BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 08/2021 (06-09-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

1. Thủ tục, chính sách thuế hàng nhập để xây dựng văn phòng làm việc của doanh nghiệp chế xuất

Để các DOANH NGHIỆP hiểu, nắm rõ các quy định về thủ tục, chính sách thuế đối với hàng hóa NK để xây dựng văn phòng làm việc của DOANH NGHIỆP chế xuất, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn cụ thể vấn đề này nhằm tránh những vướng mắc phát sinh trong quá trình DOANH NGHIỆP thực hiện các quy định liên quan đến lĩnh vực hải quan.

Liên quan đến quy định hồ sơ, thủ tục hải quan, mã loại hình tờ khai cho loại hàng hóa này, theo Tổng cục Hải quan, khoản 5 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định rõ.

Theo đó, hàng hóa của các nhà thầu NK từ nước ngoài đưa trực tiếp vào khu phi thuế quan dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị theo kết quả đấu thầu, DOANH NGHIỆP phải chuẩn bị 1 bản chụp hợp đồng bán hàng vào khu phi thuế quan theo kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu trong đó, quy định giá trúng thầu không bao gồm thuế NK vào hồ sơ hải quan.

DOANH NGHIỆP thực hiện quy định tại khoản 51 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 75 Thông tư 38/2015/TT-BTC khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa NK để cung cấp cho DOANH NGHIỆP chế xuất. Theo đó, trường hợp nhà thầu NK hàng hóa để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị cho DOANH NGHIỆP chế xuất thì thực hiện thủ tục hải quan tại chi cục hải quan quản lý DOANH NGHIỆP chế xuất. Đồng thời, nhà thầu NK thực hiện khai tờ khai hải quan NK theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư này, chỉ tiêu “Phần ghi chú” khai thông tin số hợp đồng theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 16 Thông tư này và ngay khi được thông quan hàng hóa phải đưa trực tiếp vào DOANH NGHIỆP chế xuất. Sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng thầu, DOANH NGHIỆP chế xuất và nhà thầu NK báo cáo lượng hàng hóa đã NK cho cơ quan Hải quan nơi quản lý DOANH NGHIỆP chế xuất theo mẫu số 20/NTXD-DOANH NGHIỆPCX/GSQL Phụ lục 5 ban hành kèm Thông tư này.

Đối với mã loại hình NK thì việc kê khai trên tờ khai hải quan, DOANH NGHIỆP thực hiện theo Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 của Tổng cục Hải quan.

Liên quan đến chính sách thuế NK, tại điểm c khoản 4 Điều 2, và Điều 4 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định hàng hóa NK từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan thuộc đối tượng không phải chịu thuế.

Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa XNK và phương tiện, hành khách XNC; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ XNK.

Với các quy định trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp hàng hóa NK từ nước ngoài được đưa thẳng, trực tiếp vào DOANH NGHIỆP chế xuất để xây dựng văn phòng làm việc của DOANH NGHIỆP chế xuất thì thuộc đối tượng không chịu thuế NK.

Đối với chính sách thuế GTGT, Điều 3 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.

Điều 4 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGTvà tổ chức, cá nhân NK hàng hóa chịu thuế GTGT; khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ngoài ra khoản 2 Điều 12 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau: “a) Có hoá đơn GTGT mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu NK; b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng…”.

Khoản 2 Điều 9 Nghị định 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi DOANH NGHIỆP làm các thủ tục. Cũng tại Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này; khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo đó, đối chiếu với các quy định hiện hành, trường hợp DOANH NGHIỆP nội địa NK hàng hóa để xây dựng văn phòng làm việc cho DOANH NGHIỆP chế xuất thì phải kê khai, nộp thuế GTGT tại khâu NK. Số tiền thuế GTGT đã nộp tại khâu NK được kê khai, khấu trừ theo quy định.

2. Quản lý chặt với những hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

Việc khai báo thông tin hóa chất nhập khẩu được thiết kế có tính chất như cấp phép nhập khẩu sẽ khiến cho doanh nghiệp phải xin hai lần giấy phép mới được phép nhập khẩu loại hàng hóa nói trên.

Phản hồi đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời về vấn đề này.

Theo đó, VCCI đồng tình với nhiều nội dung cơ bản như quy định khai báo hóa chất nhập khẩu theo hướng tự động, tạo thuận lợi về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, thống nhất quan điểm với việc cần thiết phải quản lý chặt chẽ đối với những hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo VCCI, cần có sự đánh giá tác động kỹ càng hơn nữa đối với việc bổ sung thêm các cơ chế quản lý theo hướng gia tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, trong khi mục tiêu quản lý nhà nước lại có thể đạt được thông qua các biện pháp khác.

Cụ thể, liên quan tới nội dung khai báo hóa chất nhập khẩu, theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và Bộ Công Thương sẽ phản hồi thông tin. Đây được xem là bằng chứng xác nhận hoàn thành việc khai báo hóa chất và làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan làm thủ tục hải quan.

Dự thảo Nghị định sửa đổi lại bổ sung quy định phê duyệt hồ sơ đối với thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu nguy hiểm cần được kiểm soát như dinitơ oxit, xyanua và các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân. Đây là một dạng thủ tục tương tự như việc cấp phép, nên cần được cân nhắc lại và xem xét tới nguy cơ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Các dạng chất nêu trên đều thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Có nghĩa là, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu những mặt hàng này đều phải có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp và có quyền được nhập khẩu những hóa chất này để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Nhà nước thông qua cơ chế cấp phép kinh doanh để kiểm soát hoạt động kinh doanh, nhập khẩu những hóa chất này của các chủ thể, cho dù chủ thể nhập khẩu đủ điều kiện an toàn để kinh doanh những mặt hàng nguy hiểm này.

Theo lập luận của VCCI, việc khai báo thông tin hóa chất nhập khẩu được thiết kế có tính chất như cấp phép nhập khẩu (doanh nghiệp nộp hồ sơ, cơ quan Nhà nước sẽ xem xét hồ sơ và phê duyệt, xác nhận mới được phép nhập khẩu) sẽ khiến cho doanh nghiệp phải xin hai lần giấy phép mới được phép nhập khẩu loại hàng hóa nói trên, bao gồm: giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế và phê duyệt hồ sơ khai báo thông tin nhập khẩu.

Điều này tạo gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, trong khi xét về mục tiêu quản lý, Nhà nước đã có thể quản lý thông qua việc cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế.

Mặt khác, dự thảo đã bổ sung quy định: khi khai báo thông tin nhập khẩu doanh nghiệp phải cung cấp “Bản sao Giấy phép kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai báo hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh để kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp”. Về cơ bản, quy định này có thể kiểm soát được việc doanh nghiệp nhập khẩu có quyền nhập khẩu hóa chất hạn chế hay không.

Ngoài ra, tính nhất quán của các chính sách theo luật định cũng cần phải xem xét lại. Các hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sẽ chịu sự kiểm soát, quản lý tương tự nhau.

Việc đặt ra kiểm soát đặc biệt đối với những hóa chất đặc biệt nói trên sẽ tạo ra sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đối với các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Trong báo cáo đánh giá tác động, cơ quan chủ trì và xây dựng dự thảo cũng chưa đưa ra các thông tin về mặt thực tiễn đối với những nguy cơ gây mất an toàn đối với việc nhập khẩu các loại hóa chất là “dinitơ oxit, các hợp chất xyanua, các hợp chất thủy ngân nhập khẩu” đến mức buộc phải bổ sung thêm cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với các loại hóa chất này.

Do đó, VCCI cho rằng, cần bổ sung số liệu, vi phạm về việc nhập khẩu các loại hóa chất này và chứng minh việc khai báo nhập khẩu theo quy định hiện hành là không thể kiểm soát.

Ngoài nội dung quản lý và khai báo hóa chất nhập khẩu, vấn đề thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp cũng nên xem xét lại.

Theo đề xuất của dự thảo sẽ bổ sung quy định thời hạn của giấy phép này là 5 năm. Mặc dù, Nghị định 113 không quy định thời hạn của giấy phép mà chỉ sử dụng biện pháp quản lý là hậu kiểm và Báo cáo đánh giá tác động cũng không đánh giá tác động rõ ràng về những nguy cơ tác động tiêu cực về mặt quản lý Nhà nước, nhưng đề xuất của dự thảo sửa đổi lần này lại phù hợp với Luật Hóa chất.

Tuy nhiên, theo nhận định của VCCI, việc quy định thời hạn của giấy phép kinh doanh sẽ tác động đến việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Thời hạn càng ngắn thì doanh nghiệp phải thực hiện càng nhiều thủ tục, điều này cũng ảnh hưởng đến sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất với Luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định thời hạn của giấy phép dài hơn so với đề xuất, cụ thể là 10 năm. Đồng thời bổ sung các quy định kèm theo như gia hạn giấy phép và các thủ tục liên quan đến gia hạn giấy phép.

Ngoài 2 nội dung trên đây, VCCI thấy rằng, vấn đề trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp cũng cần được bổ sung điều chỉnh. Cụ thể như, Nghị định 113 quy định, doanh nghiệp phải cung cấp “Báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp của Giấy phép đã được cấp gần nhất đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 1”. Quy định này là không rõ ràng về tiêu chí của cơ quan cấp phép. Cơ quan cấp phép sẽ xem xét và hoặc căn cứ vào tiêu chí nào để cấp phép hoặc từ chối cấp phép?

Tình hình về xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp của giấy phép đã được cấp gần nhất có ảnh hưởng như thế nào đến việc xem xét cấp phép cho giấy phép tiếp theo? Cơ quan Nhà nước sẽ xem xét nội dung gì ở báo cáo này để quyết định? Việc thiếu rõ ràng trong tiêu chí cấp phép sẽ khiến cho quy trình này trở nên chưa minh bạch. Từ đây, VCCI  đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về căn cứ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét để cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.

Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp cũng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn khi dựa vào Bản giải trình kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Liên quan đến quy mô, chủng loại hóa chất kinh doanh thì doanh nghiệp đã phải cung cấp các tài liệu để chứng minh có thể sản xuất được các loại hóa chất này một cách an toàn.

Do đó, việc yêu cầu phải có “Bản giải trình kế hoạch kinh doanh” vừa chưa đảm bảo tính thống nhất trong chính các quy định của Nghị định 113/2017/NĐ-CP vừa chưa đảm bảo tính hợp lý và minh bạch. VCCI khuyến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này trong dự thảo./.

3. Kiện phòng vệ thương mại tăng nhanh, hàng Việt đối mặt 207 vụ việc

Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Theo Ban chỉ đạo 35 (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng mạnh từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ USD năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 22 toàn cầu về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu. Xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cán cân thương mại hàng hóa đã có thặng dư, năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng nhanh cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu. Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.

“Đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam, việc bị nước ngoài áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu”, đại diện Bộ Công Thương đánh giá.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh.

Bên cạnh đó, xu thế gia tăng các vụ viêc phòng vệ thương mại còn từ một số nguyên nhân như kinh tế suy thoái, tác động của đại dịch Covid-19, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường…

Tuy nhiên, có những thị trường Việt Nam tăng xuất khẩu nhiều như Trung Quốc, Nhật Bản nhưng hầu như không bị khởi kiện phòng vệ thương mại. Như vậy, kiện phòng vệ thương mại hay không còn phụ thuộc vào đặc điểm chính sách thương mại của mỗi nước, tính chất nền kinh tế của nước đó cũng như mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các hàng hóa bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại nhiều đa phần là hàng hóa có tính sản xuất hàng loạt chủ yếu ở phân khúc nguyên vật liệu, thứ hai là thành phẩm ở phân khúc tiêu dùng phổ biến. “Sau này, Việt Nam tiến tới xuất khẩu sản phẩm tinh hơn, giá trị gia tăng cao yêu cầu độ tinh vi, không phải sản phẩm nào cũng giống sản phẩm nào thì có thể sẽ ít bị điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại hơn”, bà Giang nói.

Để phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, về cơ quan quản lý nhà nước, việc quan trọng là phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến quy định về phòng vệ thương mại.

Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều đã có kiến thức về vấn đề này song doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có hiểu biết nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động cung cấp thông tin để các doanh nghiệp không quá bị động, lúng túng.

Với doanh nghiệp, cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với bạn hàng nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại…

“Các nước hiện nay còn dùng cả rào cản về môi trường, sơ hữu trí tuệ… để áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh quá tập trung vào 1 thị trường để giảm thiểu rủi ro khi vụ việc bị áp thuế ở mức khá cao”, bà Giang nói.

4. Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá giá màng BOPP

Ngày 4/8, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã ra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát phạm vi hàng hóa đối với việc áp dụng thuế chống bán phá giá một số màng BOPP có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Mã vụ việc là AD07.

Trước đó, ngày 20/7/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1900/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ TrungQuốc,Thái Lan và Malaysia.

Trong quá trình thực hiện Quyết định 1900/QĐ-BCT, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được phản ánh, kiến nghị của một số doanh nghiệp nhập khẩu liên quan tới phạm vi hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá trong vụ việc AD07.

Căn cứ quy định tại Mục 4 Chương IV Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, để có cơ sở rà soát, đánh giá lại phạm vi sản phẩm trong vụ việc này, các tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 70 Nghị định 10/2018/NĐ-CP có thể nộp hồ sơ đề nghị rà soát phạm vi hàng hóa. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ tại Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, ngày 2/8/2021, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã thông báo gia hạn thời hạn ban hành quyết định đối với yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn văn phòng và ghế có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia.

Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn và bộ phận của bàn, ghế và bộ phận của ghế có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia của đại diện ngành sản xuất trong nước. Ngày 18/6/2021, Cục Phòng vệ thương mại đã có công văn số 447/PVTM-P1 thông báo hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.

Để đảm bảo đánh giá chính xác các nội dung nêu trong hồ sơ, Bộ Công Thương gia hạn thời hạn ban hành quyết định việc điều tra hoặc không điều tra thêm 30 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương 2017./.