BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 04/2022 (09-05-2022)

  1. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
  1. Nắm vững quy tắc xuất xứ trong UKVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 đã tạo bước chuyển biến tích cực trong quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả hơn những ưu đãi từ hiệp định, các chuyên gia cho rằng, DN Việt cần nắm vững cam kết về quy tắc xuất xứ của Vương quốc Anh.

Theo Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ ngày 1/1/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường này, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu.

Ngoài ra, để thực thi Hiệp định UKVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, như Nghị định 53/2021/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Với quy tắc xuất xứ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP năm 2022 về ký công hàm trao đổi với Hàn Quốc để triển khai nguyên tắc cộng gộp xuất xứ theo UKVFTA. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA.

Việc ban hành các văn bản pháp luật sẽ giúp DN tận dụng ưu đãi mà Hiệp định UKVFTA mang lại. Cụ thể, trong Thông tư 02, để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh. Theo thông tư này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có trị giá dưới 6.000 Euro, nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ; đối với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ; lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Đối với nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định khi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và đáp ứng quy định khác của UKVFTA, Thông tư nêu rõ, nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ.

Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ nước thành viên nhập khẩu. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu khai báo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn của Bộ Công Thương…

  1. Tạo thuận lợi quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Tiếp thu nhiều ý kiến về hệ thống xử lý

Liên quan đến các ý kiến của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN xung quanh dự thảo Nghị định, Tổng cục Hải quan đã tiếp thu và điều chỉnh nhiều quy định.

Chẳng hạn tại Điều 3, khoản 1 quy định: “Doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử là doanh nghiệp được các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng thỏa thuận dễ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử”. Theo Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, vì quy định này yêu cầu người vận chuyển phải do các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử chỉ định (thuê) nên doanh nghiệp hiểu rằng người gửi hàng/người nhận hàng chỉ có thể là chủ website thương mại điện tử bán hàng hoặc chủ sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ định các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa giao hàng và ủy quyền cho các doanh nghiệp đó khai báo thông tin của đơn hàng.

Vậy nếu tổ chức, cá nhân chỉ mua bán thông qua sàn giao dịch thương mại diện tử, website bán hàng rồi tự thuê đơn vị vận chuyển thì có nghĩa là hàng hóa của họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này dùng không? Doanh nghiệp đề xuất làm rõ các loại sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử. Đối với sàn, website thương mại điện tử hoạt động như một cửa hàng trực tuyến thì các bên liên quan của họ sẽ khác với sàn, website thương mại điện tử hoạt động như chợ, thị trường chung. Cần làm rõ sự khác biệt giữa các loại sàn, website thương mại điện tử.

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cho biết dự thảo sửa theo hướng chủ hàng cũng được thuê doanh nghiệp khác vận chuyển trong trường hợp chủ hàng được các sàn giao dịch thương mại điện tử bán hàng ủy quyền cung cấp thông tin đơn hàng.

Liên quan đến Điều 3, khoản 4 dự thảo Nghị định: “Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (gọi tắt là Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử) là Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử cho phép thực hiện thủ tục hải quan, tiếp nhận, phản hồi, chia sẻ, xử lý và lưu giữ thông tin liên quan nhập đến xuất khẩu, khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử”, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề xuất Hệ thống xử lý dữ liêu hải quan có thể là một hệ thống khác với hệ thống VNACCS/VCIS mà các công ty vận tải chuyển phát nhanh đã kết nối và có tài khoản trước đó. Bởi dù là sửa đổi hệ thống VNACCS hay tạo hệ thống mới, doanh nghiệp vẫn phải sửa đổi hệ thống nội bộ/xây dựng hệ thống mới để kết nối tốt với hệ thống này, điều này tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ khoản 1 Điều 7, dự thảo Nghị định quy định: “Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (gọi tắt là Hệ thống) là thành phần không tách rời của hệ thống xử lý dữ liệu điện tử Hải quan do Tổng cục Hải quan xây dựng, quản lý và vận hành”.

Như vậy, cơ quan Hải quan chỉ có 1 hệ thống xử lý dữ liệu điện tử duy nhất, trong đó bao gồm các phân hệ xử lý nghiệp vụ riêng biệt, có sự kết nối, trao đổi thông tin với nhau. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ sử dụng 1 hệ thống để thực hiện thủ tục hải quan.

Về việc tích hợp Cổng thông tin một cửa quốc gia và Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia là hệ thống của Chính phủ và Tổng cục Hải quan là đơn vị đang được giao quản lý, vận hành.

Hệ thống xử lý dữ liệu diện tử hải quan là hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan với các chức năng phần mềm đáp ứng các yêu cầu thực hiện tất cả các nghiệp vụ quản lý nhà nước về hải quan (trừ công tác quản lý hành chính nội ngành và triển khai Cơ chế một của quốc gia, Cơ chế một của ASEAN).

Dưới góc độ công nghệ thông tin, hai hệ thống trên có tính độc lập. Do đó, việc tích hợp hai hệ thống được hiểu là chia sẻ thông tin giữa hai hệ thống. Trong quá trình thực hiện thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số theo Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ đặt yêu cầu bài toán và giám sát nhà thầu thi công để đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu giữa hai hệ thống được thông suốt.

Sẽ phổ biến, hướng dẫn đến doanh nghiệp

Liên quan đến quy định tại Điều 8, khoản 1, điểm a dự thảo Nghị định: “Đăng ký tham gia kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử để được truy cập và các thông tin kết nối theo quy định tại Nghị định này. Khi có thay đổi, bổ sung hoặc hủy hiệu lực thông tin đăng ký, tổ chức, cá nhân phải kịp thời cập nhật thông tin thay đổi trên Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử”, doanh nghiệp đề nghị Tổng cục Hải quan gửi trước hướng dẫn đăng ký tham gia hệ thống để các doanh nghiệp thực hiện theo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị Tổng cục Hải quan công bố định dạng dữ liệu mới từ 3-6 tháng trước khi chính thức ban hành Nghị định để các doanh nghiệp có thời gian xây dựng phần mềm kết nối tương thích.

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, theo Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp một số thông tin trước cần chuẩn bị cũng như kế hoạch tập huấn, hướng dẫn sử dụng để doanh nghiệp biết trước khi chính thức kế nối tới hệ thống thương mại điện tử.

Về thời hạn xử lý thông tin và phản hồi, theo ý kiến của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, do chuyển phát nhanh luôn phải vận chuyển khối lượng hàng rất lớn và chỉ có khoảng thời gian ngắn để hoàn thành việc giao hàng. Hiện nay, cơ chế xử lý thông tin điện tử được triển khai trong giai đoạn Công nghệ 4.0, do đó cần phản hồi nhanh chóng và tức thời để đáp ứng lượng hàng hóa vận chuyển khối lượng lớn. Vì vậy nếu việc xử lý thông tin mất nhiều thời gian sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan.

Tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, dự thảo trình Chính phủ đã giảm từ 2 giờ xuống 30 phút, ngoài ra Tổng cục Hải quan nghiên cứu xây dựng hệ thống đảm bảo tốc độ xử lý dữ liệu nhanh đáp ứng yêu cầu số lượng tờ khai hải quan lớn và tiếp tục tăng trong tương lai.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng tiếp thu nhiều ý kiến của doanh nghiệp, cũng như phân tích lý do chưa tiếp thu những kiến nghị khác liên quan đến dự thảo Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

  1. Hàng sản xuất XK được NK tại chỗ giữa hai doanh nghiệp nội địa không được miễn thuế

 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chỉ quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, không quy định miễn thuế đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu được nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp nội địa.

Tập đoàn quốc tế Pouchen kiến nghị sửa chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu được quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP tương tự như chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công.

Tập đoàn quốc tế Pouchen cho rằng, quy định về chính sách thuế đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu nêu tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP chưa phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, khoản 3 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ” thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.

Cũng tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định “nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu” thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.

Với các quy định hiện hành, Tổng cục Hải quan cho rằng, Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chỉ quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, không quy định miễn thuế đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu được nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp nội địa.

Thẩm quyền ban hành các quy định về miễn thuế theo quy định tại khoản 24 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Quốc Hội đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các trường hợp miễn thuế.

Do đó, quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ được Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giao.

  1. Không được miễn thuế nếu mua sản phẩm của DN nội địa dưới hình thức nhập tại chỗ

 Theo quy định của Nghị định 18/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp nội địa mua sản phẩm của doanh nghiệp nội địa khác dưới hình thức nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu thì không được miễn thuế nhập khẩu như đối với trường hợp nhập khẩu từ nước ngoài, nhập khẩu từ khu phi thuế quan.

 Tập đoàn quốc tế Pouchen nêu ý kiến quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP chưa có sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công (được miễn thuế nhập khẩu) với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu (phải nộp thuế nhập khẩu và được hoàn lại tiền thuế đã nộp sau khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan).

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, khoản 1, khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.

Cũng tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định “Khu vực hải quan riêng” là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam, có quan hệ mua bản, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất nhập khẩu.

Điểm e khoản 1 Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương thì bên đặt gia công “được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”.

Cũng tại điểm e khoản 2 Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định bên nhận gia công được “làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công”.

Ngoài ra, Điều 43 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp. Cụ thể, sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam; sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.

Đối chiếu với các quy định hiện hành và quy định cụ thể tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP: “Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tinh thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ đã nộp thuế nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh, đã đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan thì được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp theo quy định tại Điều 36 Nghị định này”.

Tuy nhiên, Luật Thương mại số 36/2005/QH11, Nghị định 82/2018/NĐ-CP không quy định về hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp nội địa đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để gia công và hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu có sự khác nhau.

Cụ thể, đối với loại hình nhập khẩu để gia công (bao gồm nhập khẩu tại chỗ): Với hoạt động gia công cho nước ngoài, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công thuộc sở hữu của bên nước ngoài đặt gia công, tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định bên đặt gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công (điểm e khoản 1 Điều 42), bên nhận gia công được thuê thương nhân khác gia công (điểm b khoản 2 Điều 42), thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này để làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam và sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo (Điều 43). Do đó, khi xây dựng chính sách, để phù hợp với Điều 42, Điều 43 Nghị định 69/2018/NĐ-CP nêu trênm cơ quan soạn thảo đã xây dựng khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định miễn thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để gia công.

Còn đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, khác với hàng gia công chỉ có 1 hợp đồng nhận nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị từ thương nhân nước ngoài và phải xuất trả sản phẩm cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu dễ sản xuất xuất khẩu thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp Việt Nam, được nhập khẩu theo hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thông qua 2 hợp đồng riêng biệt (bao gồm 1 hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và 1 hợp đồng xuất khẩu sản phẩm).

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu có quyền chủ động nguồn hàng (nhập khẩu từ nước ngoài hoặc nhập khẩu từ khu phi thuế quan hoặc nhập khẩu tại chỗ) cũng như chủ động trong lựa chọn phương án bán hàng (xuất bán cho khách hàng ở nước ngoài hoặc xuất bán cho khách hàng trong khu phi thuế quan hoặc xuất bản cho khách hàng theo chỉ định của thương nhân nước ngoài theo hình thức xuất khẩu tại chỗ hoặc thay đổi mục đích sử dụng, tiêu thụ nội địa) để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất.

Trường hợp doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

Do đó, tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nội địa mua sản phẩm của doanh nghiệp nội địa khác dưới hình thức nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu thì không được miễn thuế nhập khẩu như đối với trường hợp nhập khẩu từ nước ngoài, nhập khẩu từ khu phi thuế quan.

Doanh nghiệp nội địa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ; sau khi sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đưa vào sản xuất và thực xuất khẩu ra nước ngoài hoặc khu phi thuế quan thì doanh nghiệp được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tại chỗ cấu thành trong sản phẩm đã xuất khẩu theo quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Như vậy, cơ quan Hải quan cho rằng, quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp nội địa khi tạm nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu và sau đó được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan.

Cơ quan Hải quan đề nghị, Tập đoàn quốc tế Pouchen thực hiện chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp trong nội địa để sản xuất xuất khẩu theo quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.