- Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
- Hỗ trợ doanh nghiệp sản phẩm chế biến bột vượt rào cản xuất khẩu
Vụ Khoa học và Công nghệ ( Bộ Công Thương ) cho biết: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Liên minh châu Âu (EU) đánh giá tần suất về việc tuân thủ các yêu cầu, quy định về dư lượng Etylen oxit (EO) trong quá trình kiểm soát của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm chế biến từ bột để từng bước xem xét, dỡ bỏ biện pháp kiểm soát theo theo EU 2246/2021 hoặc chuyển từ phụ lục II sang phụ lục I.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, ngày 13/6/2022, Liên minh châu Âu đã đăng công báo Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5/2022 sửa đổi Quy định mới về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU (Quy định số (EU) 2021/2246), có hiệu lực từ 3/7/2022. Vì thế, EU đã chính thức đưa các loại bún, miến, phở dạng khô ra khỏi danh mục quy định yêu cầu chứng thư từng lô hàng.
Trước đó, tháng 8/2021, một số lô hàng mì ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo thu hồi do chứa EO tại nhiều nước châu Âu như: Thụy Sĩ, Na Uy, Anh, các nước EU. Sau vụ việc nêu trên, ngày 15/12/2021, EU đã ban hành quy định (EU) 2021/2246 điều chỉnh thực thi quy định (EU) 2019/1973 về việc tạm thời gia tăng các biện pháp kiểm soát chính thức một số hàng hóa nhập khẩu vào EU từ một số nước thứ ba.
Do vậy, sản phẩm chế biến bột dạng khô và dạng ăn liền của Việt Nam cần có chứng thư và bị tăng tần suất kiểm tra ngẫu nhiên lên 20%. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 6 tháng 1 năm 2022, chứng thư được cấp cho từng lô sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu Etylen oxit. Tuy nhiên sau đó, Uỷ ban châu Âu đã đưa ra quy định chuyển tiếp áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 6 tháng 1 năm 2022 đến ngày 17 tháng 2 năm 2022 mới bị kiểm tra EO.
Cũng theo Vụ Khoa học và Công nghệ, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã giao Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại châu Âu để chủ động, kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm chế biến bột trong và ngoài nước.
Điều này nhằm duy trì các hoạt động xuất khẩu; thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật, cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước. Mặt khác, các đơn vị liên quan có nhiêmh vụ hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, tập trung vào hệ thống các nhà cung ứng nguyên liệu và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu EO theo quy định của EU.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng quy định mức ngưỡng giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Đây là những cơ sở quan trọng, được EU đánh giá cao để xem xét, điều chỉnh kịp thời biện pháp kiểm soát đã được quy định từ đầu năm 2022 đến nay. Đặc biệt, tại Phiên họp trực tuyến Ủy ban SPS Việt Nam-EU vào tháng 5 năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã nêu quan điểm đề nghị EU chỉ xem xét các biện pháp kiểm soát EO trong sản phẩm mỳ ăn liền và loại trừ các sản phẩm chế biến bột khác.
Bên cạnh đó, công bố số liệu kiểm nghiệm ngẫu nhiên để xác định tần xuất xuất hiện EO trong sản phẩm mì nhập khẩu từ Việt Nam và các quốc gia khác, kế hoạch chuyển sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II sang Phụ lục I. Như vậy từ ngày 3/7/2022, các lô hàng bún miến phở dạng khô xuất khẩu sang EU không cần bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và cũng không bị kiểm soát tại cửa khẩu của EU.
Biện pháp nới lỏng này giúp doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế biến bột tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả các thị trường còn tiềm năng, các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU./.
- Lưu ý điều kiện kiểm tra, giám sát DN chế xuất có nhiều cơ sở sản xuất
Liên quan đến việc triển khai quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan vừa hướng dẫn Cục Hải quan Bắc Ninh thực hiện. Cụ thể, trả lời vướng mắc của Cục Hải quan Bắc Ninh, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của doanh nghiệp chế xuất (DNCX) thì DNCX phải đáp ứng đủ các điều kiện:
a) Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa.
b) Có hệ thống camera quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh camera được kết nối trực tuyến với cơ quan Hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại DNCX tối thiểu 12 tháng.
c) Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của DNCX để báo cáo quyết toán nhập- xuất- tồn về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan”.
Như vậy, DNCX chỉ được coi là đáp ứng đủ các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan khi tất cả các cơ sở sản xuất của DNCX đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.
Bên cạnh đó, theo điểm d khoản 5 Điều 28a quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với các DNCX đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực và đang hoạt động thì:
d) Quá thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, DNCX quy định tại khoản này không thực hiện thông báo theo Mẫu số 25 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định tại khoản 1 Điểu này thì không được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan kể từ ngày quá thời hạn 01 năm nêu trên.
Trường hợp doanh nghiệp sau đó đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan quy định tại khoản 1 Điều này và có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX để thực hiện kiểm tra và xác nhận theo quy định tại điểm c khoản này thì được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan kể từ ngày Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX có văn bản xác nhận đã đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hảỉ quan theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
- Tuân thủ các quy định gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU
Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu. Với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại EU. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định bắt buộc để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cho biết dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động thương mại và đầu tư của thế giới cũng như Việt Nam. Vì vậy, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức từ 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng. Đơn cử như với rau quả, trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực mặt hàng này xuất khẩu vào EU được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10-20%.
Thế nhưng, kể từ khi EVFTA đi vào thực thi, mặt hàng rau quả và gia vị lại nằm trong top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan, có khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%; trong đó, có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, dù có nhiều lợi thế nhưng đến nay thị phần rau, quả của Việt Nam tại thị trường EU mới chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường châu Âu. Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng cơ cấu giữa các mặt hàng chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của rau, quả và gia vị xuất khẩu của các doanh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu.
Hơn nữa, mặc dù EU là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng là thị trường đòi hỏi các yêu cầu khắt khe và có tập quán thương mại đặc thù. Chẳng hạn như gần đây, EU sửa đổi quy định về mức dư lượng tối đa đối với flutianil trong và trên một số sản phẩm nhất định.
Ngày 7/4/2022 Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định số (EU) 2022/566 sửa đổi phụ lục II của Quy định (EC) số 396/2005 về mức dư lượng tối đa đối với flutianil trong hoặc trên các sản phẩm nhất định như trái cây tươi và đông lạnh, các loại hạt; rau tươi và đông lạnh; dầu và trái cây có dầu; trà, càphê, thảo dược và cacao; các loại gia vị; các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Kế đó, ngày 12/4/2022, EU đã ban hành Quy định số (EU) 2022/617 về việc sửa đổi quy định (EC) số 1881/2006 về mức thủy ngân tối đa trong cá và muối.
Theo đó, hàm lượng thủy ngân trong cá từ mức 0,3 đến 1,0 - tùy thuộc vào loại cá và hàm lượng thủy ngân trong muối ở mức 0,1. Ngày 13/4, Ủy ban châu Âu ban hành Quy định (EU) 2022/634 sửa đổi Quy định (EU) 37/2010 liên quan đến việc phân loại chất bambermycin và giới hạn dư lượng tối đa của nó trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Ngày 20/4, Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định số (EU) 2022/650 về việc sửa đổi Phụ lục của Quy định (EU) 231/2012 quy định các thông số kỹ thuật cho các chất phụ gia thực phẩm được liệt kê trong Phụ lục II và III của Quy định (EC) số 1333/2008 liên quan đến thông số kỹ thuật đối với natri diacetate (E262).
Đây là những quy định doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang EU cần nắm bắt để đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Chính vì vậy, doanh nghiệp giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kể cả quy cách đóng gói, bao bì, thông tin sản phẩm; tuân thủ các yêu cầu về cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa
Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung. Cùng đó, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.
- Từ 1/8/2022 sẽ áp dụng quy tắc cụ thể mặt hàng theo Hiệp định VKFTA
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ Kỳ họp lần 5 của Ủy ban Hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vào cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thay mặt Chính phủ hai nước ký Công hàm trao đổi sửa đổi Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục 3-A của Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Một số nội dung mới, trong đó chuyển đổi kỹ thuật danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) thuộc 97 chương ở cấp độ HS 6 số từ phiên bản HS 2012 sang phiên bản HS 2017. Sửa đổi tiêu chí xuất xứ hàng hóa tương ứng đối với một số mặt hàng dệt may thuộc các nhóm 61.01 - 61.17, 62.01 - 62.12 và 62.15 - 62.17. Công hàm trao đổi kèm danh mục PSR tại Phụ lục 3-A sửa đổi nêu trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2022 sau khi Việt Nam và Hàn Quốc hoàn thành thủ tục pháp lý cần thiết trong nước và thông báo lẫn nhau qua kênh ngoại giao.
Thực hiện cam kết quốc tế và điều chỉnh quy trình cấp C/O mẫu VK theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định VKFTA.
Thông tư số 09/2022/TT-BCT gồm 2 điều và 1 Phụ lục, trong đó nội dung Phụ lục thay thế toàn bộ Phụ lục II (Quy tắc cụ thể mặt hàng), có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2022. Được ký kết ngày 5/5/2015 và có hiệu lực chính thức từ ngày 20/12/2015, VKFTA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế. Đặc biệt, sau gần 7 năm thực thi VKFTA, thương mại và đầu tư giữa 2 nước đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9%, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 56,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc chiếm 16,9% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu từ Hàn Quốc năm 2021 có giá trị 34,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020.
Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, những năm gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất. Năm 2021, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi 50,82% với kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng C/O ưu đãi đạt 11,15 tỷ USD. Nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA theo VKFTA tốt nhất gồm: thủy sản (94,78%), cà phê (97,09%), hạt tiêu (96,02%), rau quả (89,67%); gỗ và sản phẩm gỗ (80,6%); hàng dệt may và giày dép (gần 100%).
Đáng lưu ý, việc sử dụng ưu đãi từ các Hiệp định AKFTA và VKFTA đạt cao là do doanh nghiệp đã nắm vững quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc; quy tắc xuất xứ của AKFTA và VKFTA tương đối linh hoạt; hàng hóa sản xuất xuất khẩu có thể dễ dàng đáp ứng tiêu chí để được cấp C/O mẫu AK và VK. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc và áp dụng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu sang Hàn Quốc.
5. Xuất khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu là mặt hàng gạo. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Đi vào thị trường ngách
Do tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, do thị trường gạo Bắc Âu khá nhỏ. Ngoài việc cạnh tranh các loại gạo thông thường với Thái Lan và Campuchia, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu thị trường ngách, đối với những loại gạo có ít cạnh tranh hơn. Ví dụ, trong thời gian vừa qua, Thương vụ đã thành công trong việc bước đầu đưa gạo Japonica vào thị trường Thụy Điển.
Hiện nay, doanh nghiệp khu vực này thường mua gạo Japonica từ các nước trồng gạo trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Ý, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, gạo Japonica Việt Nam chất lượng không thua kém gạo cùng loại của Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý nhưng giá chỉ từ 1/3-1/2. Do vậy, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với loại gạo này của Việt Nam.
“Hiệp định EVFTA công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý với một số loại gạo của Việt Nam. Gạo ST24, ST25 được giải thưởng gạo ngon thế giới. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu đưa các loại gạo này vào thị trường Bắc Âu với thương hiệu Gạo đặc sản Việt Nam” – Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chỉ rõ. Ngoài ra, doanh nghiệp cố gắng tạo ra nhiều loại sản phẩm độc đáo, kết hợp một giống lúa độc đáo với các phương pháp sản xuất hữu cơ, bền vững và tác động đến kinh tế xã hội. Đồng thời nhận thức rằng thị trường cho loại gạo đặc sản này còn rất nhỏ và đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Gạo đặc sản có chứng nhận hữu cơ hoặc thương mại công bằng cũng sẽ làm tăng giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường Bắc Âu. Kiểm tra xem địa điểm sản xuất lúa gạo có những lợi thế cụ thể để sản xuất gạo thơm hoặc đặc sản, chẳng hạn như khí hậu hoặc thổ nhưỡng. Điều kiện địa phương có thể khiến sản phẩm trở thành gạo đặc sản và kể những câu chuyện gắn với sản phẩm.
Đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường
Ngoài việc tập trung vào các thị trường ngách, Việt Nam tại Thụy Điển còn nhấn mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý muốn vào thị trường Bắc Âu, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm còn phải tuân thủ rất nhiều các qui định của thị trường.
Theo đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến gạo. Đồng thời, xem cơ sở pháp lý của Ủy ban châu Âu về ngũ cốc và gạo để biết tổng quan về các văn bản và quy định pháp lý. Kiểm tra các cập nhật quy định bằng cách sử dụng ứng dụng web Appryza của Liên đoàn các nhà xay xát gạo châu Âu (FERM), cung cấp thông tin quy định cập nhật về các thị trường xuất khẩu châu Âu và các thị trường xuất khẩu khác.
Ngoài ra, kiểm tra MRLs đối với thuốc trừ sâu và các chất hoạt động có liên quan đến gạo bằng cách tham khảo cơ sở dữ liệu MRL của EU; tìm kiếm gạo (hoặc mã số 0500060). Đọc về Quản lý sâu bệnh trong Ngân hàng Kiến thức Lúa gạo và giảm mức độ thuốc trừ sâu bằng cách áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất. IPM là một chiến lược kiểm soát dịch hại nông nghiệp bao gồm các hoạt động trồng trọt và quản lý hóa chất.
Xem danh sách cập nhật các cơ quan kiểm soát và cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt để áp dụng các tiêu chuẩn và chương trình kiểm soát tương đương ở các nước không thuộc Liên minh châu Âu. “Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường có thể được hiểu là yêu cầu tối thiểu, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ” – Thương vụ lưu ý.
Chú trọng cấc sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sáng kiến bền vững
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đặc biệt lưu ý, xu hướng sản xuất và kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải... Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững.
Do đó, khi xuất khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp nên chú trọng đến các sản phẩm nêu bật được các lợi ích sức khỏe cũng như nhấn mạnh yếu tố hữu cơ và không có hóa chất luôn được quan tâm tại thị trường Bắc Âu. Đồng thời, kiểm tra hoạt động hiện tại của doanh nghiệp bằng cách kiểm tra các yêu cầu chi tiết và hệ thống điểm của Tiêu chuẩn SRP về canh tác lúa bền vững và xem xét việc thực hiện quy tắc ứng xử BSCI. Đảm bảo doanh nghiệp có đầy đủ hệ thống kiểm soát chất lượng để có thể cung cấp với khối lượng và chất lượng nhất quán.
Ngoài ra, cần nghiên cứu Bản đồ tiêu chuẩn để tìm hiểu về các tiêu chuẩn xã hội và bền vững tự nguyện khác nhau. Lưu ý rằng, mọi hệ thống chứng nhận có thể thu hút một kiểu người mua khác nhau nhưng việc đáp ứng quá nhiều tiêu chuẩn có thể tốn kém và khiến sản phẩm kém cạnh tranh hơn về giá. Nghiên cứu các chương trình và sáng kiến xã hội khác nhau trong nghiên cứu của CBI về yêu cầu của người mua đối với ngũ cốc. Đặc biệt, có thể xem xét chứng nhận hữu cơ nếu điều kiện cho phép. Tuy nhiên, việc thực hiện sản xuất hữu cơ và được chứng nhận có thể tốn kém. Kiểm tra với người mua hàng để xác định chương trình chứng nhận nào phù hợp nhất với thị trường mục tiêu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật những diễn biến trong thương mại gạo thông qua các trang tin tức như Rice News Today và World-grain.com. Tham gia các hội chợ thương mại ở Châu Âu như SIAL, Anuga hoặc Biofach để tìm khách hàng tiềm năng. Các doanh nghiệp Bắc Âu cũng hay tham gia các hội chợ này để tìm kiếm nguồn cung gạo. Tìm hỗ trợ tài chính để quảng bá sản phẩm và mở rộng sang thị trường Bắc Âu, chẳng hạn như thông qua các tổ chức phi chính phủ làm việc với các cộng đồng để tạo ra thương hiệu thương mại công bằng hoặc thông qua các nhà đầu tư có tác động xã hội như Okio Credit, Triodos hoặc Truvalu.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (07-07-2022)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (07-07-2022)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (07-07-2022)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (07-07-2022)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (07-07-2022)