BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 07/2021 (16-08-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

1. Chính sách thuế GTGT, trị giá tính thuế đối với phần mềm nhập khẩu

Liên quan đến trị giá tính thuế, theo Tổng cục Hải quan, tại khoản 5 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính thì trường hợp hàng hóa NK là máy móc thiết bị có phần mềm điều khiển, vận hành NK kèm theo: trị giá hải quan là trị giá giao dịch của máy móc, thiết bị và phần mềm điều khiển, vận hành NK.

Cũng tại khoản 19 Điều 2 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC thì phần mềm điều khiển, vận hành (còn gọi là phần mềm hệ thống) là các dữ liệu, chương trình hoặc hướng dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác (operating system), khi tích hợp vào máy móc, thiết bị thì có tác dụng làm trung gian giao tiếp giữa người sử dụng và máy móc thiết bị; cung cấp môi trường cho phép người sử dụng vận hành, điều khiển các chứng năng của máy móc thiết bị.

Tại tiết b.1 điểm b khoản 5 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC thì phần mềm điều khiển, vận hành NK để nâng cấp, thay thế phần mềm điều khiển, vận hành lần đầu đã được cộng vào trị giá của máy móc, thiết bị thì không phải cộng vào trị giá của hàng hóa NK.

Đối chiếu với các quy định trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp Doanh nghiệp TNHH Salto Systems NK phần mềm SPA (phần mềm nâng cao) và đã được cài vào máy vi tính để nâng cấp thêm tính năng quản lý và điều khiển hệ thống theo yêu cầu của người dùng (nâng cấp cho phần mềm mặc định đã cài đặt trướ đó trên các sản phẩm thuộc hệ thống kiểm soát ra vào) thì không phải cộng vào trị giá của hàng hóa NK.

Liên quan đến chính sách thuế GTGT, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định: phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định về đối tượng chịu thuế GTGT: “Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩn phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định thuế suất thuế GTGT 10% áp dụng đối với hàng hóa không được quy định tại Điều 4, 9 và 10 của Thông tư này. Tổng cục Hải quan đề nghị doanh nghiệp TNHH Salto Systems đối chiếu với các quy định hiện hành để thực hiện và liên hệ với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục NK để được hướng dẫn cụ thể.

2. Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp...Chính sách thuế GTGT, trị giá tính thuế đối với phần mềm nhập khẩu. Miễn thuế nhập khẩu nếu không thuộc Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được. ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH: Đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế với hoạt động cho thuê tài sản. Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và trong nước, làm đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động; hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, trong đó lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách bị gián đoạn do giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, quy mô thị trường bị thu hẹp...

Thời gian gần đây, Bộ đã nhận được kiến nghị của một số hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất nhập khẩu của một số mặt hàng trong biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; đồng thời phản ánh một số vấn đề phát sinh từ việc thực hiện Nghị định số 57/2020/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cũng nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của Tỉnh ủy Hải Dương liên quan đến đề nghị của Doanh nghiệp Ford Việt Nam, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể về việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP; nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2020).

Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP cho phù hợp với yêu cầu và bối cảnh hiện nay. Việc xây dựng Nghị định sẽ phù hợp với các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, mức thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, việc sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP cũng khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; góp phần bảo vệ và khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước.

Sửa đổi mức thuế xuất khẩu, mức thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng

Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính xây dựng gồm có 2 Điều với 4 nhóm nội dung chính. Theo đó, sẽ sửa đổi mức thuế xuất khẩu, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự thảo cũng sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu và mức thuế xuất nhập khẩu MFN (hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện quy chế tối huệ quốc) đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn sau năm 2022 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp.

Ngoài ra, tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn, và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển như: mặt hàng vàng, bột thạch anh mịn, hạt giống trồng cây...

Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo Nghị định sẽ không phát sinh thủ tục hành chính mới hay thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ. Đồng thời các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung là những vấn đề đã được cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, khi thực hiện dự thảo Nghị định theo phương án sửa đổi bổ sung, đề xuất sẽ không làm phát sinh chi phí tuân thủ cũng như nguồn lực cho tổ chức thực hiện.

3. Tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu thép, “hạ nhiệt” thị trường

Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 5-10% thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép xây dựng, góp phần hạ giá mặt bằng thép xây dựng. Đồng thời, tăng thuế suất xuất khẩu phôi thép lên 5%, ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước...

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và công bố lấy ý kiến.

Điều chỉnh thuế suất, hạ giá mặt bằng với thếp xây dựng

"Giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh, chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất", Bộ Tài chính lo ngại.

Theo đó, để góp phần hạ giá mặt bằng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số loại sắt thép.

Bộ Tài chính giải thích rằng hiện Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số mặt hàng thép xây dựng ở mức 15%, 20% và 25%. Mức thuế suất này được áp dụng để thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng trong một thời gian dài, với mức tương đối cao.

Trong thời gian qua, với nhiều chính sách phù hợp, trong đó, có chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ngành thép trong nước đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Từ đó, từng bước tự chủ được công nghệ và năng lực sản xuất phôi thép, thép xây dựng, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Đề xuất giảm 5-10% thuế nhập khẩu thép

Để góp phần giảm giá thép nguyên liệu đầu vào, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng thép như sau:

Điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với thép cốt bê tông thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 (mã HS 7213.91.20; 7213.99.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7214.20.51; 7214.20.61; 7215.50.91; 7215.90.10) từ 20% xuống 15%; đối với thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 (mã HS 7216.33.11; 7216.33.19; 7216.33.90) và thép có răng khía thuộc nhóm 72.13 (mã HS 7213.10.10 và 7213.10.90) từ 15% xuống 10%.

Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định thuế nhập khẩu 0% hoặc thấp đối với nguyên liệu (quặng, thép phế liệu) để khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng này cho sản xuất trong nước, hay duy trì mức thuế suất cao hơn đối với bán thành phẩm (phôi thép), thép thành phẩm, khuyến khích sản xuất phôi, thép thành phẩm trong nước.  

Điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng của nhóm 72.10 (HS 7210.41.11; 7210.41.91;7210.49.12; 7210.49.91; 7210.61.11; 7210.61.91; 7210.69.11; 7210.69.91) từ mức 20% và 25% xuống 15%.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có một số ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mức ảnh hưởng dự báo không lớn do nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này hiện nay là không cao.

Đây là những loại thép mà trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm thép nhập khẩu; qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước, đồng thời, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.

Về thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Thực hiện theo phương án này sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triến bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam hiện nay đạt khoảng 24 triệu tấn/năm. Năm 2020, sản xuất phôi thép đạt 17,21 triệu tấn, đạt 70% năng lực sản xuất. Trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng phôi thép sản xuất trong nước đạt khoảng 7,13 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2020, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 10,11 triệu tấn, trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 3,93 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.

4. Sàn TMĐT sẽ phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế từ 1/1/2022

 Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 2664/TCT-DNNCN gửi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam để lấy ý kiến các bước dự kiến triển khai lộ trình kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với các Sàn giao dịch thương mại điện tử.

Trước đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC (ngày 1/6) hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ thực hiện việc khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.

Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế-nộp thuế thay cho cá nhân, các sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật...

Do vậy, để đảm bảo việc triển khai hướng dẫn Thông tư số 40/2021/TT-BTC phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và các sàn giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Thuế dự kiến các bước triển khai thực hiện như sau:

Bước 1 (trong tháng Tám), Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện khảo sát thực tế một số sàn giao dịch thương mại điện tử để xây dựng chuẩn dữ liệu. Theo đó, xây dựng dự thảo chuẩn dữ liệu đã lấy ý kiến các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tuy nhiên để việc khảo sát thực tế có hiệu quả, Tổng cục Thuế dự kiến một số nguyên tắc về việc cung cấp thông tin. Cụ thể, giải pháp cung cấp thông tin sẽ theo hướng chuyển file dữ liệu qua Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế hoặc kết nối trực tiếp đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn (có đáp ứng hạ tầng kỹ thuật kết nối trực tiếp với Tổng cục Thuế). Tổng cục đề xuất lấy ý kiến Hiệp hội Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trước khi tiến hành khảo sát thực tế tại các sàn thương mại điện tử để đảm bảo việc khảo sát có hiệu quả.

Với yêu cầu thông tin cung cấp, Tổng cục đề xuất dự kiến dữ liệu sẽ được chuyển định kỳ hàng tháng theo bảng tổng hợp của từng người bán trên sàn, bao gồm các thông tin cơ bản (tên gian hàng/tên chủ gian hàng/mã số thuế/chứng minh nhân dân-căn cước công dân/địa chỉ/e-mail/số điện thoại/doanh thu trong tháng). Theo Tổng cục Thuế, về cơ bản những dữ liệu này là sẵn có tại các sàn theo pháp luật về quản lý thương mại điện tử.

Bước 2 (từ ngày 1/8 đến trước ngày 1/10), cơ quan thuế sẽ tổng hợp ý kiến phản hồi sau khi lấy ý kiến tham gia và khảo sát thực tế, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chính thức văn bản hướng dẫn về chuẩn dữ liệu cung cấp thông tin; giải pháp kết nối; quy trình cung cấp thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để phục vụ công tác quản lý thuế.

Bước 3 (từ ngày 1/10 đến trước ngày 1/1/2022), Tổng cục Thuế và các sàn thương mại điện tử triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm việc cung cấp thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.

Bước 4 (từ ngày 1/1/2022), các sàn thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.

Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các sàn thương mại điện tử, tổng hợp ý kiến tham gia. Trong trường hợp có ý kiến khác về lộ trình dự kiến nêu trên, Tổng cục cũng đề nghị Hiệp hội có đề xuất cụ thể và gửi Tổng cục Thuế (Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân) chậm nhất trước ngày 27/7./.

5. Tháo gỡ rào cản thương mại, tạo đà cho xuất khẩu gỗ tăng trưởng

 Bất chấp tác động do Covid-19, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường truyền thống. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm 2021 tăng cao. Doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng từ Mỹ, châu Âu

6 tháng đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu (XK) lâm sản đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu (EU), Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường XK lâm sản chính của Việt Nam.

Các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng XK. Do đó, các DN đã nhận được rất nhiều đơn hàng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU.

Là doanh nghiệp chuyên XK gỗ, sản phẩm gỗ tới thị trường Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, đặc biệt là 2 thị trường truyền thống Mỹ và EU, bà Lê Thị Xuyến - Tổng Giám đốc Doanh nghiệp chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương) cho biết, doanh nghiệp đã có đơn hàng XK kín cả năm 2021, đang sản xuất với 130% công suất và sắp mở thêm nhà máy mới ở Bình Phước.

Giám đốc Doanh nghiệp CP gỗ Dầu Tiếng cũng cho hay, năm 2020 dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của doanh nghiệp, nhưng hiện nay nhà máy của doanh nghiệp sản xuất tới đâu là XK đến đó và đơn hàng đã kín đến hết tháng 6 năm nay. Doanh nghiệp cũng đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế khác.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thông lệ hàng năm, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào cuối năm để đáp ứng cho việc hoàn thiện thị trường nhà ở. Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn DN ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng XK, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU cho tới cuối năm 2021. Nhu cầu được dự kiến tiếp tục tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu vượt dịch và khởi sắc.

Trong cơ cấu thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ luôn là thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam. Theo các nhà phân phối Mỹ, khi Chính phủ Mỹ áp thuế lên nội thất Trung Quốc, các nhà nhập khẩu và phân phối tại Mỹ đã tìm kiếm các nhà cung cấp mới và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Phần lớn nội thất cho phòng ngủ, nhà bếp và văn phòng đều nhập khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, kim ngạch XK các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh tại Mỹ trong những năm gần đây.

Đặc biệt trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU cũng tăng mạnh, ước đạt 314 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo nửa cuối năm 2021, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh tới thị trường EU nhờ nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang phục hồi và Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa EU và Việt Nam đang dần thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn.

Tháo gỡ rào cản thương mại

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, với đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, dự báo XK gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 sẽ đạt giá trị trên 15 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm ngành lâm nghiệp vẫn gặp khó khăn như rào cản thương mại từ các thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động XK. Ví dụ, rủi ro thương mại khi Mỹ đang điều tra theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Mỹ và điều tra thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán; Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang có những điều tra liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế XK gỗ của Việt Nam. Ngoài ra, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, nhập khẩu nguyên phụ liệu phụ trợ phục vụ cho công tác chế biến hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian tới ngành lâm nghiệp tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, tạo đà cho xuất khẩu gỗ tăng trưởng cao trong năm 2021. Đối với thị trường Mỹ, Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung giải quyết truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào để chế biến các sản phẩm. Trong đó, các loại gỗ nhập khẩu theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp được tổng cục rà soát, đối chiếu giấy phép của nước XK, đồng thời công bố công khai minh bạch giấy phép đã được cấp để DN và các quốc gia XK gỗ nắm được…

Ngoài ra, để đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước minh bạch, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện kế hoạch cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững; phối hợp chặt chẽ với Chương trình Xác nhận chứng nhận rừng (PEFC) quốc tế để đẩy nhanh việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC, được sử dụng nhãn hiệu của PEFC quốc tế…

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng khuyến nghị các DN ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm; chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ. Đáng chú ý, chi phí logistics tăng cao giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới. Do đó, DN cần có biện pháp tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu./.