BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 02/2021 (05-03-2021)

  1. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại - tình hình trong nước
  1. Áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan

“Quyết định 477/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan”.

Ngày 09/02/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Cụ thể, áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía, phân loại theo mã HS 1701.13.00;
1701.14.00 và 1701.99.10; 1701.99.90; 1701.91.00 và 1702.90.91 được nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan
(mã vụ việc AD13-AS01).

Trong đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng đường đã tinh luyện và các loại đường mía khác không phải là đường thô (mã HS 1701.99.10; 1701.99.90; 1701.91.00; 1702.90.91) là 44,23%. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng đường thô (mã HS 1701.13.00; 1701.14.00) là 29,23%.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/02/2021. Các mức thuế trên sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế CBPG, CTC ở mức cao hơn. Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý II năm 2021.

 

2. Chỉ định cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam – Cuba

“Quyết định 162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để thực thi Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba”.

Ngày 02/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 162/QĐ-TTg về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để thực thi Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba. Theo đó, cơ quan đầu mối thực thi các Chương như sau:

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực thi Chương 1 – Các điều khoản chung, Chương 3 – Quy tắc xuất xứ, Chương 5 – Phòng vệ thương mại, Chương 6 – Rút lại các ưu đãi đã được thống nhất, Chương 9 – Thương mại Dịch vụ, Chương 10 – Hợp tác Kinh tế và Thương mại, Chương 11 – Hành chính và Rà soát, Chương 12 – Giải quyết Tranh chấp, Chương 13 – Ngoại lệ.

Bộ Công Thương (đối với các quy định chung và quản lý xuất nhập khẩu), Bộ Tài chính (đối với các nội dung về thuế quan) chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực thi Chương 2 – Thương mại hàng hóa.

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực thi Chương 4 – Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Hợp tác Quốc tế và Văn phòng SPS) chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực thi Chương 8 – Các biện pháp vệ sinh và
Kiểm dịch Động thực vật… Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

 

3. Phê duyệt Nghị định thư thứ tư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN

“Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ về việc phê duyệt Nghị định thư thứ tư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN”.

Ngày 18/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về việc phê duyệt Nghị định thư thứ tư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN.
Cụ thể, Chính phủ phê duyệt Nghị định thư thứ tư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (gọi tắt là ACIA) ký ngày 15/07/2020. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị định thư trên. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

4. Bộ Công Thương đính chính các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo 06 Thông tư

“Ngày 21/01/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 193/QĐ-BCT về việc đính chính các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư 45/2020/TT-BCT, Thông tư 46/2020/TT-BCT, Thông tư 47/2020/ TT-BCT, Thông tư 48/2020/TT-BCT, Thông tư 49/2020/TT-BCT, Thông tư 50/2020/TT-BCT”.

Quyết định số 193/QĐ-BCT được Bộ Công Thương ban hành dựa trên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015; Nghị định số 34/2016/ NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật. Đồng thời, căn cứ Nghị định số 09/2010/ NĐ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Và theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Công Thương và Cục trưởng Cục Hóa chất.

Cụ thể, đính chính một số sai sót về cấp số ban hành văn bản và kỹ thuật trình bày văn bản tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo các Thông tư như sau:

Thứ nhất, đính chính số quy chuẩn “QCVN 02:2020/BCT” được ban hành kèm theo Thông tư số 45/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang thành “QCVN 02A:2020/BCT”.

Thứ hai, đính chỉnh số quy chuẩn “QCVN 03:2020/BCT” được ban hành kèm theo Thông tư số 46/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng natrihydroxit công nghiệp thành “QCVN 03A:2020/ BCT”.

Thứ ba, đính chính số quy chuẩn “QCVN 04:2020/BCT” được ban hành kèm theo Thông tư số 47/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thành “QCVN 04A:2020/BCT”.

Thứ tư, đính chính số quy chuẩn “QCVN 05:2020/BCT được ban hành kèm theo Thông tư số 48/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm thành “QCVN
05A:2020/BCT”

Thứ 5, đính chính số quy chuẩn “QCVN 06:2020/BCT” được ban hành kèm theo Thông tư số 49/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng Poly Aluminium Chloride (PAC) thành “QCVN 06A:2020/BCT”.

Thứ 6, đính chính số quy chuẩn “QCVN 07:2020/BCT” được ban hành kèm theo Thông tư số 50/200/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng Amôniắc công nghiệp thành “QCVN 07A:2020-BCT”.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

 

5. Hướng dẫn nộp chứng nhận xuất xứ hàng nhập khẩu trong Hiệp định EVFTA

“Thông tư 07/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu”.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 07/2021/ TT-BTC quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA). Thông tư quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu như sau:

a) Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận  xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất thuế nhập  khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA, người khai hải quan phải khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp
chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

c) Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ sau thời hạn hiệu lực quy định tại điểm b nêu trên vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu hoặc các trường hợp xuất trình muộn khác, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét, quyết định việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA đối với các trường hợp cụ thể. Đối với trường hợp xuất trình muộn khác, hàng hóa phải được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ
hàng hóa.

Việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA thực hiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày
05/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/3/2021.

 

6. Đề xuất mới về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi,
bổ sung Nghị định số 95/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về
đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP).

Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2020/ NĐ-CP để hướng dẫn việc lựa chọn nhà thầu đối với cả những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA, trong đó dự kiến bao gồm các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam
và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ý kiến về việc sửa tên của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP theo một trong hai phương án sau:

Phương án 1: Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu.
Phương án 2: Nghị định hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.


Quy định về đấu thầu nội khối

Theo kết cấu của Dự thảo Nghị định, gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA được chia thành 3 Phụ lục như sau:
Phụ lục I: gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của cả 3 Hiệp định. Đối với những gói thầu này, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu nội khối, cơ quan mua sắm cho phép nhà thầu đến từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (nhà thầu nội khối) tham dự thầu.

Phụ lục II: gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP.

 Phụ lục III: gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và UKVFTA.

Để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, Dự thảo Nghị định dự kiến quy định theo hướng:
Về tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp dịch vụ (dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và dịch vụ xây dựng): Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục II, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự. Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục III, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự.

Về tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp hàng hóa: Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục II, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu.
Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục III, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự
thầu.

7. Ban hành chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 với mục tiêu nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.

Chương trình cũng đặt mục tiêu gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao; xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ.

Khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng. Đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm.

Chương trình bao gồm 03 chương trình thành phần, gồm: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao cũng như nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao.

 

8. Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu 4 loại cá da trơn sang
Campuchia

Ngày 08 tháng 02 năm 2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia đã ra thông
báo chính thức hủy bỏ lệnh cấm nhập khẩu 4 loại cá da trơn từ các nước láng giềng chung biên giới với Campuchia (trong đó có Việt Nam) ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2021. Hoạt động nhập khẩu 4 loại cá nói trên được thực hiện bình thường như trước đây
.

Trước đó, ngày 08 tháng 01 năm 2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ra
thông báo dừng nhập khẩu 04 loại cá da trơn gồm: cá Tra, cá Bớp, cá Trê và cá Lóc từ các nước láng giềng chung biên giới với Campuchia (trong đó có Việt Nam) nhằm bảo vệ thị trường cho các hộ nuôi cá của Campuchia.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Công Thương Việt Nam đã làm việc với các tỉnh biên giới giáp Campuchia và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Campuchia để nắm tình hình vụ việc, bước đầu xác định nhiều lô hàng cá da trơn xuất khẩu sang Campuchia qua cặp cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang, Việt Nam) - Chrey Throm (tỉnh Kandal, Campuchia) không được Hải quan Campuchia cho thông quan, phải quay trở lại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu khoảng 60 triệu USD/năm giá trị thủy sản sang Campuchia. Tuy Campuchia không phải là thị trường lớn đối với thủy sản của Việt Nam nhưng nhu cầu nhập khẩu của thị trường tương đối ổn định, đóng góp tích cực cho việc phát triển thương mại ở khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công ThươngTrần Tuấn Anh đã gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak nhấn mạnh lệnh cấm nhập khẩu cá của Campuchia sẽ gây tác động tiêu cực tới doanh nghiệp của hai nước cũng như người tiêu dùng Campuchia. Đặc biệt, lệnh cấm nhập khẩu nói trên đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại của WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà cả Việt Nam và Campuchia đều là thành viên.

Tiếp nhận công thư của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pan Sorasak và Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon đã chủ trì cuộc họp xem xét lại quyết định tạm dừng nhập khẩu 04 loại cá từ các nước láng giềng. Đến ngày 08 tháng 02 năm 2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia đã ra thông báo chính thức hủy bỏ lệnh cấm nhập khẩu 4 loại cá da trơn ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2021. Hoạt động nhập khẩu 4 loại cá nói trên được thực hiện bình thường như trước đây.