I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
- Doanh nghiệp chuyển đổi số thích ứng với đại dịch COVID- 19
Dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, gây xáo trộn tới đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế thì nhu cầu chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong khi dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, gây xáo trộn tới đời sống xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế thì nhu cầu chuyển đổi số lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp và ở nhiều địa phương đang coi việc chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức hoạt động như một trong những giải pháp để không chỉ thích ứng với tình hình khó khăn của đại dịch, mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Việc chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 53% dân số hiện nay đã và đang tham gia mua bán trực tuyến, tạo đà cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% và đạt 11,8 tỷ đô la Mỹ (USD), tương đương 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Trong khi đó, năm 2020 cũng đã có 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các ứng dụng trên Internet và 33% người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi tham gia mua sắm trực tuyến. Việc hiện đại hóa các cách thức tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến từ khâu đặt hàng đến nhận hàng của người tiêu dùng đã giúp một số doanh nghiệp vượt qua được các thời kỳ khó khăn của dịch bệnh và đạt mức tăng trưởng về doanh thu như Tiki, Speed Lotte hay Co.opmart, BigC hay VinID...
Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng. Tiêu biểu như Ngân hàng Thương mại cổ phần MB Bank, Cộng Cà Phê, F88, Phong Vũ hay ToCoToCo.... Đây là những doanh nghiệp được đánh giá là chuyển đổi số thành công, theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).
Đại diện nhóm nghiên cứu của Vietnam Report, Tổng giám đốc Vũ Đăng Vinh cho biết, qua khảo sát thực trạng chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực sự coi chuyển đổi số là quá trình tất yếu cần phải xảy ra để mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn, chuyên nghiệp hơn và gia tăng năng suất lao động cũng như xây dựng nên chân kiềng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Nhìn chung, hạ tầng phần cứng trong các doanh nghiệp lớn hiện nay đáp ứng khá tốt nhu cầu của quá trình số hóa doanh nghiệp với trên 89% ý kiến phản hồi đồng ý và hoàn toàn đồng ý. Phần lớn các doanh nghiệp cũng đều hiểu rõ viễn cảnh tương lai của ngành và doanh nghiệp trong kỷ nguyên số và chỉ khoảng 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát còn tỏ ra chậm trong nỗ lực chuyển đổi.
Mặc dù, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành dịch vụ, y tế, giao thông vận tải, du lịch.... thì vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa tạo được những bước tiến đáng kể như mong đợi. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số thì phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cũng chưa có cơ hội tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu sự thấu hiểu khách hàng, nguồn thu thập và lưu trữ dữ liệu vận hành và thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số, ông Vinh nhận định.
Theo số liệu thống kê do Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tiến hành đối với gần 2.700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc; 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu nhập cuộc.
Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu; tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Chuyển đổi số đang thiếu lộ trình cụ thể và thiếu sự cân bằng giữa công nghệ và các nguồn lực nội bộ tại các doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, theo Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào thì các công nghệ hỗ trợ nhân viên, phát triển đội nhóm hay phần mềm quản lý dự án đều là những ưu tiên hàng đầu. Việc chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi quy trình vận hành của doanh nghiệp được tinh giản, thông minh hóa và nhân viên có tác phong làm việc hiện đại, được trang bị các công cụ dễ hiểu, gắn kết và tương tác với khách hàng đa kênh một cách dễ dàng.
Công nghệ và dữ liệu thuộc về lớp nền hay hạ tầng trong khung chuyển đổi số. Vì chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công hơn trong những tổ chức có hạ tầng công nghệ đồng bộ, ổn định, ít xuất hiện các "ốc đảo" sẽ giúp xây dựng một hạ tầng dữ liệu vừa mạnh, vừa sạch, được thu thập và sắp xếp một cách có hệ thống từ nhiều nguồn bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Theo Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cũng chỉ rõ, chỉ các doanh nghiệp quy mô lớn như các tập đoàn, các ngân hàng mới có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự để xây dựng hạ tầng công nghệ và dữ liệu cho riêng mình; giải quyết bài toán chuyển đổi số cho quy mô hàng triệu khách hàng. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông Tuấn, nên sử dụng hạ tầng công nghệ dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung do các đối tác công nghệ lớn phát triển và cung cấp các ứng dụng...
Và hơn hết, theo Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số khuyến nghị, các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần có sự thay đổi tư duy để nhận thức đúng đắn rằng, chuyển đổi số không phải là một trào lưu thời thượng hay chỉ là 1 dự án công nghệ thông tin. Chuyển đổi số đang đòi hỏi sự "lột xác" toàn diện về cách mà một doanh nghiệp vận hành, thiết kế sản phẩm, mô hình kinh doanh, tương tác với khách hàng và các đối tác trong hệ sinh thái./.
2. Hà Nội: Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch Covid-19, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế của đất nước, Hà Nội đã thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ có hiệu quả về thủ tục hành chính và thông quan.
Vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã công bố triển khai chương trình hỗ trợ chữ ký số và hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố năm 2021. Theo đó, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội thành lập mới trong năm 2021 được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí sử dụng 1 năm chữ ký số và 500 hóa đơn điện tử của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel và 3 đơn vị khác là Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT Vinaphone, Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần Bkav.
Theo số liệu của Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, số doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội liên tục tăng qua các năm. Bình quân khoảng 35 người dân thủ đô có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,2 lần mức bình quân chung của cả nước. Quý 1/2021, Hà Nội ghi nhận 6.885 doanh nghiệp thành lập mới, chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ. Ở giai đoạn đầu thành lập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn về công tác quản lý, đặc biệt là việc tiếp cận với các công cụ giúp cho việc chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ. Với gói hỗ trợ chữ ký số và hóa đơn điện tử, doanh nghiệp ngay lập tức được trang bị công cụ hiện đại, vừa giúp thay đổi hoàn toàn cách thức phát hành, quản lý hóa đơn, chữ ký doanh nghiệp so với việc sử dụng hóa đơn giấy, chữ ký tay trước đây; vừa bảo đảm tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, Hải quan Hà Nội cũng nhanh chóng có kế hoạch và ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở cấp độ cao nhất vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu. Trước đây, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ trì đề xuất thành lập Ban tạo thuận lợi thương mại của thành phố theo đề nghị của Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, gồm: Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban và đại diện các sở, ban, ngành để điều phối thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trên địa bàn.
Trong lĩnh vực tín dụng, Hà Nội thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt kết quả tốt. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các dịch vụ công. Thành phố cũng chú trọng đến hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể như: bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh; đào tạo kiến thức khởi sự và quản trị; đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp; … Cùng với đó, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tập huấn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xúc tiến đầu tư và tôn vinh doanh nghiệp.
- Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp
Nhằm đơn giản hóa một số thủ tục, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BCT về Danh mục các mặt hàng nhập khẩu (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ, trong đó bãi bỏ kiểm tra nhiều dòng hàng, phù hợp với phương án cắt giảm thủ tục, danh mục các mặt hàng thực hiện kiểm tra chuyên ngành đã ban hành kèm theo Quyết định số 2314/QĐ-BCT ngày 31/7/2019 của Bộ Công Thương.
Về cơ bản, Quyết định số 1182/QĐ-BCT vẫn giữ nguyên 2 Danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành gồm: Danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và Danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành về hiệu suất năng lượng.
Một số điểm mới trong nội dung Quyết định là bãi bỏ toàn bộ Danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh quy định tại Phụ lục 2 (ban hành kèm theo Quyết định số 1325A/QĐ-BCT), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không phải nộp bản đăng ký/ kết quả kiểm tra có xác nhận của cơ quan kiểm tra hàng hóa để thông quan hàng hóa; bãi bỏ nhiều dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành như các chế phẩm thực phẩm làm từ sản phẩm thuộc các nhóm từ 04.01 đến 04.04 có chưa từ 5% trở lên nhưng không quá 10% trọng lượng là ca cao đã khử toàn bộ chất béo, được chế biến đặc biệt cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, chưa đóng gói để bán lẻ” (HS 1806.90.40) và các chế phẩm phù hợp dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, đã đóng gói để bán lẻ (HS 1901.10).
Đồng thời, Quyết định số 1182/QĐ-BTC đã bãi bỏ hơn 140 dòng hàng tại Danh mục sản phẩm nước giải khát, rượu bia, cồn và đồ uống có cồn; bãi bỏ hơn 90 dòng hàng tại Danh mục sản phẩm dầu thực vật và các sản phẩm chế biến từ dầu thực vật; bãi bỏ hơn 50 dòng hàng tại Danh mục sản phẩm bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/4/2021.
- Quy định mới về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan
Nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư số 274/2016/TT-BTC và những thay đổi về chế độ quản lý hang hóa khi Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.
Thông tư 14/2021/TT-BTC đã bãi bỏ khoản 3 Điều 5 Thông tư số 274/2016/TT-BTC quy định hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập chỉ thu phí, lệ phí 01 (một) lần khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc xuất khẩu; hàng gửi kho ngoại quan chỉ thu phí làm thủ tục hải quan 01 (một) lần khi làm thủ tục nhập kho, khi xuất kho không thu.
Phí, lệ phí nộp bằng tiền mặt hoặc nộp bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định. Lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước hoặc tài khoản của tổ chức được ủy nhiệm thu phí, lệ phí. Phí nộp vào tài khoản tiền gửi thu phí của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc tài khoản của tổ chức được ủy nhiệm thu phí, lệ phí. Trường hợp đăng ký tờ khai nhiều lần trong tháng, người nộp phí, lệ phí đăng ký với tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí theo tháng. Căn cứ danh sách các tờ khai phải nộp phí, lệ phí do cơ quan hải quan thông báo. Chậm nhất trong thời gian 10 ngày đầu của tháng tiếp theo, người nộp phí, lệ phí phải nộp phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục quy định hoặc yêu cầu trích chuyển tiền nộp phí, lệ phí theo quy định.
Cơ quan thực hiện thu phí, lệ phí hải quan bao gồm: Cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan nơi làm thủ tục đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cơ quan hải quan nơi tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan được ủy nhiệm thực hiện thu phí hải quan và lệ phí.
- Đề xuất Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Campuchia
Để thực hiện Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Campuchia, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và điều kiện hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Ban hành kèm theo dự thảo Nghị định là:
- Phụ lục I - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận Việt Nam-Campuchia từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2022.
- Phụ lục II - Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia.
- Phụ lục III - Danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng theo Bản Thỏa thuận Việt Nam-Campuchia.
Biểu thuế nêu tại Phụ lục I mà phía Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất 0% cho phía Campuchia gồm 31 mặt hàng như: Gia cầm sống, thịt và phụ phẩm gia cầm, chanh, lúa gạo (với hạn ngạch 300.000 tấn/năm), chế phẩm chứa thịt lợn (dạng đóng bao bì kín khí để bán lẻ), lá thuốc lá chưa chế biến (với hạn ngạch 3.000 tấn lá thuốc lá/năm). Danh mục hàng hóa bao gồm lúa gạo và lá thuốc lá chưa chế biến áp dụng thuế suất 0% đối với lượng nằm trong hạn ngạch được quy định tại Phụ lục II.
Điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là:
- Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa thuận Việt Nam-Campuchia từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2022 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định.
- Có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Campuchia cấp.
- Thông quan qua các cặp cửa khẩu nêu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Nghị định 18/2021/NĐ-CP: phát huy hiệu quả của chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP (Nghị định 18) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong bối cảnh Việt Nam hiện đang tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nghị định đã góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo phát huy được hiệu quả của chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Với nội dung hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, Nghị định 18/2021/NĐ-CP đã khắc phục được những hạn chế và bất cập cũng như những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong quá trình thi hành Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Có những điều khoản trong Nghị định đã giúp đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản về hồ sơ, trình tự thủ tục minh bạch, công khai và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để vừa tăng cường thu hút đầu tư FDI, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu với giá trị tăng cao, tận dụng hiệu quả hơn các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Một trong những điểm mới được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tại Nghị định là quy định miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Trước đây, việc thực hiện miễn thuế theo điều ước quốc tế cho doanh nghiệp phải liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, khiến cho thủ tục nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp bị kéo dài, không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến độ thi công của dự án mà còn làm doanh nghiệp để lỡ nhiều cơ hội phát triển. Nhưng trong Nghị định 18, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế.
Ngoài ra, quy định từ ngày 25/05/2021 không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế; hàng hóa không phải nộp thuế xuất nhập khẩu… cũng là điểm thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
- Hoạt động thương mại điện tử: Không dễ trốn thuế
Hiện nay thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tất yếu, một số tổ chức và cá nhân kinh doanh, giao dịch trong môi trường này có thu nhập thường lơ là hoặc cố tình né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước,với suy nghĩ đơn giản sẽ không bị phát hiện. Điều này đã vô tình đưa đến những sai phạm về thuế không đáng có và bị cơ quan thuế truy thu, phạt nặng.
Bán hàng nhưng không khai báo
Theo chia sẻ của một cán bộ chuyên trách về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, các sai phạm phổ biến của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bán sản phẩm hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), trên các trang web bán hàng, trên các trang mạng xã hội nước ngoài thường là trốn doanh thu, tức không khai báo doanh thu cho cơ quan thuế. Họ cho rằng, cơ quan thuế không phát hiện được do: thanh toán qua ngân hàng nhưng với những tài khoản mở tại các ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế; bán hàng thu tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa.
Thực tế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các hành vi không khai doanh thu nêu trên đều bị cơ quan thuế phát hiện, truy thu và xử phạt vi phạm hành chính khi tiến hành các biện pháp kiểm tra, thanh tra. Chẳng hạn như đối với việc bán sản phẩm thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng những tài khoản mở tại các ngân hàng nhưng không đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan thuế kiểm tra các trang web bán hàng, các địa chỉ bán hàng trên các trang mạng xã hội để xác định các tài khoản nhận thanh toán tiền mua hàng. Thậm chí, cán bộ thuế có thể trực tiếp mua hàng, chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng từ đó xác định các tài khoản nhận thanh toán tiền. Khi xác định được các tài khoản mở tại ngân hàng nhận thanh toán tiền thì tiến hành xác minh tại ngân hàng, từ đó dễ dàng phát hiện khoản doanh thu không khai thuế.
“Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nên rà soát, điều chỉnh, tự giác kê khai nộp thuế, tránh bị cơ quan thuế qua thanh tra, kiểm tra xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế…” - cán bộ chuyên trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo.
Còn đối với trường hợp bán sản phẩm thu tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa, cán bộ thuế xác minh tại các đơn vị ký hợp đồng nhận vận chuyển giao hàng hóa có thu hộ tiền cho người bán; từ đó xác định số lượng hàng hóa bán, số tiền thu hộ để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm những khoản doanh thu không khai thuế.
Phát sinh thu nhập nhưng không nộp thuế thu nhập cá nhân
Trong những năm gần đây, ở nước ta đã hình thành các doanh nghiệp (DN) và cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, facebook, Youtube... và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số DN chưa kê khai nộp thuế vì nghĩ rằng cơ quan thuế không thể phát hiện các khoản doanh thu này; trong khi một số khác khai nộp thuế không đúng quy định như khai là dịch vụ xuất khẩu để được hưởng mức thuế suất giá trị gia tăng 0% (thay vì là 10%); hoặc khai là thu nhập từ hoạt động sản xuất phần mềm để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% (thay vì 25% trước năm 2014, 22% năm 2014 và 2015, 20% từ năm 2016). Riêng đối với các cá nhân, nhiều trường hợp không kê khai nộp thuế, một phần do chưa nắm quy định doanh thu nhận được trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai nộp thuế, một phần do nghĩ rằng cơ quan thuế không phát hiện được.
Trên thực tế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có nhiều biện pháp để phát hiện việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trốn doanh thu hoặc kê khai nộp thuế không đúng. Cụ thể như cơ quan thuế có thể xác minh tại tất cả các ngân hàng trên cả nước để xác định các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế, hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định, từ đó thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính, góp phần tăng thu NSNN.
“Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT nên rà soát, điều chỉnh, tự giác kê khai nộp thuế, tránh các vi phạm tương tự dẫn đến bị cơ quan thuế qua thanh tra, kiểm tra xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế…” - cán bộ chuyên trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo.
Cơ quan thuế có thể xác minh tại tất cả các ngân hàng
Cơ quan thuế có thể xác minh tại tất cả các ngân hàng trên cả nước để xác định tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế, hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (08-06-2021)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (08-06-2021)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (08-06-2021)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (08-06-2021)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (08-06-2021)