BÁO CÁO CHUYÊN SÂU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI THÁNG 01/2021 (08-02-2021)

I. UKVFTA - Cơ hội và thách thức cho hàng hóa Việt Nam sang Vương quốc Anh

Trong bối cảnh Vương quốc Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 01/01/2021 được đánh giá sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, UKFTA sẽ mang đến cả những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Vương quốc Anh đã trở thành thị trường lớn hàng đầu tại châu Âu đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhiều sản phẩm Việt Nam thể hiện qua mức xuất siêu khoảng gần 5 tỉ USD/năm. Cơ cấu hàng hóa Việt Nam và Anh có tính bổ sung lớn.

Các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tại thị trường Anh gồm nông sản nhiệt đới, thủy sản, giầy dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thuỷ tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su của Việt Nam và máy móc, mô tô, dược phẩm, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ và bột giấy, sản phẩm sắt thép, hóa chất. Dư địa tăng trưởng thị phần tại thị trường Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì các sản phẩm xuất khẩu của nước ta hiện mới chỉ chiếm gần 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD trong năm 2019 của Anh.

 

1. Các cam kết chính của Hiệp định UKVFTA

Trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA, UKVFTA đưa ra cam kết về: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế.

Về thương mại hàng hóa

Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan của Việt Nam và UK trong EVFTA, với lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan được tiếp tục kế thừa. Theo đó:

Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang UK, UK về cơ bản kế thừa các cam kết trong EVFTA. Theo đó, sau 06 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, UK sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ UK, Việt Nam kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA. Theo đó, ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 06 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ Anh được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 9 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).

Đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh trong giai đoạn 2014 – 2016. Theo đó, lượng TRQ mà Anh dành cho ta như sau:

 

Mặt hàng

Hạn ngạch EU dành cho Việt Nam

(tấn)

Hạn ngạch Anh dành cho Việt Nam

(tấn)

Tổng lượng hạn ngạch mới của EU và Anh dành cho Việt Nam

(tấn)

Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm

500

68

568

Tỏi

400

54

454

Ngô ngọt

5.000

681

5.681

Gạo đã xát

20.000

3.356

23.356

Gạo đã xay

30.000

5.001

35.001

Gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại

30.000

5.001

35.001

Tinh bột sắn

30.000

12.215

42.215

Cá ngừ

11.500

1.566

13.066

Surimi

500

68

568

Đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao

20.000

2.724

22.724

Đường đặc biệt

400

54

454

Nấm

350

48

398

Ethanol

1.000

136

1.136

Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác

2.000

272

2.272

Ngoài ra, UK còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng TRQ đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Như vậy, có thể nói các cam kết thương mại hàng hóa của UK đã được kế thừa toàn bộ và đem lại lợi ích bổ sung về lượng TRQ đối với 14 mặt hàng được hưởng ưu đãi. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi UK là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).

Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Hai bên thống nhất kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA.

Về thương mại dịch vụ

Hai bên thống nhất về cơ bản kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA, cũng như cam kết các nghĩa vụ chung về thương mại dịch vụ và đầu tư bao gồm:

Tiếp cận thị trường: Đối với những ngành, phân ngành liệt kê Trong Biểu cam kết cụ thể, trừ trường hợp có bảo lưu được ghi rõ trong Biểu cam kết, hai bên cam kết không áp dụng các hạn chế liên quan đến: (i) số lượng doanh nghiệp được phép tham gia thị trường, (ii) giá trị giao dịch, (iii) số lượng hoạt động, (iv) vốn góp của nước ngoài, (v) hình thức của pháp nhân, (vi) số lượng thể nhân được tuyển dụng.

Đối xử quốc gia: Đối với những ngành/phân ngành được liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể, hai bên cam kết dành cho dịch vụ nhà cung cấp dịch và nhà đầu tư của nhau sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư tương tự của mình, trừ trường hợp có quy định khác ở trong Biểu cam kết. Đối với các doanh nghiệp của nhà đầu tư của một Bên đã hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia, hai Bên cam kết đối xử như doanh nghiệp của nhà đầu tư nước mình, trừ những ngoại lệ đã nêu trong Biểu cam kết và một số ngoại lệ cụ thể khác.

Đối xử tối huệ quốc: Hai bên cam kết dành cho khoản đầu tư của nhà đầu tư của nhau đã được cấp phép sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho cho khoản đầu tư của nhà đầu tư của một bên thứ ba. Các lĩnh vực thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và giải trí, vận tải hàng không và thương quyền hàng không, thủy sản và nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và săn bắn, khai thác mỏ và dầu khí không phải áp dụng các nghĩa vụ này.

Các yêu cầu hoạt động: Đối với những ngành/phân ngành liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể, hai bên cam kết không áp dụng các yêu cầu hoạt động như: quy định tỷ lệ hoặc mức xuất khẩu nhất định đối với hàng hóa hoặc dịch vụ, quy định tỷ lệ hoặc mức nội địa hóa nhất định, ràng buộc số lượng hoặc giá trị nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ gắn với khoản đầu tư…

Bên cạnh đó, UKVFTA đưa ra một số điều chỉnh nhất định như sau:

Dịch vụ ngân hàng: Ta đồng ý xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng UK nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 01 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tương tự như trong khuôn khổ EVFTA, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 05 năm (hết thời hạn 05 năm Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này), không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết này sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo quy định của pháp luật của Việt Nam.

Đối với một số ngành dịch vụ (như dịch vụ tư vấn pháp lý; dịch vụ cho thuê máy bay; dịch vụ cho thuê máy bay kèm người lái; dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển, trừ vận tải nội địa), UK sửa đổi biểu cam kết cho phù hợp với pháp luật trong nước của UK.

Mua sắm của Chính phủ

Việt Nam và UK thống nhất kế thừa các cam kết trong EVFTA, với điều chỉnh về nghĩa vụ đăng tải thông báo tóm tắt mời thầu bằng tiếng Anh trên cổng thông tin điện tử. Theo đó, UK cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi nghĩa vụ này. Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ áp dụng đối với Việt Nam sau khi hệ thống tự động dịch và đăng tải thông báo tóm tắt bằng tiếng Anh được thiết lập và hoạt động tại Việt Nam nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của EU.

Bên cạnh đó, lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam sẽ tiếp tục được kế thừa từ EVFTA.

Sở hữu trí tuệ

Tương tự các nội dung khác, cam kết về sở hữu trí tuệ của Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa Hiệp định EVFTA, và do đó sẽ bao gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý (CDĐL)... Các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Khi Hiệp định có hiệu lực, UK sẽ tiếp tục bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột… Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường UK.

Bên cạnh đó, mặc dù UK không còn là thành viên của EU, các CDĐL có nước xuất xứ là UK, bao gồm Scotch Whisky, Scotland Farmed Salmon, và hai CDĐL xuyên biên giới “Irish Cream” và “Irish Whiskey/Uisce Beatha Eireannach” sẽ tiếp tục được bảo hộ tại Việt Nam trong khuôn khổ UKVFTA.

Quy tắc xuất xứ

Bên cạnh việc kế thừa phần lớn các cam kết trong Nghị định thư 1 quy định hàng hóa có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính, hai bên cam kết cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước thành viên EU (cũng như Công quốc Andorra và Cộng hòa San Marino) để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang nước bên kia và được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định.

Đối với Việt Nam, cơ chế cộng gộp này có thể trước mắt chưa đem lại nhiều lợi ích cho hàng xuất khẩu của ta nhưng về lâu dài sẽ giúp hình thành các chuỗi sản xuất giữa hai bên cũng như với EU. Bên cạnh đó, do việc thực thi cơ chế cộng gộp mở rộng chưa từng có tiền lệ, phức tạp và cần phải rà soát trong quá trình thực thi, hai bên đã nhất trí xây dựng cơ chế rà soát cộng gộp theo hướng việc rà soát sẽ được thực hiện vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hướng tới việc đưa ra được những quy trình cần thiết để áp dụng cộng gộp mở rộng. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được quy trình, mỗi bên sẽ có quyền áp dụng quy trình trong nước về cộng gộp.

Các nội dung khác

Hiệp định UKVFTA cũng kế thừa các Chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.

2. Một số mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu

Với UKVFTA, Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại Vương quốc Anh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đồng thời có thêm cơ hội hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp Anh.

Đáng chú ý, với UKVFTA một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo có cơ hội tăng trưởng tại Anh, bao gồm:

a) Mặt hàng dệt may

Năm 2019, Anh nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam mặt hàng may mặc. Trong đó, 10 mặt hàng may mặc xuất khẩu lớn nhất sang Anh gồm: bộ comple, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo khoác ngoài, áo choàng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy (cardigan), gile và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc; Áo choàng, áo sơ mi và áo choàng sơ mi phỏng kiểu nam dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo phông, áo may ô và các loại áo lót khác…

Mặc dù Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn nhất, nhưng 5 năm qua tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may vào thị trường Anh giảm 8%.  Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường cung cấp sản phẩm dệt may cho Anh còn có Bangladesh, Campuchia và Pakistan đều có lợi thế hơn so với Việt Nam về thuế suất (Bangladesh được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA, Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+. Bởi vậy, FTA giữa Việt Nam và Anh sẽ mang lại các ưu đãi thuế quan giúp hàng hóa của ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

b) Mặt hàng Giày dép

Với kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong nhiều năm liền, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu giày dép. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2010 – 2019, từ mức 5,1 tỷ USD năm 2010 tăng gấp hơn 3,5 lần, đạt 18,3 tỷ USD năm 2019. Mặc dù đứng thứ 2 thế giới nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, trong khi Trung Quốc là gần 40%.

Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh.  Tại Anh, thị trường giày dép rất đa dạng, phong phú bao gồm nhiều loại vật liệu (dệt, nhựa, cao su và da) và các sản phẩm từ giày dép nam, nữ và trẻ em khác nhau đến các loại sản phẩm chuyên dụng như giày trượt tuyết và giày bảo hộ.

So sánh với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức, Việt Nam năm 2019 vẫn chịu mức thuế quan cao thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh với mức thuế trung bình 6,7 %.

c) Mặt hàng gạo

Thị trường gạo của Anh khá lớn với nhu cầu nhập khẩu gạo của Anh năm 2019 là 671 nghìn tấn, tăng 10% so năm 2018. Mặc dù Việt Nam làm một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng xuất khẩu gạo của VN sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn với 0,2% và chỉ đứng thứ 22 trong các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào Anh (nguồn: UN Comtrade statistic)

Trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Tuy nhiên mức thuế quan với mặt hàng này năm 2019 vẫn ở mức cao nên khó cạnh tranh với các nước khác. Các nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Anh là Ấn Độ (22%), Pakistan (18%), Tây Ban Nha (11%), Italia (10,9%), Thái Lan (9,2%). Như vậy, Anh là thị trường xuất khẩu gạo rất tiềm năng cho Việt Nam.

d) Mặt hàng thủy sản

 

Thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ta có lợi thế về cả kinh nghiệm, năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm (nguồn: số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC) trong khi đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%. Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính sang Anh là: Trung Quốc, Ireland, Thụy Điển…

FTA song phương giữa Việt Nam và Anh bên cạnh các ưu đãi về thuế quan sẽ đưa ra những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng. Về phía Việt Nam, đây là động lực quan trọng thúc đẩy việc cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường đích, cụ thể là thị trường Anh - quốc gia đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm cao. Chất lượng đầu ra được cải thiện không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang Anh mà còn đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khác.

Dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu từ Anh. Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm thủy sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp. Cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn và là điểm sáng ngành thủy sản xuất khẩu sang Anh hiện nay khi là nhà cung cấp hàng đầu có mức giá phù hợp và quy trình chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam được thị trường EU và Anh chấp nhận.

e) Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ

Vương quốc Anh là một thị trường có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn thành phầm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ mỗi năm. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào thị trường này với giá trị xuất khẩu 421,8 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của Anh. Dẫn đầu hiện đang là Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan, Mỹ (theo nguồn của Trung tâm Thương mại Quốc tế - ITC).

Hoạt động xuất khẩu đồ gỗ sang Anh có nhiều cơ hội vì sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.

FTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ.

f) Mặt hàng rau quả

Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn cũng như thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh đối với các loại sản phẩm hoa quả nhiệt đới, trong thời gian tới, ngành xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Anh một cách thuận lợi hơn và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng. Do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

3. Một số thách thức cần lưu ý

Bên cạnh những cơ hội về thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng nguồn cung hàng hóa, Hiệp định UKFVTA cũng đặt ra những thách thức nhất định trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước. Cụ thể:

+ Những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, đặc biệt là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…

+ Thách thức đến từ việc nhiều mặt hàng, ví dụ như hàng dệt may. Mặc dù Hiệp định tạo thuận lợi trong việc mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định UKVFTA, nhưng do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN, do đó trong thời gian tới, cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu trong ngành này để tận dụng được những cơ hội từ các cam kết của Hiệp định.

+ Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong Hiệp định EVFTA nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

+ Hiệp định UKVFTA bao gồm các cam kết “phi truyền thống” về lĩnh vực lao động, môi trường. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường … phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm. Điều này có thể dẫn tới hậu quả là có rủi ro cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng ưu đãi từ vi phạm của một thiểu số doanh nghiệp. Do đó trong quá trình thực thi, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý các cam kết này.

Rõ ràng, dư địa thị trường cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam tại Vương quốc Anh còn rất lớn. UKVFTA là một công cụ tạo cơ hội và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả Hiệp định UKVFTA và chinh phục một thị trường tiêu chuẩn cao như Vương quốc Anh, đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu thị trường, đổi mới phát triển sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu của người  tiêu dùng Anh, tiếp tục nâng cao trình độ thương mại chuyên nghiệp để xác lập lòng tin vững chắc của bạn hàng, đối tác.

II. Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Vương quốc Anh năm 2020

Nhóm/mặt hàng

 

ĐVT

 

Lượng

Trị giá (USD)

Lượng so năm trước (%)

Trị giá so năm trước (%)

TỔNG GIÁ TRỊ

 

 

4,954,901,572

 

-13.93

Hàng thủy sản

USD

 

344,896,283

 

22.97

Hàng rau quả

USD

 

11,597,093

 

36.87

Hạt điều

Tấn

16,235

92,176,232

-2.07

-16.81

Cà phê

Tấn

27,915

48,248,036

-43.20

-38.88

Hạt tiêu

Tấn

5,621

16,487,006

11.84

2.79

Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc

USD

 

29,881,997

 

7.66

Sản phẩm từ chất dẻo

USD

 

112,127,260

 

0.98

Cao su

Tấn

2,036

2,712,535

-32.45

-25.83

Sản phẩm từ cao su

USD

 

31,398,063

 

70.13

Túi xách, ví,vali, mũ và ô dù

USD

 

87,905,007

 

-16.26

Sản phẩm mây, tre, cói và thảm

USD

 

25,736,886

 

4.48

Gỗ và sản phẩm gỗ

USD

 

229,280,260

 

-26.54

Giấy và các sản phẩm từ giấy

USD

 

7,580,119

 

-5.49

Xơ, sợi dệt các loại

Tấn

22,336

19,234,590

25.91

7.03

Hàng dệt, may

USD

 

555,667,525

 

-28.47

Giày dép các loại

USD

 

498,859,651

 

-20.64

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày

USD

 

20,591,605

 

6.05

Sản phẩm gốm, sứ

USD

 

29,578,007

 

14.23

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

USD

 

3,381,401

 

-13.39

Sắt thép các loại

Tấn

51,851

35,885,141

61.87

46.98

Sản phẩm từ sắt thép

USD

 

39,890,012

 

-41.75

Kim loại thường khác và sản phẩm

USD

 

30,772,906

 

-26.73

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

USD

 

329,362,579

 

9.11

Điện thoại các loại và linh kiện

USD

 

1,382,341,537

 

-30.42

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác

USD

 

535,461,897

 

77.57

Dây điện và dây cáp điện

USD

 

14,685,459

 

-22.36

Phương tiện vận tải và phụ tùng

USD

 

91,319,991

 

-28.17

Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận

USD

 

105,257,915

 

16.35

Hàng hóa khác

USD

 

222,584,579

 

2.61

Nguồn: Tổng cục Hải quan