BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 09/2021 (15-10-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

1. Tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua xuất xứ hàng hóa trong EVFTA: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU muốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định và có Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá tương ứng.

Mặc dù tiêu chí xuất xứ cụ thể có thể khác nhau giữa các mặt hàng, có những quy định chung về xuất xứ hàng hoá và quy trình chứng nhận xuất xứ tại Hiệp định mà hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam cần tuân thủ khi tham gia vào sân chơi EVFTA. Trong Hiệp định EVFTA, thuỷ sản là một trong những mặt hàng có tiêu chí xuất xứ không phức tạp, nhưng được xem là chặt hơn so với các Hiệp định ASEAN và ASEAN+.

Tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản Tiêu chí xuất xứ đối với thuỷ sản trong Hiệp định EVFTA là xuất xứ thuần tuý (Wholly obtained - WO). Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định EVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định. Mặc dù việc chứng minh tiêu chí xuất xứ thuần tuý là tương đối đơn giản hơn so với các tiêu chí như Chuyển đổi mã số hàng hóa hay Hạn mức tối đa nguyên liệu không có xuất xứ, tiêu chí xuất xứ này đối với thủy sản trong EVFTA thực chất lại chặt chẽ hơn so với các Hiệp định ASEAN và ASEAN+ khác khi các Hiệp định này cho phép nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản không có xuất xứ để chế biến sản phẩm xuất khẩu. Cộng gộp xuất xứ trong EVFTA Ngoài sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam, nhà sản xuất, chế biến thủy sản có thể nhập khẩu nguyên liệu thủy sản có xuất xứ từ EU để sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Việc sử dụng nguyên liệu thủy sản của EU trong trường hợp này đáp ứng quy tắc về cộng gộp xuất xứ theo Hiệp định EVFTA.

Hiệp định EVFTA cũng cho phép Việt Nam sử dụng nguyên liệu mực và bạch tuộc từ một nước ASEAN đã ký kết Hiệp định thương mại với EU để sản xuất một số sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa áp dụng cơ chế cộng gộp này do ngoài Việt Nam, Xinh-ga-po là nước ASEAN duy nhất đã ký kết Hiệp định thương mại với EU. Trong khi đó, đây không phải là thị trường nhập khẩu nguyên liệu mực và bạch tuộc của Việt Nam.

Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA Đối với hàng hóa xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng từ Việt Nam sang EU, Việt Nam áp dụng hai cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 EUR, nhà xuất khẩu Việt Nam được phép tự chứng nhận xuất xứ mà không cần đăng ký. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, nhà xuất khẩu đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 tại các cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền.

Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể là hóa đơn thương mại, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác (như phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói) có đủ thông tin về hàng hóa và phải thể hiện nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa. Khi thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp cần lưu ý chế độ báo cáo.

Theo đó, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp cần đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và các chứng từ liên quan trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (eCoSys). Với lô hàng không vượt quá 6.000 EUR, thay vì tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp vẫn có thể để nghị được cấp C/O mẫu EUR.1 cho lô hàng. C/O mẫu EUR.1 được cấp tại thời điểm xuất khẩu hàng hóa hoặc không quá ba ngày làm việc kể từ sau ngày này. Nếu được cấp sau thời gian này, C/O mẫu EUR.1 được coi là cấp sau và phải thể hiện dòng chữ “Issued Retrospectively” trên C/O. Trong trường hợp C/O bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà xuất khẩu có thể đề nghị cấp lại C/O mẫu EUR.1 và thể hiện cụm từ “Duplicate” trên C/O.

Đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và thủy sản nói riêng từ EU và Việt Nam, EU áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, không áp dụng cơ chế cấp C/O. Với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 EUR, nhà xuất khẩu EU được phép tự chứng nhận xuất xứ mà không cần đăng ký. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, nhà xuất khẩu EU tự chứng nhận xuất xứ theo hệ thống REX của EU (được cấp mã số tự chứng nhận xuất xứ REX). Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (bao gồm chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và C/O mẫu EUR.1) có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành và phải nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1

Hiện nay, Việt Nam có 20 cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1, bao gồm Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước. Doanh nghiệp thủy sản có thể đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 tại cơ quan, tổ chức cấp gần nhất. Để được cấp C/O mẫu EUR.1, trước hết doanh nghiệp cần đăng ký hồ sơ thương nhân (nếu chưa có hồ sơ thương nhân tại cơ quan, tổ chức cấp). Hồ sơ thương nhân bao gồm: Đăng ký mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thương nhân hoặc người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp C/O và C/O và mẫu con dấu của thương nhân; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Danh mục cơ sở sản xuất hàng hóa. Hồ sơ thương nhân có thể được nộp điện tử tại địa chỉ www.ecosy.gov.vn hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1.

Về quy trình khai báo và đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1, doanh nghiệp cần khai báo hồ sơ đề nghị cấp C/O trên eCoSys tại địa chỉ www.ecosy.gov.vn. Hồ sơ đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 có thể nộp qua ba hình thức: hồ sơ điện tử đăng tải tại Hệ thống eCoSys; hồ sơ giấy nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp hoặc hồ sơ giấy gửi qua đường bưu điện. Với cả ba hình thức nộp hồ sơ, trả kết quả cấp C/O mẫu EUR.1 đều dưới dạng bản giấy. Thời gian trả kết quả cấp C/O mẫu EUR.1 từ 8 đến 24 giờ làm việc tùy vào hình thức nộp hồ sơ.

Để hiểu thêm về quy trình và thủ tục cấp C/O nói chung cũng như C/O mẫu EUR.1 nói riêng, doanh nghiệp có thể tham khảo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Hàng hóa không thay đổi xuất xứ Thông thường, hàng hóa được coi là không thay đổi xuất xứ khi được vận chuyển trực tiếp và liên tục từ Việt Nam sang EU hoặc ngược lại. Nếu hàng hóa có xuất xứ được xuất khẩu từ Việt Nam sang một nước thứ ba ngoài Hiệp định EVFTA sau đó được tái xuất sang EU thì sẽ không được coi là có xuất xứ trừ khi chứng minh được hàng hóa tái xuất đó chính là hàng hóa đã được xuất khẩu từ Việt Nam đi và không trải qua công đoạn vượt quá công đoạn cần thiết để bảo quan hàng hóa trong điều kiện tốt khi lưu kho tại nước không phải thành viên EVFTA.

Trong quá trình quá cảnh tại nước thứ ba ngoài Hiệp định, hàng hóa được phép lưu kho hoặc được phép chia nhỏ lô hàng với điều kiện nằm trong sự giám sát của cơ quan hải quan nước quá cảnh. Ngoài CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi-lê, EVFTA là Hiệp định thứ ba của Việt Nam có điều khoản cho phép chia nhỏ lô hàng ở nước thứ ba không phải là thành viên Hiệp định.

Hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU Theo quy định tại Chương 3, Luật Hải quan của Liên minh châu Âu, hàng hóa của Việt Nam sau khi nhập khẩu vào EU (đã thông quan) vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ còn hiệu lực được phát hành sau ngày xuất khẩu.

Trong trường hợp này, chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1 hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sẽ được phát hành sau theo quy định tại Điều 17 và Điều 19 (5), Nghị định thư 1, Hiệp định EVFTA. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU có C/O mẫu A, đã được thông quan và hưởng ưu đãi theo GSP (một phần hoặc toàn bộ) tại EU, nhà nhập khẩu EU vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy định tại Hiệp định.

Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đề nghị cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền cấp sau C/O mẫu EUR.1 để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại công văn số 1056/XNK-XXHH ngày 22 tháng 9 năm 2020, đối với lô hàng xuất khẩu tối đa 24 tháng trước thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực (ngày 01 tháng 8 năm 2020), các cơ quan, tổ chức cấp C/O vẫn có thể xem xét cấp sau C/O mẫu EUR.1 dựa trên đề nghị của doanh nghiệp.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần kê khai đầy đủ và có chứng từ để chứng minh các thông tin sau: tên phương tiện vận chuyển, số chuyến hoặc số hiệu chuyến bay và ngày khởi hành; số hiệu công-te-nơ và niêm phong (nếu có).

Hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Việt Nam

Đối với hàng hóa từ EU nhập khẩu vào Việt Nam, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan được quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BTC ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu phải được nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Ưu đãi thuế quan theo cơ chế GSP Theo quy định tại Phụ lục 2-A, Phần A, điểm 3 của Hiệp định EVFTA, ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam theo cơ chế GSP sẽ được cố định và duy trì trong 7 năm đầu tiên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có thể lựa chọn sử dụng GSP hoặc EVFTA và áp dụng quy tắc xuất xứ tương ứng với mỗi cơ chế đó.

Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả thủy sản, xuất khẩu sang EU vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, dù áp dụng thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào, mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Để hiểu rõ hơn các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp có thể tham khảo Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.

2. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ

Trong Quý 3 năm 2021, tại vùng Nam Hoa Kỳ, Chi nhánh Thương vụ (CNTV) đã phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Houston (TLSQ) trong việc tổ chức, tham dự nhiều hoạt động nhằm tăng cường xúc tiến thương mại-đầu tư song phương. Nhằm thúc đẩy hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hướng tới nỗ lực thực hiện mục tiêu kép đảm bảo vừa thúc đẩy phát triển và phục hồi nền kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả, TLSQ cùng CNTV đã triển khai một chuỗi các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ và kết nối XTTM-ĐT với doanh nghiệp tại địa bàn.

Cụ thể: Ngày 2/9/2021, đã tiếp đoàn Lãnh đạo Văn phòng Nông trại tiểu bang Texas (Texas Farm Bureau). Tại buổi tiếp, Tổng Lãnh sự đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác KT-TM, XNK trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và vùng Texas. Nông nghiệp đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất xuất khẩu thịt bò, gia cầm và trồng bông là một trong những thế mạnh của các nông trại tại Texas; DN Hoa Kỳ sẽ là đối tác cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng, giúp cho ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp sản xuất bông sợi của Việt nam.

Trưởng CNTV Houston, đã có bài trình bày tổng quan về tình hình kinh tế thương mại Việt nam, cung cấp thông tin về thị trường và tiềm năng hợp tác giao thương giữa hai nước, nhu cầu sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu cho phía bạn. Đến nay, CNTV Houston đang tiếp tục gửi thông tin kết nối đến Hiệp Hội Bông sợi VCOSA và nhiều doanh nghiệp dệt may để giúp mở rộng mạng lưới, kết nối với các đối tác Hoa Kỳ thông qua Texas Farm Bureau. TLSQ quán và Văn phòng Nông trại nhất trí việc tăng cường phối hợp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh 2 nước cần sớm phục hồi nền kinh tế và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Ngày 10/9/2021, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston và CNTV đã cùng tham gia diễn đàn International Trade Forum & Expo về xúc tiến thương mại Quốc tế và triển lãm do Phòng thương mại Châu Á tại Houston tổ chức. CNTV cùng TLSQ đã có gian hàng trưng bày tại diễn đàn để quảng bá, giới thiệu tại sự kiện (về danh mục các DN XNK tiêu biểu, các thương hiệu mạnh và sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam).

Tại diễn đàn, Tổng Lãnh sự đã có bài phát biểu trước các doanh nghiệp lớn Hoa Kỳ và Ban Lãnh đạo thành phố Houston về nhu cầu duy trì và thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh các nước đều cần có những chuẩn bị và kế hoạch cho việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Trong đó nhấn mạnh, mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả của COVID-19 gây ra nhưng Việt Nam luôn nỗ lực và sẽ luôn là đối tác thương mại tin cậy và điểm đến đầu tư nhiều tiềm năng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston sẽ luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Sự kiện đã thu hút trên 80 doanh nghiệp trưng bày triển lãm, hơn 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan/ tổ chức thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp các ngành; một số doanh nghiệp gốc Việt đã tới dự sự kiện.

Ngày 14/9/2021, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Houston đã tiếp một số đại diện doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm bao bì và các sản phẩm nhựa từ Việt Nam như: Stavian Chemical và La Print Solution … do CNTV giới thiệu, đang tìm kiếm và mở rộng thị trường tại Hoa Kỳ. Qua đó, TLSQ nắm bắt được nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ bao bì và sản phẩm nhựa tự huỷ/tái chế thân thiện với môi trường tại thị trường là rất lớn.

Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chuyển hướng sử dụng các sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc sang các sản phẩm của các nước Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là Việt Nam và Malaysia. Qua cuộc họp, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có sự hỗ trợ của cơ quan đại diện trong những bước đầu dò đường tìm kiếm và mở rộng thị trường tại khu vực Texas. TLSQ cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam để tìm kiếm thông tin, và tạo điều kiện và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các đối tác, bạn hàng tiềm năng.

Ngoài ra, từ tháng 7/2021 đến nay, CNTV cùng bộ phận Kinh tế đối ngoại của TLSQ Houston đã tổ chức nhiều buổi họp, gặp mặt và phối hợp triển lãm hàng mẫu trong lĩnh vực nông sản với sự phối hợp tổ chức sự kiện của các Hiệp hội ngành hàng (ACC ttps://asianchamber-hou.org, Texas Restaurant Association https://www.txrestaurant.org, Greater Houston Partnership..) nhằm tăng cường kết nối các Doanh nghiệp gốc Châu Á tại các thành phố: Houston, San Antonio, Dallas.... Tiếp xúc và làm việc trực tiếp/online với 1 số đối tác trong lĩnh vực dầu khí (Glenfarne Group, Kizer Energy Inc., The US LNG Association..) để giới thiệu về Việt nam đến các tập đoàn Petrolimex và PVN và một số đơn vị chức năng của Bộ thông qua môi trường trực tuyến.

3. Hàng nhập để gia công nhưng không có cơ sở sản xuất, gia công thì không đủ điều kiện miễn thuế

Theo Tổng cục Hải quan, nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng lại không có cơ sở sản xuất, gia công thì sẽ không đủ điều kiện được hưởng chính sách miễn thuế theo quy định.

Vừa qua, doanh nghiệp TM dịch vụ và truyền thông TPS đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho thương nhân nước ngoài. Doanh nghiệpTM dịch vụ và truyền thông TPS cho biết, hiện doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất, gia công.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan khoản 6 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2016NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ CP của Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu.

Cũng tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế: “a) Người nộp thuế có hợp đồng gia công theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Người nộp thuế kê khai số tiếp nhận hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công trên tờ khai hải quan.

b) Người nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu và máy móc, thiết bị tại cơ sở gia công trên lãnh thổ Việt Nam và phải thực hiện thông báo cơ sở gia công, gia công lại; hợp đồng gia công, hợp đồng gia công lại, phụ lục hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công lại cho cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật hải quan...”.

Khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định trước khi làm thủ tục nhập khẩu lộ hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên để thực hiện gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân phải thông báo cơ sở sản xuất cho cơ quan Hải quan.

Điểm a khoản 1 Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT BTC của Bộ Tài chính quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cơ sở gia công, cơ sở gia công lại cho Chi cục Hải quan do tổ chức, cá nhân dự kiến lựa chọn làm thủ tục hải quan.

Đối chiếu với các quy định trên, trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên để thực hiện gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân phải thông báo cơ sở sản xuất cho cơ quan Hải quan nơi tổ chức, cá nhân dự kiến lựa chọn làm thủ tục hải quan.

Theo đó, trường hợp không có cơ sở gia công thì không đáp ứng điều kiện quy định về thủ tục tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2015/NĐ-CP; điểm a khoản 1 Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Như vậy, hàng hóa nhập khẩu để gia công của Doanh nghiệpTM dịch vụ và truyền thông TPS không đủ điều kiện miễn thuế theo quy định khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, ngày 17/8/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 4065/TCHQ-TXNK hướng dẫn về vấn đề này. Theo đó, trường hợp chưa có cơ sở gia công thì chưa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP (người nộp thuế có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu và máy móc, thiết bị tại cơ sở gia công trên lãnh thổ Việt Nam).