![](/media/cache/e8/4d/e84d7d75974156aa3ddc2e26f32110e3.jpg)
- Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
- Doanh nghiệp gặp vướng về ghi nhãn đối với hàng thủy sản nhập khẩu
Các doanh nghiệp thủy sản đang gặp vướng trong việc thực hiện quy định ghi nhãn hàng hoá với thuỷ sản nhập khẩu dạng hàng xá hoặc block trần không có bao bì. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 11/CV-VASEP tới Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị có văn bản hướng việc ghi nhãn hàng hoá với thuỷ sản nhập khẩu dạng hàng xá hoặc block trần không có bao bì.
Theo tổng thư ký VASEP đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp về bất cập mới phát sinh sau khi Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) ngày 09/12/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 (Nghị định 43) của Chính phủ về nhãn hàng hóa được ban hành. Theo Khoản 1 Điều 1 của Nghị định 111 sửa đổi Mục e Khoản 2 Điều 1 của Nghị định 43, đối tượng miễn áp dụng Nghị định 111 và Nghị định 43 bao gồm hàng hóa là nguyên liệu thủy sản nhập khẩu dưới dạng hàng không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Hiện nay, các loại hình nhập khẩu đối với thủy sản đông lạnh trên hệ thống khai báo Hải quan gồm: Nhập kinh doanh tiêu dùng (loại hình nhập khẩu khai báo trên hệ thống Hải quan là A11): nhập, bán trực tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam; nhập kinh doanh sản xuất (loại hình nhập khẩu khai báo trên hệ thống hải quan là A12): nhập về làm nguyên liệu sản xuất tiếp ra sản phẩm khác rồi bán sản phẩm đó cho người tiêu dùng Việt Nam;
Nhập sản xuất xuất khẩu (loại hình nhập khẩu khai báo trên hệ thống hải quan là E31); nhập gia công xuất khẩu (loại hình nhập khẩu khai báo trên hệ thống hải quan là E62): nhập về làm nguyên liệu sản xuất tiếp ra sản phẩm khác rồi xuất khẩu sản phẩm đó ra nước ngoài.
Như vậy, Khoản 1 Điều 1 của Nghị định 111 sửa đổi Mục e Khoản 2 Điều 1 của Nghị định 43 chỉ đề cập đến trường hợp nhập kinh doanh tiêu dùng (A11) thì mới không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 111 (bán trực tiếp cho người tiêu dùng), còn các trường hợp nhập khẩu loại hình A12, E31 hay E62 thì được hiểu đều phải áp dụng Nghị định 111.
Theo VASEP, liên quan đến các loại hình này, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản số 408/TCHQ-GSQL ngày 10/2/2022 hướng dẫn về ghi nhãn hàng hóa theo Nghị định 111. Theo đó, Tổng cục Hải quan cũng khẳng định “hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định”.
Hiệp hội nhận thấy Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43 nhưng không có nội dung sửa đổi liên quan đến bao bì thương phẩm (Khoản 5 Điều 3 Nghị định 43) nên quy định về hướng dẫn ghi nhãn cho bao bì thương phẩm đối với hàng hóa dạng rời, hoặc đóng khối (block) trần không có bao bì chứa trong container, hầm tàu tại Khoản 2 Điều 3 tại Thông tư 05/2019/TT-BKHCN vẫn còn hiệu lực.
Để thống nhất cách hiểu và công tác thực thi của các cơ quan chức năng (Cơ quan Thú y và cơ quan Hải quan địa phương) trong quá trình XNK được thuận lợi, VASEP đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản hướng dẫn cụ thể về ghi nhãn đối với hàng thủy sản nhập khẩu dạng rời, block trần không có bao bì vẫn được áp dụng theo Thông tư 05/2019/TT-BKHCN sau khi Nghị định 111 có hiệu lực.
- Mức sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Thông tư số 47/2019/TT-BTC như sau: Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán theo năm quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, thông tư Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Thông tư số 47/2019/TT-BTC như sau:
Đối với tổ chức thu phí là Sở Kế hoạch và Đầu tư: tổ chức thu phí chuyển 70% số tiền phí cung cấp thông tin doanh nghiệp thu được vào tài khoản của Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh. Việc trích chuyển được thực hiện hàng tháng.
Số tiền còn lại 30% nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP thì được sử dụng 30% số phí thu được để trang trải cho việc thu phí theo quy định.
Dự thảo quy định, Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh được trích 13% số tiền phí cung cấp thông tin doanh nghiệp thu được (gồm cả số phí do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển về theo quy định) và nộp 87% tiền thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng chứng từ thu, công khai chế độ thu phí, lệ phí không đề cập tại Dự thảo thì thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP… và một số nghị định khác.
- Doanh nghiệp trước những cơ hội kinh doanh mới
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã khuyến nghị, cơ quan chức năng cần khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới để tăng cường khả năng chống chịu trước những rủi ro từ kinh tế thế giới.
Nhiều thị trường mời gọi
Với chiến lược bao phủ vắc xin Covid-19 diện rộng với tỷ lệ đứng đầu thế giới, sự xoay chuyển trong phương thức phòng chống dịch trên cơ sở từng bước “bình thường hóa” với dịch, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư cũng như lĩnh vực kinh doanh mới.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2022 vào đầu tháng 3/2022, Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Mỹ Marisa Lago nhận xét, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn, đóng vai trò quan trọng với Hoa Kỳ. Vì thế, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có nhiều hợp tác điển hình thành công trong lĩnh vực điện khí (LNG), năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngoài ra, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể hợp tác và chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam kinh nghiệm phát triển kinh tế số.
Còn vào giữa tháng 3/2022, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Sierra Leone, ông Edward Hinga Sandy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Sierra Leone đã nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước tiềm năng mà Sierra Leone muốn hợp tác. Trong thời gian tới, Sierra Leone mong muốn chuyển hướng sang gỗ và các mặt hàng nông sản gỗ khác, chú trọng tập trung vào lĩnh vực quặng, khai mỏ... Việt Nam và Sierra Leone có nhiều nét tương đồng nên có thể thông thương, thương mại hàng hoá.
Đặc biệt, vị này cũng cho biết về những ưu đãi và hỗ trợ của thị trường ở Tây Phi này dành cho các doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư. Cụ thể, những doanh nghiệp đăng ký thuế tại Sierra Leone với ít nhất 20% cổ phần có thể hưởng gói hỗ trợ về thuế, giảm 20% thuế xuất khẩu cho sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về xuất khẩu… Sierra Leone cũng đã thực hiện các hoạt động thương mại tại Đông Nam Á, nên sẽ đảm bảo hoạt động thanh toán cũng như giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp Việt…
Hợp tác thành công
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore vào cuối tháng 2/2022, hàng loạt dự án đầu tư đã được ký kết với trị giá hàng tỷ USD. Đơn cử, Công ty Cổ phần công nghệ viễn thông Sài gòn (SAIGONTEL), Công ty VINA CAPITAL và Công ty AUROUS của Singapore đã ký kết, trao đổi thoả thuận hợp tác đầu tư Dự án tổ hợp công nghiệp, đô thị nhà ở cho công nhân, chuyên gia và nhà ở xã hội, với diện tích 700ha, giá trị đầu tư các dự án khoảng 2,5 tỷ USD…
Các doanh nghiệp Việt Nam còn đang mạnh dạn tiến xa hơn ra thị trường quốc tế bằng những cái “bắt tay” với doanh nghiệp nước ngoài. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã hính thức tham gia vào thị trường đồ điện gia dụng tại Indonesia thông qua việc lập liên doanh với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya. Điều này giúp Indonesia là thị trường thứ ba mang về doanh thu cho Thế Giới Di Động, sau Việt Nam và Campuchia (với chuỗi Bluetronics).
Với lời mời gọi từ Sierra Leone như trên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng để hợp tác thành công. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã ký biên bản ghi nhớ hợp đồng xuất khẩu gạo 3 năm sang Sierra Leone với tổng tổng giá trị ký kết lên đến 1,3-1,4 tỷ USD - tương đương đóng góp đến 60-70% doanh thu thời gian tới. Angimex cũng sẽ chuyển giao mô hình cánh đồng mẫu cho các doanh nghiệp tại Sierra Leone. Chủ tịch HĐQT Angimex cho hay, tình hình căng thẳng tại Nga – Ukraine khiến nhu cầu cũng như giá thực phẩm tăng nên là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Cũng với quốc gia này, Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đào tạo nhân lực số. Đây là lần đầu tiên FPT ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tầm quốc gia cho một quốc gia bên ngoài Việt Nam. Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, hai khía cạnh mà Việt Nam có thể hợp tác, hỗ trợ cho Sierra Leone là giáo dục đào tạo chất lượng cao, giải quyết các bài toán nông nghiệp bằng công nghệ. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 21 dự án đầu tư ra nước ngoài cấp mới với tổng số vốn 51,7 triệu USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể nói là những tín hiệu tích cực phản ánh sự chủ động cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
- Tạo thuận lợi về thủ tục xuất, nhập hàng hóa cho doanh nghiệp ưu tiên
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ưu tiên theo quy định của pháp luật được nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau và trong thời gian phần mềm quản lý kho ngoại quan nâng cấp, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục xuất, nhập hàng hóa ra vào kho ngoại quan đối với doanh nghiệp ưu tiên.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015 và Điều 86, Điều 93 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 1/4/2015 được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 thì nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp ưu tiên mua từ kho ngoại quan được giao nhận nhiều lần, nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau, việc khai hải quan sau trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện giao dịch hàng hóa.
Tuy nhiên, định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan thì chỉ tiêu số tờ khai hải quan là chỉ tiêu bắt buộc để thực hiện thủ tục kiểm tra, giám sát hàng hóa ra khỏi kho ngoại quan.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ưu tiên theo quy định của pháp luật được nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau và trong thời gian Phần mềm quản lý kho ngoại quan chưa kịp nâng cấp sửa đổi phù hợp quy định của pháp luật, trường hợp doanh nghiệp ưu tiên thực hiện việc lấy hàng trước, đăng ký tờ khai hải quan sau, cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan thực hiện các bước như sau:
Hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan lập phiếu xuất kho thủ công theo mẫu quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp đối với các lần hàng hóa ra khỏi kho, tự chịu trách nhiệm về việc cho phép hàng ra khỏi kho ngoại quan; thực hiện lưu trữ theo quy định và xuất trình cho cơ quan Hải quan khi có yêu cầu.
Sau khi doanh nghiệp ưu tiên đăng ký tờ khai hải quan theo quy định thì doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan cập nhật vào hệ thống, lập phiếu xuất kho trên hệ thống theo số tờ khai hải quan theo quy định. Lượng hàng xuất kho trên phiếu xuất kho được lập trên Hệ thống bằng tổng lượng hàng đã được xuất kho trên các phiếu xuất kho thủ công trong tháng và đã được khai trên tờ khai hải quan.
- Xác định lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược xuất khẩu
Trong khuôn khổ Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ (SwissTrade) tài trợ, ngày 16/3, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức Hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến về ngành và lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng Chiến lược xuất khẩu quốc gia” theo hình thức trực tuyến. Hội thảo đã thu thập ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân về lựa chọn ngành và lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược xuất khẩu giai đoạn sắp tới. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cùng các bên liên quan khác.
Tại hội thảo, chuyên gia quốc tế của ITC đã trình bày đánh giá thực trạng xuất khẩu của Việt Nam, phân tích tiềm năng xuất khẩu chưa được thực hiện cũng như đưa ra đề xuất về năm ngành (thực phẩm, dệt may, điện tử, nội thất và hàng hoá môi trường) và năm lĩnh vực (chuyển đổi kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, phát triển bền vững, chứng nhận và tiêu chuẩn chất lượng) mà Việt Nam nên ưu tiên tập trung phát triển trong giai đoạn tiếp theo xây dựng chiến lược xuất khẩu quốc gia.
TS. Alberto Armugo Pacheco, nhóm xây dựng Chiến lược xuất khẩu quốc gia, ITC cho biết: “Trong giai đoạn đầu khi xây dựng chiến lược, chúng tôi đã tham vấn với Bộ Công Thương cùng một số Bộ, ngành và đại diện khu vực tư nhân để đưa ra đánh giá chân thực nhất về năng lực cạnh tranh của thương mại Việt Nam. Hiện chúng tôi tập trung vào xây dựng chiến lược riêng cho những ngành và lĩnh vực ưu tiên được lựa chọn”.
Theo đó, ba ngành xuất khẩu lớn nhất hiện nay là ngành thiết bị điện tử, dệt may và da giày - chiếm đến 60% tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác, do đó có thể được coi là ngành trọng điểm. Ngành máy móc có chỉ số tiềm năng xuất khẩu tương đối sát với ba ngành này. Các ngành này cũng có thể tạo ra nhiều việc làm, mặc dù một số công việc có thể có nguy cơ bị thay thế do quá trình tự động hoá.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ngành chế biến nông sản và ngành nội thất có chỉ số tiềm năng xuất khẩu tương đối thấp, nhưng có thể có những lợi thế khác. Vì vậy, cần tái định vị đáng kể những ngành này để tạo thêm giá trị trong thời gian tới. Cùng đó, ngành hàng hoá môi trường có liên quan đến nhiều ngành hàng truyền thống khác như điện tử và máy móc có thể có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.
“Nghiên cứu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đem đến góc nhìn khách quan với phương pháp luận riêng đã được ITC triển khai nghiên cứu thực hiện ở nhiều quốc gia. Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi hôm nay là cơ sở để ITC tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể hơn trong Báo cáo của ITC” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương nhận định. Đồng quan điểm, Ban Quản lý dự án, Bộ Công Thương cũng đánh giá đây là báo cáo công phu, nhiều thông tin bổ ích, nhiều nội dung kỹ thuật để tham khảo chính sách, đặc biệt là cho chiến lược xuất khẩu trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ SECO nhận định, mặc dù Việt Nam đã trở thành “nhà vô địch” về xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, nhưng vẫn còn những khoảng cách nhất định, thiếu định hướng chiến lược và hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp về xúc tiến xuất khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, Dự án SwissTrade nhằm giải quyết những thách thức này, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thương mại toàn diện, bền vững và hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Dự án SwissTrade do Bộ Công Thương là Cơ quan chủ quản với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Đây là một dự án hàng đầu trong hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ nằm trong Chương trình Hợp tác mới 2021-2024, do Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO) thực hiện.
Dự án tập trung vào việc thúc đẩy các điều kiện khung kinh tế theo định hướng thị trường, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp một cách bền vững thông qua việc cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công - tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.
- Mã loại hình xuất nhập khẩu và hoàn thuế nhập khẩu được thực hiện như thế nào?
Theo đó, về mã loại hình, tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành bảng mã loại hình xuất nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng, loại hình nhập khẩu A41 có tên gọi “Nhập kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu” được hướng dẫn cụ thể như sau: “Sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm doanh nghiệp chế xuất), doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thực hiện nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu để bán trực tiếp tại Việt Nam (không qua sản xuất)".
Loại hình xuất khẩu B13 có tên gọi “Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu” được hướng dẫn cụ thể như sau: “Sử dụng trong trường hợp: a) Xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu (chưa qua quá trình gia công, chế biến) ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài; b) Hàng hóa thanh lý của doanh nghiệp chế xuất và máy móc, thiết bị được miễn thuế thanh lý theo hình thức bán ra nước ngoài hoặc bản vào doanh nghiệp chế xuất; c) Xuất khẩu nguyên liệu, vật tư dư thừa của hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài”.
Đối với thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện mã loại hình xuất nhập khẩu và hoàn thuế nhập khẩu, đối chiếu với các quy định hiện hành, Tổng cục Hải quan cho biết, loại hình nhập khẩu A41 là không phù hợp trong trường hợp của doanh nghiệp vì đây là trường hợp nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu để bán trực tiếp tại Việt Nam (không phải dùng trong trường hợp nhập khẩu để bán sang nước thứ 3).
Đối với việc hoàn tiền thuế nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, khoản 3 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất nhập khẩu, quyền phân phối thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.
Cũng tại điểm c khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu; khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì hàng hóa quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Chi tiết hơn tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm: Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng, xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan. Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu”.
Căn cứ các quy định nêu trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp doanh nghiệp được phép thực hiện quyền nhập khẩu theo quy định pháp luật về đầu tư và đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phù hợp với quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật, sau đó hàng hóa được xuất bản sang nước thứ ba phù hợp với quyền xuất khẩu theo quy định của pháp luật thì được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu nếu hàng hóa này chưa qua sử dụng, gia công, chế biến tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (09-05-2022)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (09-05-2022)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (09-05-2022)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (09-05-2022)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (09-05-2022)