BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 08/2021 (06-09-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

1. Bổ sung chính sách chống gian lận xuất xứ

Việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa sẽ tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo điều kiện để các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ. Đây là vấn đề được Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

Vướng mắc xác định công đoạn gia công, chế biến, lắp ráp đơn giản

Theo Tổng cục Hải quan, một vướng mắc hiện nay liên quan đến xác định công đoạn gia công, chế biến, lắp ráp đơn giản quy định tại khoản 11, khoản 13 Điều 3 và khoản 6 Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Vấn đề này chưa được quy định rõ, dẫn đến trong quá trình thực hiện, cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp xác định quy trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu chỉ trải qua công đoạn gia công, chế biến, lắp ráp đơn giản nhưng không có cơ sở đấu tranh, làm rõ hành vi vi phạm xuất xứ của doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc phần lớn các nguyên vật liệu, linh kiện từ nước ngoài, sau đó chỉ sử dụng những loại máy móc như bắt vít, máy hàn… để chế tạo thành phẩm xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu được khai báo là xuất xứ Việt Nam.

Hay quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi, tại Nghị định này không quy định cụ thể mẫu chứng từ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi hoặc các tiêu chí phải có trong chứng từ này. Thực tế thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam phát sinh một số vướng mắc liên quan đến thông tin tối thiểu phải có trong chứng từ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi. Tại Điều 15 Thông tư 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về xác định xuất xứ hàng hóa quy định các thông tin tối thiểu phải có trong chứng từ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi căn cứ theo các khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và Công ước Kyoto sửa đổi, bổ sung.

Thời gian qua phát sinh một số vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu không hưởng ưu đãi thuế quan. Theo đó, hàng hóa thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống chợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng thì phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng thiếu một số thông tin như thiếu mã số HS của hàng hóa… bị cơ quan Hải quan từ chối, phải áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp dẫn đến khiếu nại của doanh nghiệp.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, qua triển khai công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp quy định tại Điều 29 Nghị định 31/2018/NĐ-CP cho thấy quy định đã tương đối rõ ràng, là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan thực hiện. Tuy nhiên, công tác phối hợp, kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa tại cơ sở của doanh nghiệp, trao đổi thông tin liên quan đến việc cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn còn chưa kịp thời, chưa có cơ sở dữ liệu để thực hiện. Một số nội dung chưa được quy định cụ thể tại Điều này như nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan dẫn đến chồng chéo hoặc cơ chế phối hợp cung cấp trao đổi thông tin chưa chặt chẽ dẫn đến thiếu thông tin hoặc gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh của cơ quan Hải quan.

Bổ sung thêm nhiệm vụ chống gian lận xuất xứ

Từ những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, Tổng cục Hải quan đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Trong đó, cần bổ sung làm rõ quy định tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP theo hướng Bộ Công Thương nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc, cơ chế xác định gia công, chế biến đơn giản. Tổng cục Hải quan đề xuất phương án việc xác định gia công, chế biến đơn giản sẽ dựa trên nguyên tắc quan đồng thuận của các cơ quan là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ví dụ khi cần xác định một trường hợp cụ thể thì cơ quan chủ trì sẽ lấy ý kiến của các đơn vị còn lại.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể các tiêu chí của chứng từ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi tương tự quy định tại Điều 15 Thông tư số 38/2018/TT-BTC để đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu và thống nhất thực hiện. Theo đó các tiêu chí bao gồm: Người xuất khẩu; Người nhập khẩu; Phương tiện vận tải; Mô tả hàng hóa, mã số hàng hóa; Số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa; Nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ xuất xứ hàng hóa; Ngày/tháng/năm cấp chứng từ chứng nhận xuất xứhàng hóa; Chữ ký trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Về các biện pháp chống gian lận xuất xứ tại Điều 29 Nghị định 31/2018/NĐ-CP cần bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo hướng: Bộ Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức cấp chúng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để kịp thời chấn chỉnh các trường hợp cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không đúng quy định. Tăng cường theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ để tránh các trường hợp lợi dụng thực hiện hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa...

Đối với Bộ Tài chính thực hiện điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm xuất xứ đối với các trường hợp xác định có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tranh phòng chống gian lân, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa. Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hơn pháp; kết quả thực hiện và đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

2. Rà soát, sửa đổi những quy định cản trở đầu tư kinh doanh

Bộ Công Thương đã chủ động rà soát các quy định vướng mắc, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng như kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát các quy định vướng mắc, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng như kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, trong Chương trình của Chính phủ năm 2021, Bộ Công Thương được giao xây dựng, trình 8 nghị định; trong đó, có 3 nghị định thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương và 4 nghị định ngoài chương trình này.

Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; có 2 nghị định do Cục Hóa chất chủ trì xây dựng. Đối với các văn bản còn lại, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để đảm bảo trình Chính phủ theo đúng tiến độ được giao.

Đặc biệt, việc rà soát các luật, nghị định, thông tư do Bộ Công Thương chủ trì để đề xuất sửa đổi, ban hành văn bản mới thay thế và rà soát nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của dịch COVID-19 đã được Bộ đẩy mạnh. Cụ thể, Bộ Công Thương đã rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dầu khí và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để phục vụ cho việc xây dựng luật về hai lĩnh vực này.

Đồng thời, Bộ đã có đề xuất lộ trình hoàn thiện pháp luật giai đoạn 2021-2025 đối với các lĩnh vực: thương mại, dầu khí, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điện lực, hóa chất, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; quản lý, phát triển cụm công nghiệp; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Theo Vụ Pháp chế, trong các tháng cuối năm 2021, một trong các nhóm nhiệm vụ ưu tiên thực hiện đó là: tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Vì vậy, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 và Quyết định số 1371/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa các quy định và cắt giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, Vụ Pháp chế kiểm soát chặt việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, để các hoạt động hoàn thiện thể chế ngày càng hiệu quả, thực chất, đi vào chiều sâu, Vụ Pháp chế đã đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ đẩy mạnh các hoạt động tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp; tiếp nhận kịp thời những phản hồi của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách.

Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải thiện hoạt động quản lý nhà nước trong ngành trên tinh thần phục vụ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

3. Nhiều thay đổi gỡ khó về thủ tục cho doanh nghiệp nông nghiệp

Thủ tục thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ được gia hạn thêm 3 tháng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh; Tổng cục Thủy sản; các Cục: Chăn nuôi, Trồng trọt, Thú y, Bảo vệ thực vật, Quản lý chất lượng và Kinh tế hợp tác; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc thay đổi phương thực thực hiện một số thủ tục hành chính trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Tình hình dịch COVID-19 đã, đang và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong phạm vi cả nước, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động chung của toàn xã hội cũng như hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính có yêu cầu phải thực hiện trực tiếp tại hiện trường.

Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản trong tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm thời áp dụng thẩm định, đánh giá trực tuyến thay thế cho việc thẩm định, đánh giá trực tiếp tại hiện trường một số thủ tục.

Về thủ tục xác nhận cam kết hoặc chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT quy định, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xác nhận nguyên liệu; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Đồng thời, đánh giá chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các đơn vị trực thuộc tạm thời thực hiện tiếp nhận hồ sơ điện tử, thực hiện đánh giá trực tuyến thay cho hình thức trực tiếp.

Đối tượng và thời gian áp dụng là các phòng kiểm nghiệm, doanh nghiệp chế biến thủy sản tại các tỉnh, thành phố đang trong thời gian có thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, có đủ nguồn lực kỹ thuật như: máy tính, đường truyền internet, ứng dụng phần mềm… phục vụ cho hoạt động đánh giá và chấp thuận thực hiện đánh giá trực tuyến. Các doanh nghiệp, phòng kiểm nghiệm có trách nhiệm nộp phí theo quy định hiện hành và hoàn trả các hồ sơ, tài liệu bản gốc cho cơ quan quản lý để lưu trữ theo quy định.

Đối với thủ tục thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 4573/BNN-VP báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một trong các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19. Theo đó, cho phép gia hạn các giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y… thêm 3 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn.

Hiện nay, do áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định, cấp, gia hạn giấy chứng nhận theo quy định nên sẽ có nhiều cơ sở ngưng hoạt động trong thời gian tới. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản cho các doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, các tổng cục, cục trực thuộc Bộ tiếp nhận hồ sơ; thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bằng hình thức trực tuyến thay thế cho việc thực hiện trực tiếp.

Cụ thể, thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục, phương pháp thẩm định, chứng nhận và lưu trữ hồ sơ đầy đủ. Đối tượng và thời gian áp dụng là các cơ sở, doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời có đủ nguồn lực kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thẩm định và chấp thuận thực hiện đánh giá trực tuyến.

Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có trách nhiệm nộp phí theo quy định hiện hành và hoàn trả các hồ sơ, tài liệu bản gốc cho cơ quan quản lý để lưu trữ theo quy định. Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kịp thời báo cáo về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để được hướng dẫn giải quyết/.

3. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Phi

Nhằm thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1899/QĐ-BCT ngày 30/7/2021, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức “Hướng dẫn tiếp cận thị trường và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sang các thị trường châu Phi nói tiếng Anh” vào 14h ngày 10/9 theo hình thức trực tuyến.

Tham dự hội thảo lần này gồm Thương vụ Việt Nam tại các thị trường châu Phi nói tiếng Anh như Nam Phi, Ai Cập, Nigeria; các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam tại địa chỉ:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdOSHg9BuN0W_CZC342krfn48vrUFEUDmUkRKKOseKtQKKNyg/viewform?vc=0&c=0&w=1&flr=0 MettingID 85020996797 pass 123456.

Theo Ban tổ chức, tại hội thảo lần này, các tham luận sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tiếp cận thị trường đối với một số mặt hàng tiềm năng tại các nước châu Phi và định hướng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cùng với đó là chia sẻ của các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi phụ trách nói tiếng Anh như Nam Phi, Ai Cập và Nigeria. Ngoài ra, tại hội thảo, doanh nghiệp còn có thể hỏi đáp để tìm hiểu thêm về thị trường cũng như cơ hội mở rộng xuất khẩu sang khu vực này.

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, châu Phi là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng, bao gồm 55 quốc gia với dân số gần 1,3 tỷ người. Trong giai đoạn hiện nay, các nước châu Phi đã trở thành những đối tác kinh tế ngày càng quan trọng của Việt Nam.

Đặc biệt, Chính phủ luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Phi, nhiều hiệp định, thỏa thuận đã được ký kết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại và trong nhiều lĩnh vực khác.

Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn châu Phi ước đạt hơn 2.300 tỷ USD, chiếm khoảng 2,8% GDP thế giới; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1.800 USD; trong đó chỉ có hơn một nửa trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi có thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD/năm.

Dự báo trong năm 2021, trong điều kiện ngành du lịch phục hồi, giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng và dịch COVID-19 được khống chế, GDP của châu lục này có khả năng tăng 3,4%. Tuy nhiên, do khác biệt về địa lý và có sự phân hoá khí hậu rõ rệt giữa các khu vực, đặc điểm tự nhiên đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các nước ở mỗi khu vực.

Nhiều quốc gia châu Phi như ở Bắc Phi, Đông Phi và Nam Phi có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhưng đồng thời có những quốc gia nằm sâu trong lục địa hoặc chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc ở Tây và Trung Phi lại gặp nhiều khó khăn về trồng trọt, sản xuất lương thực thực phẩm.

Với quy mô dân số lớn khoảng 1,3 tỷ người, châu Phi được đánh giá là khu vực thị trường tiềm năng với nhu cầu nhập khẩu cao đối với nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong năm 2020, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến cho kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.

Thế nhưng, trong những tháng đầu năm 2021, sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã dần phục hồi, nối lại các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và châu Phi, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 23,4%.

Hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức được sử dụng phổ biến trong các hoạt động đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư… tại trên 25 quốc gia khu vực châu Phi, trong đó có một số đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại khu vực như Nam Phi, Ai Cập, Nigeria, Ghana, Tanzania, Kenya, Cameroon…

Hơn nữa, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước châu Phi nói tiếng Anh cơ bản mang tính chất bổ sung cho nhau. Đặc biệt, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, rau quả, thủy sản, điện tử, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, hàng dệt may và giày dép, hàng tiêu dùng, sữa và sản phẩm sữa./.