BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 01/2022 (18-02-2022)

 

  I. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước

1. Nghị định 148/2021/NĐ-CP về sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp

Ngày 31/12/2021 Chính phủ ban hành Nghị định 148/2021/NĐ-CP về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Nghị định gồm có 4 Chương, 15 Điều, trong đó quy định quản lý nguồn thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao SCIC thực hiện chuyển nhượng vốn để nộp về ngân sách Nhà nước

Nghị định này quy định việc quản lý các nguồn thu gồm:

+ Thu từ cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp 1), cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập (nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập).

+ Thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, thu chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm đối với phần vốn Nhà nước và quyền góp vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

+ Thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp cấp 1 đang hoạt động.

+ Thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện chuyển nhượng vốn để nộp về ngân sách Nhà nước.

Nghị định quy định các khoản chi từ ngân sách Nhà nước để xử lý, hỗ trợ kinh phí khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chi đầu tư phát triển quy định tại Nghị định này.

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng nguồn thu, các nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn Nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chi phí chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập Trung ương nộp vào ngân sách Trung ương; khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương nộp vào ngân sách địa phương. Cơ quan thuế thực hiện thu theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về quản lý thuế và quy định tại Nghị định này.

Thực hiện cân đối các khoản thu trong dự toán ngân sách để chi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và chi đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương. Các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển quy định tại Nghị định này do ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương bảo đảm đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung ương và địa phương theo quy định phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

Nghị định có hiệu lực từ 1/4/2022.

2. FTA phát huy hiệu quả: Xung lực thúc đẩy xuất khẩu

Năm 2021, hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi xuất siêu 4 tỷ USD, bất chấp khó khăn của đại dịch. Một trong những yếu tố đóng góp vào thành tích ngoạn mục này chính là chất xúc tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới.

Tận dụng tốt các FTA

15 FTA có hiệu lực, đã và đang mở rộng "cánh cửa" thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Theo số liệu thống kê, xuất nhập khẩu năm 2021 đã về đích ngoạn mục với con số 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng cao 19%, xuất siêu được duy trì năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư 4 tỷ USD.

Lực đẩy từ các FTA đóng góp không nhỏ vào kỳ tích xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng dương, như: Trung Quốc tăng 15%, Hoa Kỳ tăng 24,2%, EU tăng 14%, ASEAN tăng 25,8%, Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%, Ôxtrâylia tăng 3,1%. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang được thực thi toàn diện và hiệu quả.

Hiệp định EVFTA sau hơn 1 năm thực thi đã cho thấy những đóng góp có ý nghĩa trong phát triển kinh tế giữa hai bên và sự tăng trưởng của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, năm 2021, xuất khẩu sang EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng 14%. Tính từ ngày 1/1 - 26/12/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 201,846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 5.217 lô hàng với trị giá hơn 16,5 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.

Không chỉ EVFTA, Hiệp định UKVFTA được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU, với thương mại 2 chiều đạt gần 6,6 tỷ USD và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số (xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 24,1%). Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh (kiêm nhiệm Ireland) - cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu thị trường giảm và cuộc khủng hoảng vỏ container kéo dài từ đầu năm, kết quả xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cả năm 2021 có thể nói là "kỳ tích", trong đó Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc...

Đối với CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA, như Canada và Mexico cũng liên tục duy trì hai chữ số (xuất khẩu sang Canada tăng 19,5%, Mexico 46,1%). Thị trường tiềm năng và còn nhỏ như Peru, cũng tăng trưởng bất ngờ về kim ngạch xuất khẩu (tăng 84,3%), thậm chí có giai đoạn lên đến 300%…

Cần chủ động hơn

Mặc dù đã có những "trái ngọt" từ việc tận dụng hiệu quả các FTA, tuy nhiên, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của các thị trường này. Chuyên gia cho rằng, UKVFTA đã tạo nên những lực đẩy mới giúp doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế cạnh tranh hơn. Nếu doanh nghiệp giữ vững được sự tín nhiệm của bạn hàng và kiên định thực hiện được cam kết giao hàng, đảm bảo chất lượng, thị phần hàng hóa Việt Nam tại Anh sẽ từng bước gia tăng trong thời gian tới.

Với mặt hàng nông sản, mặc dù năm 2021 đã xuất khẩu tới hầu hết thành viên của EU, song thị phần nông sản Việt Nam trên thị trường EU còn nhỏ, xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp. Để tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần lưu tâm đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và phát triển thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt...

Trong năm 2022, các FTA song phương và đa phương, trong đó "siêu hiệp định" RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tiếp tục là một trong những xung lực hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể đi nhanh, đi xa, điều kiện tiên quyết vẫn là sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới sáng tạo, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.

3. Thương mại điện tử trong Hiệp định UKVFTA: Chìa khóa thúc đẩy thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh

Đây là chủ đề của cuộc hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 18/1, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mới được thực thi trong thời gian ngắn, thương mại song phương giữa 2 quốc gia đã có những kết quả tích cực. Trong đó, thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đều tăng ở 2 con số, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%, ngược lại xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 23,6% so với thời gian trước khi có Hiệp định. Song vẫn còn nhiều dư địa để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, nếu so với các nước trong khu vực, tiềm năng phát triển hợp tác thương mại, đầu tư ở mức cao hơn nhiều. Bởi, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 0,88% trong tổng nhập khẩu vào Anh, và ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Anh cũng chiếm phần nhỏ trong lượng nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, dư địa hợp tác phát triển giữa hai bên trong thời gian tới còn rất lớn.

Đồng quan điểm, ông Oliver Todd - Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam cũng cho rằng, những kết quả đạt được trong năm 2021 sẽ là cơ hội tăng cao hơn nữa những yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra, hướng tới tạo thuận lợi dịch vụ, phân phối trên nền tảng thương mại điện tử.

Thực tế, bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, với mức tăng 53% so với năm 2020, và đang trở thành phương tiện giao dịch phổ biến, lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp và người dân. Trong hai năm qua, Bộ Công Thương đã làm việc với các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường quốc tế.

Dẫn số liệu thống kê theo các ngành hàng đến từ Việt Nam của Alibaba năm 2021, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đối với sàn thương mại điện tử Alibaba, Anh quốc luôn nằm trong thị trường có lượng người mua nhiều nhất (ngoại trừ hàng nông sản). Cụ thể, với ngành hàng thực phẩm và đồ uống, thị trường này luôn nằm trong top 10 quốc gia có người mua hàng lớn nhất đối với sản phẩm ngành này. Trong khi đó, ngành hàng đồ may mặc, nằm ở trong top 6 có lượng mua các mặt hàng này; ngành hàng liên quan đến làm đẹp cũng có lượng người mua đứng thứ nhì về các sản phẩm này của Việt Nam.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong bối cảnh đại dịch và hình thức kinh doanh online phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường online. Tuy nhiên, dù tiếp cận thị trường theo phương thức truyền thống hay online thì UKVFTA vẫn là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả mà cần quan tâm đến quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định phát triển bền vững…Đồng tình với quan điểm, Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, những cam kết TMĐT trong UKVFTA hoàn toàn mở ra nhiều phương thức tiếp cận thị trường kiểu mới, không nhất thiết đi qua tiếp cận thị trường truyền thống.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách đảm bảo đi đúng hướng, bắt kịp xu hướng thị trường, cần tiếp tục phối hợp với Vương quốc Anh để tổ chức, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và xác định thương mại điện tử hay chuyển đổi số là điều kiện bắt buộc phải làm và là trọng tâm của chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp mình.

4. Thúc đẩy XTTM, đầu tư và phổ biến TM điện tử xuyên biên giới cho các DN Hoa Kỳ

Trong tháng 1/2022, Chi nhánh Thương vụ Việt nam tại Houston -Texas (Hoa Kỳ) đã chủ trì tổ chức các hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư và phổ biến ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

•        Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trực tiếp tại UAE

Ngày 11/01/2022 tại Houston, Chi nhánh Thương vụ cùng các đối tác ngành năng lượng có trụ sở văn phòng tại vùng Texas-Hoa Kỳ (gồm: Delta OffShore Energy, Kizer Energy Inc.) đã có cuộc họp trực tiếp và trao đổi online với đại diện Vụ Dầu Khí và Than về kế hoạch hợp tác thúc đẩy Xúc tiến thương mại - đầu tư với các đối tác tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển dự án năng lượng và dịch vụ vận hành nhà máy điện khí gas tự nhiên hoá lỏng (LNG).

Qua đó, phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đề xuất với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Chi nhánh Thương vụ -Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Việt nam tại Houston -Texas tiếp tục hỗ trợ, kết nối với các cơ quan chức năng trong nước để hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Chính phủ, nhằm thúc đẩy các dự án LNG được sớm triển khai tại Việt Nam ngay sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới. Đại diện Vụ Dầu Khí và Than của Bộ cũng đã có bài trình bày về các thông tin tổng quan được cập nhật về lĩnh vực dầu khí và tình hình phát triển các nhà máy điện khí LNG tại Việt Nam cho các đối tác.

Kizer Energy Inc. là đối tác Hoa Kỳ có trên 20 năm kinh nghiệm tại thị trường quốc tế trong lĩnh vực tư vấn, giám sát, dịch vụ vận hành (OR-Operation Readiness) cho các nhà máy điện, cũng có đề xuất mong muốn tìm đối tác để mở văn phòng tại Việt nam trong thời gian tới, và hợp tác với các dự án trong giai đoạn vận hành để triển khai các dịch vụ OR-Operation Readiness liên quan cho các nhà máy điện.

Chi nhánh Thương vụ Houston tổ chức họp Xúc tiến thương mại-đầu tư ngành năng lượng (ngày 11/01/2022) với các doanh nghiệp Hoa Kỳ - Delta Offshore Energy, Kizer Energy Inc. Đơn vị phối hợp của Bộ: Vụ Dầu Khí và Than

Thúc đẩy ứng dụng TMĐT xuyên biên giới

Ngày 17/01/2022, Chi nhánh Thương vụ Houston cùng AMAZON tổ chức hướng dẫn về thủ tục, quy trình xuất nhập khẩu sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ thông qua nền tảng Thương mại điện tử AMAZON. Sự kiện có sự tham dự của 33 doanh nghiệp, và 1 số cán bộ của Bộ về quản lý hoạt động TMĐT và thị trường. Trong đó có sự phối hợp của các đơn vị trong và ngoài nước thuyết trình và thảo luận, bao gồm VISA Vietnam, BRG Retail, Hapro, Habeco, USAImport LLC, 1Roof LLC…

Qua sự kiện, Chi nhánh Thương vụ đánh giá tiềm năng hợp tác giữa các khối doanh nghiệp lớn và các đối tác Hoa Kỳ (đặc biệt nhóm các doanh nghiệp đã tham gia chuỗi cung ứng lớn toàn cầu, có thương hiệu mạnh, có kinh nghiệm làm việc lâu năm với các đối tác nước ngoài) hiện rất đang thuận lợi về xuất nhập khẩu sản phẩm trong thời gian tới. Đặc biệt cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các nhóm mặt hàng dân dụng như đồ gỗ, vật liệu xây dựng - nội thất, dệt may - da giày và hàng điện từ, nông - thuỷ sản…

Chi nhánh Thương vụ Houston cùng AMAZON tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ (ngày 17/01/2022). Các đơn vị phối hợp, tham gia VISA Vietnam, BRG Retail, Hapro, Habeco, USAImport LLC.

Đánh giá: Trong khi các doanh nghiệp lớn đang có nhiều thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu, thì khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam còn có nhiều khó khăn (đặc biệt tại các địa phương, vùng sâu vùng xa) để đưa sản phẩm Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn.

Bao gồm nhiều vấn đề cần giải quyết cấp bách như: Thông tin thị trường chưa được cập nhật thường xuyên một cách có hệ thống qua đầu mối của từng Bộ ngành, Hiệp hội; Các hướng dẫn về quy trình xuất nhập khẩu - Hải quan cho 1 số thị trường lớn như Hoa Kỳ chưa được tài liệu hoá và hoàn thiện kỹ lưỡng; Đặc biệt là các khoá đào tạo thực hành xuất nhập khẩu cho nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam để giúp nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được triển khai rộng rãi và nhanh chóng hơn (do nhóm doanh nghiệp SME khá hạn chế khi tiếp cận các ứng dụng TMĐT để tham gia hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới; việc trải nghiệm thực hành còn thiếu và nhiều doanh nghiệp còn khá yếu về nhân lực...).

Nhiều doanh nghiệp ngay sau các cuộc họp xúc tiến thương mại đã tìm đến các công ty về Logistics, xuất nhập khẩu để đề xuất hỗ trợ dịch vụ,... qua đã chứng tỏ khối doanh nghiệp SME tại Việt nam rất năng động và là nhóm đối tác tiềm năng xuất khẩu nếu được hướng dẫn, đào tạo thực hành tốt hơn trong tương lai.

6. Thương mại Việt - Mỹ lần đầu vượt mốc 100 tỷ USD

Hết năm 2021, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020. Thương mại Việt - Mỹ vượt 50 tỷ USD Nông sản Mỹ gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Như vậy, trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam, Mỹ là đối tác thương mại thứ hai đạt được mốc 100 tỷ USD (sau Trung Quốc).

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch cả nước. Năm 2021 có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD. Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ Mỹ các nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị.

Thương mại Việt Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn vừa qua

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Giai đoạn 2020 – 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.

Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.

Bên cạnh xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… Nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành công này đạt được là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn. Hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên.