BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 02/2022 (09-05-2022)

  1. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
  1. Hiện đại hóa quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất

Với xu hướng tăng trưởng tờ khai, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, chế xuất, hiện nay việc quản lý hải quan đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất (DNCX) đã ngày càng hiện đại.

Mặc dù năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu có giảm so với năm 2020 nhưng với tỷ lệ không đáng kể; số lượng DNCX tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Về số lượng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu gia công, chế xuất năm 2021 tăng mạnh so với năm 2020, đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng mạnh, ví dụ: kim ngạch nhập khẩu gia công, sản xuất xuất khẩu tăng 37,49 % so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu của DNCX tăng 50,13% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất lớn (khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp) được phân bổ ở hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố.

Thời gian qua Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương đảm bảo công tác theo dõi, thu thập, xử lý, phân tích thông tin doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trên địa bàn quản lý để kịp thời cập nhật sự thay đổi thông tin hoạt động của doanh nghiệp vào hệ thống dữ liệu điện tử hải quan. Qua đó tạo tiền đề đáp ứng về cơ sở dữ liệu thông tin doanh nghiệp khi triển khai hệ thống hải quan thông minh.

Với số lượng doanh nghiệp, kim ngạch lớn, đòi hỏi việc quản lý hải quan đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, DNCX ngày càng hiện đại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được Tổng cục Hải quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: báo cáo Bộ đề xuất Chính phủ cho phép DNCX được thuê kho ngoài khu để giải quyết khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh Covi-19; hướng dẫn giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh cho các doanh nghiệp, hải quan địa phương khi làm thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid; hướng dẫn sử dụng mã loại hình; về thông báo hợp đồng gia công lại; về việc DNCX cho doanh nghiệp nội địa thuê mái nhà xưởng để sản xuất điện mặt trời...

Đặc biệt, trong việc hiện đại hóa quản lý hải quan đối với DNCX, lãnh đạo Tổng cục đánh giá về cơ bản các đơn vị đã chủ động, tích cực triển khai công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định tại Điều 28a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP như: Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu đã hướng dẫn về thủ tục, chính sách thuế. Tuy nhiên tình hình triển khai quy định về điều kiện kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan đối với DNCX theo quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP còn gặp một số vướng mắc, khó khăn khi triển khai như: việc triển khai quản lý, theo dõi còn chưa thống nhất; công tác thực hiện kiểm tra thực tế điều kiện, kiểm tra giám sát hải quan để áp dụng chính sách thuế còn chưa phù hợp quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

Nhằm quyết liệt triển khai kết quả tốt, chất lượng cao, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đối với công tác thực thi quy định về điều kiện kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan đối với DNCX theo quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã giao các đơn vị nghiệp vụ xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với cách thức kết nối hệ thống camera của DNCX với chi cục hải quan quản lý cũng như cách thức lưu trữ dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan; xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu của hệ thống camera giám sát của DNCX đáp ứng được các yêu cầu phân tích dữ liệu hình ảnh, sẵn sàng tích hợp với hệ thống hải quan thông minh; các giải pháp để bảo mật thông tin, truy cập dữ liệu khi trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan.

Đồng thời xây dựng phổ biến, hướng dẫn quy định pháp luật về điều kiện kiểm tra giám sát hải quan tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP; hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố cách thức thông kê, tổng hợp, theo dõi và quản lý DNCX, doanh nghiệp được áp dụng chính sách thuế của DNCX, khu phi thuế quan trên địa bàn...

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng xây dựng đề án thử nghiệm kết nối trao đổi về hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, máy móc thiết bị của doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu, chế xuất... Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của ngành hải quan.

Ngoài ra theo định hướng triển khai mô hình Hải quan thông minh, hệ thống Hải quan số sẽ có các chức năng theo dõi, quản lý, phân tích số liệu, cảnh báo các dấu hiệu rủi ro xuyên suốt trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất từ khâu nhập khẩu, trong quá trình sản xuất đến khi xuất khẩu hoặc tiêu hủy, thay đổi mục đích sử dụng.

Để hệ thống có thể phân tích số liệu, thông tin về doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất phải được số hóa, lưu trữ đầy đủ trong hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp. Để đảm bảo tính liên tục trong quản lý, giảm thiểu thủ tục phát sinh đối với doanh nghiệp khi triển khai hệ thống mới, thông tin về doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đang hoạt động phải được cập nhật đầy đủ trên hệ thống hiện đại, sẵn sàng chuyển sang hệ thống mới để khai thác.

  1. Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.

Trong đó, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý tổ chức triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức triển khai thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.

Căn cứ nhu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

  1. Giải pháp then chốt Công cụ phòng vệ thương mại bảo vệ lợi ích doanh nghiệp

Việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là một trong những giải pháp để chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của nền kinh tế, của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp then chốt để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Theo Bộ Công Thương, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là một trong những giải pháp để chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của nền kinh tế, của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp.

Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại đã có bước tiến rõ nét. Đặc biệt, việc triển khai các đề án, chương trình lớn đã mang lại hiệu quả, thể hiện qua số lượng vụ việc Việt Nam khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã gia tăng nhanh chóng. Trên cơ sở các kết quả điều tra, hiện tại 16 biện pháp phòng vệ thương mại đang tiếp tục được Bộ Công Thương duy trì áp dụng.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm gần 6% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tính theo GDP năm 2019 và việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài đối với các ngành sản xuất.

Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phương thức này cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Đề cập kế hoạch hành động về phòng vệ thương mại năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo sát và thực hiện các hoạt động này trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế.

Cùng với đó, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tập trung triển khai Đề án "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới"; tăng cường thông tin, kiến thức về các biện pháp này cho doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong nước./.

  1. FTA tiếp tục là xung lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng

FTA có hiệu lực đã và đang mở rộng "cánh cửa" thị trường cho hàng hóa xuất khẩu để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trong năm 2022, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 dự kiến sẽ tiếp tục là một trong những xung lực hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Thế nhưng, theo các chuyên gia, để có thể đi nhanh, đi xa, điều kiện tiên quyết vẫn là sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới sáng tạo, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.

Nhìn lại năm 2021, hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi xuất siêu 4 tỷ USD, bất chấp khó khăn của đại dịch. Một trong những yếu tố đóng góp vào thành tích ngoạn mục này chính là chất xúc tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới. 15 FTA có hiệu lực đã và đang mở rộng "cánh cửa" thị trường cho hàng hóa xuất khẩu để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, các Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đang được thực thi toàn diện và hiệu quả.

Bộ Công Thương cho biết Hiệp định EVFTA sau hơn 1 năm thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng 14%. Hơn nữa, trong năm qua các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 201.846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD đi 27 nước EU. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 5.217 lô hàng với trị giá hơn 16,5 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.

Ngoài ra, Hiệp định UKVFTA được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 24,1%. Riêng với CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA như Canada tăng 19,5% và Mexico là 46,1%. Đặc biệt, thị trường tiềm năng và còn nhỏ như Peru, cũng tăng 84,3%, thậm chí có giai đoạn lên đến 300%…

Tuy nhiên, để tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường có ký kết FTA, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng doanh nghiệp cần lưu tâm đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và phát triển thương hiệu. Năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là Kế hoạch thực thi FTA thế hệ mới để hướng tới xuất nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế./.

  1. Quy định mới về xuất xứ hàng hóa có hiệu lực từ 15/2/2022

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa... Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trong đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa (so với hiện hành, bổ sung cụm từ “sản phẩm của”). Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 12 - Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.

  1. Hướng dẫn chính sách thuế cho doanh nghiệp ngay từ đầu năm

Để cùng doanh nghiệp bắt tay ngay vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu, tạo đà phát triển kinh tế- xã hội, ngay từ đầu năm, cơ quan Hải quan đã triển khai hướng dẫn nhiều chính sách thuế liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu để doanh nghiệp thực hiện.

- Trước đề nghị hướng dẫn về mã loại hình tờ khai, chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ từ kho ngoại quan vào nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may Hòa Thọ, Tổng cục Hải quan đã nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định, hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.

Cũng tại khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan cũng quy định rõ kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối chiếu với các quy định trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp doanh nghiệp nội địa ký hợp đồng mua hàng hóa của thương nhân nước ngoài, được thương nhân nước ngoài chỉ định nhận hàng hóa từ kho ngoại quan (trước đó hàng hóa từ kho ngoại quan có nguồn gốc là hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa đã được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu hàng hóa bao gồm sản phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu, vật tư chưa qua sản xuất vào kho ngoại quan) thì không đáp ứng quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan.

- Doanh nghiệp Đầu tư Mặt Trời Việt đề nghị hướng dẫn về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình A12 thuê doanh nghiệp khác gia công. Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm thì được hoàn thuế.

Khoản 1 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp. Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ CP.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng không trực tiếp sản xuất sản phẩm mà giao toàn bộ hàng hóa nhập khẩu thuê doanh nghiệp khác gia công sau đó nhận lại sản phẩm sau gia công để xuất khẩu ra nước ngoài thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa được hoàn thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP nên không được hoàn thuế nhập khẩu đối với phần hàng hóa nhập khẩu đưa đi thuê gia công.

- Cũng liên quan đến giải quyết vướng mắc về chính sách thuế, Tổng cục Hải quan vừa có hướng dẫn doanh nghiệp Royal Foods Nghệ An thực hiện Danh mục miễn thuế. Theo đó, khoản 13 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Khoản 1 Điều 15 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 5 năm. Theo đó, thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan cho cơ quan Hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế. Hết thời hạn miễn thuế 5 năm, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã được miễn thuế nhưng không sử dụng hết.