BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 03/2020 (27-10-2020)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

 

  1. Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ra tuyên bố về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch Covid-19

 

  Ngày 10/3/2020, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ra tuyên bố về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch Covid-19, trong đó có nội dung thực hiện các hành động chọn lọc để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh, và giải quyết nhằm: Cam kết tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và đầu tư trong ASEAN; Tăng cường chia sẻ thông tin trong khu vực và phối hợp để đối phó với các thách thức kinh tế do sự bùng phát của COVID-19; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị doanh nghiệp, hiệp hội để củng cố hình ảnh Đông Nam Á là trung tâm thương mại đầu tư và du lịch của khu vực; Tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tiếp tục hoạt động; Tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng, thông qua sự minh bạch, kịp thời, và đặc biệt là nỗ lực chung để đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025; Củng cố hợp tác kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối để tổng hợp các sáng kiến nhằm tăng cường chuỗi cung ứng khu vực để làm ổn định và giảm rủi ro trước những cú sốc bên trong và bên ngoài; Xây dựng các nền tảng để tạo thuận lợi thương mại hiện có trong ASEAN, như Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), để thúc đẩy và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; Kiềm chế các hành động để không tạo ra áp lực lạm phát không cần thiết hoặc không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực trong khu vực, nỗ lực để đảm bảo nguồn cung hàng hoá và nhu yếu phẩm; và Tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là các hàng rào cản trở dòng chảy hàng hoá và dịch vụ trong chuỗi cung ứng, và tránh áp dụng các biện pháp phi thuế quan mới và không cần thiết.

2. Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19

 Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, đoàn công tác Bộ Công Thương đã gấp rút làm việc với tỉnh Lạng Sơn - một trong những địa phương có hoạt động giao thương qua biên giới mạnh mẽ nhất với Trung Quốc. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ chủ động làm việc với các Bộ, ngành để trình Chính phủ loạt giải pháp ứng phó với COVID-19 hiệu quả, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, tổ chức điện đàm với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc nhằm tạo cơ chế thuận lợi nhất cho địa phương và doanh nghiệp.

3. Châu Âu vừa chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA)

- Nghị viện châu Âu vừa chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong quá trình chuẩn bị để Hiệp định đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng chương trình hành động chia làm 2 giai đoạn: Một là từ nay đến khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực, hai là giai đoạn sau khi có hiệu lực thì phải làm những gì. Hiện, Bộ Công Thương đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp thông tin, chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật... để hiệp định có thể thực thi ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn.

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu phụ khó khăn do tác động từ dịch bệnh COVID-19,tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thông quan hàng nông sản qua cặp Cửa khẩu đường sắt ga quốc tế Đồng Đăng - Bằng Tường sau khi thị sát việc triển khai chạy tàu container lạnh chở thanh long sang Trung Quốc vào cuối tháng 2/2020. Vận chuyển bằng tàu container lạnh hiện là giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc do không phải tổ chức cách ly các tài xế (ôtô), chủ hàng khi vận chuyển hàng hóa theo đường bộ sang Trung Quốc quay về, số lượng người tham gia quy trình xuất khẩu nông sản ít nên giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có).

4.  Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế quan từ các cam kết trong Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BCT, bổ sung một số điều quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP.

Để doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi thuế quan khi CPTPP được thực thi, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/01/2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và các văn bản hướng dẫn; ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) CPTPP; triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp C/O và hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu đi thị trường các nước thành viên CPTPP.

Ngày 24/3/2020 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 06/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BCT. Trong đó, mẫu C/O mới cho CPTPP ban hành kèm theo thông tư này được sửa đổi, bổ sung tại các ô số 1, 2, 3, 5 và 11. Hướng dẫn kê khai C/O mẫu CPTPP cũng được sửa đổi tương ứng tại Phụ lục kèm theo.

Việc kịp thời ban hành mẫu C/O mới theo quy định tại Thông tư số 06/2020/TT-BCT, thay thế mẫu cũ tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT giúp tháo gỡ vướng mắc của một số doanh nghiệp khi xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tận dụng cơ hội từ việc hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết tại Hiệp định này. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 08/5/2020.

5. Hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước đã có sự khởi sắc đáng kể dù đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

- Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 nên số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26%. Tuy nhiên, còn có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý 1/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý 1/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp.

- Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong quý I/2020 ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019 lên 122,7 tỷ USD.

Đặc biệt, tháng 3/2020, hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước đã có sự khởi sắc đáng kể dù đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước và trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 46,28 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 15,7% so với tháng 2/2020 lên 24,13 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng trưởng 19,2% so với tháng trước lên 22,15 tỷ USD.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2015/TT-BTC

Kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngày 06/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2020/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều cảu Thông tư 13/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung trường hợp từ chối tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức cá nhân, cụ thể: cơ quan hải quan có thể từ chối nhận đơn nếu hồ sơ nộp bổ sung quá thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo nộp bổ sung.

Bên cạnh đó, ngoài 03 trường hợp chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát theo quy định cũ, Thông tư còn bổ sung thêm trường hợp: cơ quan hải quan có cơ sở xác định chứng từ trong hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát không còn hiệu lực hoặc giả mạo. Ngoài ra, khác với quy định cũ, người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan có thể gia hạn khi hết thời hạn (nếu có lý do chính đáng) với điều kiện nộp thêm tiền hoặc chứng từ bảo lãnh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/4/2020.

6.  Bộ Công Thương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công Thương luôn chủ động và tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương biên giới và phía Trung Quốc xây dựng thành công cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước.

Bộ Công Thương cũng liên tục cung cấp thông tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tiến độ giải phóng hàng hóa ùn ứ tại biên giới và khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn về thời điểm và hình thức giao dịch với đối tác về tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu; thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao để kịp thời trao đổi, nắm thông tin và thúc đẩy duy trì môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại hàng hóa song phương.

Từ cuối tháng 3 năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, dự báo trước được tình hình phía Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan qua biên giới đất liền, gây ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương đã chủ động có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh và Côn Minh giao thiệp với Chính quyền Quảng Tây và Vân Nam  đề nghị hai địa phương này tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân hai bên được thông suốt; gửi Công thư tới lãnh đạo các Bộ ngành địa phương của Trung Quốc như Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Tổng cục trưởng Tổng Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Choang Quảng Tây đề nghị phối hợp tìm kiếm giải pháp; Cảnh báo sớm tới các địa phương và doanh nghiệp về việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Hiện, Bộ Công Thương đang tích cực trao đổi với phía Trung Quốc để thu xếp các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như phối hợp với Sở Thương mại Quảng Tây tăng số lượng chuyến tàu vận tải hàng hóa đường sắt chở nông sản Việt Nam – Trung Quốc, giảm áp lực thông quan hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản tại các cửa khẩu biên giới đường bộ

7. Chủ động cung cấp thông tin để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo của Hàn Quốc năm 2020

Để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn số 336/XNK-NS gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin về quy định nhập khẩu gạo của Hàn Quốc trong năm 2020.

Theo cam kết của Hàn Quốc, trong vòng 10 năm, kể từ năm 2020, hàng năm Hàn Quốc áp dụng mức suất thuế ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu. Thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%. Trong khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn, Hàn Quốc cam kết phân bổ 388.700 tấn theo cơ chế hạn ngạch quốc gia CSQ (Country-Specific Quota) cho 05 nước đã tham vấn, cụ thể: Trung Quốc 157.195 tấn; Hoa Kỳ 132.304 tấn; Việt Nam 55.112 tấn; Thái Lan 28.494 tấn và Úc 15.595 tấn. Khối lượng 20.000 tấn còn lại thực hiện theo nguyên tắc MFN.

Toàn bộ khối lượng hạn ngạch sẽ được phân bổ theo cơ chế đấu thầu hàng năm và khối lượng hạn ngạch được phân bổ của năm nào phải được nhập khẩu trong năm đó. Hàn Quốc sẽ tổ chức nhiều đợt đấu thầu cung cấp gạo theo hạn ngạch và cho từng nước. Số lượng hạn ngạch của từng nước được chia nhỏ ra trong nhiều đợt đấu thầu.

Tổng công ty Thương mại Nông Thủy sản và Lương thực Hàn Quốc (aT) tiếp tục là đơn vị được chỉ định duy nhất thực hiện cơ chế phân bổ hạn ngạch trên. Hình thức đấu thầu là đấu thầu điện tử với chứng nhận xác thực dấu vân tay (các nhà cung cấp nộp hồ sơ qua mạng, chào giá qua mạng và phải có Giấy chứng nhận xác thực dấu vân tay do aT cấp). Đối tượng được tham gia chào thầu gồm các nhà cung cấp gạo nước ngoài; Đại lý Hàn Quốc của nhà cung cấp gạo nước ngoài, tuy nhiên, mỗi một đại lý Hàn Quốc chỉ được làm đại diện cho 01 nhà cung cấp nước ngoài. Ngôn ngữ của hồ sơ chào thầu phải là tiếng Hàn Quốc, bản hồ sơ tiếng Anh chỉ mang tính tham khảo.

Tổng công ty Thương mại Nông Thủy sản và Lương thực Hàn Quốc sẽ ra thông báo mời thầu cùng các yêu cầu thầu (TOR) bằng tiếng Hàn và tiếng Anh lên trang chủ của công ty này tại địa chỉ www.at.or.kr. Thông thường aT sẽ tổ chức một buổi giới thiệu về các điều kiện thầu và khuyến khích các nhà cung cấp tham dự. Các nhà cung cấp nộp hồ sơ chào thầu trực tiếp, qua bưu điện hoặc qua giao diện điện tử đấu thầu của aT tại www.atbid.co.kr. Thời hạn nộp hồ sơ chào thầu là 7 ngày. Ngoài hồ sơ theo mẫu của aT, các công ty tham gia chào thầu phải cung cấp trái phiếu thầu (bid-bond) có giá trị 5% tổng giá trị lô hạn ngạch đấu thầu, và 10kg gạo mẫu chia làm 5 túi 2kg. Trong thời gian mở thầu điện tử (thường 1 ngày sau thời hạn nộp hồ sơ, thời gian chào giá là 60 phút), các nhà cung cấp có thể đăng nhập và chào giá một lần duy nhất trên giao diện đấu thầu của aT tại www.atbid.co.kr. Sau khi aT rà soát hồ sơ thầu, bid-bond, và nhận được chứng nhận kiểm tra gạo mẫu do Cơ quan quản lý chất lượng nông sản quốc gia Hàn Quốc (NAQS ) cấp, aT sẽ bắt đầu xét đến giá chào thầu của các nhà cung cấp.

Nhà cung cấp trúng thầu là nhà cung cấp chào mức giá thấp nhất nhưng phải thấp hơn mức giá trần mà aT đưa ra cho mỗi đợt thầu. Trường hợp hai hay nhiều nhà cung cấp cùng chào một mức giá thì người trúng thầu sẽ được quyết định theo hình thức bốc thăm. Trường hợp một gói thầu theo hạn ngạch quốc gia có quá 3 lần mời thầu mà không có đơn vị nào trúng thầu thì gói thầu đó sẽ được chuyển sang áp dụng theo cơ chế MFN tức đầu thầu rộng rãi cho tất cả các nước.

Sau khi aT xác định được nhà cung cấp có mức giá chào thầu thấp nhất, Cơ quan quản lý chất lượng nông sản quốc gia Hàn Quốc (NAQS ) sẽ kiểm định gạo mẫu của nhà cung cấp đó để xem có hợp quy hay không. Kết quả thầu sẽ được công bố 5 ngày sau khi NAQS thông báo kết quả hợp quy của mẫu gạo. Thực tiễn cho thấy, aT thường sẽ công bố kết quả trúng thầu khoảng từ 1 tuần đến 10 ngày sau ngày mở thầu. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt như biến động thị trường trong nước, điều khoản này có thể không được áp dụng. Theo thông báo ngày 23/01/2020 của aT, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2020, aT sẽ tổ chức đấu thầu 3 lần vào tháng 1, tháng 3 và tháng 5 cho 50% tổng hạn ngạch dành cho 5 nước (388.700 tấn). Căn cứ theo tình hình thực tế, aT sẽ điều chỉnh các đợt đấu thầu tiếp theo vào 6 tháng cuối năm (dự kiến thêm 2 đến 3 đợt đấu thầu).

Kế hoạch mở thầu cho khối lượng hạn ngạch của Việt Nam: trong nửa đầu năm 2020, Hàn Quốc dự kiến nhập khoảng 50% trong tổng lượng hạn ngạch gạo dành cho 5 nước thành viên WTO. Các đợt đấu thầu sẽ diễn ra vào tháng 1, 3 và 5. Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch Covid-19 nên kế hoạch này có thể sẽ phải thay đổi. Thực tế các lô hàng mời thầu từ Trung Quốc đã bị bảo lưu và chưa rõ khi nào có thể mở lại. Đối với Việt Nam, Phòng Chính sách về Ngũ cốc (aT) đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt đấu thầu tháng 5. Lượng nhập khẩu dự kiến sẽ là 50% của tổng lượng hạn ngạch 55.112 tấn dành cho Việt Nam năm 2020.

8- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuẩn bị kết nối 9 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia

Dự kiến từ ngày 1 đến 15/4/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ kết nối chính thức 9 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Cục Thú y trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Các thủ tục hành chính dự kiến kết nối gồm Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu; Thủ tục Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật; Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật; Thủ tục Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu; Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.

Từ ngày 20/4/2020, dự kiến sẽ áp dụng chính thức 02 thủ tục là Thủ tục Kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc thú y nhập khẩu; Thủ tục Cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y.

Từ ngày 25/4/2020,dự kiến sẽ áp dụng chính thức 02 thủ tục là Thủ tục Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Thú y cũng sẽ hỗ trợ cấp bản giấy trong các trường hợp có sự cố hoặc hệ thống điện tử bị lỗi, chưa thông suốt và đề nghị cơ quan Hải quan chấp nhận chứng từ giấy trong các trường hợp này.

Đối với các lô hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản thuộc nhóm thủ tục: “Thủ tục Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật” và “Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật”, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng chứng từ giấy cho đến khi hệ thống được cập nhật theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP.