BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 05/2021 (08-06-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

1. Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp nhận C/O cho doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân hồi đáp, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục tiếp nhận và xử lý C/O của cơ quan hải quan theo phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quá trình tham gia xuất nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) phản ánh, bên nước xuất khẩu thông báo đã gửi C/O điện tử nhưng hải quan Việt Nam chưa thấy được ngay trên hệ thống thông quan hàng hóa, hoặc khi Tổng cục Hải quan đã nhìn thấy C/O trên hệ thống nhưng cục hải quan lại không nhìn thấy thì DN rất mất thời gian chờ đợi để được chấp nhận C/O.

Có trường hợp hệ thống của hải quan trục trặc khiến tín hiệu thông quan tự động không được truyền từ hải quan làm thủ tục ra hải quan giám sát hoặc bộ phận dịch vụ cảng, do đó, cán bộ hải quan từng bộ phận yêu cầu DN chạy đi chạy lại kiểm tra, không tự liên hệ và xử lý với nhau.

Có trường hợp DN đã nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (nhập thức ăn chăn nuôi) nhưng phía hải quan không nhìn được kết quả này do mạng trục trặc. Khi đó, hải quan yêu cầu DN phải cung cấp bản giấy có dấu để thay thế bản trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nếu muốn giải phóng hàng.

Tuy nhiên, cơ quan chuyên ngành từ chối cấp vì họ không thể bố trí nhân lực “làm gấp đôi quy trình” sau khi đã hoàn thành xong việc cấp điện tử và DN ở giữa rất vất vả đế xin các kênh, mất thời gian công sức và chi phí lưu kho bãi.

Hồi đáp ý kiến của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với phản ánh bên nước xuất khẩu thông báo đã gửi C/O nhưng Hải quan Việt Nam chưa thấy được ngay trên hệ thống do các nguyên nhân sau:

Một là, do lỗi tại hệ thống của nước xuất khẩu hoặc lỗi kết nối giữa 02 nước gây ra tình trạng nước xuất khẩu báo đã gửi C/O điện tử nhưng thực tế C/O điện tử chưa ra khỏi hệ thống của nước xuất khẩu. Vì vậy, DN có thể thông báo đối tác liên hệ cơ quan liên quan của nước xuất khẩu để kiểm tra.

Hai là, một số trường hợp bị lỗi trong việc đồng bộ từ Cổng thông tin một cửa quốc gia sang Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan. Đối với các trường hợp này, Tổng cục Hải quan đã thực hiện hỗ trợ đồng bộ lại dữ liệu để cán bộ hải quan tra cứu trên hệ thống thông tin nghiệp vụ và hỗ trợ DN thực hiện thủ tục.

Căn cứ các nguyên nhân nêu trên, trong trường hợp C/O form D điện tử hàng nhập khẩu không tìm thấy trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan, đề nghị DN, các đơn vị liên quan phản ánh đến bộ phận hỗ trợ Tổng cục Hải quan tại số điện thoại 19009299 bấm phím 2 và gửi email về: bophanhotrotchq@customs.gov.vn để được hỗ trợ và xử lý.

Đối với phản ánh Hệ thống của hải quan trục trặc khiến tín hiệu thông quan tự động bị ảnh hưởng, đề nghị đơn vị cung cấp thông tin về số tờ khai cụ thể để Tổng cục Hải quan có căn cứ kiểm tra (hiện tại hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan hải quan hoạt động bình thường).

Trong trường hợp nếu có vướng mắc, DN, các đơn vị liên quan phản ánh đến bộ phận hỗ trợ Tổng cục Hải quan tại số điện thoại 19009299 bấm phím 2 và gửi email về: bophanhotrotchq@customs.gov.vn để được hỗ trợ và xử lý.

Đối với phản ánh DN đã nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, nhưng phía hải quan không nhìn được kết quả này do mạng trục trặc về mặt kỹ thuật.

Tổng cục Hải quan cho biết, đã phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc bộ, ngành kết nối hệ thống DN và hệ thống của các bộ, ngành sang Cơ chế một cửa quốc gia.

Đối với các thủ tục hành chính đã triển khai qua Cơ chế một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố không yêu cầu DN nộp bản giấy đối với giấy phép, kết quả thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia./.

2. Chính sách tài chính tạo sức bật cho khoa học và công nghệ

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài chính nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho khoa học và công nghệ, trong đó tập trung vào các chính sách thuế, phí, lệ phí và chi ngân sách nhà nước.

Đảm bảo nguồn ngân sách dành cho phát triển khoa học công nghệ:

Trong thời gian qua, ngân sách nhà nước (NSNN) rất khó khăn nhưng vẫn dành một khoản kinh phí lớn cho phát triển khoa học công nghệ. Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) 2013 và các văn bản hướng dẫn đã cụ thể hóa tỷ lệ chi NSNN, nội dung chi NSNN cho phát triển KH&CN. Theo đó, quy định “Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hằng năm” và “Ngân sách cho KH&CN phải được ghi thành một mục chi riêng trong mục lục NSNN hằng năm của bộ, ngành, địa phương”.

Về nội dung chi cũng đã được quy định cụ thể bao gồm: Chi đầu tư phát triển KH&CN (chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN); chi sự nghiệp KH&CN (chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập; cấp vốn điều lệ và vốn bổ sung cho các quỹ quốc gia của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN; hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, hỗ trợ các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN, và các khoản chi có liên quan khác...).

Nhờ đó, chi NSNN cho KH&CN có xu hướng tăng trong gần 20 năm qua và nếu tính cả chi NSNN cho KH&CN trong quốc phòng, an ninh, đặc biệt là chi từ nguồn ưu đãi thu nhập tính thuế, thì chi NSNN cho phát triển KH&CN cũng đã được đảm bảo ở mức 2%/tổng chi NSNN.

Năm 2020, tổng dự toán chi sự nghiệp KH&CN đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng dự toán chi NSNN sự nghiệp KH&CN đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết về phân bổ ngân sách hàng năm là 59.529 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với giai đoạn 2001-2005, tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2005-2010, và giảm nhẹ 8,4% so với giai đoạn 2011-2015.

Nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí:

Hiện nay chính sách ưu đãi thuế đối với KH&CN được quy định tổng thể tại Điều 64 Luật KH&CN 2013, theo đó các nội dung được nhận ưu đãi bao gồm: Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao...

Trên cơ sở quy định này, các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí được thể hiện cụ thể trong các văn bản có liên quan như: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Phí và lệ phí; Nghị định 54/2016/NĐ-CP; Nghị định 13/2019/NĐ-CP; Thông tư 03/2021/TT-BTC…

Về thuế TNDN, miễn thuế TNDN đối với các loại thu nhập như thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; thu nhập là khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ngoài việc được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo thì các doanh nghiệp thực hiện dự án loại này được áp dụng thuế suất 10%, trong thời gian 15 năm khi tính thuế TNDN.

Về thuế GTGT, ưu đãi thuế với một số hàng hóa, dịch vụ phục vụ phát triển KH&CN, bao gồm: Đối tượng không chịu thuế GTGT “Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ”; áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; dịch vụ KH&CN.

Về thuế xuất nhập khẩu, miễn thuế đối với một số mặt hàng để phát triển KH&CN, bao gồm:  Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất; hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, đổi mới công nghệ.

Về phí, lệ phí, các doanh nghiệp KH&CN được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Các chính sách ưu đãi được xây dựng và triển khai phù hợp, đồng bộ đã tạo ra sức bật mạnh mẽ cho nền KH&CN. Theo Bộ KH&CN, Việt Nam hiện có khoảng 4.080 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN (tăng gấp gần 2 lần so với năm 2014), trong đó có 1.900 tổ chức công lập và trên 2.192 tổ chức ngoài công lập. Có khoảng 173.000 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Phát triển KH&CN đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2020, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam ở vị trí 42 trên 131 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng, tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với xếp hạng năm 2016. Hiện Việt Nam xếp thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia về chỉ số GII./.

3. Hải quan Việt Nam đóng góp tích cực vào tiến trình tạo thuận lợi thương mại

Ngày 6/5/2021, Tổng cục Hải quan cho biết, tại Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2019 trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) những nỗ lực cải cách tạo thuận lợi thương mại của Hải quan Việt Nam được đại biểu quốc tế đánh giá cao.

Hải quan thực hiện hiệu quả các cam kết WTO

Theo Tổng cục Hải quan, tại phiên họp quốc tế (diễn ra trực tuyến tại Hà Nội mới đây) với phát biểu của hơn 40 thành viên của WTO, liên quan đến chính sách thương mại của Việt Nam từ 2013 đến 2019 cho thấy nhiều quốc gia đánh giá rất cao sự tích cực của Hải quan Việt Nam trong việc thực hiện chủ trương tạo thuận lợi thương mại; trong đó, nổi bật có 2 thành viên đến từ Hoa Kỳ và Hồng Kông.

Cụ thể, đại diện của Phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại WTO phát biểu nhấn mạnh việc Hải quan Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các cam kết tại Hiệp định TFA của WTO, ghi nhận những nỗ lực gần đây của cơ quan hải quan trong việc ban hành một số biện pháp chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Ngoài ra, đại diện phía Hoa Kỳ đề cập đến việc hợp tác của Hải quan Việt Nam với Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu trong xây dựng hệ thống bảo lãnh thông quan, nếu được triển khai Việt Nam sẽ là nước đầu tiên của châu Á áp dụng hệ thống tiên tiến này.

Trong nội dung phát biểu, Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam xem xét tham gia việc ủng hộ giải phóng hàng hóa toàn cầu hiệu quả và kịp thời thông qua đẩy nhanh thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, đại diện Phái đoàn Hồng Kông cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong áp dụng quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế, áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, mở rộng áp dụng công nghệ thông tin và trang bị các thiết bị hiện đại trong hoạt động quản lý hải quan.

Ngoài ra, đại diện Phái đoàn Hông Kông cũng ghi nhận thành quả của Hải quan Việt Nam về việc áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại trong tình hình Covid-19; trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin trong thông quan hàng hóa, nhanh chóng giải phóng hàng, giảm kiểm tra thực tế hàng hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Tạo thuận lợi thương mại vẫn đảm bảo chống gian lận C/O

Trên tinh thần phát biểu của các thành viên quốc tế, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến lĩnh vực hải quan, nổi bật là tạo thuận lợi thương mại và chống gian lận C/O và chuyển tải bất hợp pháp.

Về tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là việc thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO, với sự giúp đỡ của các đối tác, Hải quan Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có việc áp dụng cơ chế hải quan điện tử, quản lý rủi ro, và chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Ngoài ra, đối với việc thực hiện nghĩa vụ thông báo trong Hiệp định về Trị giá hải quan, Việt Nam cũng đã thông báo cập nhật các quy định của Việt Nam liên quan đến xác định trị giá hải quan.

Cùng với những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, Việt Nam cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp chống gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã và đang tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trước, trong và sau thông quan, yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ hải quan từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan…

Với những nỗ lực và biện pháp cụ thể nêu trên, chỉ riêng trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn và đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận C/O; đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh, phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm.

Sự chủ động tích cực trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành trong nước và các cơ quan hải quan và tổ chức quốc tế đã góp phần đảm bảo môi trường thương mại công bằng./.

3. Kinh nghiệm cho xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SMEs) tiếp cận khách hàng quốc tế thông qua các nền tảng thương mại điện tử, ngày 25/9/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Công ty Innovative Hub và các cơ quan hữu quan tổ chức hội thảo “Số hóa mô hình kinh doanh – Mở lối vào thị trường toàn cầu”, hội thảo thu hút hơn 450 đại biểu  tham dự với hơn 350 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và 30 doanh nghiệp đến từ Singapore.

Hội thảo được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số nhanh chóng ở Việt Nam và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam phương thức tiếp cận, ứng dụng các sàn thương mại điện tử B2B trong việc đẩy mạnh xuất khẩu toàn cầu bên cạnh các cách thức truyền thống, cụ thể là thông qua nền tảng B2B Alibaba.com.

Alibaba.com là nền tảng thương mại điện tử B2B hàng đầu thế giới được thành lập vào năm 1999 với hơn 10 triệu người mua tích cực tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hỗ trợ hơn 16 ngôn ngữ.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số hiện nay. Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại không ngừng đổi mới phương thức XTTM, xây dựng kế hoạch XTTM phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, đặc biệt đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số. Các hoạt động cụ thể đã và đang được triển khai bao gồm tập huấn, hội thảo giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong việc tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử một cách hiệu quả, tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bên cạnh phối hợp với các phương thức XTTM truyền thống khác.

 Trao đổi giữa các diễn giả và doanh nghiệp:

Cũng tại hội thảo, đại diện Alibaba.com trụ sở chính tại Trung Quốc và Alibaba Cloud cũng đã chia sẻ về những kinh nghiệm xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử B2B nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng công nghệ số để tiếp cận được khách hàng toàn cầu.

Diễn đàn đã mang đến nhiều thông tin giá trị và hữu ích đến các doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số hóa bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về những thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đối mặt, cũng như tạo điều kiện để mở ra các cơ hội kinh doanh mới. Việc chia sẻ từ các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử quốc tế giúp doanh nghiệp có thêm thông tin và cơ hội tiến hành việc chuyển đổi kinh doanh truyền thống sang không gian trực tuyến thông qua các nền tảng số, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đang và có ý định xuất khẩu và mở rộng thị trường toàn cầu thông qua các kênh thương mại điện tử./.

4. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 về công nghiệp, thương mại

Đến nay, về cơ bản các tỉnh, thành phố đã hoàn thành cung cấp dữ liệu về các nhà máy, cơ sở sản xuất; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng trên địa bàn.

 

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương là cơ quan được giao phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhiệm vụ cung cấp dữ liệu để triển khai Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19. Trong đó, Cục Công nghiệp cung cấp dữ liệu về nhà máy, cơ sở sản xuất, Vụ Thị trường trong nước cung cấp dữ liệu về trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.

Ngay khi nhận được chỉ đạo, từ cuối tháng 12/2020 đến nay, Bộ Công Thương đã liên tục có các công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Sở Công Thương về việc triển khai Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19, trong đó yêu cầu các địa phương khẩn trương cung cấp dữ liệu về các nhà máy, cơ sở sản xuất; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng nhằm sớm hoàn thiện Bản đồ.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các tỉnh, thành phố đã hoàn thành cung cấp dữ liệu về các nhà máy, cơ sở sản xuất. Trong đó, 22 tỉnh/thành phố với 10.781 nhà máy, cơ sở sản xuất đã được Bộ Y tế và Công ty CP Công nghệ DTT tạo tài khoản để đăng nhập vào ứng dụng Bản đồ và thực hiện đánh giá mức độ an toàn (số liệu từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương).

Thời gian tới, sau khi Bộ Y tế và Công ty CP Công nghệ DTT tạo tài khoản đăng nhập cho các nhà máy, cơ sở sản xuất của 41 tỉnh/thành phố còn lại, Bộ Công Thương sẽ cung cấp cho các Sở Công Thương để chuyển đến các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19, ngày 19/5/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình tập huấn hướng dẫn triển khai sử dụng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 với sự tham gia của các đơn vị Bộ Công Thương, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, Công ty CP Công nghệ DTT và Sở Công Thương 22 tỉnh, thành phố đã có tài khoản đăng nhập của các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức Chương trình tập huấn hướng dẫn triển khai sử dụng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 cho 41 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố còn lại, sau khi Bộ Y tế và Công ty CP Công nghệ DTT tạo tài khoản đăng nhập cho các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Đối với lĩnh vực thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo cung cấp thông tin về trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.

Trong đó, về trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, có 55 tỉnh, thành phố đã cập nhật thông tin tương đối đầy đủ theo yêu cầu của Bộ Y tế. 8/63 tỉnh còn lại vẫn còn thiếu nhiều thông tin liên hệ (điện thoại, email, tên đầu mối liên hệ).

Về nhà hàng, 5/63 tỉnh còn thiếu dữ liệu, hoặc dữ liệu chưa đúng mẫu yêu cầu. Vụ Thị trường trong nước vẫn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Y tế và Công ty CP Công nghệ DTT để hoàn thiện các dữ liệu còn thiếu.

Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước cũng nhìn nhận, do tình hình thực tế tại các địa phương (nhất là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) vẫn tồn tại chợ phiên, chợ tự phát, khó xác định được địa chỉ, cơ sở hạ tầng chưa có cũng như không có người quản lý. Vì thế, tại những khu chợ đó chỉ có địa chỉ đến xã/phường và để thông tin liên hệ là thông tin của chuyên viên theo dõi chợ tại Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Bản đồ, mới đây tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Công nghiệp và Vụ Thị trường trong nước tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai và cập nhật dữ liệu về xây dựng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng trên địa bàn.

“Cần phải xây dựng Bản đồ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với thực tế tại địa phương. Có thể tổ chức diễn tập các phương án phòng chống dịch nếu cần, và xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 trong khu công nghiệp, khu thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.