BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 12/2020 (08-01-2021)

Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

 

  1. Để tận dụng tốt nhất Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam – “Vietnam FTA Portal”

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến tháng 12/2020 Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (trong đó 13 FTA đang được thực thi). Nước ta cũng đã kết thúc đàm phán 01 và đang đàm phán 02 Hiệp định với các đối tác khác. Đặc biệt, hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA có quy mô tác động rộng lớn, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Với các thành quả này, có thể nói đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới (trừ Hoa Kỳ), tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.

Bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và xu hướng phát triển mãnh mẽ của Cách mạng Công nghệ 4.0 đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hình thành Cổng thông tin điện tự về FTA của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu có thể tra cứu tất cả các thông tin cần thiết, đặc biệt là các cam kết liên quan đến thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư...

Trên cơ sở sự hỗ trợ của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a và Ngân hàng thế giới, Cổng thông tin điện tử về các FTA Việt nam đã được xây dựng dựa trên mô hình của Cổng thông tin điện tử FTA của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a (sau đây gọi tắt là FTAP).

Việc xây dựng FTAP được khởi động từ tháng 2/2019. Sau gần 2 năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng các chuyên gia của Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới đã hoàn tất các công việc cuối cùng để khai trương FTAP đầu tiên của Việt Nam tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/

Ngày 23/12/2020, tại Hà Nội Bộ Công Thương đã long trọng tổ chức Lễ khai trương Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal), nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Buổi lễ có sự hiện diện của ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Bà Robyn Mudie, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, việc hình thành Cổng thông tin điện tử về các FTA Việt Nam, đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất thông qua các tính năng quan trọng.

FTAP có khả năng tích hợp các thông tin trong các hiệp định thương mại tự do đa phương, khu vực và song phương của Việt Nam vào trong một hệ thống tra cứu thông minh và thân thiện với người sử dụng. Theo đó, về thương mại hàng hóa, Cổng thông tin điện tử này cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế đối với từng mặt hàng cụ thể theo các FTA của Việt Nam với các đối tác, đặc điểm quy mô thị trường, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi và các thủ tục cần thực hiện và các biện pháp phi thuế mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu/nhập khẩu mặt hàng đó, v.v.. Về thương mại dịch vụ - đầu tư, Cổng thông tin điện tử này cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư liên quan tới từng ngành/phân ngành dịch vụ hoặc phi dịch vụ theo từng phương thức cung cấp dịch vụ cũng như thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật cam kết và hiện hành có liên quan, v.v..

Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân có được thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA này mang lại.

FTAP sẽ cập nhật thường xuyên tình hình và kết quả triển khai thực thi các Hiệp định FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý tại các phiên họp Hội đồng, Ủy ban có liên quan trong các Hiệp định này; Các văn bản pháp luật thực hiện các Hiệp định FTA Việt Nam do cơ quan quản lý ban hành sẽ được cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử về các FTA; Số liệu hoặc thông tin về các thị trường có FTA với Việt Nam sẽ được cập nhật thường xuyên dựa trên các nguồn thông tin tin cậy; Các hội nghị, hội thảo hoặc khóa tập huấn dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến sẽ được thường xuyên cập nhật để doanh nghiệp hoặc những tổ chức, cá nhân quan tâm có thể đăng ký tham gia. Ngoài ra, các ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp khi được xuất bản cũng sẽ được đăng tải công khai để doanh nghiệp hoặc người dân có thể tham khảo; Toàn bộ các dữ liệu trên Cổng thông tin này sẽ được hiển thị dưới dạng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết,  FTAP với giao diện thân thiện, khoa học, tạo sự thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng, sẽ là địa chỉ cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của tất cả các FTA mà Việt Nam tham gia, bao gồm các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, cũng như các thông tin thiết yếu khác cho quá trình giao thương của doanh nghiệp như tình hình thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững v.v.

Công cụ tra cứu được thiết kế cho FTAP cho phép bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào quan tâm đến các cam kết FTA có thể ngồi một chỗ tiếp cận được tiếp cận và hướng dẫn trực tuyến một cách chi tiết, rõ ràng và đơn giản nhất có thể, thay vì phải tự tìm tòi hoặc liên hệ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau để có được thông tin mình cần. Việc này sẽ giảm thiếu tối đa thời gian, chi phí, giúp cho các doanh nghiệp tận dụng được một cách hiệu quả nhất các cơ hội mang về từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do ra đời và chính thức đi vào hoạt động gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, việc hoàn tất FTAP cũng thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng thế giới và Chính phủ Ốt-xtrây-lia trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Trong tương lai, Bộ Công Thương, Chính phủ Ốt-xtrây-li-a và Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển Cổng thông tin này trở thành địa chỉ cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam trong thời gian tới.

  1. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử

Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy hơn nữa xu hướng giao dịch trực tuyến để hạn chế các tiếp xúc trực tiếp về mặt vật lý. Người tiêu dùng Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ, năng động, tỷ lệ kết nối internet cao được đánh giá thuộc nhóm có chuyển đổi nhanh trên thế giới sang môi trường thương mại điện tử. Để đáp ứng nhu cầu đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nhanh chóng chuyển đổi số, tham gia các nền tảng thương mại điện tử nếu không muốn bị thất bại ngay trên sân nhà trước các doanh nghiệp thương mại điện tử của quốc tế.

Năm 2020 đã đi qua với nhiều khó khăn và thay đổi lớn trong hoạt động thương mại. Năm 2021, thị trường thương mại điện tử toàn cầu

Bên cạnh các cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA có hiệu lực, có không ít thách thức đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt phải cùng nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình, và phát triển bền vững hơn nữa tại thị trường trong nước. 

Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Cơ hội cho Doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới” nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mở rộng kênh phân phối, phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.

“Gian hàng Việt trực tuyến” giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí thấp, góp phần đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng qua thương mại điện tử khi mua sắm trực tuyến.

Đây cũng sẽ là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất Việt tới mọi tỉnh thành phố trên cả nước, từng bước giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt, doanh nghiệp địa phương ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, với sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, mang đến cho người tiêu dùng môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, “Gian hàng Việt  trực tuyến” do Cục Thươngmại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì, hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, Doanh nghiệp cũng đã được tiếp cận thêm giải pháp cụ thể và thiết thực khác trong phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” như các giải pháp về tài chính điện tử, chuyển đổi số doanh nghiệp của Ngân hàng VPBank; Giải pháp quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ thông qua công nghệ mã QR code (iCheck)…

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam tham gia Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” có thể liên hệ trực tiếp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS) để tìm hiểu thông tin và đăng ký. Các sàn thương mại điện tử hợp tác với Cục TMĐT&KTS như Sendo, Voso, Tiki cũng đã chuẩn bị đội ngũ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật để hỗ trợ các doanh nghiệp và các sản phẩm hàng Việt sớm triển khai phân phối trên các sàn thương mại điện tử này.

“Gian hàng Việt trực tuyến” hứa hẹn sẽ là cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp sản xuất Việt uy tín đa dạng hoá kênh phân phối, vươn lên mạnh mẽ trước biến động khó lường của đại dịch Covid-19. 

  1. Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử không ngừng đổi mới, hành động quyết liệt và đi vào chiều sâu

Trong năm 2019 - 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Như vậy, sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm 70%). Đến thời điểm hiện tại, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.”

Tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 220 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (trong đó có 159 DVCTT mức độ 3, 61 DVCTT mức độ 4). Đã có 36,000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng Dịch vụ công của Bộ. Tổng số hồ sơ DVCTT trung bình đạt 1,000,000 hồ sơ/năm trong giai đoạn 2016-2020 và tăng dần theo các năm, riêng trong năm 2020 là 1,460,459 hồ sơ, tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

  1. Một năm vượt bão COVID-19 của công nghiệp chế biến chế tạo-động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước

Năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn được duy trì và khởi sắc, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cả năm đạt 4,9%, đóng góp 85% kim ngạch xuất khẩu cả nước, qua đó củng cố thành tích xuất khẩu và thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam. Các ngành công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao như điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, tỷ trọng của các ngành khai thác, sử dụng tài nguyên thô tiếp tục giảm, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp của Chính phủ.

 

Cũng trong năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, tạo ra những động lực mới cho quá trình phát triển công nghiệp, đồng thời tạo cơ sở để các cơ quan Trung ương và địa phương thống nhất hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chính sách công nghiệp hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.

  1. Quy định về quỹ đầu tư phát triển địa phương

Ngày 18 tháng 12 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

 Quỹ đầu tư phát triển địa phương do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập (sau đây gọi tắt là Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ); hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư, ủy thác và nhận ủy thác để thực hiện chức năng Quỹ đầu tư phát triển địa phương của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là HFIC).

Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động dựa trên nguyên tắc và phạm vi như sau:

1. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương:

a) Tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước.

b) Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn điều lệ.

c) Thực hiện cho vay, đầu tư đúng đối tượng và điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

2. Phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương:

a) Huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

b) Cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.

c) Đầu tư các dự án, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.

d) Ủy thác cho vay, đầu tư; nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và Nghị định này.

đ) Thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 02 năm 2021 và thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007.

  1. Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế

“Thông tư số 44/2020/TT-BCT ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch”

Ngày 07/12/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 44/2020/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch.

Cụ thể, danh mục mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất bao gồm: Găng tay y tế (mã 3926.20.90; mã 4015.11.00; mã 4015.19.00); Bộ trang phục phòng, chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) (mã 6210.10.90); Khẩu trang y tế (mã 6307.90.40; mã 7307.90.90).

Thông tư này có hiệu lực từ 22/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

          Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.