![](/media/cache/5e/84/5e842707ace5b482d39de45726079f09.jpg)
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
1..Chính phủ ban hành quy định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
“Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về Quản lý thuế đối với Doanh nghiệp có giao dịch liên kết”
Ngày 05/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo quy định, các bên có mối quan hệ giao dịch liên kết khi: Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia; Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác. Ngoài 10 trường hợp quy định cụ thể doanh nghiệp có quan hệ liên kết theo quy định hiện hành, Nghị định đã bổ sung thêm trường hợp mới.
Theo đó, doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong thời kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong thời kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp được xác định là có giao dịch liên kết.
Người nộp thuế được miễn kê khai, lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế nhưng phải kê khai miễn trừ.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2020.
2. Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 18 tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1832/QĐ-TTg về Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ gồm Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương xây dựng Kế hoạch, bố trí đủ kinh phí và nhân lực để triển khai thực hiện các hành động, chính sách tại Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long; và tích cực triển khai, bảo đảm hoàn thành theo tiến độ đã đề ra tại Khung hành động đổi mới cơ chế chính sách đối với vùng đồng bằng Cửu Long.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện các chính sách về phát triển bền vững với đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được ban hành; trao đổi với các đối tác phát triển khi có yêu cầu và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tiếp tục đàm phán với các đối tác phát triển để thu hút các khoản hỗ trợ cho việc xây dựng cơ chế chính sách trong Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành trong các lĩnh vực: hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; phí, lệ phí và hướng dẫn về chế độ tài chính, thủ tục hải quan áp dụng tại các khu kinh tế, khu thương mại và công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu
Sau khi thống nhất với Bộ trưởng các bộ: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Công an, ngày 19 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 100/2020/TT-BTC bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành trong các lĩnh vực: hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; phí, lệ phí và hướng dẫn về chế độ tài chính, thủ tục hải quan áp dụng tại các khu kinh tế, khu thương mại và công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó:
- Có 10 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan được bãi bỏ gồm:
1. Thông tư số 91/2003/TT-BTC ngày 25/09/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc dán tem hàng nhập khẩu;
2. Thông tư số 216/2010/TT-BTC ngày 29/12/2010 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón và thuốc trừ sâu được tạm thời điều chỉnh thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu;
3. Thông tư liên bộ số 15/TTLB/TCHQ-TC ngày 28/01/1997 của Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính hướng dẫn việc in ấn, cấp phát, quản lý và sử dụng ấn chỉ ngành Hải quan;
4. Thông tư liên tịch số 77/1997/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ ngày 01/11/1997 của Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ và Tổng cục Hải quan về việc dán tem hàng nhập khẩu;
5. Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-TCHQ-BNG ngày 06/06/2000 của liên bộ Tổng cục Hải quan - Bộ Ngoại giao hướng dẫn thi hành Điều 4 Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài;
6. Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT-TCHQ-BNG ngày 21/06/2001 của Tổng cục Hải quan và Bộ Ngoại giao bổ sung, sửa đổi một số điểm quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-TCHQ-BNG ngày 06/06/2000 của Tổng cục Hải quan và Bộ Ngoại giao hướng dẫn thi hành Điều 4 Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài;
7. Thông tư liên tịch số 84/2013/TTLT-BTC-BCT-BGTVT ngày 25/06/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
8. Quyết định số 29/2006/QĐ-BTC ngày 08/05/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy định về mẫu, hướng dẫn sử dụng, in phát hành và quản lý tờ khai nhập cảnh/xuất cảnh;
9. Quyết định 42/2006/QĐ-BTC ngày 18/08/2006 của Bộ Tài chính về việc bổ sung Điều 1 Quyết định số 29/2006/QĐ-BTC ngày 08/05/2006 của Bộ Tài chính ban hành Quy định về mẫu, hướng dẫn sử dụng, in phát hành và quản lý tờ khai nhập cảnh/xuất cảnh;
10. Quyết định số 55/2006/QĐ-BTC ngày 11/10/2006 của Bộ Tài chính về việc bãi bỏ mẫu tờ khai nhập cảnh/xuất cảnh quy định tại Điều 1 Quyết định số 29/2006/QĐ-BTC ngày 08/05/2006 của Bộ Tài chính.
- Có 05 Thông tư trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được bãi bỏ gồm:
1. Thông tư số 05/2010/TT-BTC ngày 13/01/2010 của Bộ Tài chính quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng phục vụ cho việc đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe;
2. Thông tư số 101/2010/TT-BTC ngày 14/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
3. Thông tư số 116/2011/TT-BTC ngày 15/08/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-TTg ngày 29/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành mức thuế nhập khẩu xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã qua sử dụng;
4. Thông tư số 28/2013/TT-BTC ngày 15/03/2013 của Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế nhập khẩu xe ô tô chở người đã qua sử dụng quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 36/2011/QĐ-TTg ngày 29/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
5. Thông tư số 128/2016/TT-BTC ngày 09/08/2016 của Bộ Tài chính quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
4. Cải cách Tài chính mạnh mẽ, lan tỏa tác động tích cực đến hoạt động doanh nghiệp
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2020. Hội nghị nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách và thủ tục hành chính mới trong hai lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan này.
Hỗ trợ về thuế - “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ DN, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về thuế để thông qua đó, giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN.
Trình bày về các chính sách thuế mới ban hànhVụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nhiều chính sách mới đã ban hành như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19...
Thống kê cho thấy, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến hết năm nay là khoảng 99,3 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2020 là khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng quản lý thuế hiện đại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cụ thể cung cấp 194 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 cục thuế, trong đó đã tích hợp 150 thủ tục hành chính (TTHC) qua Cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống khai thuế điện tử chiếm khoảng 99,32% DN đang hoạt động với hơn 11,28 triệu hồ sơ.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với khoảng 780,6 nghìn DN (đạt tỷ lệ 97,63%); đẩy mạnh triển khai hệ thống hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh với số DN tham gia là 8.131 (đạt 95,85%). Hỗ trợ các DN tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; đã triển khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy tại Cục Thuế TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...
Hiện đại hóa thông quan, thuận lợi hóa hoạt động thương mại
Đối với lĩnh vực hải quan, phát biểu tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tập trung chú trọng công tác cải cách TTHC, bảo đảm việc cải cách được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu từ xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật đến khâu tiếp nhận, giải quyết các thủ tục... Trong đó, ngành Hải quan đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế. Đồng thời, Tổng cục Hải quan hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN xuất nhập khẩu, phù hợp với sự phát triển của thương mại quốc tế”.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan tập trung thực hiện khai báo điện tử và xử lý thông quan tự động. Đến nay, Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) được vận hành tốt với sự tham gia của hơn 99,65% DN tại 100% các đơn vị hải quan. Thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Ngành Hải quan đã triển khai hiệu quả Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 với 44 ngân hàng phối hợp thu và số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 98,6% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển và cảng hàng không, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 cục hải quan tỉnh thành phố.
5. Chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á – Thái Bình Dương
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế. Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tầm nhìn đến năm 2040 về một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai, trong đó APEC tiếp tục là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.
Với kết quả này, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020. Là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 27 đã diễn ra trực tuyến vào tối ngày 20/11/2020 (giờ Việt Nam), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin.
Tham dự Hội nghị có các nhà Lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lãnh đạo Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế. Trước những tác động và thiệt hại nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với thế giới và khu vực, các nhà Lãnh đạo APEC bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những mất mát của người dân và tri ân những lực lượng đã và đang ở tuyến đầu chống dịch.
Các nhà Lãnh đạo nhất trí với đánh giá của Tổng giám đốc IMF cho rằng kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn suy thoái nặng nề, đại dịch đã làm đảo ngược những thành tựu của thế giới về xoá đói giảm nghèo trong ba thập kỷ qua và gia tăng bất bình đẳng. Hội nghị nhấn mạnh quá trình phục hồi còn nhiều rủi ro và không đồng đều, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, các nhà Lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy các gói kích thích kinh tế, chú trọng tài khóa minh bạch và bền vững, tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của người dân, nhất là các doanh nhân và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Các nhà Lãnh đạo APEC khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường lòng tin, phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương, nắm bắt các cơ hội mới trên nền tảng công nghệ số, kết nối số để đưa châu Á – Thái Bình Dương sớm phục hồi và tiếp tục giữ vai trò động lực của tăng trưởng toàn cầu. Hội nghị đề cao vai trò của khoa học công nghệ trong kiểm soát và ứng phó dịch bệnh, bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng của tất cả người dân đối với vắc xin và các sản phẩm y tế thiết yếu an toàn, chất lượng, hiệu quả và chi phí hợp lý.
Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng chia sẻ đánh giá về những chuyển biến sâu sắc và xu thế lớn của thế giới và khu vực, vai trò của hợp tác APEC trong cục diện đang định hình. Bên cạnh tiếp tục khẳng định duy trì môi trường thương mại và đầu tư mở và tự do, hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và hoạt động hiệu quả, các nhà Lãnh đạo cam kết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa liên kết kinh tế, kết nối toàn diện, kết nối số tại châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, Hội nghị có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương, hoan nghênh Hiệp định Đối tác toàn diện chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được triển khai và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) vừa được ký kết ngày 15/11/2020 tại Hà Nội.
Trên cơ sở đánh giá những thành tựu của khu vực trong triển khai các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở được thông qua từ năm 1994, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Tầm nhìn mới của hợp tác khu vực. Theo đó, Tầm nhìn đến năm 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Tầm nhìn APEC 2040 sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế kỹ thuật,… cùng với các động lực mới về đổi mới, sáng tạo, quá trình số hóa và chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
Hội nghị đánh giá cao đóng góp và những đề xuất tham vọng và thiết thực của Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG), Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) trong quá trình thảo luận và xây dựng Tầm nhìn trong 3 năm qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhiều nhận định về cục diện thế giới và khu vực cũng như định hướng thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó dịch bệnh thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và trên hết là tăng cường hợp tác đa phương, cũng như cân bằng giữa hành động ngắn hạn và xử lý các thách thức trung và dài hạn trong ứng phó “đa khủng hoảng” hiện nay.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam nói riêng và của Cộng đồng ASEAN nói chung trong chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, kịp thời, kiểm soát đại dịch, xử lý các hệ lụy kinh tế, xã hội và từng bước phục hồi kinh tế.
Về định hướng hợp tác APEC, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ ấn tượng trước những kỳ tích về phát triển kinh tế, xã hội của châu Á – Thái Bình Dương sau hơn 25 năm theo đuổi thực hiện các Mục tiêu Bogor; đồng thời khẳng định trọng trách kế thừa các thành tựu, cùng nhau xây dựng tương lai để APEC tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu và khả năng thích ứng trong một thế giới thay đổi và cấu trúc khu vực đang định hình.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số đề xuất có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC thời gian tới. Thủ tướng đề nghị APEC phối hợp hành động kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh động lực mới đối với APEC chính là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực để nâng cao các giá trị cốt lõi của APEC trong CMCN 4.0. APEC cần đi đầu đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực số, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách số…
Bên cạnh đó, phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu… cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC. Trong đó, người dân và doanh nghiệp cần được đặt vào trung tâm của phát triển và liên kết kinh tế. APEC cần hỗ trợ các thành viên phát triển theo hướng thông minh hơn, xanh hơn và bao trùm hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC để biến tầm nhìn và ước vọng được thông qua ngày hôm nay thành trái ngọt của hoà bình, ổn định và hạnh phúc của mọi người dân trong khu vực.
Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27 đã thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 và Tuyên bố chung Kuala Lumpur năm 2020, đánh dấu việc hoàn thành thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng về thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC và xây dựng định hướng hợp tác của APEC trong giai đoạn phát triển mới, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chính thức nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 với chủ đề “Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng”.
6. Rà soát nhà xuất khẩu mới đối với một số sản phẩm thép hợp kim
“Quyết định số 2880/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân Quốc (mã vụ việc: NR01.AD04)”
Ngày 10/11/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2880/QĐ-BCT về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân Quốc (mã vụ việc: NR01.AD04).
Quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mã HS 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7212.40.11, 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.91, 7212.40.92, 7212.40.99, 7225.99.90, 7226.99.19, 7226.99.99 có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân Quốc (mã vụ việc: NR01.AD04).
Cụ thể, hàng hóa thuộc đối tượng rà soát là các sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim, được cán phẳng, được mạ hoặc không được mạ sau đó được sơn. Việc rà soát được thực hiện đối với bên yêu cầu là công ty KG Dongbu Steel (Hàn Quốc) đã có yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát nhà nhập khẩu mới và áp dụng mức thuế chống bán phá giá riêng đối với công ty.
Đồng thời, thời kỳ ra soát từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/9/2020.Thời hạn rà soát không quá 3 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, có thể gia hạn tối đa 03 tháng/lần.Việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát không được gây cản trở việc áp dụng biện pháp chống phá giá đang có hiệu lực.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (17-12-2020)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (17-12-2020)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (17-12-2020)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (17-12-2020)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (17-12-2020)