![](/media/cache/2c/df/2cdf204b8e7a62d1eeb3e2d14093bcd7.jpg)
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
- Chính phủ sẽ tạo thuận lợi nhất cho môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020, một hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Vietnam ngày 27 tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của thanh niên để tháo gỡ vướng mắc, từ thể chế, cơ chế, sở hữu trí tuệ và những vấn đề liên quan, làm sao tạo môi trường tốt nhất cho khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách tốt nhất.
Nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam chưa hoàn thiện và còn nhiều khó khăn, Thủ tướng cho rằng mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại, đặc biệt là nguồn vốn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Đặc biệt, cần quan tâm xem xét kỹ từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý phù hợp.
Để tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, cung cấp các định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận.
“Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thuận lợi nhất. Nhưng khởi nghiệp có thành công được hay không phụ thuộc vào chính bản thân các bạn”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phía mình, các đại biểu là thanh niên, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia diễn đàn đã đặt nhiều câu hỏi có chiều sâu và những lập luận chắc chắn về các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời thể hiện khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ. Qua đó có thể thấy sự trưởng thành lớn từ nhận thức cũng như hình thức tổ chức, các câu hỏi, cách đặt vấn đề, những giải pháp sáng kiến đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ.
Có thể thấy thời gian qua, môi trường khởi nghiệp của nước ta cũng đã đón nhận hàng trăm ý tưởng sáng tạo, hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ thông tin, giáo dục-đào tạo, y tế đến nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải, thương mại điện tử và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Các hoạt động đối thoại thường xuyên với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như Diễn đàn đã góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy các ý tưởng mới để cộng đồng kinh doanh cùng tham gia phát triển, khơi nguồn cảm hứng cho những sinh viên, thanh niên khởi sự kinh doanh, kể cả những doanh nhân, những tập đoàn đã có kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại song phương và đầu tư giữa
Việt Nam-Hàn Quốc thời kỳ hậu Covid-19
“Bộ Công Thương luôn nhất quán ủng hộ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư, Tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”- Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại “Tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với doanh nghiệp Hàn Quốc” do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức ngày 26 tháng 11 năm 2020.
Về phía Hàn Quốc có sự tham dự của Ngài Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cùng lãnh đạo hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như Samsung Electronics, Hyundai Motor, SK, Hanwa, Posco, LG, Lotte, CJ.
|
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao đóng góp to lớn của các đối tác doanh nghiệp Hàn Quốc trong sự phát triển của công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua.Điều này một mặt thể hiện kết quả nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp hai nước, đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đối với Việt Nam.
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt gần 67 tỷ USD.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đã liên tục tăng trong giai đoạn 2014-2019, đến 10 tháng năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 nhưng xuất khẩu vẫn đạt trên 16 tỷ USD, giảm nhẹ khoảng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc các nhóm hàng hàng máy móc thiết bị phục vụ đầu tư, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm, hàng điện tử tiêu dùng...; và xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng có thế mạnh của nước ta như nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử.
Hàn Quốc cũng đang là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với hơn 9.000 doanh nghiệp và tổng số vốn đầu tư tính lũy kế đến tháng 10 năm 2020 đạt xấp xỉ 70,4 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với 8.934 dự án.
Cùng với những nỗ lực lớn về hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phát triển ổn định, có nhiều lợi thế từ các FTA. Đặc biệt Việt Nam hiện là một trong những nước được đánh giá là thành công trong khống chế dịch bệnh Covid-19. Những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh…cũng đang tạo ra điểm cộng cho thị trường Việt Nam trong việc thu hút các đối tác thương mại và đầu tư quốc tế nói chung và Hàn Quốc nói riêng.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, Đại sứ quán Hàn Quốc cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và cam kết sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi với Bộ Công Thương.
- Cải cách kiểm tra chuyên ngành, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là trong một năm nhiều khó khăn, thử thách như năm nay, Chính phủ đã ưu tiên chú trọng cải cách thủ tục hành chính cũng như có những biện pháp quyết liệt trong cải cách kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất 07 nội dung cải cách đã trình Chính phủ vào tháng 9/2020. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc kiểm tra theo mặt hàng sẽ giúp cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Mô hình trên nếu được thông qua sẽ góp phần tạo thuận lợi thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, thông qua việc tiết giảm thời gian, chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, lợi ích của tạo thuận lợi thương mại theo mô hình mới này như sau:
- Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày;
- Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng;
- Giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.285 tỷ đồng mỗi năm.
- Kết nối chuỗi cung ứng, sản xuất và thương mại giữa Việt Nam và Chile
Việt Nam và Chile đã kí Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam từ năm 2014. Từ đó đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này liên tục tăng, từ mức 520,89 triệu USD vào năm 2014 lên 940,64 triệu USD vào năm 2019. Đặc biệt, 10 tháng năm 2020, trong khi thương mại quốc tế nói chung sụt giảm mạnh vì COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam sang Chile vẫn đặt 838,55 triệu USD, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Kết quả này khá ấn tượng khi theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chi Lê, trong 10 tháng đầu năm nay nhập khẩu hàng hóa vào Chile đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước do tác động tiêu cực của dịch bệnh nhưng nước này vẫn tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, sản phẩm của hai nước đang ngày càng mở rộng sang thị trường của nhau. Tại Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Chile 2020 do Bộ Công Thương tổ chức cuối tháng 11/2020, ông Sơn cũng vui mừng thông báo quả bưởi của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Chile.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam (từ đầu năm 2019), còn với Chile và đang chờ Quốc hội Chile phê chuẩn.Khi CPTPP có hiệu lực với cả Chile, doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm rất nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh khai thác thị trường của nhau.
Về phía Chile, Ông Manuel Ubilla Espinoza, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để kết nối doanh nghiệp hai nước giao thương và tìm hiểu thị trường của nhau.
Tại Hội nghị giao thương vừa tổ chức, hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam và Chile đã trao đổi các cơ hội giao thương, các giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, giải quyết các điểm nghẽn, trở ngại để kết nối chuỗi cung ứng, sản xuất và thương mại trên nhiều lĩnh vực như nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng.
- Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Thiết chế đủ mạnh để chống chuyển giá
Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được đánh giá là biện pháp mạnh để chống tình trạng chuyển giá.
Theo Nghị định 132 (thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP), thì tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay. Như vậy, Nghị định 132 đã kế thừa toàn bộ nội dung này của Nghị định 68/2020/NĐ-CP là nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.
Theo Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Mục tiêu của khống chế lãi vay là chống chuyển giá, tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua việc công ty con ở Việt Nam vay vốn quá mức của công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài. Các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam chắc chắn không thực hiện hành vi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thì không nên khống chế chi phí lãi vay”.
Tuy nhiên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, theo các cam kết quốc tế, tất cả các cơ chế, chính sách không được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nên Nghị định 132 vẫn phải áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước. “Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đến nay, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách được ban hành đều không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”, ông Minh khẳng định và cho biết, mức khống chế lãi vay được nâng từ 20% lên 30% là phù hợp với thực tế, theo thông lệ quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về “sự xói mòn cơ sở thuế nội địa và sự dịch chuyển lợi nhuận” (BEPS). Việc khống chế chi phí lãi vay còn nhằm mục tiêu chống doanh nghiệp “vốn mỏng”, hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay; doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hạn chế, nhưng thành lập hàng loạt công ty con, công ty cháu, sẽ dẫn đến mất an toàn tài chính cho cả hệ thống do đổ vỡ hàng loạt trong trường hợp một số doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ.
Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính, hiện nay rất nhiều nước có quy định về vốn mỏng, theo đó lãi phải trả (kể cả vay ngân hàng) đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định so với vốn chủ sở hữu không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Cụ thể, tỷ lệ này tại New Zealand, Đức, Australia, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Pêru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Brazil… là 3/1; Canada là 2/1; Pháp, Mỹ là 1,5/1. Trung Quốc áp dụng tỷ lệ 2/1 đối với doanh nghiệp thông thường và 5/1 đối với các tổ chức tài chính.
Còn tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã từng kiến nghị khống chế chi phí được trừ đối với phần vốn vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, song kiến nghị này hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu trước khi Quốc hội sửa đổi Luật Thuế TNDN vào thời gian tới và việc khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 132 chính là bước khởi đầu để hạn chế doanh nghiệp vốn mỏng, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay lẫn nhau.
“Mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn điều lệ. Nếu doanh nghiệp đi vay quá nhiều, trong trường hợp gặp khó khăn phải đóng cửa, giải thể, phá sản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính bản thân doanh nghiệp cho vay nên cần phải khống chế và việc khống chế không thể có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Minh nhấn mạnh.
Chủ yếu doanh nghiệp FDI bị điều chỉnh
Mặc dù Nghị định 132 không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, trên thực tế, chủ yếu khu vực FDI bị điều chỉnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 16.500 doanh nghiệp có quan hệ liên kết, trong đó có trên 8.000 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. “Trong số doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì doanh nghiệp FDI chiếm trên 83%, như vậy, chỉ có khoảng 17% doanh nghiệp trong nước thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Nghị định 132, cụ thể là bị khống chế tỷ lệ lãi vay”, ông Minh cho biết.
Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế thanh, kiểm tra 647 doanh nghiệp FDI, đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.475 tỷ đồng, giảm lỗ 7.685 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 9.000 tỷ đồng. Trong đó thanh, kiểm tra xác định lại thị trường, giá thị trường đã truy thu trên 793 tỷ đồng, giảm lỗ 4.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 7.793 tỷ đồng. Mặc dù tuyệt đại đa số doanh nghiệp FDI bị điều chỉnh bởi việc khống chế chi phí lãi vay, nhưng ngay cả mức khống chế chi phí lãi vay tối đa 20% theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng chưa thấy doanh nghiệp FDI nào lên tiếng là gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn, chỉ một số doanh nghiệp trong nước là có ý kiến.
“Thông qua các tổ chức của mình như Eurocham, Amcham, Korcham, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản… các doanh nghiệp FDI đóng góp rất nhiều ý kiến xây dựng Nghị định 20/2017/NĐ-CP, cũng như Nghị định 132. Cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, những quy định về chống chuyển giá của Việt Nam được thiết kế theo thông lệ quốc tế, khuyến cáo của OECD cũng như thực tế ở Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước do chưa quen với việc khống chế chi phí lãi vay, bây giờ bị khống chế, mặc dù mức khống chế 30% là mức tối đa theo khuyến cáo của OECD, nên một số doanh nghiệp có thắc mắc, đây cũng là điều bình thường”, ông Minh nói.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng giao dịch liên kết để chuyển giá, giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rất đồng tình với việc phải có một thiết chế đủ chặt để ngăn chặn tình trạng này. Theo ông Hùng, trong thời gian qua, tình trạng chuyển giá, trốn thuế diễn biến hết sức phức tạp và chưa có xu hướng thuyên giảm, bởi thế, cần phải có một thiết chế đủ mạnh như Nghị định 132 mới có thể kiểm soát được hoạt động chuyển giá.
- Một số nội dung liên quan đến tạo thuận lợi thương mại trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của Quốc hội
Ngày 11/11/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, theo đó xác định năm tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta.
Quốc hội đặt ra các mục tiêu tổng quát chco năm 2021 như sau:
- Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.
- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, niềm tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
- Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Quốc hội cũng đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu gồm:
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.
2. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD.
3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.
6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.
7. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế khoảng 91%.
8. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.
9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.
10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.
12. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2020.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (17-12-2020)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (17-12-2020)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (17-12-2020)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (17-12-2020)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (17-12-2020)