![](/media/cache/34/2f/342f6ddf4b1cb9d21dcee69a6f79000b.jpg)
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
- Miễn thuế nhập khẩu nếu không thuộc Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được
Theo quy định, hàng nhập khẩu nếu không thuộc Danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được quy định và đáp ứng đủ các tiêu chí hàng chuyên dùng thì được miễn thuế NK. Trước vướng mắc của Trung tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tận hòa nhập cộng đồng về chính sách thuế đối với máy in chữ nổi, tủ chống ồn, theo Tổng cục Hải quan, khoản 20 diều 16 Luật Thuế XK, thuế NK quy định: “Hàng hóa NK chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục” thì được miễn thuế NK.
Tại Điều 21 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa NK chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục được miễn thuế NK theo quy định tại khoản 20 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK; căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; căn cứ xác định hàng hóa chuyên dùng NK phục vụ trực tiếp cho giáo dục thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này”.
Khoản 1 và khoản 3 Điều 40 Nghị định 134/20216/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm thi hành: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được làm căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được quy định tại Điều 21 của Nghị định này. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục”.
Theo đó, tại Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí để xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục quy định: “Hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục là hàng hóa được sử dụng cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học và nghiên cứu khoa học của người dạy và người học trong các cơ sở giáo dục bao gồm: thiết bị, máy móc, vật liệu, dụng cụ, hóa chất, đồ dùng, đồ chơi, sách, tài liệu, chương trình giáo dục đào tạo, giáo trình, tạp chí, dây chuyền công nghệ và các hàng hóa khác”.
Trong đó, Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT quy định cụ thể các tiêu chí: “Hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Hàng hóa tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam; hàng hóa có cấu tạo, công năng sử dụng đặc thù, chỉ được sử dụng trong các cơ sở giáo dục; hàng hóa thuộc Danh mục thiết bị dạy và học trong giáo dục mầm non, phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đảo tạo ban hành hoặc nằm trong danh mục mua sắm, đấu thầu thuộc dự án đầu tư, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đã được phê duyệt theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam; hàng hóa đảm bảo tính sư phạm, phù hợp với mục tiêu, chương trình ở các cấp học, trình độ đào tạo, đảm bảo mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; hàng hóa phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.
Đối chiếu với các quy định trên thì trường hợp hàng hóa của Trung tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng NK máy in chữ nổi, tủ chống ồn của máy in nếu không thuộc Danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được quy định tại phục lục 2 Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT và đáp ứng đủ các tiêu chí là hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục theo quy định tại Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT thì được miễn thuế NK theo quy định.
Liên quan đến thuế GTGT, căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Thuế GTGT: “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 Luật này”.
Trong đó, quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 và khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13 thì không có quy định về đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa là máy in chữ nổi, tủ chống ồn của máy in. Do đó, trường hợp của Trung tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng NK máy in chữ nổi, tủ chống ồn của máy in thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
- Sửa biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước trước ảnh hưởng dịch Covid-19.
Điều chỉnh một số mặt hàng có thuế MFN chênh lệch lớn
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, gửi xin các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp có liên quan.
Theo Bộ Tài chính dự thảo nghị định này nhằm thực hiện các chỉ đạo theo nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, ngày 8/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, trong đó, giao: “Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp... ".
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, nghị quyết đã giao: Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế MFN ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế MFN (Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) chênh lệch lớn so với mức thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt băng giá cả trong nước.
Sở dĩ ở thời điểm này, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính rà soát sửa đổi các quy định liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi bởi vì dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và trong nước, làm đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, trong đó lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách bị gián đoạn do giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, quy mô thị trường bị thu hẹp. Cùng với đó, một số ngành như chăn nuôi, xây dựng đang chịu nhiều tác động tiêu cực do giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và sức cạnh tranh.
Ngoài ra, thời gian gần đây, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của một số hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của một số mặt hàng trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng việc khai thác, xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản đang diễn biến phức tạp. Việc khai thác, xuất khẩu các mặt hàng đá tự nhiên, clanke xi măng có xu hướng tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như yêu cầu giữ lại nguồn tài nguyên cho sử dụng trong nước, nhất là các loại tài nguyên không tái tạo.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định số 57/2020/NĐ-CP là hết sức cần thiết. Nghị định sửa đổi nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước trước ảnh hưởng dịch Covid-19.
Dự thảo nghị định khi được ban hành sẽ khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; góp phần ổn định thị trường, nhất là đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
Đề xuất sửa chương trình ưu đãi thuế ô tô lắp ráp trong nước
Theo đó, dự thảo nghị định sửa đổi thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định sửa đổi mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua để góp phần phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo đó, điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép và thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.
Ngoài ra, dự thảo nghị định điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm mặt hàng lúa mỳ và ngô.
Tại dự thảo nghị định đã đề xuất sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng, bột thạch anh mịn, hạt giống cây trồng…
Theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị định không phát sinh thủ tục hành chính mới hay thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Đồng thời, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung là những vấn đề đã được cơ quan thuế, cơ quan hải quan thực hiện trong giai đoạn vừa qua.
Theo đó, khi thực hiện nghị định theo phương án sửa đổi, bổ sung đề xuất sẽ không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ cũng như nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện./.
- Giải pháp hữu hiệu ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế
Nguy cơ hàng hóa nước ngoài "đội lốt" hàng Việt Nam ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín hàng Việt cũng như nền sản xuất nội địa. Do đó, nước ta cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán lẩn tránh bất hợp pháp trong phòng vệ thương mại.
Vài năm trở lại đây, hàng hóa xuất khẩu nước ta thường xuyên gặp nạn ở nhiều thị trường quốc tế, phải chống chọi gay gắt với hàng rào phòng vệ thương mại. Số vụ việc chống lẩn tránh điều tra, chống phá giá, chống trợ cấp đối với hàng Việt ngày càng gia tăng.
Mới đây Bộ Công thương có thông báo danh sách 11 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Bao gồm mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đệm mút, đá nhân tạo, gạch men, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các mặt hàng lốp xe, xe đạp điện xuất khẩu sang cả Mỹ và EU.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là do các thị trường nhập khẩu cho rằng hàng hóa Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngày càng gia tăng tình trạng hàng hóa nước ngoài chuyển tải sang nước ta để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế, thậm chí là lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế quan ưu đãi theo các FTA mà chúng ta tham gia.
Thực tế cho thấy, từ khi có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, hàng Trung Quốc nhằm né cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu gia tăng mạnh. Hơn thế nữa, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) chia sẻ, Việt Nam với việc "mở cửa" mạnh mẽ thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ khiến nguy cơ chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp, gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng mạnh.
"Đặc biệt, với các cam kết trong các FTA, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Điều này tuy tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song cũng làm gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ. Vì vậy, nếu không kiểm soát hiệu quả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì nguy cơ giả mạo hàng Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường "ruột" của Việt Nam là rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng Việt và tác động tiêu cực đến nền sản xuất trong nước.
Cấp bách đẩy lùi các nguy cơ về gian lận thương mại
Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng, nước ta cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán lẩn tránh bất hợp pháp trong phòng vệ thương mại, nhất là thông qua gian lận xuất xứ. Đặc biệt, khi mà thời gian tới, nền kinh tế thế giới sau "tổn thương" lớn bởi dịch bệnh sẽ có những diễn biến khó lường, các nước sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất nội địa đang chất chồng khó khăn.
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, đã có cơ chế thường xuyên theo dõi và cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để thông báo cho các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các trường hợp nghi ngờ gian lận xuất xứ. Trong đó chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ đẩy mạnh kiểm soát các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, nhất là đối với các mặt hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bên cạnh đó cũng rà soát lại các quy định liên quan đến chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để bổ sung, hoàn thiện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp...
Mặt khác, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác; không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ lẩn tránh thuế, các cơ quan chức năng cần tăng cường vai trò hậu kiểm đối với các doanh nghiệp mới thành lập, nhất là doanh nghiệp từng bị đưa vào tầm ngắm một cách quyết liệt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương để xử lý hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại./.
- Dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Nghị định 57/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành mới đây đã bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp (DN) có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT kể từ ngày tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 1/1/2015 đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm CNHT theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị định 57/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Trường hợp DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này đã hưởng hết ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.
Nếu DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT) thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.
Theo Nghị định 57/2021/NĐ-CP, năm 2010, DN thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn khu công nghiệp. Trong kỳ tính thuế năm 2011, dự án phát sinh doanh thu, trong kỳ tính thuế năm 2012 dự án phát sinh thu nhập chịu thuế. Trong kỳ tính thuế năm 2015, dự án được hưởng ưu đãi trong điều kiện địa bàn khu công nghiệp theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành thời gian còn lại từ năm 2015. Như vậy, doanh nghiệp còn được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 3 năm (từ 2015-2017). Đến hết kỳ tính thuế năm 2017, dự án đã hưởng hết ưu đãi theo điều kiện địa bàn khu công nghiệp.
Trong kỳ tính thuế năm 2018, dự án được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT. Theo đó, dự án được lựa chọn hưởng đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2018. Thời gian ưu đãi còn lại được xác định như sau: Thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian 16 năm kể từ kỳ tính thuế năm 2018; miễn thuế TNDN 2 năm kể từ kỳ tính thuế 2018, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 5 năm tiếp theo.
Với DN thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn vào năm 2014, trong kỳ tính thuế năm 2014, dự án phát sinh doanh thu. Trong kỳ tính thuế năm 2015, dự án phát sinh thu nhập chịu thuế. Dự án được hưởng ưu đãi theo điều kiện địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Cụ thể, thuế suất 20% trong thời gian 10 năm tính từ kỳ tính thuế năm 2014 (kể từ kỳ tính thuế 2016 áp dụng thuế suất 17%); miễn thuế TNDN 2 năm tính từ kỳ tính thuế 2015, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Tính đến hết kỳ tính thuế năm 2017, dự án đã hưởng ưu đãi: Số năm thuế suất ưu đãi 4 năm, số năm miễn thuế TNDN 2 năm, số năm giảm thuế TNDN 1 năm.
Trong kỳ tính thuế năm 2018, dự án được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất CNHT. Theo đó, dự án được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2018. Thời gian ưu đãi còn lại được xác định như sau: Thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian 11 năm kể từ kỳ tính thuế năm 2018; miễn thuế TNDN 2 năm tính từ kỳ tính thuế năm 2018, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 8 năm tiếp theo./.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (16-08-2021)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (16-08-2021)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (16-08-2021)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (16-08-2021)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (16-08-2021)