![](/media/cache/af/d5/afd5ca9a0ac164f5f59467f703b6c546.jpg)
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
1.Kinh tế Việt Nam sẵn sàng cho tăng trưởng số
Nền kinh tế kỹ thuật số đầy hứa hẹn của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng đều đặn, đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp. Sức sống kinh tế của Việt Nam phụ thuộc quan trọng vào chuyển đổi số. Trong những năm gần đây, khu vực Đông Nam Á đã và đang chứng kiến những nỗ lực nhanh chóng, kiên trì và các khoản đầu tư vào các sáng kiến kinh tế kỹ thuật số của cả khu vực công và tư. Những gã khổng lồ công nghệ đã và đang tạo ra các làn sóng, gần đây nhất là vụ sáp nhập Tokopedia-Gojek và trước đó, Grab đang thúc đẩy niêm yết tại Mỹ với mức định giá hơn 40 tỉ USD.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là luôn sẵn sàng cho tăng trưởng số. Với dân số 95 triệu người, Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines. Nhờ môi trường chính trị ổn định, các chính sách kinh tế tiến bộ và tăng trưởng kinh tế số bền vững, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có cơ hội kiếm được lợi nhuận khi khai thác tiềm năng kinh tế to lớn của Việt Nam.
Việt Nam trở thành một mắt xích lớn mạnh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng. Vào năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch 10 năm về chuyển đổi số trên diện rộng của cả nước, với kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng 10 "kỳ lân khởi nghiệp" trị giá trên 1 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030. Với mục tiêu kết hợp ít nhất 10% tỉ lệ áp dụng kỹ thuật số trên tất cả các lĩnh vực và tỉ lệ hộ gia đình sử dụng Internet là 80%, kế hoạch này dường như đang đi đúng hướng. Theo các ước tính của Google, Temasek và Bain & Co, giá trị nền kinh tế số của Việt Nam có thể tăng trưởng lên 52 tỉ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1/6 trong số 300 tỉ USD của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á.
Cơ hội cho các nhà đầu tư
Sự phát triển của kinh tế số Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ thương mại điện tử, tài chính số, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ công nghệ để thúc đẩy tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, các dịch vụ tài chính số trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các khoản vay và thanh toán.
Với sự phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, người tiêu dùng, theo một cách tự nhiên, đã đổ xô vào thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu mua hàng, thúc đẩy cuộc chiến thương mại điện tử giữa những gã khổng lồ mua sắm trực tuyến trong khu vực như Shopee và Lazada. Hơn nữa, hệ sinh thái doanh nghiệp số đang phát triển được hỗ trợ rất nhiều bởi nhu cầu về các dịch vụ hỗ trợ công nghệ như đám mây, dữ liệu lớn và Internet vạn vật. Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng lớn về blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) và đã có kế hoạch 10 năm để phát triển AI trong nước.
Chính những lĩnh vực quan trọng này là cơ hội dành cho các công ty khởi nghiệp cũng như các nhà đầu tư, những nhân tố được cho thúc đẩy tăng trưởng số vượt bậc. Các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển. "Kỳ lân" lớn nhất Đông Nam Á là Grab đã đầu tư mạnh mẽ vào các công cụ tăng tốc cho các công ty khởi nghiệp quanh khu vực Đông Nam Á từ đầu năm 2018. Hợp tác với các công ty tư nhân và nhà nước, Grab đã và đang thu hút các công ty khởi nghiệp có ý định mở rộng quy mô thông qua các cơ hội cố vấn, tiếp cận cơ sở khách hàng của Grab và thậm chí tiềm năng đầu tư trực tiếp.
Vào năm 2020, decacorn (các công ty khởi nghiệp trị giá trên 10 tỉ USD), đã nhận ra tiềm năng nền kinh tế số của Việt Nam, khởi động một chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Trong chương trình hỗ trợ Grab Ventures Ignite, 5 công ty chiến thắng đã xuất hiện, giành được hơn 1 triệu USD tiền đầu tư và giải thưởng hiện vật từ Grab và các đối tác trong chương trình. Các công ty khởi nghiệp công nghệ này trải dài khắp các lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, hậu cần và truyền thông.
Trước đó, trang Bloomberg dẫn nhận định của Euromonitor International cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam rất hấp dẫn. Giám đốc điều hành Ralf Matthaes của hãng Infocus Mekong Research, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Việt Nam đang trong bước đầu trở thành xã hội số hóa với lớp dân số trẻ chuộng công nghệ. Vì vậy, tất cả các công ty đang cạnh tranh cung cấp các dịch vụ này".
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực mua sắm trực tuyến sẽ chiếm 10% doanh số bán lẻ của Việt Nam, trong đó tỉ trọng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên đến 50%. Nhằm xây dựng một nền kinh tế hiện đại minh bạch hơn, các cơ quan quản lý đang thúc đẩy không dùng tiền mặt thanh toán cho các dịch vụ công và cải thiện khuôn khổ pháp lý cho thanh toán điện tử.
Trong khi đó, theo Jeffrey Perlman - Giám đốc điều hành Warburg Pincus tại Singapore - bối cảnh bán lẻ của Việt Nam đang thay đổi nhanh hơn so với các thị trường “trưởng thành".
2. Bất chấp Covid, chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp
Trong 6 tháng năm 2021, “bức tranh” sản xuất công nghiệp có nhiều “gam” màu sáng với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế...
Đáng chú ý, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê mới công bố, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, nhưng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 vẫn tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
DẪN DẮT TĂNG TRƯỞNG TOÀN NGÀNH
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%), làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Nhìn vào những con số thống kê có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hưởng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Tăng chế biến chế tạo, giảm khai khoáng là phù hợp với định hướng
Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành tạo ra nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng đã chứng minh, tại thời điểm 1/5/2021, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với thời điểm tháng 1/4/2021 và 2,4% so với cùng thời điểm năm 2020; ngành sản xuất và phân phối điện không đổi và tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,2%. Riêng ngành khai khoáng, tại thời điểm trên, số lao động tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước, nhưng so với cùng thời điểm năm trước giảm 0,9%.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng rất nhanh, chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới.
Với năng lực sản xuất hàng hóa công nghiệp ngày càng được mở rộng, cùng với việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu quả, trong thời gian vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bền vững, nhiều năm liên tục Việt Nam xuất siêu, đảm bảo cân đối vĩ mô nền kinh tế càng khẳng định vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng chỉ ra một số hạn chế của công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là chủ đạo vẫn tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu nhờ vào sử dụng nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Đáng lưu ý, trong khi đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng, thì đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm. Hiệu quả hoạt động của đa số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn vừa qua chủ yếu do việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các cơ hội thị trường tạo ra khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các FTA, chứ không phải do nội lực của các doanh nghiệp trong nước (các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện – điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp.
Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực (mà ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ điển hình).
"QUÁN QUÂN VỀ THU HÚT FDI"
Dẫu vậy, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Điều này đã được Tổng cục Thống kê chứng minh bằng những con số cụ thể. Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 29,1% tổng số vốn đăng ký cấp mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,68 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng số vốn. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 461,3 triệu USD, chiếm 35,3% tổng vốn.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù công nghiệp chế biến chế tạo luôn là ngành đứng đầu về thu hút vốn FDI, nhưng thời gian tới Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận, dựa vào các lợi thế cạnh tranh động (tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo và môi trường tự nhiên và kinh doanh, đầu tư thuận lợi), thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh, kém bền vững như trước đây (tài nguyên, lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi dễ dàng và hấp dẫn).
FDI trong công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt, nhưng doanh nghiệp công nghiệp trong nước mới là nền tảng vững chắc để giúp một quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình.
Theo đó, Việt Nam cần tập trung thu hút FDI vào những nhà đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển trong nước; khuyến khích sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn (không chỉ năng lượng, mà cả đất đai, nguồn nước, nguyên liệu thô...); tạo cơ hội để doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi không chèn lấn nhà đầu tư và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thu hút FDI cần có chiến lược và có chọn lọc, tránh tiếp nhận FDI công nghệ thấp vào cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Quan trọng hơn, cần hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước vững mạnh, gắn kết chặt chẽ với khu vực FDI và dần gây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước vững mạnh, có được doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Bên cạnh đó, đầu tư FDI từng bước đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Thời gian tới, với việc hàng loạt các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực cùng với sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá.
4. 3 thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, có biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021 xuất nhập khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tới 74,8%...
Tại "Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2021" diễn ra chiều ngày 10/6, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là những con số hết sức ấn tượng, nhờ sự tham gia tích cực của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Trong đó một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay có năng lực khá tốt, như: sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp - xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật… Các sản phẩm này đã đáp ứng nhu cầu trong nước và được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Nhật Bản.
Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tạo việc làm cho trên 600 lao động chiếm 8% lao động toàn ngành. Doanh thu sản xuất kinh doanh lĩnh vực này đạt hơn 900 ngàn tỷ đồng, đóng góp trên 11% tổng doanh thu toàn ngành.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia tư vấn Hiệp hội các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản đưa ra những thách thức với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Cụ thể, năng suất lao động của các doanh nghiệp địa phương Việt Nam còn khá thấp. Chính phủ cần nỗ lực nâng cao năng lực kỹ thuật, nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao tại Việt Nam đang bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI hoặc ra nước ngoài làm việc. Do vậy, Việt Nam cần có các biện pháp công khai đẩy mạnh giáo dục, hỗ trợ để hấp dẫn nguồn nhân lực này.
Ngoài ra, việc cấp vốn hay có đủ vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó khăn với các doanh nghiệp. Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều cản trở. Cơ chế cấp vốn ở Việt Nam hiện đã có nhưng cần mở rộng, nới rộng hơn nữa. Đồng thời, cần cải thiện cơ chế cấp vốn giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dễ dàng đầu tư phát triển hơn.
Ông Akutsu Michio cũng lưu ý, một sản phẩm công nghiệp được làm từ hàng vạn linh kiện. Nên nếu chỉ thiếu một bộ phận thì dây chuyền sản xuất sẽ bị dừng lại. Điểm quan trọng với các nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là không được để đứt gãy dây chuyền cung cấp linh kiện tới các nhà sản xuất. Doanh nghiệp cung ứng phải cung cấp thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý tới các tiểu tiết để có kế hoạch chi tiết đáp ứng những yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Ngoài các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Canon, Honda, Yamaha… đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Uniqlo đang mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
“Không chỉ cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chất lượng cao cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội cung cấp cho những doanh nghiệp lắp ráp chế tạo cuối cùng tại nước ngoài.
4. Chính thức tiếp tục giảm 30 khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như vậy, 30 khoản phí, lệ phí được giảm với nhiều mức giảm cao, sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt khó khăn.
Năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành 21 Thông tư điều chỉnh giảm nhiều khoản phí, lệ phí.
Trong đó, có nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như: giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán... Các thông tư giảm phí, lệ phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2020.
Cuối năm 2020, dịch Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần thời gian để phục hồi và phát triển, do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục rà soát để giảm phí, lệ phí năm 2021.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí (đã giảm năm 2020 nêu trên) đến hết ngày 30/6/2021. Số giảm thu từ phí, lệ phí này là khoảng 1.000 tỷ đồng.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Do đó, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo tính toán trước đó của Bộ Tài chính, số giảm thu từ việc giảm các khoản phí, lệ phí này ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Thông tư có hiệu lực từ 1/7/2021 đến 31/12/2021./.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (09-07-2021)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (09-07-2021)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (09-07-2021)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (09-07-2021)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (09-07-2021)