Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
1. Mở rộng cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU nhờ EVFTA
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Điều này cho thấy mặt hàng gạo đang tận dụng được tốt các ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang lại.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Với tấm vé thông hành từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đã có kết quả khởi sắc. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường này. Đây là dòng gạo thơm hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh để phát triển.
2 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận con số xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, thu về 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khối EU, Italy bất ngờ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan…
Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 9% lên 755 USD/tấn. Giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ…
Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021.
Tuy nhiên, có một thực tế là thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU. Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Năm 2021, EU nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo; trong đó 1,6 triệu tấn giao dịch nội khối và 2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Mặc dù có nhiều ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, cũng như dư địa thị trường, theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), chưa đầy 20% doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu kỹ về các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo chuyên gia, liên quan tới hạn ngạch, vấn đề không chỉ là cam kết hạn ngạch thì bao nhiêu nghìn tấn được hưởng ưu đãi thuế quan, mà còn ở chỗ cơ chế được cấp hạn ngạch thế nào. Nghị định về chứng nhận gạo thơm xuất khẩu sang EU mới chỉ được ban hành đầu năm 2022 - chậm một thời gian tương đối dài. Như vậy, những thông tin đó rất cần cho doanh nghiệp. Các cơ quan có thông tin nhiều hơn thì sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp sâu hơn.
Hơn nữa, bên cạnh lợi thế của hiệp định EVFTA, chúng ta cũng phải tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường để có thể chiếm lĩnh mở rộng thị phần được nhiều hơn nữa. Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.
2. Không được miễn thuế nếu mua sản phẩm của DN nội địa dưới hình thức nhập tại chỗ
Theo quy định của Nghị định 18/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp nội địa mua sản phẩm của doanh nghiệp nội địa khác dưới hình thức nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu thì không được miễn thuế nhập khẩu như đối với trường hợp nhập khẩu từ nước ngoài, nhập khẩu từ khu phi thuế quan.
Tập đoàn quốc tế Pouchen nêu ý kiến quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP chưa có sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công (được miễn thuế nhập khẩu) với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu (phải nộp thuế nhập khẩu và được hoàn lại tiền thuế đã nộp sau khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan).
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, khoản 1, khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.
Cũng tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định “Khu vực hải quan riêng” là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam, có quan hệ mua bản, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất nhập khẩu.
Điểm e khoản 1 Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương thì bên đặt gia công “được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”.
Cũng tại điểm e khoản 2 Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định bên nhận gia công được “làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công”.
Ngoài ra, Điều 43 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp. Cụ thể, sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam; sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.
Đối chiếu với các quy định hiện hành và quy định cụ thể tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP: “Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tinh thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ đã nộp thuế nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh, đã đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan thì được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp theo quy định tại Điều 36 Nghị định này”.
Tuy nhiên, Luật Thương mại số 36/2005/QH11, Nghị định 82/2018/NĐ-CP không quy định về hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp nội địa đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để gia công và hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu có sự khác nhau.
Cụ thể, đối với loại hình nhập khẩu để gia công (bao gồm nhập khẩu tại chỗ): Với hoạt động gia công cho nước ngoài, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công thuộc sở hữu của bên nước ngoài đặt gia công, tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định bên đặt gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công (điểm e khoản 1 Điều 42), bên nhận gia công được thuê thương nhân khác gia công (điểm b khoản 2 Điều 42), thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này để làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam và sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo (Điều 43). Do đó, khi xây dựng chính sách, để phù hợp với Điều 42, Điều 43 Nghị định 69/2018/NĐ-CP nêu trênm cơ quan soạn thảo đã xây dựng khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định miễn thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để gia công.
Còn đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, khác với hàng gia công chỉ có 1 hợp đồng nhận nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị từ thương nhân nước ngoài và phải xuất trả sản phẩm cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu dễ sản xuất xuất khẩu thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp Việt Nam, được nhập khẩu theo hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thông qua 2 hợp đồng riêng biệt (bao gồm 1 hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và 1 hợp đồng xuất khẩu sản phẩm).
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu có quyền chủ động nguồn hàng (nhập khẩu từ nước ngoài hoặc nhập khẩu từ khu phi thuế quan hoặc nhập khẩu tại chỗ) cũng như chủ động trong lựa chọn phương án bán hàng (xuất bán cho khách hàng ở nước ngoài hoặc xuất bán cho khách hàng trong khu phi thuế quan hoặc xuất bản cho khách hàng theo chỉ định của thương nhân nước ngoài theo hình thức xuất khẩu tại chỗ hoặc thay đổi mục đích sử dụng, tiêu thụ nội địa) để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất.
Trường hợp doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.
Do đó, tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nội địa mua sản phẩm của doanh nghiệp nội địa khác dưới hình thức nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu thì không được miễn thuế nhập khẩu như đối với trường hợp nhập khẩu từ nước ngoài, nhập khẩu từ khu phi thuế quan.
Doanh nghiệp nội địa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ; sau khi sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đưa vào sản xuất và thực xuất khẩu ra nước ngoài hoặc khu phi thuế quan thì doanh nghiệp được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tại chỗ cấu thành trong sản phẩm đã xuất khẩu theo quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Như vậy, cơ quan Hải quan cho rằng, quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp nội địa khi tạm nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu và sau đó được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan.
Cơ quan Hải quan đề nghị, Tập đoàn quốc tế Pouchen thực hiện chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp trong nội địa để sản xuất xuất khẩu theo quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.
3. Chuẩn hóa sản xuất để gia tăng xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ
Với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 27,1% thị phần, Hoa Kỳ đang trở thành thị trường XK lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022. Chuẩn hóa sản xuất là cách để gia tăng kim ngạch XK nông sản sang thị trường này.
Việt Nam bán nông sản nhiều nhất sang Hoa Kỳ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý I/2021; trong đó XK đạt khoảng 12,8 tỷ USD, nhập khẩu (NK) ước khoảng 9,8 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, thị trường XK lớn nhất là Hoa Kỳ đạt gần 3,5 tỷ USD (chiếm 27,1% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Những tín hiệu tích cực trong XK nông sản sang thị trường “siêu khó tính này đã mở ra cơ hội tăng tốc XK sang Mỹ với kim ngạch lớn trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, các mặt hàng nông sản XK sang Hoa Kỳ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các nông sản tươi.
Đến nay, Hoa Kỳ đã cấp phép nhập khẩu 6 loại quả tươi từ Việt Nam, gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được XK sang Hoa Kỳ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh. Trong đó, việc XK trái dừa từ đầu năm đến nay không thuận lợi như trước.
Theo doanh nghiệp TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cho rằng, hai nướcc chưa có ký kết về XK mặt hàng dừa uống nước nên chưa cho nhập khẩu dừa uống nước. Việc tắc nghẽn XK sang thị trường Hoa Kỳ ảnh hưởng lớn đối với công ty. Các khách hàng đã tìm đến các nhà cung cấp khác. Sau này nếu mở cửa XK sang Hoa Kỳ trở lại doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tìm khách hàng mới.
Theo Sở Công Thương Bến Tre, lượng dừa xiêm XK, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 40%, nhưng đến nay vẫn chưa XK được khiến quý I/2022 XK dừa xiêm (dừa uống nước) của các doanh nghiệp trên địa bàn giảm hơn 50% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Chuẩn hóa sản xuất để gia tăng kim ngạch XK
Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa là rau, củ, quả, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều, thủy sản... Trong nhóm nông sản, đồ gỗ, thủy sản đạt kim ngạch lớn, nhưng gạo, cà phê, rau quả thì vẫn còn khiêm tốn. Dư địa XK nông sản sang thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Nhưng để XK sang thị trường này, doanh nghiệp Việt cần cam kết chất lượng, đảm bảo độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng XK để các nhà bán lẻ muốn đặt hàng dài hạn.
Là doanh nghiệp XK mạnh nhiều mặt hàng trái cây tươi vào thị trường Hoa Kỳ, Giám đốc kỹ thuật doanh nghiệp Xuất nhập khẩu Vina T&T Group – lưu ý, khi kiểm tra chất lượng của trái cây, phía Hoa Kỳ sẽ kiểm tra luôn vỏ. Vì vậy, việc cách ly sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề quan trọng. Nếu cách ly không đúng thời gian sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng XK.
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp dịch vụ Lương Nguyễn cho hay, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường. Ngoài ra, để bảo quản trái cây, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu để giữ được giá trị, chất lượng của sản phẩm ngay từ đầu và suốt quá trình vận chuyển.
Tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - nhận định, đồ gỗ nội thất và mặt hàng thủy sản sản xuất tại Việt Nam đang rất được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng, tin tưởng. Riêng đối với nhóm hàng trái cây và các thực phẩm nông sản khác, hiện các doanh nghiệp XK của Việt Nam mới khai thác được thị trường người gốc Á - dù tỉ lệ người gốc Á ở Hoa Kỳ hiện vẫn chưa cao. Trong khi đó, thị trường người Hoa Kỳ bản địa và người Hoa Kỳ gốc Latin vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác nhiều.
Rõ ràng, dư địa XK sang thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Và hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp tìm cách mở rộng thị phần sang thị trường này. Giám đốc điều hành doanh nghiệp TNHH Trịnh Văn Phú - cho biết, sản phẩm gạo dinh dưỡng của doanh nghiệp này đã vào được thị trường Áo và Pháp. Trong tháng 3 và 4/2022, doanh nghiệp này cũng đã ký hợp đồng với đối tác ở thị trường Hà Lan và đang đàm phán với đối tác muốn độc quyền đưa gạo hữu cơ vào thị trường Hoa Kỳ.
Giữa tháng 4/2022, 16 tấn hàng nông sản, thực phẩm, gồm nước mắm, cà phê hòa tan, đồ uống cao cấp… vừa được doanh nghiệp Pacific Foods XK sang thị trường Hoa Kỳ. Theo doanh nghiệp này, lô hàng XK được sản xuất thông qua chuỗi giá trị với quy trình lựa chọn nguyên liệu, sản xuất và thu hoạch được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến tay người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Theo kế hoạch, trong tháng 4/2022 này, Pacific Foods tiếp tục xuất lô hàng 28 tấn gồm các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực đến Mỹ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi.
Bên cạnh nỗ lực từ các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, vai trò của các đại sứ, tham tán thương mại tại các nước là hết sức quan trọng. Việc đưa các thông tin thị trường, đặc biệt là các thông tin về nhu cầu, thị hiếu, cảnh báo về thị trường điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro, thua thiệt, mà còn tìm thấy được cơ hội XK từ những nguy nan. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông qua kênh thương mại điện tử như tổ chức các phiên chợ online, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba,... để thúc đẩy xuất khẩu.
4. Hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại để phù hợp với bối cảnh mới
Để phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại theo hướng tinh giản và hiệu quả. Mặc dù việc xây dựng, thực thi chính sách về phòng vệ thương mại đã có bước tiến lớn nhưng để phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại theo hướng tinh giản và hiệu quả.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tới đây Cục sẽ xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cũng như tham gia một cách tích cực, trách nhiệm trong cơ chế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Những dấu ấn trong xây dựng, thực thi chính sách về phòng vệ thương mại là bước tiến rất lớn nhưng tới đây đòi hỏi phải xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về phòng vệ thương mại.
Điều này nhằm phù hợp với các quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia, giúp các ngành sản xuất chống chọi tốt hơn trước các diễn biến của thị trường quốc tế. Bởi đây là lĩnh vực phức tạp, thường xuyên xuất hiện những vấn đề mới, đòi hỏi chuyên môn sâu về pháp luật và tài chính, kỹ thuật; một số thị trường gia tăng xu thế bảo hộ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không phù hợp…
Hiện tại, về cơ bản hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại đã được hoàn thiện cùng Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, hàng loạt Đề án, Nghị quyết, Chương trình hành động lớn trong lĩnh vực phòng vệ thương mại gắn với việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được Cục chủ trì xây dựng, báo cáo trình cấp có thẩm quyền ban hành và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, năm 2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Đây là bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế; sử dụng hiệu quả các quy định về phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.
Đến nay, Việt Nam đã ứng phó tổng cộng là 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh như thủy sản, sắt thép, dệt may, gỗ. Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cũng đã điều tra, áp dụng 23 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều mặt hàng như sắt thép, đường, sợi, phân bón… Qua đó, đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các ngành sản xuất trong nước.
Đặc biệt, giai đoạn 2022-2025, Bộ Công Thương sẽ rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, từ đó đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam tham gia, ngoài Thông tư số 14/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) ban hành năm 2021, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) về phòng vệ thương mại cũng mới ban hành trong tháng 3 này.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (09-05-2022)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (09-05-2022)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (09-05-2022)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (09-05-2022)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (09-05-2022)