BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 05/2020 (28-10-2020)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

 

      1.  Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025

 Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là động thái quyết liệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.Trên thực tế, bắt đầu từ năm 2014, năm nào Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP và từ năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP) trong đó đều yêu cầu các bộ ngành phải mạnh tay cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giấy phép kinh doanh với mục tiêu đặt ra là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ. Nhiều bộ ngành rất quyết liệt trong việc cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh như Bộ Công Thương. Nhưng cũng không thể phủ nhận vẫn còn không ít bộ ngành cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh còn hình thức.

Nhiều thủ tục hành chính, giấy phép, điều kiện kinh doanh phù hợp với trình độ quản lý nhà nước của giai đoạn trước nhưng bây giờ không còn phù hợp nữa, không còn cần thiết thì phải cắt giảm ngay. Ngoài ra, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, mạng Internet nên điều kiện kinh doanh của nhiều lĩnh vực đã có sự thay đổi thì buộc phải cắt giảm, đơn giản hóa hoặc sửa đổi, bổ sung.

- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là 3 nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 84/NQ-CP ban hành ngày 29/5/2020.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19  sẽ được giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020; Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; Miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2019; Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020.

Ngoài ra, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money) sẽ bắt đầu cp phép thí điểm. Chính phủ còn cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Đặc biệt, công nhận các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch COVID-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN 2020 và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, nhất là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp;Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép (phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo giai đoạn); Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch; Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020; Tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Theo các Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 và số 2086/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người được  giao theo tổng mức vốn cho từng địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành cụ thể.

Ngoài những tháo gỡ vướng mắc trên, cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế trong khuôn khổ cho phép, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP  về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, tổ chức chính phủ được chính phủ nước ngoài ủy quyền (nhà tài trợ nước ngoài) cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; các chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định của pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội. Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định  hiện hành của pháp luật. Công bố thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài trên Hệ thống Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn).

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất chịu những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. Nhưng nhờ việc Chính phủ đã rất nỗ lực trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nên mức ảnh hưởng không quá nặng nề như các quốc gia khác trên thế giới. Cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… đều đã đánh giá cao sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. Hậu giãn cách, trong tháng 5/2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Điều này cho thấy, nền kinh tế đang bắt đầu dần dần bình thường trở lại.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có thêm gói kích thích kinh tế mới vì gói giải pháp hỗ trợ mới, trên một góc độ nào đó, cũng sẽ góp phần quan trọng để kích thích nền kinh tế. Điểm khác biệt của các gói chính sách của Việt Nam so với các nước khác là đều đặt trọng tâm vào hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, sau đó mới có hàm ý kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là không thể tự phục hồi mà không bị ảnh hưởng nào từ kinh tế toàn cầu, khi những đối tác thương mại lớn còn đang vất vả chống dịch, đóng cửa đất nước. Ngay cả Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên quyết định không đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020.

2. Tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Nghị định số 57/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 7b về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 – 2024. Trong đó, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô).

- Đối tượng áp dụng bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô. Doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có hợp đồng mua bán sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.

+ Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nêu rõ mục tiêu dự án hoặc ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác.

+ Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) và máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) trên lãnh thổ Việt Nam.

- Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện:

+ Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu (bao gồm cả nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã nhập khẩu kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực còn tồn kho tại các kỳ ưu đãi trước chuyển sang để sản xuất, gia công (lắp ráp) sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô tại các kỳ ưu đãi sau; không bao gồm nguyên liệu, vật tư, linh kiện đưa vào sử dụng nhưng bị hỏng, bị lỗi) để sản xuất, gia công (lắp ráp) sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô có tên trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại mục IV Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Trường hợp sản phẩm chỉ được lắp ráp đơn thuần với nhau bằng những thiết bị đơn giản như vít, bu-lông, ê-cu, bằng đinh tán và không trải qua quá trình sản xuất, gia công nào để thành sản phẩm hoàn thiện thì không được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô.

+ Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được do doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này trực tiếp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu. Việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được căn cứ theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

- Kỳ xét ưu đãi thuế tối đa không quá 06 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 hoặc từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 hàng năm.

- Tại thời điểm đăng ký tờ khai, người khai hải quan thực hiện kê khai, tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định, chưa áp dụng mức thuế suất 0%.

Nghị định 57/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2020.

3.Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó do tác động của COVID-19

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăndo tác động từ dịch bệnh COVID-19 và tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại của các doanh nghiệp.

- Thứ nhất, đối với việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu hướng dẫn: không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài gắn trên hàng hóa, bao bì sản phẩm xuất khẩu.

Nếu được ủy quyền sử dụng mã nước ngoài thì bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng bao gồm một trong các hình thức: văn bản ủy quyền, thư ủy quyền hoặc hợp đồng gia công hoặc thư điện tử ủy quyền hoặc các hình thức ủy quyền khác được quốc tế công nhận, có ký tên và đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các tài liệu cung cấp.

Trường hợp trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra các vụ án phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài thì có văn bản thông báo cụ thể cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng biết để xử lý theo quy định.

- Thứ hai, đối với việc kiểm tra thông tin một số mẫu C/O trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: do cơ quan có thẩm quyền của Indonesia thông báo cấp C/O mẫu D, E, AK, AI, AANZ và AJ có chữ ký và con dấu dạng điện tử từ ngày 1/4/2020, nên cơ quan Hải quan kiểm tra thông tin về C/O tại trang thông tin điện tử: http://e-ska.kemendag.go.id -> chọn e-COO verification -> điền số tham chiếu C/O.

Với C/O mẫu AI do Ấn Độ cấp qua hệ thống điện tử bao gồm chữ ký dạng điện tử và mã quét QR, cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ thông báo cấp C/O mẫu AI có chữ ký và con dấu dạng điện tử từ 1/4/2020, nên sẽ kiểm tra thông tin về C/O tại trang thông tin điện tử: http://Coo.dgft.gov.in -> đánh số tham chiếu C/O vào ô “verife certinficate” để tra cứu thông tin.

Với C/O mẫu D do Malaysia có con dấu và chữ ký điện tử, cơ quan có thẩm quyền của Malaysia thông báo cấp C/O dạng điện tử từ ngày 13/4/2020, áp dụng cho các Hiệp định thương mại tự do mà Malaysia là thành viên: AANZFTA; AKFTA; AHKFTA và ATIGA. Theo đó, thông tin về C/O được tra cứu tại trang thông tin điện tử: http://newepco.dagangnet.com.my -> điền tên và mật khẩu vào User Login.

Với C/O mẫu E, kiểm tra thông tin về C/O tại: http://origin.customs.gov.cn -> chọn chức năng Certificate info search -> điền số C/O và số hóa đơn thương mại để xem thông tin.Kiểm tra thông tin về C/O tại trang thông tin điện tử: http://check.ccpiteco.net -> điền thông tin C/O Certification No, CO Serial No để tra cứu thông tin. Các trường hợp C/O còn lại, các đơn vị hải quan thực hiện kiểm tra theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 của Bộ Tài chính) và các Thông tư hướng dẫn về quy tắc xuất xứ của Bộ Công Thương.

- Thứ ba, nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2020/TT-BTC quy định giảm 10-20% phí, lệ phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực hàng không.

Theo đó, từ ngày 27/5/2020, tổ chức, cá nhân khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và kinh doanh cảng hàng không sẽ nộp phí bằng 90% mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/2016/TT-BTC (mức giảm 10%). Các tổ chức, cá nhân khi ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam sẽ nộp phí, lệ phí bằng 90% mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư số 194/2016/TT-BTC (mức giảm 10%).

Với tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay và thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay sẽ nộp phí bằng 80% mức phí tương ứng quy định tại mục VI và mục VIII (trừ nội dung thu tại các số thứ tự: 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5.1, 5, 6 của mục VI và số thứ tự 4 của mục VIII) phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC (mức giảm 20%).

4- Một số quy định, chính sách liên quan mới được ban hành của Việt Nam

Nghị định 56/2020/NĐ-CP,Về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Ra ngày 25/05/2020

Nghị định 57/2020/NĐ-CP,Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP      

Nghị quyết 84/NQ-CP,Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19    

Thông tư 09/2020/TT-BCT,Quy định về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan 

Thông tư 46/2020/TT-BTC, Quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không.       

Công văn  2755/TCHQ-GSQL          Tạm xuất tái nhập hàng hóa của doanh nghiệp FDI         

Công văn 2756/TCHQ-GSQL Nhập khẩu nông sản làm thực phẩm qua các cửa khẩu

Văn bản hợp nhất 54/VBHN-BCT Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô    

Công văn 3229/TCHQ-GSQL Hướng dẫn trường hợp 01 lô hàng có cả C/O mẫu D điện tử và bản giấy     

5- Một số thông báo liên quan của các nước thành viên WTO

G/SPS/N/TPKM/494/Add.1 Chính thức có hiệu lực đối với dự thảo sửa đổi “yêu cầu Kiểm dịch nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật”.          

G/SPS/N/ZAF/68 Phát hành hệ thống giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử (Giấy chứng nhận điện tử) sử dụng dấu và chữ ký điện tử.      G/SPS/N/BRA/1662.Yêu cầu về sức khỏe động vật đối với việc xuất khẩu sản phẩm động vật vào Brazil                 

G/SPS/N/USA/3168 Dự thảo thu hồi sự quy định hiện tại và thiết lập dung sai thuốc diệt nấm Banda de Lupinus Albus Doce (BLAD). Dự thảo này mở rộng thời gian góp ý đến 12/7/2020  

G/SPS/N/CAN/1300/Add.1 Chính thức có hiệu lực dự thảo “thiết lập giới hạn mức dư lượng thuốc diệt nâm Pyriofenone”Quy định mức 0.3 ppm đối với rau quả       

         G/SPS/N/CAN/1299/Add.1 Chính thức có hiệu lực dự thảo “thiết lập giới hạn mức dư lượng thuốc trừ sâu Deltamethrin”.Quy định mức 0.07 ppm đối với đậu và đậu nguyên vỏ khô, ngoại trừ đậu tương                          

G/SPS/N/PHL/461 Philippines sẽ chấp nhận bản copy điện tử giấy chứng nhận sức khỏe nếu được xác nhận bởi cơ quan thú y của nước xuất khẩu đối với sản phẩm hàng hóa là sản phẩm động vật    

G/SPS/N/AUS/495/Add.1 Chính thức có hiệu lực đối với dự thảo điều kiện nhập khẩu tôm chưa nấu chín làm thực phẩm cho con người. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 01/7/2020            

G/SPS/N/JPN/757          Sửa đổi Đạo luật Vệ sinh thực phẩm “Bắt buộc thực hiện kiểm soát vệ sinh dựa trên HACCP đối với sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu”. Sản phẩm chỉ được nhập khẩu khi đượccông nhận của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản    G/SPS/N/JPN/705/Add.1 Thông báo có hiệu lực: Qui định mức dư lượng tối đa hóa chất Cephapirin trong các sản phẩm gia súcvà sữa là 0,03 ppm.               G/SPS/N/JPN/704/Add.1 Thông báo có hiệu lực: Qui định mức dư lượng tối đa hóa chất nông nghiệp Prothiofos trong nhiều loại sản phẩm từ thực vật.                             G/SPS/N/JPN/703/Add.1 Thông báo có hiệu lực:Qui định mức dư lượng tối đa hóa chất nông nghiệp Flutianil trong nhiều loại sản phẩm từ thực vật.           G/SPS/N/JPN/696/Add. Thông báo có hiệu lực: Qui định mức dư lượng tối đa hóa chất nông nghiệp Oxpoconazole fumarate trong nhiều loại sản phẩm từ thực vật.                        

G/SPS/N/JPN/695/Add.1 ,Thông báo có hiệu lực: Qui định mức dư lượng tối đa hóa chất nông nghiệp Flubendiamide trong nhiều loại sản phẩm từ động và thực vật.                         

G/SPS/N/JPN/693/Add.1 .Thông báo có hiệu lực:Qui định mức dư lượng tối đa hóa chất nông nghiệp Afidopyropen trong nhiều loại sản phẩm từ thực vật.            G/SPS/N/USA/3173,Dự thảo thiết lập mức dư lượng tồn dư hoá chất fluridone trong một số loại quả như quả bơ, lựu, hạt dẻ cười và quả có múi họ cam quýt (nhóm 12)          

G/SPS/N/RUS/192         ,Dự thảo sửa đổi qui định thủ tục kiểm soát thú y tại các cửa khẩu hải quan.