BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 07/2020 (02-11-2020)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

 

1. Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình mới

Để giúp các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện sản xuất-kinh doanh ứng phó với đại dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chủ động và chủ trì thực hiện nhiều hoạt động tạo thuận lợi thương mại trong tình hình mới như trao đổi trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp về tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa tại các nước nhập khẩu…

- Với mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp triển khai chuyển đối số thành công, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và VCCI tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020. Tại Diễn đàn, Bộ Công Thương đã giải đáp các thắc mắc cũng như ghi nhận đề xuất các giải pháp để giúp cộng đồng doanh nghiệp có được điều kiện thuận lợi nhất có thể, không chỉ ở khía cạnh xuất khẩu mà còn về nhập khẩu.

Diễn đàn cũng tập trung vào việc chia sẻ các giải pháp thực tế, hữu ích hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động chuyển đổi số hiệu quả cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và xuất nhập khẩu với sự tham gia của hai thương hiệu toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử là Google và Facebook cùng hệ sinh thái hỗ trợ đa dạng trong nước như Vesa, VnPost, EMS, OSB, Fado...

Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.

Cho đến nay, Bộ Công Thương đã thực hiện 6 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến và kết nối với hệ thống một cửa quốc gia. Ngoài ra, còn có 11 thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4. Chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.

Việc xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tuyến và triển khai các hành động cần thiết sẽ giúp phát huy lợi thế của thương mại điện tử, nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có sự đầu tư chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên trách… mới có thể thành công.

- Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, với 9 trong số 13 doanh nghiệp có 58 container tiêu xuất khẩu đang bị kẹt tại Nepal để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy Chính phủ Nepal nhanh chóng cho tái xuất 58 container do chi phí lưu kho, lưu bãi lớn đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, những lô hàng này bị mắc kẹt do Nepal ban hành lệnh cấm nhập đột ngột, chưa thông qua các bước khai báo nhập khẩu nào. Do đó, container vẫn nguyên vẹn hiện trạng ban đầu với đầy đủ niêm chì từ phía hãng tàu nên không cần thiết phải thông qua DRI nhằm tránh kéo dài thêm thời gian. Ngày 25/3/2020, Nepal ban hành văn bản cấm nhập khẩu hồ tiêu, có hiệu lực từ ngày 6/4/2020. Các doanh nghiệp Việt Nam không có lỗi mà rủi ro xảy ra do Nepal ban hành lệnh cấm đột ngột đối với 5 mặt hàng, trong đó có hồ tiêu.Trong khi đó, mức phí lưu kho bãi mỗi ngày 170 USD/container.

Bộ trưởng Công Thương đã  gửi công thư cho Bộ trưởng Công Thương và Vật tư Nepal, liên tục chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) phối hợp với Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để tác động cơ quan chức năng Nepal qua các kênh như công hàm, điện đàm trực tuyến, v.v...

Theo đó, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã có văn bản yêu cầu Hải quan Nepal cho phép các công hàng đang bị mắc kẹt được tái xuất về nước theo mong muốn của các doanh nghiệp. Hải quan Nepal cũng đã có văn bản gửi tất cả các Chi cục Hải quan yêu cầu cho phép các công hàng hồ tiêu mắc kẹt được tái xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các đối tác nhập khẩu Nepal hoàn hiện chứng từ tái xuất theo quy định.

Tuy nhiên, để có thể về tới Việt Nam, lô hàng phải quá cảnh Ấn Độ và hiện các container hồ tiêu đang vướng thủ tục hải quan tại Ấn Độ. Hiện, đại diện Bộ Công thương Việt Nam vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, để làm việc với các cơ quan chức năng của Ấn Độ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cảnh báo về việc Ấn Độ có khả năng siết chặt tiêu chuẩn đối với hồ tiêu nhập khẩu. Để giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh với thị trường Ấn Độ, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm thông tin, kiểm soát chất lượng hồ tiêu xuất khẩu và có biện pháp ứng phó trong trường hợp Ấn Độ đưa ra biện pháp chính sách đột ngột gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ.

2. Bộ trưởng Công Thương chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản theo hình thức trực hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế

Nhằm thảo luận, xây dựng các biện pháp cụ thể để triển khai cam kết tại “Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế để ứng phó với đại dịch Covid-19” mà hai Bên đã thông qua vào tháng 4 năm 2020 khi đại dịch bước vào giai đoạn quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực Châu Á và trên toàn thế giới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản theo hình thức trực tuyến.

Các Bộ trưởng đã thông qua “Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN - Nhật Bản” với nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm đạt được ba mục tiêu chính. Một là duy trì các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa ASEAN và Nhật Bản. Hai là giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Ba là tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.

Theo đó, “Kế hoạch hành động phục hồi Kinh tế ASEAN - Nhật Bản” đã đưa ra một số nội dung hợp tác như: tăng cường hội nhập và hợp tác kinh tế nhằm duy trì mở cửa thị trường cho các luồng thương mại và đầu tư giữa hai Bên; cam kết sẽ cố gắng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020; hỗ trợ xây dựng năng lực lẫn nhau nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bao gồm ngành công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ chuyển đổi thương mại kỹ thuật số khu vực trong ASEAN nhằm góp phần thúc đẩy các nền tảng thương mại hiện có; thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử, khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIF) và khung ASEAN về quản trị dữ liệu số; thúc đẩy trao đổi thông tin và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất về các chính sách kinh tế nhằm ứng phó với đại dịchCovid-19 và nỗ lực tăng cường hợp tác công tư trong quá trình đối phó với các thách thức kinh tế; khởi xướng các chương trình tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng tập trung vào ASEAN, thông qua tăng cường sự tham gia của các nhà kinh doanh và giới học thuật, v.v...

Đây chính là minh chứng rõ ràng về sự đồng thuận và hợp tác của các nước ASEAN với Nhật Bản - một đối tác kinh tế quan trọng và chiến lược của ASEAN trong khu vực Châu Á – đúng với tinh thần của năm ASEAN 2020, do Việt Nam là Chủ nhà là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẵn sàng ứng phó với các hậu quả do đại dịch gây ra, củng cố chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hồi phục nền kinh tế của ASEAN và Nhật Bản.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản đã đạt được những kết quả có ý nghĩa thực chất và có tác động lâu dài đối với tương lai quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Với những nỗ lực rất lớn từ cả hai phía, quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã phát triển không ngừng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định ở Ðông - Nam Á và châu Á. Nhật Bản trở thành đối tác hàng đầu của nhiều nước ASEAN về thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển chính thức. ASEAN cũng trở thành bạn hàng lớn thứ hai của Nhật Bản, thu hút 100 tỷ USD đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài.

Các nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về tương lai hợp tác ASEAN - Nhật Bản trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực... và đã đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm tạo đà xây dựng và củng cố môi trường hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản theo phương châm "cùng hành động, cùng phát triển".Nhật Bản đã công bố sáng kiến hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các nước ASEAN thông qua chương trình cung cấp 1,5 tỷ USD trong vòng ba năm để giúp đào tạo cho khoảng 40.000 người. Tiếp theo những kết quả đạt được trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 và thỏa thuận khung về Ðối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản ký tại Bali tháng 10 năm nay, thì những nỗ lực mới này của ASEAN và Nhật Bản sẽ giúp củng cố cơ chế hợp tác ASEAN+1 và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác vốn đã phong phú giữa hai bên trong thời gian tới.

Nhật Bản khẳng định cam kết hỗ trợ thực hiện Sáng kiến Liên kết kinh tế ASEAN (IAI), Hành lang Kinh tế Ðông-Tây (WEC) và nhiều dự án phát triển tiểu vùng Mê Công được đề xuất trong Chương trình Hành động Hà Nội và Hội nghị cấp cao ASEAN 9 ở Bali vừa qua.Những cam kết này hoàn toàn phù hợp chủ trương của sáu nước thành viên của ASEAN giúp bốn nước thành viên mới thu hẹp khoảng cách phát triển và hướng tới xây dựng một Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020.Nhật Bản còn là nước tham gia hỗ trợ tích cực cho ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo về công nghệ thông tin, y tế sức khỏe; thúc đẩy giao lưu hiểu biết giữa người dân hai khu vực thông qua nhiều dự án, chương trình như JENESYS, Dự án WA và Trung tâm châu Á. Các hoạt động hợp tác, giao lưu thể thao ASEAN-Nhật Bản cũng được tăng cường thông qua sáng kiến chung Hành động ASEAN-Nhật Bản về thể thao 2019-2020. Nhật Bản cũng tích cực hợp tác, hỗ trợ ASEAN thực hiện Hiệp định ASEAN về Quản lý thiên tai và Ứng phó khẩn cấp (AADMER), Chương trình công tác 2016-2020; dành nhiều hỗ trợ tài chính cho các chương trình của Trung tâm Điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA).

Trong thời gian tới, hợp tác ASEAN - Nhật Bản vì hòa bình và phát triển có nhiều thuận lợi trong bối cảnh các nước đều ưu tiên cho phát triển kinh tế, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia và tham gia tích cực vào tiến trình liên kết kinh tế khu vực và quốc tế.Tuy nhiên, quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản cũng phải đối phó những thách thức rất lớn. Ðó là những tác động tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hóa, đặc biệt là khoảng cách giàu nghèo trong từng quốc gia và trên thế giới ngày càng rộng, của nguy cơ khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia, những vấn đề an ninh tồn tại ở khu vực.

Việt Nam sẽ là cầu nối hiệu quả giữa ASEAN với Nhật Bản và trông đợi nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ Nhật Bản và các nước ASEAN để phát huy thành công vai trò điều phối quan trọng này, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả ASEAN, Nhật Bản và khu vực. Hai nước hiện là đối tác chiến lược của nhau có nhiều điểm chung, việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ giúp thúc đẩy các dự án chung giữa ASEAN và Nhật Bản, hợp tác cùng trao đổi quan điểm và xây dựng các dự án cùng nhau nhằm đưa tầm nhìn đi vào thực tiễn. Và với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản nhiệm kỳ 2018-2021, Việt Nam đã thực hiện hóa sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực bằng việc tổ chức chuỗi hoạt động Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Việt Nam.

Riêng về việc Quỹ ASEAN ứng phó Covid -19 đi vào hoạt động, Thái Lan đã đóng góp 100.000 USD cho những hoạt động ban đầu của Quỹ. Các nước cũng trao đổi về những bước tiếp theo để hoàn tất kế hoạch phục hồi toàn diện sau COVID-19 của ASEAN, nhất trí phấn đấu hoàn tất nội dung kế hoạch trước Cấp cao ASEAN 37 dự kiến tổ chức tháng 11/2020.

3.  Một số hoạt động tạo thuận lợi thương mại khác

- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC trực tuyến (VMRT) về COVID-19 diễn ra vào ngày 25/7/2020. Các thành viên APEC đều nhất trí tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ với quyết tâm và trách nhiệm cao để sớm khống chế dịch bệnh và giải quyết hiệu quả các hệ lụy kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong thời gian tới, APEC sẽ huy động toàn diện các nguồn lực để giúp các thành viên xử lý những hậu quả nặng nề của đại dịch, nhanh chóng phục hồi kinh tế; phát huy vai trò là diễn đàn hàng đầu về hội nhập kinh tế khu vực, duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC; khẳng định tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao trong hình hình mới.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại của 21 nền kinh tế APEC, trong đó có Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, v.v… đã thảo luận tại hội nghị về việc làm thế nào để duy trì cơ chế đầu tư thương mại tự do và cởi mở trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành. Trong thời kỳ dịch bệnh, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đài Loanvẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng 1,6%. Đài Loan không phải áp dụng lệnh phong tỏa, cũng không có tình trạng lây nhiễm cộng đồng với quy mô lớn, xã hội vẫn hoạt động một cách có trật tự và còn cứu trợ cho cộng đồng quốc tế. Kinh nghiệm của Đài Loan là Chính phủ cần duy trì lưu thông các vật tư quan trọng, tránh làm gián đoạn việc cung ứng. Việc thực hiện các biện pháp hạn chế thương mại cần áp dụng trong phạm vi phù hợp, đảm bảo liên quan đến dịch bệnh và tuân thủ các nguyên tắc như quy định pháp luật minh bạch, không phân biệt đối xử và mang tính tạm thời, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, cần thúc đẩy sự lưu thông thuận tiện đối với các vật tư, dịch vụ và nhân sự cần thiết, việc điều chỉnh giảm thuế cần xem xét cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, tăng cường nghiên cứu và phát triển để giúp cho liên kết cung ứng không bị gián đoạn và được đẩy mạnh. Đài Loan sẵn sàng đối thoại và hợp tác với các nước để cùng đối mặt với những khó khăn có thể xảy ra trong tương lai.

Hội nghị cũng đã đạt được nhiều kết luận quan trọng, bao gồm: Tiếp tục ủng hộ thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán trước và ổn định để đẩy nhanh phục hồi kinh tế; đồng ý tiếp tục cải thiện hoạt động của WTO; mọi biện pháp ứng phó với dịch bệnh đều phải tuân thủ quy định của WTO; nhanh chóng thiết lập nền tảng kỹ thuật số để chia sẻ các phiện pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất; quan tâm sự tác động của tình hình dịch bệnh đối với các nước đang phát triển cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước; khuyến khích các nền kinh tế cùng hợp tác để tăng cường sức mạnh của chuỗi cung ứng, thương mại xuyên quốc gia và lưu thông dữ liệu thông qua giải pháp kỹ thuật số, đồng thời chú ý bảo vệ quyền riêng tư để củng cố niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với thương mại điện tử.

Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia, các nền kinh tế thành viên APEC cũng đã nhất trí về một Tuyên bố chung về tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tuyên bố thừa nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo dòng chảy thương mại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, buộc các nước thành viên cam kết cùng hợp tác để tạo điều kiện cho dòng hàng hóa thiết yếu. Những thách thức do dịch bệnh gây ra sẽ không thể ngăn Malaysia tổ chức một APEC thành công, bao gồm cả việc chuẩn bị cho tầm nhìn APEC sau năm 2020, trong bối cảnh các Mục tiêu Bogor sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương , Trưởng Đoàn Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2020, APEC cần phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nỗ lực vượt khó và xây dựng Tầm nhìn hợp tác sau năm 2020. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã chủ động chia sẻ thông tin về những nỗ lực và kết quả hợp tác của ASEAN thời gian qua, trong đó có việc thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng; qua đó khẳng định vai trò của Cộng đồng ASEAN trong chủ động ứng phó và thích ứng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

- Ngày 21/7/2020, Cục Xúc tiến thương mại (phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ban Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Sản phẩm tiêu dùng Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ. Tại hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi trực tuyến về thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, nhu cầu thị trường, qua đó tạo tiền đề cho việc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác lâu dài.

Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là tạo điều kiện cho doanh nghiệp các nước đầu tư, làm ăn, buôn bán tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.Hội nghị cũng tập trung đánh giá lại kết quả giao thương trong những năm qua, khẳng định đã có những tiến bộ nhưng chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của mỗi nước và đặc biệt gần đây đã có dấu hiệu sụt giảm. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để thích ứng, chủ động trong kinh doanh, làm ăn buôn bán trong bối cảnh “bình thường mới”.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá, Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao ở châu Á. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển thương mại lớn thứ 2 và cũng là điểm đến hứa hẹn cho doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.Là quốc gia hàng đầu trong khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN và các khu vực khác trên thế giới. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là cầu nối đưa sản phẩm của Việt Nam đến các khu vực như Trung Đông, Trung Á…

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí sát Trung Đông nhưng cũng có vị trí rất quan trọng đối với châu Âu. Do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có cơ hội vào các thị trường khác của Trung Đông mà còn có cơ hội để sang EU. Ngược lại, Việt Nam đang phát triển và nhu cầu xây dựng hạ tầng rất lớn, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.

Các lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm và hàng tiêu dùng, vật liệu và sản phẩm công nghiệp đã được đưa ra trao đổi cụ thể tại Hội nghị. Các doanh nghiệp đã kết nối, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các cơ hội kinh doanh ở mỗi nước.

- Trước vướng mắc về việc áp mã HS gỗ cao su dạng tấm, Tổng cục Hải quan- Bộ Tài chính đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan liên quan để xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sử dụng để quyết định áp dụng mã HS phù hợp với nhóm các mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm. Với tinh thần hợp tác, chia sẻ khó khăn, vướng mắc và thống nhất phương án giải quyết với nguyên tắc thượng tôn pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và Doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẵn sàng hỗ trợ theo hướng tạo điều kiện.

Việc phân loại và áp dụng thuế suất cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, quy định mới nhất là Thông tư 65/2017 về danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam và biểu thuế suất theo các quy định của Chính phủ  và các văn bản quy định của pháp luật có liên quan.Việt Nam lại là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới nên cơ quan hải quan phải tuân thủ các quy định về phân loại hàng hóa. Việc xử lý, giải quyết vướng mắc với doanh nghiệp cần tập trung, nâng cao tinh thần hợp tác hỗ trợ và tạo điều kiện lẫn nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.Để đảm bảo công bằng và không ách tắc hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã đề nghị trước mắt vẫn cho doanh nghiệp xuất khẩu với mức thuế suất 0%, cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thầm quyền...

Và sau khi xem xét kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ, ngành liên quan, Tổng cục Hải quan đã ra có Thông báovề kết quả phân loại đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Đối với sản phẩm gỗ cao su dạng tấm, đã bào, đã chà nhám, kích cỡ (44 x 1100 x 4500mm) , để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, Tổng cục Hải quan thống nhất vẫn phân loại mặt hàng này thuộc nhóm 44.18 là “Đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp”, phân nhóm “-loại khác”, phân nhóm 4418.99 “—loại khác”, mã số 4418.99.90 “--- loại khác” tại Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam. Với kết qủa thông báo này, sau nhiều vướng mắc, sản phẩm gỗ ván ghép thanh xuất khẩu đã chính thức được hưởng mức thuế suất 0%.

Trước đó, để đảm bảo khách quan, công bằng giữa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế khẩn trương mời đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tếvề việc áp dụng mã HS đối với nhóm các mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm.