![](/media/cache/96/ff/96ff18957cb03b0bd40169a2c9a5fae6.jpg)
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
1. Chính sách thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu
Để DN hiểu cơ quan Hải quan hướng dẫn về chính sách thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu, các quy định, chính sách của pháp luật trong lĩnh vực hải quan liên quan đến nguyên liệu NK tại chỗ, theo Tổng cục Hải quan tại khoản 3 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định “hàng hóa XNK tại chỗ” thuộc đối tượng chịu thuế XNK.
Tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa XNK tại chỗ bao gồm: a) Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; b) Hàng hóa mua bán giữa DN nội địa với DN chế xuất, DN trong khu phi thuế quan; c) Hàng hóa mua bán giữa DN Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với DN khác tại Việt Nam”.
Điểm h khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP cũng quy định: “Sản phẩm NK tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế NK nếu người NK tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm NK tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người NK tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm NK tại thời điểm đăng ký tờ khai. Trường hợp người NK tại chỗ đã nộp thuế NK hàng hóa để sản xuất, kinh doanh, đã đưa sản phẩm NK tại chỗ vào sản xuất hàng hóa XK và thực tế đã XK sản phẩm ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan thì được hoàn thuế NK đã nộp theo quy định tại Điều 36 Nghị định này”.
Ngày 1/6/2021, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Theo đó, tại điểm 4 mục 2 công văn số 2687/TCHQ-TXNK hướng dẫn: “Sản phẩm NK tại chỗ đăng ký tờ khai theo loại hình khác (không phải loại hình gia công), người nộp thuế sử dụng mã loại hình nhập kinh doanh (A11), nhập kinh doanh sản xuất (412), kê khai, nộp thuế NK”.
Đối chiếu với các quy định trên, Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp Tổng Công ty Khánh Việt ký hợp đồng nhận gia công với thương nhân nước ngoài để gia công tách cọng lá thuốc lá, sau khi kết thúc quá trình gia công, Tổng Công ty Khánh Việt có nhu cầu mua lại thành phẩm gia công (lá đã tách cọng, cọng thu hồi) của bên đặt gia công để sản xuất hàng hóa XK (sản phẩm NK tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác, không phải theo loại hình nhập gia công) thì Tổng Công ty Khánh Việt phải đăng ký tờ khai hải quan mới theo loại hình nhập kinh doanh (A11), nhập kinh doanh sản xuất (A12), kê khai, nộp thuế NK và các loại thuế khác tương ứng với mã loại hình tờ khai A11, A12.
Sản phẩm gia công (lá đã tách cọng, cọng thu hồi) đã nộp thuế NK, sau khi đã đưa vào sản xuất và thực XK sản phẩm ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan thì Tổng Công ty Khánh Việt được hoàn thuế NK tương ứng với lượng nguyên liệu, vật tư NK cấu thành trong sản phẩm đã XK theo quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
2. Cho phép nhập khẩu hàng hóa tân trang đáp ứng tiêu chuẩn và an toàn
Hàng hóa tân trang được cấu thành một phần hoặc toàn bộ từ vật tư, nguyên liệu tái sử dụng, có vòng đời sản phẩm, công năng sử dụng như hàng hóa mới và được sản xuất bảo hành như hàng hóa mới.
Bộ Công Thương chỉ cho phép nhập khẩu hàng hóa tân trang đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo an toàn sử dụng, an toàn sức khỏe của con người, môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu hàng hóa tân trang, người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất nội địa trong lĩnh vực công nghiệp.
Đây là nội dung Dự thảo Nghị định quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến tham khảo từ phía nhân dân. Theo dự thảo, hàng hóa tân trang là hàng hóa được cấu thành một phần hoặc toàn bộ từ vật tư, nguyên liệu tái sử dụng, có vòng đời sản phẩm, có công năng sử dụng như hàng hóa mới và được doanh nghiệp sản xuất bảo hành như hàng hóa mới.
Bộ Công Thương cho biết, tại một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), cam kết về hàng hóa tân trang đã được đề cập. Do đó, các nước cam kết không đối xử mặc định hàng hóa tân trang như hàng hóa đã qua sử dụng.
Bên cạnh việc thực thi cam kết, xu hướng phát triển hàng hóa tân trang đang là một xu hướng mới, xu hướng của tương lai khi các nguồn nguyên vật liệu, nhất là nguyên liệu quý, có giá trị dần trở nên khan hiếm. Hiệp định CPTPP cũng đã nêu rõ, nếu Việt Nam áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hàng đã qua sử dụng thì không được áp dụng các biện pháp này đối với hàng tân trang.
Vì vậy, việc ban hành văn bản pháp luật quy định thực thi cam kết về nhập khẩu hàng hóa tân trang cần phải được thực hiện để đảm bảo phù hợp với cam kết và tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động này. Với cơ sở pháp lý nêu trên, nhằm thiết lập cơ chế quản lý công khai, minh bạch, chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa tân trang, Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP là cần thiết.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ nội dung cam kết về hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP đối với các nước thành viên Hiệp định, đáp ứng yêu cầu hội nhập và trách nhiệm thực thi các cam kết quốc tế. Bởi vậy, chỉ mở cửa thị trường cho chủng loại hàng hóa tân trang đáp ứng yêu cầu Hiệp định và cho hàng hóa của các nước thành viên Hiệp định.
Bộ Công Thương chỉ cho phép nhập khẩu hàng hóa tân trang đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo an toàn sử dụng, an toàn sức khỏe của con người, môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu hàng hóa tân trang, người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất nội địa trong lĩnh vực công nghiệp.
Dự thảo Nghị định quy định chỉ cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa tân trang quy định tại Nghị định này và đáp ứng các điều kiện được xác nhận, cam kết có công năng sử dụng, vòng đời sản phẩm và chế độ bảo hành như hàng hóa mới; được tân trang tại cơ sở sản xuất hoặc cơ sở tân trang của doanh nghiệp sản xuất (gọi chung là cơ sở tân trang) và cơ sở này phải được Bộ Công Thương cấp mã số cơ sở tân trang.
Mặt khác, hàng hoá phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP; đáp ứng quy định của pháp luật Việt Nam về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn, đo lường và bảo vệ môi trường như hàng hóa mới cùng chủng loại; được ghi nhãn bổ sung để xác định là hàng hóa tân trang khi phân phối, lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Quy định về điều kiện đối với hàng hóa tân trang như dự thảo Nghị định là hoàn toàn phù hợp với cam kết tại Hiệp định CPTPP và đảm bảo nguyên tắc quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang vào Việt Nam như đã nêu ở trên. Ngoài ra, thương nhân được quyền nhập khẩu hàng hóa tân trang khi hàng hóa đó đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này và được các bộ, cơ quan ngang bộ cấp giấy phép nhập khẩu.
Thương nhân nhập khẩu có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương và bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý định kỳ trước ngày 30/1 hằng năm về tình hình nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP của năm trước đó theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này./.
3. Quản lý thuế đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử
Hiện nay theo quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh (không phân biệt hàng hóa thương mại điện tử hay hàng hóa khác) có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có tổng số thuế từ 1 trăm nghìn đồng trở xuống thì được miễn thuế nhập khẩu (khoản 11 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ). Tuy nhiên chưa quy định cụ thể số lần hoặc cụ thể lô hàng được miễn thuế. Do vậy dẫn đến việc người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm mục đích miễn thuế.
Giới hạn số lần hưởng định mức miễn thuế
Để tương đồng với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, tại dự thảo Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử quy định cụ thể:
“a) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống;
b) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1.000.000 đồng Việt Nam nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam.
Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm b khoản này không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng.
2. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1.000.000 đồng Việt Nam và có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng Việt Nam thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu".
Việc quy định về giới hạn số lần hưởng định mức miễn thuế tương tự quy định đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới hiện đang được quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), quy định như vậy nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế khi thực hiện mua bán hàng hóa qua giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, để hạn chế việc lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính theo quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, cũng như để đồng bộ chính sách ưu đãi về thuế giữa hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề xuất định mức miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính phải được áp dụng theo định mức đối với hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử như đề xuất trên.
Hiện tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Tuy nhiên để đảm bảo thống nhất với quy định tại dự thảo Nghị định này cũng như quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và thông lệ quốc tế (từ ngày 1/7/2021 các nước EU sẽ xóa bỏ quy định miễn thuế thuế giá trị gia tăng với các lô hàng từ 22 euro trở xuống nhằm hạn chế gian lận giữa các thương nhân, như vậy từ 1/7/2021 hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử tại các nước EU đều phải nộp thuế giá trị gia tăng), do đó Bộ Tài chính đề xuất tại Nghị định này bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg.
Làm rõ cách áp dụng các chính sách thuế
Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường, thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Theo đó, người nộp thuế phải nộp đủ các loại thuế này đối với toàn bộ lô hàng. Theo quy định hiện hành hầu hết hàng hóa xuất khẩu có thuế suất bằng 0, do vậy tại dự thảo Nghị định không quy định nội dung miễn thuế xuất khẩu (tương tự như đối với các loại hàng hóa được miễn thuế tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ).
Về trị giá hải quan, thực tế hoạt động mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, người mua đặt mua hàng và đưa vào giỏ hàng điện tử (thông qua trang web), sau đó chuyển tiền cho người bán/hoặc sàn giao dịch điện tử qua các phương thức điện tử (ví dụ chuyển khoản online, thanh toán bằng ví điện tử…). Người bán (hoặc sàn giao dịch điện tử) sau khi nhận được tiền thanh toán thì phát hành chứng từ điện tử gửi cho người mua (qua phương tiện điện tử); gửi hàng hóa giao tới tay người mua (chứng từ giấy được gửi kèm cùng hàng hóa), sau đó người mua sẽ nhận hàng hóa và giao dịch kết thúc.
Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), hiện nay pháp luật về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang được quy định tại Điều 86 Luật Hải quan, Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 60/2019/TT-BTC. Theo đó, hàng hóa XNK qua thương mại điện tử được áp dụng xác định trị giá hải quan như đối với các hàng hóa khác, không phân biệt mua bán bằng phương thức nào.
Hàng hóa mua bán qua thương mại điện tử thường là hàng hóa do cá nhân mua và là hàng tiêu dùng đơn lẻ, trị giá nhỏ, chứng từ xác nhận giao dịch mua bán thường là đơn hàng ở dạng điện tử. Trong nhiều trường hợp người mua chọn thời điểm người bán giảm giá sâu (flash sale, sale off) để đặt mua hàng nên giá mua bán được giảm mạnh so với giá cũ; người mua chỉ quan tâm đến việc nhận hàng (ở địa điểm trong nội địa nước nhập khẩu) và trả đúng số tiền ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ khác tương đương, mà không quan tâm đến cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập như các hoạt động xuất nhập khẩu thông thường.
Trên cơ sở nguyên tắc xác định trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 2, 3 Điều 86 Luật Hải quan, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại đối với hoạt động này, tại dự thảo Nghị định quy định như sau:
“1. Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua giao dịch thương mại điện tử là giá bán ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, không bao gồm chi phí vận tải quốc tế và bảo hiểm quốc tế.
2. Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử là giá mua ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, bao gồm chi phí vận tải quốc tế và bảo hiểm quốc tế (nếu có)”.
Ngoài ra về thu nộp thuế, phí hải quan, để tạo thuận lợi cho người khai hải quan, Bộ Tài chính đề xuất quy định về thu nộp thuế, phí hải quan tại dự thảo Nghị định theo hướng (tương tự như nộp thuế và phí hải quan đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh), cụ thể: Doanh nghiệp khai hải quan thực hiện nộp thuế thay cho chủ hàng thì nộp trước một khoản tiền tương ứng với số thuế dự kiến phát sinh vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai tại Kho bạc Nhà nước.
4. EU cảnh báo hơn 690 về Etylen oxit, doanh nghiệp Việt cần lưu ý
Đến thời điểm hiện tại, các quốc gia EU đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến Etylen oxit (EO). Việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), thời gian qua, nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, kể cả sản xuất tại các nước trong EU đã bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất Etylen oxit (EO) vượt quá giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm theo quy định của EU.
Đáng chú ý, đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt,...
Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. Có thể thấy, việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Song song với việc thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công/sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro.
Đồng thời, doanh nghiệp cần làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy. Vụ Khoa học và Công nghệ thông tin thêm, hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…
Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.
Các thương hiệu sản xuất thực phẩm khác cũng phải tự kiểm tra, xem xét lại quy trình sản xuất của mình, không được chủ quan. Bên cạnh đó, người dân cũng cần bình tĩnh trong các phản ứng với các sản phẩm của doanh nghiệp, tiếp tục ủng hộ những sản phẩm đạt chất lượng.
Theo phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT), thống kê sơ bộ, một năm Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 50 cảnh báo của EU và các nước liên quan đến các biện pháp SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật-PV), có cảnh báo nghiêm trọng, có cảnh báo không nghiêm trọng.
“Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp cần nghiêm túc xem xét lại thật kỹ quy trình sản xuất, chế biến ngay từ khâu nhập nguyên liệu. Dây chuyền, máy móc sản xuất của doanh nghiệp có thể khép kín, hiện đại nhưng có thể do nguyên liệu đầu vào, vì vậy khi nhập khẩu nguyên liệu phải kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn”, ông Nam khuyến cáo.
Cuối năm 2020, Vương quốc Bỉ đã thông báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) về việc dư lượng Etylen oxit trong nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ vượt rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép của khu vực này là 0,05 mg/kg.
Xuất phát từ vụ việc trên, nhiều quốc gia EU đã tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm.
Tới thời điểm này, theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ ca cao... Trong đó, đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (15-10-2021)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (15-10-2021)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (15-10-2021)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (15-10-2021)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (15-10-2021)