BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 09/2020 (22-10-2020)

 

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

 

1. Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

“Thủ tướng ban hành Quyết định 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất”.

Theo đó, Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu, xỉ hạt lò cao, trong đó:

- Phế liệu sắt, thép: Phế liệu và mảnh vụn của gang; phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: bằng thép không gỉ; phế liệu và mảnh vụn của sắt hoặc thép tráng thiếc;

- Phế liệu nhựa: Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Etylen (PE) dạng xốp, không cứng; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Etylen (PE): Loại khác; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Styren: Loại khác;

- Phế liệu giấy: Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy kaft hoặc bìa kaft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng; giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy hoặc bìa khác đã được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình hóa học đã tẩy trắng, chưa nhuộm màu toàn bộ;...

Quy định về lộ trình đối với một số loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất đến hết ngày 31/12/2021:

- Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Loại khác, kể cả phế liệu và vụn thừa chưa phân loại (mã HS 4707.90.00).

- Xỉ hạt (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (xỉ hạt lò cao gồm: xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện gang, sắt, thép) (mã HS 2618.00.00).

Về điều khoản chuyển tiếp, các loại phế liệu được nhập khẩu từ nước ngoài theo Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của Giấy xác nhận.

Quyết định 28/2020/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

2. Một số quy định, chính sách liên quan mới được ban hành

Nghị định 103/2020/NĐ-CP    Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu          04/09/2020 04/09/2020

Nghị định 109/2020/NĐ-CP    Về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước        15/09/2020 15/09/2020

Nghị định 111/2020/NĐ-CP    Về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 - 2022         18/09/2020 18/09/2020

Quyết định 27/2020/QĐ-TTg Quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan        21/09/2020 15/11/2020

3.Thúc đẩy kí kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam- Vương quốc Anh

Tại buổi làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách Thương mại Vương Quốc Anh Greg Hands, ngày 30/9/2020, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược,Bộ trưởng Bộ Công Thương  khẳng định Việt Nam luôn coi Vương quốc Anh là

đối tác hàng đầu tại châu Âu và trên thế giới. Hai bên trao đổi về kết quả hợp tác thời gian qua trong các diễn đàn khu vực và đa phương, đồng thời thống nhất những chính sách thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Hai bên đã thống nhất sẽ thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán, ký và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Anh nhằm nắm bắt những cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho hai nước phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Việt Nam hoan nghênh việc Vương quốc Anh có hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực ASEAN cũng như đưa ra các sáng kiến cụ thể để thúc đẩy hợp tác với ASEAN. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy để cùng các nước ASEAN triển khai các chương trình hợp tác trên, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Thương mại giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh liên tục có bước tăng trưởng cao trong thời gian qua, kể cả giai đoạn Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Năm 2010 Việt Nam và Anh cũng đã ký Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược và kim ngạch xuất khẩu song phương giữa hai nước cũng liên tục tăng.

Đến năm 2017, kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 3,5 lần trong 10 năm. Đến năm 2019 tổng kim ngạch thương mại đã đạt được 6,6 tỷ USD. Như vậy có thể nói, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh thời gian vừa qua đã có tăng trưởng tốt. Nếu tính EU có 28 quốc gia thì Anh là đối tác thương mại đứng thứ 3 của Việt Nam chỉ sau Đức và Hà Lan.

Việt Nam luôn xuất siêu sang Anh trung bình hằng năm khoảng 5 tỷ USD. Về thương mại, các mặt hàng của hai nước đều bổ trợ cho nhau. Việt Nam xuất khẩu chính sang Anh các mặt hàng rau quả, hải sản, hạt điều, hàng dệt may, giày dép... và đặc biệt là trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thì có đến 25-30% cũng là các mặt hàng điện tử, tương tự như là xuất khẩu của Việt Nam đi các đối tác khác. Việt Nam nhập khẩu chính từ Anh là những mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, các sản phẩm công nghệ cao… đều là những mặt hàng Việt Nam rất cần cho nhu cầu trong nước.

Do vậy, với tính chất bổ trợ, triển vọng phát triển thương mại song phương trong thời gian tới là rất tốt và có nhiều triển vọng. Thời gian qua, Việt Nam luôn xuất siêu sang Anh, con số hằng năm trung bình khoảng 5 tỷ USD. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như vừa qua việc tăng trưởng thương mại Việt Nam với Anh như vậy là tốt và hai bên cũng đang nỗ lực để khai thác những tiềm năng của từng nước có - trong bối cảnh vẫn tận dụng được ưu đãi trước đó của EVFTA và hai bên lại có những ưu thế bổ trợ lẫn nhau. Chỉ có những vấn đề mang tính kỹ thuật, chẳng hạn những ưu đãi trước đây EU dành cho Việt Nam như là một cái lượng tổng thể thì bây giờ hai bên cần cụ thể hóa và chi tiết hóa để thành những ưu đãi dành cho quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

Anh là nước công nghiệp phát triển, có những ưu thế về công nghệ cao, về phát triển khoa học công nghệ và cả những lĩnh vực truyền thống như lĩnh vực y tế, lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng… Hiện nay trong các dự án của anh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai khoáng (có 7 dự án, tổng số vốn đăng ký là 715,6 triệu USD), công nghiệp chế biến, chế tạo (55 dự án, tổng số vốn đăng ký là 714,4 triệu USD), kinh doanh bất động sản (548 triệu USD), sau đó là những lĩnh vực ngân hàng và tài chính, bảo hiểm. Những công ty của Anh đầu tư tại Việt Nam đều là tập đoàn lớn trên thế giới, đơn cử như: Công ty dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, động cơ máy bay Rolls-Royce, ngân hàng HSBC, bảo hiểm Prudential… Trong đó, 2 ngân hàng Standar Chaartered Bank và Ngân hàng HSBC là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đề nghị Anh tiếp tục hỗ trợ để phát triển ngành năng lượng xanh thông qua chia sẻ kiến thức, hỗ trợ triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ các dự án về năng lượng tái tạo… của Việt Nam. Ngoài ra, thông qua hoạt động của Ủy ban hỗn hợp, hai bên sẽ cùng nhau rà soát những hoạt động của các dự án tại Việt Nam, xem các doanh nghiệp của Anh có gặp những vướng mắc cụ thể như thế nào để Chính phủ Việt Nam có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho những nguồn vốn của Anh được đầu tư hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt trung bình trên 5,6 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2017-2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.Tuy nhiên, với nỗ lực thúc đẩy của cả hai phía, kỳ vọng thương mại song phương sẽ sớm phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang

Vương quốc Anh giai đoạn 2017-2020

Thời gian    Trị giá (USD)       Trị giá so năm trước (%)

2017          5,421,985,862                             10.70

2018          5,779,270,902                             6.59

2019           5,756,534,346                           -0.39

8T/2020      3,188,248,431                          -16.08

Nguồn: VITIC tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

4. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp EU kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam

Nhiều thông tin, kinh nghiệm và cơ hội mới về đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp EU vào thị trường Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực đã được chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến “EVFTA chính thức có hiệu lực – Các cơ hội mới về đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp EU vào Việt Nam” diễn ra ngày 25/9/2020.

Hội nghị được đồng tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp cùng Hội đồng kinh doanh EU – ASEAN, Phòng Thương mại quốc tế Singapore và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).

Singapore cũng là một quốc gia thành viên ASEAN, nền kinh tế có độ mở rất cao và điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.  Do đó, tại Hội nghị trực tuyến này, Giám đốc Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, ông Chris Humphrey và ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Việt Nam cùng các diễn giả của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan chức năng, Hiệp hội doanh nghiệp của Singapore đã cùng thảo luận và cung cấp thông tin cho các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Singapore về các cơ hội đầu tư kinh doanh mới ở Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, EVFTA sẽ mở ra các cơ hội cho các doanh nghiệp EU trong các ngành nghề như dược phẩm, công nghiệp ô tô, máy móc và phân phối hàng hóa. Các diễn giả cũng giới thiệu các tiềm năng mới về thương mại dịch vụ, đặc biệt là các cơ hội trong lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, vận tải và các cơ hội cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực dịch vụ như: logistics, giao vận hàng hóa, hội chợ triển lãm, quảng cáo, quản lý tài sản, tư vấn, giáo dục.

Các thông tin được đông đảo cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp EU, Sigapore và Việt Nam quan tâm gồm có:

-        Khả năng phối hợp khai thác ba bên Hiệp định thương mại tự do giữa EU với Việt Nam và Singapore và cách thức tận dụng các quy định về xuất xứ của các Hiệp định này trong quá trình sản xuất.

-        Kết nối chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp EU và Việt Nam và thông qua thị trường Việt Nam để kết nối với thị trường ASEAN để xây dựng chuỗi giá trị mới bền vững.

-        Các nội dung về tạo thuận lợi thương mại và logistics, đặc biệt trong việc mở cửa đường bay và tạo điều kiện cho chuyên gia, thương nhân của EU, Singapore và Việt Nam gặp gỡ, giao thương.

Với trên 2.240 dự án còn hiệu lựcEU hiện là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, nhưng mới chỉ tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Các dự án FDI từ EU tại Việt Nam nhìn chung là những dự án có chất lượng cao, đầu tư vào công nghệ cao, ví dụ các dự án của tập đoàn Ericsson, tập đoàn ABB, Bosch…

EVFTA được kỳ vọng sẽ khai thông dòng vốn đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp (FDI và FPI) từ EU vào Việt Nam.EVFTA cũng tạo lợi thế cho Việt Nam để hấp dẫn nguồn vốn FDI chất lượng hơn, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật khi chúng ta đang ở thời đại công nghiệp 4.0, qua đó cũng như cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng mang lại nhiều giá trị gia tăng Hiện có rất nhiều công ty từ châu Âu đang làm việc rất tốt với Việt Nam. Đây là cơ hội đểthu hút nhiều hơn các mô hình know-how chất lượng từ EU cho sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới.

EU hiện là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ tư tại Việt Nam với trên 2.240 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điểm nhấn của các dự án FDI từ EU tại Việt Nam là đa số có chất lượng cao, có sức lan tỏa lớn, tiêu biểu trong đó là những dự án đầu tư vào công nghệ cao từ các: Tập đoàn Ericsson, ABB, Bosch.

Các nhà đầu tư EU cũng được đánh giá có thế mạnh về dịch vụ hơn sản xuất hàng hóa, nên trong bối cảnh các chuỗi giá trị sản xuất đang thay đổi như hiện nay, việc đón nhận vốn đầu tư từ EU càng trở nên quan trọng cho cả Việt Nam lẫn các nước EU.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Hà Lan luôn dẫn đầu về số vốn đăng ký. Cụ thể, hết năm 2019, Hà Lan có 344 dự án với số vốn đăng ký khoảng 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. Hà Lan cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Việt Nam, với thương mại song phương năm 2018 đạt 7,8 tỷ USD (sau Đức).

Theo ông Joost Vrancken Peeters - Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan - Việt Nam: Hà Lan coi trọng thị trường Việt Nam, thể hiện qua số vốn mà DN nước này đầu tư tại đây trong những năm qua. Để khai thác tốt nhất EVFTA, Hà Lan đã nghiên cứu về các nhu cầu chuyển dịch đầu tư và đa dạng hóa nguồn cung ứng; nhận định về các động lực và trở ngại chính của DN Hà Lan khi đầu tư vào Việt Nam để tìm cách khắc phục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Hà Lan và khơi thông hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

5. Kết nối các hệ thống phân phối nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam

Trong khuôn khổ Đề án của Chính phủ “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài”, ngày 15 tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Tập đoàn phân phối lớn như Aeon, Walmart, Central Retail, Decathlon; và các Hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội thảo tập huấn trực tuyến - kết nối các Hệ thống Phân phối nước ngoài với Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa phi thực phẩm”.

Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, giầy da, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, đồ da dụng, điện tử… và hàng nghìn khán giả theo dõi trên các kênh phát sóng trực tiếp trên Facebook và Youtube.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, đây là hoạt động thường niên của Đề án nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

-        Nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu;

-        Nắm được quy trình xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối nước ngoài;

-        Kết nối với bộ phận mua hàng của các Tập đoàn phân phối lớn đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế trong nước cũng như tình hình sản xuất và xuất khẩu của Doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện Cơ quan Thương mại Việt Nam tại các nước đã cung cấp tới doanh nghiệp những thông tin về thị trường và nhu cầu nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ, Eu, Nhật Bản, Thái Lan.

Đại diện các Tập đoàn phân phối cũng đã trao đổi, hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa cung ứng vào hệ thống phân phối của họ theo từng ngành hàng cụ thể ̣(đồ gia dụng,đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày da, ,…).

Các chuyên gia đại diện Cơ quan thương mại Việt Nam tại các nước và Tập đoàn Phân phối cũng đã giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về thông tin thị trường, đồng thời có những tư vấn sâu sắc về xuất khẩu từng mặt hàng cụ thể sang EU.

Hội thảo tập huấn trực tuyến - kết nối các Hệ thống Phân phối nước ngoài với Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa phi thực phẩm là hoạt động quan trọng hướng tới doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam với mục đích: (i) Nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam; (ii) Kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với bộ phận mua hàng của các Tập đoàn phân phối lớn đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid 19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế trong nước cũng như tình hình sản xuất và xuất khẩu của Doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa ổn định ở Việt Nam và trên thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu sắc, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy, hơn bao giờ hết nhu cầu giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như nông sản, thực phẩm là nhu cầu cấp thiết của các Tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Việc tăng cường xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối lớn là giải pháp hữu hiệu, có thể giúp các sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Chính vì vậy, rất nhiều các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã được Bộ Công Thương phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài triển khai nhằm hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, từ năng lực sản xuất, năng lực phát triển thị trường và cả năng lực tài chính để đủ khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn phân phối ở nước ngoài.

Bộ Công Thương mong muốn đại diện Lãnh đạo các Tập đoàn phân phối, bán lẻ tập trung chia sẻ, cung cấp thêm thông tin, yêu cầu cụ thể để các doanh nghiệp Việt Nam có được cái nhìn toàn diện hơn, từ đó có định hướng điều chỉnh phù hợp nhằm sớm đưa được các sản phẩm của mình vào được hệ thống phân phối.

 Giám đốc cao cấp bộ phận sản phẩm Tập đoàn AEON cho biết, là hệ thống bán lẻ  lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật Bản, thành lập từ năm 1758, với 16.498 trung tâm và cửa hàng tại Nhật và các nước khu vực Châu Á (Trung quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam...), quan điểm xuyên suốt của AEON là mang đến cho khách hàng các sản phẩm an toàn, an tâm, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ trang trại đến bàn ăn.  Dù khó khăn do dịch bệnh, 6 tháng đầu năm AEON đã xuất khẩu 268 triệu USD hàng hóa Việt Nam. Dự kiến cả năm, AEON sẽ đạt kim ngạch 500 triệu USD, theo đúng cam kết với Bộ Công Thương trong thỏa thuận hợp tác trở thành đối tác chiến lược.

Trong khi đó, Giám đốc thu mua và xuất khẩu Tập đoàn Central Retail cho biết, nhiều chương trình nâng đỡ cộng đồng và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Tập đoàn triển khai các năm qua như Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thường niên; Tuần lễ hàng nông sản được tổ chức khắp các địa phương Việt Nam; Hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển toàn diện thương hiệu cạnh tranh để thâm nhập được vào hệ thống phân phối bán lẻ; hỗ trợ nông dân địa phương phát triển sinh kế bền vững thông qua các chương trình thu mua nông sản với mức chiết khấu 0%…

Cùng với hỗ trợ người tiêu dùng ở thị trường nội địa, Tập đoàn này cũng xúc tiến đưa hàng hóa ra thế giới với chất lượng được đảm bảo bởi chính thương hiệu của Central Group. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Tập đoàn đặt ra khi thu mua hàng hóa tại Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn MM Mega Market cũng khẳng định sẽ đồng hành với các nhà sản xuất Việt Nam thu mua hàng nông sản chất lượng. Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market cho hay, cùng với chuỗi sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP Việt Nam tại hệ thống phân phối của MM Mega Market vào nửa cuối năm nay tại cả 3 miền, cơ hội hợp tác với MM Mega Market cũng ngày càng mở rộng bởi doanh nghiệp này đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra Singapore, Thái Lan, Hồng Kông… đều đặn hàng tháng.

Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, từ nhiều năm nay, các Tập đoàn phân phối nước ngoài đang tham dự Hội thảo trực tuyến ngày hôm nay đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương, và thông qua Bộ Công Thương phát triển hợp tác với một số  địa phương để không chỉ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của Tập đoàn ở nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Thông qua những Hội thảo này, Bộ Công Thương mong muốn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị của các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới.  Trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương giao Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ phối hợp với một số Tập đoàn phân phối lớn xây dựng bộ cẩm nang hướng dẫn các bước cụ thể để doanh nghiệp có thể trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng quốc tế của các Tập đoàn phân phối lớn.

Với mục tiêu hướng tới doanh nghiệp xuất khẩu, Ban tổ chức chia Hội thảo thành 2 Phiên: Phiên tập huấn nhằm cung cấp thông tin về các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng Việt Nam khi xuất khẩu vào hệ thống phân phối nước ngoài; Phiên kết nối doanh nghiệp (B2B) giúp cho các doanh nghiệp đã có hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các hệ thống phân phối có cơ hội trực tiếp gặp gỡ chuyên gia mua hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm của mình.