
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
1. Công nhận và cho thi hành phán quyết về tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam
Căn cứ Nghị quyết số 103/2020/QH14 ngày 08/6/2020 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), ngày 18/6/2020, Quốc hội đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 113/2020/QH14 về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định.
Theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu - EVIPA, Nghị quyết quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam “phán quyết” chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành.
Đối với bị đơn là Việt Nam, phán quyết được ban hành trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết. Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
Đối với bị đơn là Liên minh châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh châu Âu, phán quyết được ban hành được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
2. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.
- Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA
Nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên ký kết trước đó vào ngày 30/6/2019 và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 08/6/2020, Bộ Công Thương vừa đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.
Hàng hóa quy định theo Thông tư được coi là có xuất xứ khi hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một Nước thành viên; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ.
Có 13 trường hợp hàng hóa được coi có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên gồm: Khoáng sản khai thác từ lòng đất hoặc đáy biển của Nước thành viên; Cây trồng và sản phẩm cây trồng ( bao gồm cây trồng, hoa, quả, rau củ, rong biển và nấm) được trồng và thu hoạch hoặc thu lượm tại nước thành viên; Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên; Sản phẩm của động vật sống được nuôi dưỡng tại nước thành viên; Sản phẩm thu được từ giết mổ động vật được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên; Sản phẩm thu được từ săn bắn hoặc đánh bắt tại nước thành viên; Sản phẩm thu được từ nuôi trồng thủy sản trong đó cá, động vật giáp xác và động vật thân mềm được sinh ra hoặc nuôi dưỡng từ trứng, cá bột, cá nhỏ và ấu trùng; Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm khác thu được ngoài vùng lãnh hải bằng tàu của nước thành viên; Sản phẩm được sản xuất ngay trên tàu chế biến của nước thành viên từ các sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm khác thu được ngoài vùng lãnh hải bằng tàu của nước thành viên; Sản phẩm đã qua sử dụng thu được từ nước thành viên chỉ phù hợp để tái chế thành nguyên liệu thô; Phế thải và phế liệu thu được từ quá trình sản xuất tại nước thành viên; Sản phẩm được khai thác từ đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải nhưng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước thành viên; Hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại nước thành viên từ tất cả các sản phẩm nêu trên.
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được coi là đã trải qua công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ khi đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư.
Để chứng minh xuất xứ hàng hóa và đề nghị cấp C/0 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, cần có chứng từ chứng minh quá trình sản xuất hoặc công đoạn gia công được thực hiện bởi nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.
Chứng từ dùng để chứng minh xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một nước thành viên theo quy định hiện hành. Chứng từ chứng minh công đoạn gia công hoặc chế biến nguyên liệu, được phát hành hoặc khai báo tại một nước thành viên theo quy định hiện hành. Chứng từ chứng nhận xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một nước thành viên theo quy định tại Thông tư. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại nước thành viên xuất khẩu và phải nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu sau thời hạn hiệu lực vẫn có thể được chấp nhận để hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA trong trường hợp nhà nhập khẩu không thể nộp các chứng từ đó trong thời hạn hiệu lực vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2020.
- Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện và đề xuất các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động và tiếp tục đề xuất 5 giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập Tổ Công tác để xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng công tác hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 được phát động từ ngày 01/7/2020 đến ngày 31/12//2020.
Hàng loạt giải pháp của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đã phát huy được hiệu quả đóng góp cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng, nguồn cung cho sản xuất trong nước cũng như khai thông thị trường, bảo đảm sản xuất của các doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất thêm 5 giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 vừa qua, gồm:
- Rà soát, đánh giá và bám sát thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đặc thù để xác định rõ thách thức, áp lực, yêu cầu nhằm tiếp tục tồn tại vượt qua khó khăn. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các Bộ, ngành và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để rà soát đánh giá thực trạng, cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế của Chính phủ.
- Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong cơ hội tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất. Trong đó, các dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục được đưa lên cấp độ 3 và cấp độ 4 ngay trong năm 2020. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh giai đoạn sau của Bộ hay Chính phủ điện tử, cấp C/O điện tử cũng như các thủ tục khác để hỗ trợ, minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện và hỗ trợ ngay.
3. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, coi đây là nền tảng quan trọng để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế hết năm 2020.
Thị trường ngoài nước - điểm nhấn tạo nên sức bật cho kinh tế của Việt Nam và cho thương mại, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN… - sẽ là những thị trường trọng điểm cần có những khung khổ tổng thể để thực hiện phát triển nửa cuối năm 2020. Cùng với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ chủ động triển khai các Đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới.
Thông qua các khung khổ hợp tác quốc tế cũng như những chủ trương, điều hành của Đảng, Chính phủ, Bộ sẽ tập trung khai thác các Hiệp định thương mại tự do, các khung khổ hợp tác để xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua các hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong hàng loạt các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm tháng 6/2020, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo ra vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng này.
4.Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh COVID-19
Để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh COVID-19.
Theo Kế hoạch ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Các giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 bao gồm: Chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình làm thủ tục hải quan đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật; Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan; Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu hoặc có các biểu hiện tiêu cực, hạch sách, đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải nộp, xuất trình các chứng từ, nộp các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật, làm chậm quá trình thông quan hàng hóa, gây thiệt hại hoặc làm phát sinh, các chi phí cho doanh nghiệp. Cục Hải quan các tỉnh có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp tục duy trì các giải pháp vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa, tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan sẽ tạm dừng hoạt động kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong năm 2020 đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan. Nếu doanh nghiệp có ý kiến đề nghị, giải trình cụ thể, xin chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì lãnh đạo đơn vị xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan.
Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngày 10/6/2020, Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14.
Theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội, trường hợp đối tượng trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất giao cho đơn vị lực lượng vũ trang, đều được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất được giao.
Với 94,41% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025, kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
Trong dài hạn, để triển khai thực hiện tốt Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ để báo cáo Quốc hội khi nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng tại thời điểm thích hợp.
5. 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 16,4%
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với 6 tháng đầu năm 2019. Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh vào hoạt động trở lại.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 6/2020, cả nước có 13.725 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 100 nghìn lao động, tăng 27,9% về số doanh nghiệp, tăng 23,4% về vốn đăng ký và tăng 9,4% về số lao động so với tháng 5/2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm 2020, có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với 6 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 87,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có 14,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm có 1.095 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; có 17,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 1,8%; có 43,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 9,9%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho thấy, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý III khả quan hơn quý II.
Theo đó, có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 82,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 79,7% và 75,9%.
Sản xuất công nghiệp:
Từ cuối tháng 3/2020 đến đầu tháng 6/2020, thực hiện chủ trương của Chính phủ về giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất công nghiệp giảm đáng kể, các cơ sở sản xuất chỉ đạt từ 40 - 60% công suất, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo có sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất tương đối ổn định, sản xuất đạt từ 80 - 90% công suất.
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 6.122,3 tỷ đồng, tăng 6,0% so cùng kỳ[21]. Chia theo ngành kinh tế: giá trị sản xuất ngành khai khoáng đạt 285,6 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.659,7 tỷ đồng; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 105,7 tỷ đồng; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 71,3 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng ước tăng 5,1% so với cùng kỳ[22].
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 6 tháng đầu năm có tăng so với cùng kỳ, cụ thể: ván ép từ gỗ đạt 31.892 m3, tăng 324,0%; gạch xây dựng bằng đất nung tăng 13,0%; điện thương phẩm tăng 8,2%; nước máy thương phẩm tăng 6,6%; đá xây dựng sản xuất tăng 5,7%; clinker thành phẩm tăng 5,6%; xi măng tăng 5,2%...
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch đã cơ bản hoàn thành. Hiện nay, Ban Quản lý dự án điện 2 đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình phụ trợ để chuẩn bị khởi công xây dựng Cảng than Mũi Độc vào tháng 9/2020. Dự án điện gió B&T, điện mặt trời Dohwa cơ bản hoàn thành thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp gặp khó khăn (bia, chế biến cao su, cao lanh, dăm gỗ, colophan và axit nhựa cây, sản xuất hàng may mặc ...); một số cơ sở sản xuất công nghiệp dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thị trường thu hẹp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu nên lượng hàng tồn kho còn lớn. Năng lực mới tăng thêm trong sản xuất công nghiệp ít; các dự án năng lượng tái tạo triển khai chậm tiến độ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
- Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2025 (02-11-2020)
- Mời tham gia các chương trình, hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại (02-11-2020)
- Mời tham dự “Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với ứng dụng chuyển đổi số - Quảng Bình năm 2025” (02-11-2020)
- Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2025 (02-11-2020)
- Mời tham gia “Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ kết hợp Hội chợ Xúc tiến Thương mại, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền – tỉnh Vĩnh Long năm 2025”. (02-11-2020)