BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 11/2021 (13-12-2021)

I. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

1. Xúc tiến thương mại trực tuyến: Có nhiều điểm mới giúp tăng hiệu quả xuất khẩu

Hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến năm 2021 có nhiều điểm đổi mới, giúp các DN thúc đẩy XK trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để xúc tiến thương mại đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới cũng rất cần sự đồng hành sát sườn của DN thông qua sự tìm hiểu, chuẩn bị nhất định cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng hàng hoá.

Lần đầu tiên tham gia triển lãm từ xa

Trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã chủ động triển khai hoặc phối hợp triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến như các hội thảo, hội nghị kết nối cung-cầu trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc cũng như với các đối tác quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, triển khai hoạt động giao thương trực tuyến phần nào đã hỗ trợ được các DN, địa phương trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, ngoài hội nghị kết nối cung-cầu với các địa phương, hội nghị kết nối trực tuyến với các đối tác, bạn hàng quốc tế lớn, 2021 là năm đầu tiên tổ chức thí điểm triển khai cho các DN Việt Nam tham gia triển lãm từ xa ở các hội chợ, triển lãm uy tín lớn.

Thông qua xúc tiến thương mại trực tuyến, DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Tuy nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán.

Ví dụ như, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Hội chợ hoa quả quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc), Hội chợ quốc tế Thành Đô-Tứ Xuyên (Trung Quốc), Hội chợ nhập khẩu quốc tế tại Thượng Hải (Trung Quốc)… “Hội chợ, triển lãm từ xa là hình thức mới. Theo đó, DN không cần có mặt mà chỉ gửi sản phẩm của DN tới ban tổ chức hội chợ, triển lãm để họ trưng bày trực tiếp. Việc kết nối, trao đổi thông tin giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài sẽ thực hiện qua các nền tảng số, ví dụ như hội nghị giao thương kinh tế số của ban tổ chức cung cấp”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nói.

Bên cạnh đó, hình thức triển lãm trực tuyến cũng được đẩy mạnh hơn trong năm 2021. Các DN được tạo lập gian hàng trên môi trường trực tuyến (gian hàng ảo). Sản phẩm của DN được trưng bày thông qua các video clip, các hình ảnh chụp và thông tin cụ thể của sản phẩm, của DN tại kệ gian hàng ảo. Các khách hàng sẽ tham quan và tìm hiểu thông tin sản phẩm, hoàn toàn không có tiếp xúc trực tiếp.

Phụ trách Ban Kinh tế xúc tiến thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến bước đầu đã đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận. DN có thể tiếp cận thị trường nhanh, chi phí không tốn kém. Trước kia, DN tham gia hoạt động xúc tiến trực tiếp phải trả các chi phí cho vé máy bay, vận chuyển hàng hoá, đi lại, ăn ở… Với hình thức trực tuyến, DN chỉ cần làm tốt hoạt động về marketing, giới thiệu hình ảnh sản phẩm, hình ảnh DN.

Bên cạnh đó, trước kia khi DN tham gia hội chợ chuyên ngành thường là chỉ áp dụng cho một nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động trực tuyến có thể có nhiều đối tượng khách mua hàng tham gia, như vậy cùng lúc có thể tổ chức xúc tiến nhiều ngành hàng khác nhau. Đây là hoạt động rất hữu ích cho DN. “Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã triển khai các dự án liên quan khác như mở tài khoản trên sàn giao dịch thương mại điện tử B2B (DN tới DN-PV), B2C (DN tới người tiêu dùng-PV). Hiệp hội cũng triển khai dự án liên quan đến sàn thương mại điện tử B2B. Đến nay, kết quả đem về khá đáng kể. Các DN của Hiệp hội tham gia đã tiếp cận được các hệ thống lớn của Mỹ, Australia, EU…”.

Lo ngại rủi ro

Đánh giá cao phương thức xúc tiến thương mại trực tuyến, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phân tích, xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại trực tuyến là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN.

Việc chuyển đổi tiếp cận thị trường từ mô hình trực tiếp sang trực tuyến nổi lên một số nhược điểm. Hoạt động marketing của DN Việt Nam chưa thực sự mang đúng tính chất là marketting. Đáng chú ý, đây là những hoạt động giao dịch trên nền tảng online nên nhiều rủi ro có thể xảy ra. “Ví dụ như, DN XNK Việt Nam chưa thể tìm hiểu kỹ về đối tác định giao dịch, tất cả chỉ qua không gian ảo. Để khắc phục điều này, các DN cần sự hỗ trợ từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam hay sự hỗ trợ của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Khi triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến rất cần có sự liên kết chặt chẽ để tránh rủi ro cho DN”.

Một điểm hạn chế là khi quảng bá trực tuyến cần nhấn mạnh yếu tố hình ảnh. Trong khi đó, các DN Việt Nam lại chưa thực sự đầu tư cho hình ảnh sản phẩm của DN. Điều quan trọng là DN phải đồng hành cùng cơ quan quản lý xúc tiến thương mại cũng như UBDN các tỉnh, thành phố. DN phải có kiến thức, sự chuẩn bị nhất định để hoạt động xúc tiến hiệu quả hơn.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đề án đang được các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng và dự kiến thời gian sắp tới Thủ tướng sẽ ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án này. “Đề án này là nền tảng, trong đó có đưa ra các mục tiêu cũng như giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bộ, ban, ngành, địa phương, thể hiện sự chung tay của cộng đồng DN, hiệp hội, ngành hàng trong quá trình triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại”.

Ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các DN cũng phải thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; quy cách đóng gói đáp ứng nhu cầu của các nhà phân phối, nhà NK trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, DN cần thường xuyên cập nhật thông tin mặt hàng XK, nhà phân phối, nhà NK tiềm năng cũng như nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị để kết nối giao thương trực tuyến đạt hiệu quả cao.

2. Sử dụng công cụ chính sách phòng vệ thương mại khi tham gia các hiệp định TM tự do thế hệ mới

Phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Nhiều nước coi phòng vệ thương mại (PVTM) là "van an toàn" trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động.

Phòng vệ thương mại đóng vai trò quan trọng khi thực thi các FTA

Đến nay, Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 02 FTA nữa. Trong số 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) là 03 FTA thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Điều này một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như số lượng các vụ việc PVTM gia tăng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế PVTM.

Các FTA truyền thống và cả FTA thế hệ mới hầu hết đều đã có điều khoản về PVTM. Đa số các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ rào cản về thuế đối với thương mại nhưng lại không cản trở quyền của các thành viên tham gia FTA trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM. Vì vậy, công cụ PVTM được nhiều chuyên gia dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ PVTM trong bối cảnh các FTA đã và sẽ bước vào giai đoạn thực thi sâu rộng, hầu hết các dòng thuế nhập khẩu đều đã bị xóa bỏ dẫn đến dòng chảy thương mại gia tăng nhanh chóng, trong thời gian qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều Đề án, Chương trình nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, trong việc ứng phó và sử dụng công cụ này.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong các Đề án.

Giải pháp nâng cao năng lực về PVTM trong thời gian tới

Thực hiện chủ trương chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế cũng như các chính sách, chương trình, đề án, cơ chế phối hợp về PVTM, ngày 02 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới". Đề án tạo ra khuôn khổ toàn diện, tổng thể để tạo điều kiện tăng cường hiệu quả công tác PVTM, bảo vệ hợp pháp và hợp lý sản xuất trong nước, nâng cao hiểu biết, năng lực của các doanh nghiệp, hiệp hội về công cụ PVTM, đồng thời có chiến lược và cơ chế phối hợp nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đề án xác định PVTM là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, cần nâng cao năng lực về PVTM, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao nhận thức, năng lực về PVTM của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý; củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội trong lĩnh vực PVTM; sử dụng hiệu quả các quy định về PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng. Để thực hiện các mục tiêu này, Đề án đã đưa ra các giai đoạn triển khai như sau:

- Giai đoạn 2022-2025: tập trung vào việc: (i) rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực PVTM, từ đó đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại; (ii) xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm để nâng cao năng lực về PVTM; (iii) số hóa công tác điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để giảm gánh nặng hồ sơ cho doanh nghiệp; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu; (iv) đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.

- Giai đoạn 2026-2030: trên cơ sở tổng kết việc triển khai giai đoạn 2022-2025, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM (bao gồm xây dựng hoặc sửa luật, nghị định, thông tư liên quan trong lĩnh vực PVTM); hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm; tăng cường tiếng nói của Việt Nam về PVTM trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để đảm bảo quyền và lợi ích trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động để triển khai Đề án, đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia các Hiệp định FTA./.

3. Truyền thông về EVFTA với phòng vệ thương mại và xuất xứ hàng hóa

Sau 1 năm đi vào thực thi, nhiều thách thức mới đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức buổi Tập huấn truyền thông về “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu COVID-19” và “Phòng vệ thương mại sau một năm EVFTA có hiệu lực” dành cho đối tượng phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông. Sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Với mong muốn cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích về các cơ hội mà EVFTA mang lại, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đã trình bày những nội dụng chính xoay quanh vấn đề xuất xứ hàng hóa trong EVFTA. Chiều cùng ngày, với chủ đề tập huấn là “Phòng vệ thương mại sau một năm EVFTA có hiệu lực”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại sẽ có phần trình bày và tham gia giải đáp thắc mắc các câu hỏi của phóng viên, báo chí.

Đánh giá của giới chuyên gia cho thấy, thời gian qua, phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.

Theo các chuyên gia Bộ Công Thương, sau một năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và EU, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực. Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD và rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được các lợi thế của hiệp định này.

Tuy nhiên, sau một năm đi vào thực thi cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại. Sau một năm kể từ khi thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều ngành xuất nhập khẩu của cả hai khu vực.

Trong những tháng trong năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước./.

4. Tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu hậu Covid-19

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thương mại Việt Nam - EU đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải lưu ý về vấn đề quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng tối đa hiệp định này.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.

Tại hội thảo chuyên đề “Tận dụng cơ hội từ EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19” do Bộ Công Thương chủ trì, diễn ra ngày 16/11, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng xuất xứ hàng hoá, Cục Xuất nhập khẩu - nhận xét, mặc dù hiệp định có hiệu lực khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam sang EU đều tăng trưởng hơn 18% so với trước khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng tạo ra môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư hai bên.

Những kết quả tích cực

Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi thuế quan. Kể từ khi khi EVFTA có hiệu lực đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1, với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử…“EVFTA đã tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu”.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường đang xuất khẩu có nhiều lô hàng được cấp chứng nhận xuất xứ nhất là Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan. Đây đều là những thị trường có các cảng biển nhập khẩu và là điểm trung chuyển, trung tâm phân phối của châu Âu nên từ đây lan tỏa ra các thị trường khác tại châu Âu.

Trong đó, tính trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu vào Đức là 1,12 tỷ USD; Hà Lan kim ngạch nhập khẩu đạt 1,04 tỷ USD; Pháp đạt kim ngạch nhập khẩu 739 triệu USD. Mặt hàng tận dụng tốt ưu đãi thuế quan được cấp C/O nhiều nhất là thủy sản, va li, túi xách, dệt may, giày dép, điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm gỗ.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, tỉ lệ xuất khẩu được cấp chứng nhận xuất xứ từ đầu năm đến nay sang EU đạt 20,37% nhưng không có nghĩa là gần 80% kim ngạch còn lại không được cấp chứng nhận xuất xứ hoặc chịu mức thuế quan cao. Bởi còn nhiều yếu tố khác chưa được tính toán đến như số lượng các công ty tự cấp chứng nhận xuất xứ khi đơn hàng có giá trị dưới 6.000 euro hoặc xin cấp chứng nhận khi đã tiến hành xuất khẩu.

Còn nhiều dư địa

Tại buổi hội thảo, chuyên gia cho biết thêm, bên cạnh những doanh nghiệp đã tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan, một số doanh nghiệp hiện vẫn chưa hiểu rõ về các quy định để tận dụng tối đa ưu đãi từ hiệp định. Một trong những vấn đề nổi cộm là các quy định về xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Theo hiệp định, một số mặt hàng buộc phải có xuất xứ thuần tuý mới được hưởng ưu đãi thuế quan, chủ yếu là các sản phẩm nông sản như cây trồng, rau củ, hoa quả, vật nuôi, trứng, sữa, mật ong,...

Hoặc như đối với các sản phẩm may mặc, Hiệp định EVFTA quy định quy tắc xuất xứ phải được áp dụng từ vải trở đi. Điều này đồng nghĩa là các công đoạn từ dệt vải, cắt may phải được thực hiện tại các thành viên trong hiệp định thì mới được coi là có xuất xứ EVFTA và được cấp C/O. Quy định này khác với quy định trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, khi xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần là vải dù được nhập khẩu từ các nước khác ngoài khu vực ASEAN nhưng sau đó công đoạn cắt may được thực hiện tại Việt Nam thì hàng hóa đó vẫn được coi là có xuất xứ từ Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất cần phải tìm hiểu thật kỹ quy định xuất xứ hàng hoá của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết để đáp ứng, tận dụng các ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, phân phối sản phẩm. Do đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai EVFTA thời gian qua cũng như đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy việc thực thi đạt hiệu quả, trong đó chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tiếp cận các thông tin và chính sách ưu đãi, đổi mới cách thức sản xuất theo hướng bền vững... Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, có kế hoạch phối hợp quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, trong đó có EVFTA...