BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 03/2021 (09-04-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

 

1. BỘ CÔNG THƯƠNG NHẬN HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ MIỄN TRỪ ÁP THUẾ TỰ VỆ VỚI PHÂN DAP VÀ MỘT SỐ SẢN PHẨM THÉP

Các doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ áp thuế tự vệ về Bộ Công Thương trước 17h ngày 2/4. Sản phẩm phân DAP/MAP đang bị áp thuế 1 triệu đồng mỗi tấn khi nhập về Việt Nam.Ngày 3/3, Bộ Công Thương thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm phân bón DAP/MAP, sản phẩm phôi thép, thép dài, thép cuộn, dây thép nhập khẩu.

Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc 3 vụ việc nêu trên, bao gồm các tại liệu được quy định tại điều 14 và phụ lục 3 Thông tư 37/2019/TT-BCT trước 17h ngày 2/4.

Các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu được áp dụng từ 7/3/2018, có hiệu lực 2 năm. Đến tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và đánh giá tác động của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng… Qua đó, Bộ Công Thương đã quyết định gia hạn mức thuế tự vệ trên 1 triệu đồng/tấn cho đến 9/2022 thì trở về 0.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, phân DAP ở Việt Nam khan hiếm, giá tăng vọt. Ngành sản xuất phân bón trong nước mới tự chủ được về urê trong khi các loại phân bón khác như DAP, NPK, kali vẫn phải nhập khẩu. Tình trạng thiếu container, giá cước vận chuyển tăng cao cộng thêm việc áp thuế tự vệ khiến giá nhập khẩu phân DAP nhập khẩu tăng cao, có loại tăng đến 49%. Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đã có văn bản đề nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương vào cuộc bình ổn thị trường, tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu, giảm các thủ tục cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, các biện pháp tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ 2016 với mức thuế từ 12,4-23,4%, đến 2020 tiếp tục gia hạn mới mức thuế từ 6,4-15,3% và về 0 từ 2023.

Với sản phẩm thép cuộn, thép dây nhập khẩu, Bộ đưa ra mức thuế nhập khẩu bổ sung là 10,9% kể từ 28/5/2019 đến 21/3/2020. Đến tháng 3/2020, gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế bổ sung 9,4%, giảm xuống 7,9% từ tháng 3/2021, xuống 6,4% từ tháng 3/2022 và về 0 từ 2023 trở đi (nếu không gia hạn).

2. NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU VÀO TẦM NGẮM KIỂM TRA CHỐNG GIAN LẬN XUẤT XỨ

15 nhóm hàng xuất khẩu sẽ vào tầm ngắm kiểm tra gắt gao của ngành hải quan nhằm cụ thể hóa kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong năm 2021, Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; bảo vệ thị phần chính đáng của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới, 15 nhóm hàng xuất khẩu trọng điểm sẽ lọt vào tầm ngắm kiểm tra gắt gao của ngành hải quan trong năm 2021.

Bao gồm: Nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó trọng tâm là mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ. Nhóm thiết bị: thiết bị thể thao; thiết bị nội thất. Nhóm mặt hàng thép: khớp nối bằng thép; bánh xe thép; thép tiền chế; ống đồng. Nhóm mặt hàng điện tử: mạch điện; máy xử lý dữ liệu; sản phẩm điện tử và linh kiện. Nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện và linh kiện. Pin năng lượng mặt trời. Đệm mút. Đá nhân tạo. Gạch men. Lốp xe tải và xe khách. Bao và túi nhựa. Nhóm máy móc, thiết bị: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy hút bụi; máy cắt cỏ. Ghim đóng thùng. Vỏ bình ga và nhóm cuối cùng là giày dép và túi xách.

Ngoài các nhóm mặt hàng nêu trên, các nhóm mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp sẽ được bổ sung vào danh sách này.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đơn vị thực hiện điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định đối với các nhóm đối tượng, mặt hàng trọng điểm.

Cụ thể, các nhóm đối tượng trọng điểm được xác định gồm: đối với xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ với tốc độ kim ngạch tăng trưởng cao, đột biến (tốc độ tăng trưởng đột biến); hay chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các mặt hàng có khả năng nhập khẩu về Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản để xuất khẩu.

Doanh nghiệp có tần suất xuất khẩu nhiều, thời gian xuất khẩu giữa các lô hàng ngắn, không tương thích với quy trình, thời gian sản xuất sản phẩm; doanh nghiệp thành lập từ 2018 trở lại đây, có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến; doanh nghiệp xuất khẩu hàng công nghệ cao tại Việt Nam chưa sản xuất được

Báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2020, ngành này đã thu hơn 77 tỷ đồng từ hoạt động chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, thông qua tiến hành kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn. Qua kiểm tra phát hiện 43 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; Phối hợp với Bộ Công an điều tra 01 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ. Đã thực hiện tịch thu 3,590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4,000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm...

3. DOANH NGHIỆP CẦN CHUẨN BỊ SẴN SÀNG KHI THỰC THI RCEP

Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Song những thách thức đặt ra cho các DN không hề nhỏ về chiến lược, thực tiễn thương mại và pháp lý buộc các DN phải có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Cơ hội không nhỏ từ RCEP

Được ký kết ngày 15/11, RCEP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất hiện nay mà Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới, chiếm 32% GDP toàn cầu. Đến nay, hiệp định này chưa có hiệu lực, do cần có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước ngoài khối phê chuẩn. Gần đây nhất, Trung Quốc đã phê chuẩn RCEP vào ngày 8/3.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây chính là thời gian DN cần có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ về chiến lược để sẵn sàng tận dụng cơ hội và thích ứng các thách thức khi RCEP có hiệu lực.

Phát biểu tại hội thảo "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho DN trong bối cảnh mới" hôm nay 25/3, ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc - Trung tâm hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) nhận định: RCEP mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, giúp Việt Nam kết nối tốt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu so với các FTA khác. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ chung giữa 15 nước (thay vì áp dụng năm bộ quy tắc xuất xứ theo năm hiệp định tự do thương mai của ASEAN+1 như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.

Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu của ASEAN ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.

DN cần chuẩn bị sẵn sàng khi thực thi RCEP

Ông Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá ngoài môi trường thông thoáng, RCEP cũng đặt ra các quy tắc chặt chẽ và thách thức cho DN.

Vì thế, về chiến lược, theo Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): không nên tách rời RCEP với hiệp định khác, vì nó là một phần của tiến trình hội nhập. Cùng với RCEP, các DN cũng cần phải khai thác các sân chơi khác như CPTPP, EVFTA... khi mà cơ hội mang đến không hề nhỏ.

Ông Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: các DN xuất khẩu phải đặc biệt chú ý đến các nội dung liên quan đến quy tắc xuất xứ được quy định trong RCEP có những điểm mới khác biệt về quy tắc xuất xứ so với các FTA khác mà Việt Nam đang thực thi. Ví dụ về thực hiện quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng Việt Nam (dệt may, thủy sản chế biến…) có lợi thế cho DN khi xuất qua các quốc gia thành viên RCEP. Các quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho DN xuất khẩu khi thực thi, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam, góp phần giúp DN tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực.

Ngoài ra, để khai thác hiệu quả RCEP, DN không chỉ quan tâm riêng cam kết của Việt Nam mà còn phải xem chúng ta cam kết gì với 14 đối tác còn lại. Ngoài các lợi ích, DN trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Bởi khi thực thi các cam kết một mặt là hàng hóa của chúng ta có khả năng xuất khẩu sang nước khác, nhưng thị trường Việt Nam cũng sẽ phải đón nhận hàng hóa từ nước ngoài. Do đó, DN phải có hai chiến lược. Về ngắn hạn, các DN phải chuẩn bị củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, DN phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế.

4. GIÁ CƯỚC VẬN TẢI CONTAINER SẼ CÒN Ở MỨC CAO ĐẾN CUỐI NĂM NAY

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết xu hướng tăng của giá cước vận tải container đường biển sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay. Tại thời điểm hiện tại, giá cước vận tải container 40 feet trên nhiều tuyến vận tải chính đã tăng đến 700% so với năm ngoái.

Giá cước vận tải container đường biển trên toàn cầu đã tăng cao kỷ lục kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 do tình trạng tắc nghẽn container rỗng cũng như thiếu hụt tàu hàng chuyên chở. Bên cạnh đó, việc phục hồi mạnh mẽ nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng gần đây càng khiến tình trạng thiếu hụt container rỗng trở nên trầm trọng và neo giá cước vận tải ở mức cao. 

gia cuoc vanaj tai container

Giá cước vận tải container bằng đường biển tại các tuyến vận chuyển chính liên tục tăng cao kể từ tháng 5/2020 đến nay (Ảnh: S&P Global Platts)

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts nhận định giá cước vận tải container đường biển sẽ tiếp tục neo ở mức cao cho ít nhất đến cuối năm nay và sẽ chỉ giảm xuống khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đạt hiệu quả, giúp giải toả các khó khăn liên quan đến nguồn cung container và lượng tàu hàng chuyên chở.

Dữ liệu của hãng S&P Global Platts cho biết giá vận chuyển container trên nhiều tuyến vận chuyển quan trọng đang ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, giá cước từ các cảng khu vực phía Bắc Châu Á đến khu vực Bờ Tây Bắc Mỹ hiện ở mức 4.000 USD/container 40 feet, tăng 142% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cước vận tải container 40 feet tuyến Bắc Châu Á đến Bắc Châu Âu đã đạt 9.500 USD/container, tăng 645% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá cước vận tải Bắc Châu Á đến Vương quốc Anh cũng tăng 708% lên 10.500 USD/container 40 feet.

Việc giá cước vận chuyển container tăng cao đang gây khó khăn với các chủ hàng trên toàn cầu. Một số chủ hàng hiện tìm cách trì hoãn các hợp đồng với hãng tàu nhằm đợi giá cước giao ngay xuống thấp hơn. Trong khi đó, một số chủ hàng buộc phải ký các hợp đồng vận chuyển trong ngắn hạn và tái đàm phán các hợp đồng vận chuyển mới với kỳ vọng giá cước vận chuyển sẽ giảm xuống vào cuối năm.

Tuy nhiên, hãng S&P Global Platts cho biết các chủ hàng có khối lượng vận chuyển dưới 250 container 40 feet/năm hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng vận chuyển với các hãng tàu. Nhiều hãng tàu lớn cũng từ chối ký hợp đồng với khách hàng mới và chỉ ưu tiên các chủ hàng có khối lượng vận chuyển lớn.

Một số chủ hàng đã phải nâng mức cam kết vận chuyển tối thiểu cũng như ký các hợp đồng dài hạn nhiều năm nhằm đổi lại sự nhượng bộ về giá cước vận tải từ các hãng tàu trong thời điểm hiện nay.

Hãng S&P Global Platts nhận định thị trường vận chuyển container bằng đường biển trên toàn cầu sẽ dần trở về mức bình thường vào cuối năm nay, kéo theo đó là giá cước vận tải sẽ giảm đáng kể sau đó.

5. ĐÀ NẴNG ĐƯỢC HỖ TRỢ THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP CƠ CHẾ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI

Đà Nẵng là 1 trên 6 địa phương trong cả nước được lựa chọn để triển khai thí điểm việc thành lập Cơ chế Tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương. Việc thí điểm này kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu được thuận lợi hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

1418 cYng Ya NYng

Theo Sở Ngoại vụ TP. Đà Nẵng, nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật Tạo thuận lợi thương mại (TFP) do USAID tài trợ, Đà Nẵng được lựa chọn là 1 trong 6 địa phương trong cả nước thực hiện thí điểm việc thành lập Cơ chế Tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương.

Cơ chế tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương được thực hiện nhằm thúc đẩy hợp tác giữa cục Hải quan thành phố và các sở, ban ngành, VCCI Đà Nẵng và các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thành phố. Cơ cấu, vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của cơ chế này sẽ được xác định sau khi thành lập.

Sở Công Thương thành phố hiện đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết của Cơ chế tạo thuận lợi thương mại tại Đà Nẵng trong một năm, bao gồm các nội dung cụ thể xuất phát từ nhu cầu thực tế của hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Đà Nẵng và đề xuất của địa phương để thúc đẩy hoạt động thương mại xuất nhập khẩu. Sau khi xây dựng kế hoạch, Dự án TFP sẽ xem xét để điều phối và tài trợ thực hiện. Dự kiến sau một năm hoạt động thí điểm, sẽ rút ra kết quả, bài học kinh nghiệm, từ đó chia sẻ, triển khai áp dụng cho các địa phương khác.

Theo cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Việt Nam hiện đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giơi. Tuy nhiên, những bất cập trong thủ tục thông quan đang cản trở Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh thương mại.

Kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hóa do các cơ quan chức năng thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hoạt động này có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành với nhiều thủ tục nên đã trì hoãn đáng kể việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp, gây gia tăng thời gian lưu bãi, chi phí trong sản xuất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tạo thuận lợi thương mại (TFP) do USAID tài trợ với tổng số vốn đầu tư hơn 22,22 triệu USD, trong đó, vốn ODA không hoàn lại là hơn 21,78 triệu USD (tương đương khoảng 495 tỷ đồng), được thực hiện trong 5 năm với mục tiêu hỗ trợ cac bộ ngành, địa phương áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó, tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); giúp Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển, giảm thời gian và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Dự án TFP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện và Văn kiện Dự án được Bộ Tài chính (Cơ quan chủ quản) phê duyệt.

Trong khuôn khổ dự án, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan liên bộ liên quan đến các thủ tục thông quan hàng hóa, bao gồm cả thủ tục kiểm tra chuyên ngành, sẽ được tăng cường nhằm đơn giản hóa, hài hòa hóa và áp dụng cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro đối với thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Phát huy được vai trò và năng lực của Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại Quốc gia của Việt Nam (NTFC). Dự án cũng sẽ nâng cao năng lực quản lý rủi ro cho các cán bộ hải quan, thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp về tạo thuận lợi thương mại và các vấn đề hải quan.