc bối cảnh kinh doanh thay đổi, dự báo sẽ có cơ hội đầu tư vào tăng trưởng thông minh, sạch hơn và bao trùm để cải thiện năng
suất, phát triển bền vững.

 

Những rủi ro đáng lo ngại nhất đối với thế giới và các yếu tố tác động

Nguồn: WEF - Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021

Các nền kinh tế Đông Á và động lực phục hồi thương mại toàn cầu

Sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong quý IV năm 2020 không đồng đều và
phần lớn được hỗ trợ bởi hoạt động thương mại hàng hóa từ và đến các nước đang phát triển.

 

Báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu mới của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương
mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 10 tháng 2 năm 2021 cho biết, thương mại toàn cầu được dẫn dắt bởi thương mại hàng hóa đã phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2020, hạn chế mức giảm tổng thể trong cả năm 2020 xuống còn khoảng 9%.

Tuy nhiên trong khi nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 8% trong quý IV năm ngoái thì thương mại dịch vụ vẫn bị đình trệ do các biện pháp thực hiện trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covi-19 tiếp tục ảnh hưởng đến các lĩnh vực như du lịch. Cần lưu ý rằng, khu vực thương mại dịch vụ chiếm 2/3 sản lượng kinh tế và hơn một nửa số việc làm trên thế giới .

Tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực Đông Á

Sự phục hồi của thương mại thế giới trong Quý IV năm 2020 chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động thương mại hàng hóa từ và đến các nước đang phát triển, đặc biệt là nhờ hoạt động rất mạnh mẽ của các nền kinh tế Đông Á. Nhà kinh tế Alessandro Nicita của UNCTAD, một trong những thành viên thực hiện Báo cáo cho biết: “Quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều với nhiều quốc gia bị tụt hậu”. Cụ thể, thương mại hàng hóa có xuất xứ từ khu vực Đông Á tăng khoảng 12% trong quý IV năm
2020, trong đó nhập khẩu hàng hóa tăng khoảng 5%. Ngược lại, xu hướng sụt giảm vẫn tiếp tục đối với xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hầu hết các khu vực khác. Ảnh hưởng của các nền kinh tế Đông Á thậm chí còn rõ nét hơn khi xem xét tình hình thương mại giữa các nước đang phát triển vượt trội hơn so với tình hình thương
mại toàn cầu.

 

Tăng trưởng tích cực trong hầu hết các lĩnh vực

Báo cáo nhận định: Sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong Quý IV năm 2020 diễn ra trên diện rộng hơn, do thương mại trong hầu hết các lĩnh vực đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Điều này ngược lại với tình hình trong quý 3 năm 2020 khi sự phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa mà
nhu cầu tăng do dịch Covid-19 như thiết bị bảo vệ cá nhân và thiết bị văn phòng gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh lĩnh vực dịch vụ, thương mại trong lĩnh vực năng lượng và thiết bị giao thông tiếp tục ở mức dưới mức trung bình.

Phục hồi thương mại toàn cầu quý I/2021 dự báo chậm lại

Báo cáo nhấn mạnh tác động của dịch Covid-19 vẫn là vấn đề đáng lo ngại
trong năm 2021, lưu ý rằng sự không chắc chắn về thời gian và mức độ của
các gói kích thích kinh tế của các quốc gia sẽ dẫn đến sự phục hồi thương mại
toàn cầu thấp hơn trong những tháng tới. UNCTAD dự kiến rằng quý đầu tiên của
năm 2021 sẽ ghi nhận sự phục hồi của thương mại hàng hóa chậm lại (giảm
1,5% so với quý IV năm 2020) và sự suy giảm hơn nữa đối với thương mại dịch
vụ (giảm 7% so với quý IV năm 2020), chủ yếu do sự tiếp tục gián đoạn trong
lĩnh vực du lịch.

Khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong tình hình dịch Covid-19

Báo cáo của UNCTAD cũng cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các quốc gia trên thị trường toàn cầu, với một số nền kinh tế
giành được thị phần trong một số lĩnh vực nhất định trong khi những nền kinh tế khác bị mất thị phần. “Sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu do dịch Covid-19 mang lại
đã buộc các nhà cung cấp kém cạnh tranh nhất phải rời khỏi thị trường toàn cầu, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà cung cấp cạnh tranh nhất phát triển mạnh
trong quá trình phục hồi”. Trong năm 2020, các nhà xuất khẩu như Trung Quốc,
Thụy Sĩ, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda và Việt Nam có kết quả xuất khẩu tương đối tốt. Ngược lại, Colombia, Nigeria, Saudi Arabia và Venezuela có thành tích
xuất khẩu kém hơn.