BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 02/2022 (09-05-2022)

Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

  1. Trình tự miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Đây là nội dung tại Quyết định 3394/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2021 về Quy trình miễn thuế, giảm thuế hoàn thuế không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành. Cụ thể như sau:

1. Kiểm tra hồ sơ miễn thuế

Công chức xử lý hồ sơ thực hiện việc kiểm tra hồ sơ miễn thuế như sau:

- Kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ

Kiểm tra các chứng từ trong hồ sơ miễn thuế theo quy định Điều 5, Điều 7, từ Điều 8 đến Điều 19, Điều 21 đến Điều 28, Điều 29, Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP), khoản 1 Điều 14 Thông tư 06/2021/TT-BTC, cụ thể:

- Kiểm tra chi tiết hồ sơ;

- Đối chiếu với các thông tin khác có liên quan.

2. Xử lý hồ sơ miễn thuế

Công chức xử lý hồ sơ chia hồ sơ ra thành 02 trường hợp:

Trường hợp 1: Tờ khai hải quan điện tử

Trường hợp 2: Tờ khai hải quan giấy

Công chức xử lý hồ sơ kiểm tra và xử lý hồ sơ theo 03 nhóm:

+ Hồ sơ phải bổ sung hoặc giải trình;

+ Hồ sơ đủ điều kiện miễn thuế;

+ Hồ sơ không đủ điều kiện miễn thuế.

3. Kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế đối với hàng hóa phải thông báo Danh mục miễn thuế

(1) Việc kiểm tra sử dụng hàng hóa miễn thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 31a Nghị định 134/2016/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

(2) Thẩm quyền kiểm tra

- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế tổ chức thực hiện kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế tại trụ sở của chủ dự án đối với các trường hợp dự án trong quá trình xây dựng cơ bản.

- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế tổ chức thực hiện kiểm tra tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro đối với các trường hợp dự án đã hoàn thành quá trình xây dựng cơ bản.

(3) Trình tự, thủ tục kiểm tra

Trình tự, thủ tục kiểm tra thực hiện theo trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

(4) Nội dung kiểm tra

Người có thẩm quyền tiến hành kiểm tra hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các nội dung đơn cử như:

- Kiểm tra hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế; Danh mục miễn thuế; thông báo tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế và các tài liệu có liên quan;

- Kiểm tra hồ sơ hải quan hàng hóa nhập khẩu miễn thuế; kiểm tra tên hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa nhập khẩu đã được miễn thuế, ghi chép kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trên tờ khai hải quan và các chứng từ khác có liên quan;

- Kiểm tra thực tế sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế, hàng hóa còn tồn kho…

(5) Xử lý kết quả kiểm tra

Cơ quan hải quan thực hiện thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có) đối với các trường hợp:

- Hàng hoá không thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng khai báo thuộc đối tượng miễn thuế và đã được thông quan theo khai báo của người nộp thuế;

- Hàng hoá đã được miễn thuế nhưng chủ dự án sử dụng không đúng mục đích miễn thuế, chuyển nhượng, chuyển tiêu thụ nội địa không khai báo với cơ quan hải quan hoặc khai báo với cơ quan hải quan sau khi đã chuyển nhượng, chuyển tiêu thụ nội địa;

- Hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu hết thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy định tại Điều 15 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP, Điều 23 Nghị định 134/2016/NĐ-CP;

- Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với Danh mục miễn thuế đã thông báo với cơ quan hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp khác vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế, pháp luật về hải quan.

(6) Lưu trữ hồ sơ và báo cáo kết quả kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế

- Hồ sơ kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế và kết quả xử lý kết quả kiểm tra được lưu trữ cùng bộ hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế tại đơn vị.

- Trường hợp kết quả kiểm tra xác định chủ dự án có vi phạm quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế, pháp luật về hải quan thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải báo cáo kết quả kiểm tra và kết quả xử lý kết quả kiểm tra về Tổng cục Hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả.

Xem chi tiết trình tự miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Quyết định 3394/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2021.

2. Ban hành quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định RCEP

Hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên sẽ phải đáp ứng 1 số tiêu chí. Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan.

Thực hiện cam kết quốc tế trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (hiệp định RCEP), Bộ trưởng Công thương ban hành Thông tư số 5/2022 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Thông tư gồm 4 chương, 32 điều và 4 phụ lục kèm theo, có hiệu lực từ ngày 4/4. Đối tượng áp dụng trong thông tư bao gồm các cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa(C/O), thương nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo đó, thông tư quy định các nội dung về quy tắc xuất xứ hàng hóa bao gồm: các trường hợp xác định hàng hóa được coi là có xuất xứ, cộng gộp, công đoạn gia công chế biến đơn giản, vận chuyển trực tiếp, cơ chế kiểm tra và chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Cụ thể, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên trong các trường hợp sau: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch tại nước thành viên, sản phẩm thu được từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên, sản phẩm được nuôi trồng, thu lượm săn bắn trên vùng lãnh thổ của thành viên, khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, hải sản và các sản phẩm biển được đánh bắt, chế biến trên tàu của nước thành viên tại vùng biển nội địa hay phù hợp với luật pháp quốc tế, hàng hóa thu được hoặc được sản xuất tại các nước thành viên.

Để kiểm tra xuất xứ hàng hóa, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sẽ là đơn vị kiểm tra bằng cách yêu cầu nước xuất khẩu cung cấp thêm những đầy đủ thông tin về hàng hóa. Ngoài ra, hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định tại Thông tư này.

Hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành. Cũng tại thông tư, Bộ Công Thương đã nội luật hóa điều khoản khác biệt thuế do một số nước trong khối RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam áp dụng mức thuế suất nhập khẩu khác nhau cho cùng một mặt hàng đối với các nước đối tác.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (hiệp định RCEP) là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand kết vào ngày 15/11 bên lề hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ ngày 1/1.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt

3. Chính sách về hải quan hướng đến thực hiện trên môi trường số hiện đại

Để đạt mục tiêu thủ tục hải quan được cắt giảm, đơn giản, thực hiện trên môi trường số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, những chính sách về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan cũng sẽ có những thay đổi để làm cơ sở thực hiện. Theo Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn, một số nhiệm vụ trọng tâm của Cục, của Ngành cần thực hiện trong năm 2022 là tập trung xử lý để đẩy nhanh triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh và thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2021-2030.

Cơ quan Hải quan sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo tiền đề triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh. Cụ thể, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật từ nghị định đến thông tư làm cơ sở thực hiện cải cách hiện đại hóa hải quan.

Tại Chỉ thị ban hành mới đây về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022, một trong các nhiệm vụ trong tâm Tổng cục Hải quan yêu cầu là hoàn thiện quy trình nghiệp vụ tổng thể về thủ tục hải quan, quy trình nghiệp vụ chuyên sâu, mô hình Hải quan thông minh, Hải quan số với mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, đảm bảo tương thích, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế cũng như yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tập trung nguồn lực xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời triển khai Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Thực hiện cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các Luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: cắt giảm phù hợp danh mục hàng hóa nhóm 2; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; thay đổi phương pháp quản lý từ việc kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng (trừ hàng hóa thuộc diện kiểm dịch, giống cây trồng).

Bên cạnh đó, Cục Giám sát quản lý về hải quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định và triển khai Nghị định đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định 38/QĐ-TTg của Chính phủ khi được ban hành, với các giải pháp này góp phần giúp các thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành cũng như thủ tục xuất nhập nhẩu hàng hóa nói chung sẽ được cắt giảm, đơn giản, thực hiện trên môi trường số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Để tiến tới mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, ngành Hải quan sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ về Hải quan thông minh làm tiền đề cho việc đấu thầu, xây dựng, triển khai hệ thống mới vào cuối năm 2022 đầu năm 2023. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung cải tiến các quy trình thủ tục hải quan hiện nay theo hướng tiệm cận mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh như: yêu cầu thực hiện toàn bộ thủ tục giám sát hàng hóa tại cửa khẩu đường biển, đường không, đường bộ trên môi trường điện tử, tự động…

Trước nhu cầu hàng hóa thương mại điện tử bùng phát giai đoạn hiện nay, Tổng cục Hải quan cũng tập trung nghiên cứu các giải pháp đáp ứng thông quan hàng hóa thuận lợi, đảm bảo quản lý như: xây dựng hệ thống để đảm bảo giải quyết vướng mắc, bất cập đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.

 Để phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị máy móc tại các khu vực cửa khẩu đảm bảo quản lý của cơ quan Hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quản lý. Chẳng hạn như: hệ thống camera nhận dạng, barie điện tử để phục vụ giám sát hàng hóa tự động tại cảng biển; trang bị các thiết bị giám sát hiện đại như cân, camera gắn người, máy soi container, seal phục vụ giám sát tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, kho bãi.

Ngoài ra, trong kế hoạch 2021-2025, cơ quan Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng một luật sẽ sửa nhiều luật, hướng tới định hướng cơ quan Hải quan sẽ là đầu mối tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu bao gồm cả kiểm tra chuyên ngành.

“Định hướng này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của Hải quan một số các nước tiên tiến như: Mỹ, New Zealand, Trung Quốc. Đây là xu hướng tất yếu cơ quan Hải quan sẽ đề xuất cấp trên trình Chính phủ để có cơ chế một mặt hiện đại hóa công tác quản lý thống nhất đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu giảm thời gian thông quan nhưng vẫn tăng cường kiểm soát và phối hợp giữa các bộ, ngành”, ông Âu Anh Tuấn cho biết.

4. Quyết định 167/QĐ-TTg hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025

Ngày 8/2/2022 Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 167/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững cụ thể như sau:

- Hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về:

Xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

- Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững.

- Hỗ trợ công nghệ bao gồm: tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp.

Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tư vấn lựa chọn giải pháp chuyển đổi số.

- Hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh bền vững.

- Hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư.

- Hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp: hỗ trợ đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế.

- Hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

- Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài.

Quyết định 167/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 08/02/2022.

5. Quy định trách nhiệm khai, nộp thuế của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn

Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm khai thuế, nộp thuế của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (bổ sung điểm k khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP). Theo đó, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn như sau:

Đối với hàng hóa, dịch vụ được bán thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) để khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Đối với hàng hóa, dịch vụ được bán không thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế (bổ sung khoản 8 Điều 27).

Cụ thể, tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử bao gồm: Tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn (nếu chủ sở hữu sàn không thực hiện khai thay, nộp thay thuế cho người bán).

Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có thể cung cấp thông tin bằng phương thức điện tử theo quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế hoặc kết nối trực tiếp với cơ quan thuế nếu đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật theo định dạng chuẩn dữ liệu do Tổng cục Thuế xây dựng và công bố.