BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 01/2022 (18-02-2022)

 

  1. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại tình hình trong nước
  1. Loạt chính sách khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu

 Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy giao thương của doanh nghiệp.

Tham mưu sửa đổi chính sách kịp thời trong đại dịch

Đáng chú ý là việc trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 về chính sách thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT).

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành nhiều quyết định về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch như: Quyết định 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020; Quyết định 436/QĐ-BTC ngày 31/3/2020; Quyết định 2138/QĐ-BTC ngày 8/12/2020 và mới đây là Quyết định 1921/QĐ-BTC ngày 30/9/2021.

Đặc biệt, diễn biến phức tạp kéo dài của dịch Covid-19 cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng hóa gửi tại kho ngoại quan. Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh cũng gần như ngưng trệ. Trong khi hoạt động kinh doanh cửa hàng miễn thuế hoàn toàn phụ thuộc vào khách xuất cảnh, nhập cảnh, dẫn đến hoạt động cửa hàng miễn thuế gần như “đóng băng”; đồng thời dịch Covid-19 cũng làm phát sinh trường hợp hàng hóa gửi kho ngoại quan quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam nhưng không xuất khẩu được.

Trước bối cảnh đó, Tổng cục Hải quan đã tham mưu đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tại Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Cùng với những chính sách đã ban hành nêu trên, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã tích cực và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính cho phép hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD nhằm tránh ùn tắc tại cảng biển.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2021/TT-BTC về “Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp phòng, chống dịch Covid 19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19”. Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Năm 2022: ban hành nhiều chính sách về thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan

Ngoài các chính sách về thủ tục hải quan đã được ban hành trong thời gian qua, trong năm 2022, nhiều chính sách về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tiếp tục được Tổng cục Hải quan nghiên cứu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan và đảm bảo công tác quản lý như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP; Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử...

Hoàn thiện và trình ban hành các Thông tư theo tiến độ ban hành của các nghị định, gồm: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC; Thông tư ban hành các chỉ tiêu thông tin đối với các mẫu biểu ban hành kèm theo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Thông tư về các chỉ tiêu thông tin thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra sẽ trình ban hành Thông tư để triển khai thực hiện mô hình hải quan thông minh, Thông tư thay thế Thông tư số 62/2019/TT-BTC và Thông tư số 47/2020/TT-BTC về xuất xứ hàng hóa; đặc biệt là xây dựng các bài toán nghiệp vụ theo Đề án Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh…

  1. Sửa quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2020/NĐ-CP về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu để hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Theo đó, Nghị định 11 sửa đổi, bổ sung “Phạm vi điều chỉnh” như sau: Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (viết tắt là Hiệp định EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA và xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (viết tắt là Hiệp định UKVFTA).

Nghị định 11 sửa quy định về “Hồ sơ đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm” như sau: Mẫu Giấy chứng nhận lại chủng loại gạo thơm được kê khai đầy đủ thông tin từ mục 1 đến mục 9 theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đối với gạo thơm xuất khẩu sang EU hoặc Phụ lục VIIa ban hành kèm theo Nghị định này đối với gạo thơm xuất khẩu sang UK.

Về trình tự thực hiện chứng nhận chủng loại gạo thơm, Nghị định nêu rõ: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định và chứng nhận vào mục 10 mẫu Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đối với gạo thơm xuất khẩu sang EU hoặc Phụ lục VIa ban hành kèm theo Nghị định này đối với gạo thơm xuất khẩu sang UK; trường hợp không chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bên cạnh đó, Nghị định 11 cũng sửa quy định về “Trách nhiệm của Cục Trồng trọt” như sau: Công bố trên Cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách tổ chức khảo nghiệm; tên tổ chức, cá nhân được chứng nhận chủng loại gạo thơm, Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm đã cấp hoặc hủy bỏ; Danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU được cập nhật sửa đổi, bổ sung theo Quyết định của Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA; Danh mục gạo thơm xuất khẩu sang UK được cập nhật sửa đổi, bổ sung theo Quyết định của Ủy ban Thương mại Hiệp định UKVFTA.

Đồng thời, Nghị định 11 bổ sung Phụ lục VIa, VIIa ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP bằng Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; bãi bỏ Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP./.

  1. Gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế trong năm 2022

Năm 2022, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tập trung nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế, thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, ngành NN&PTNT tiếp tục có nhiều cơ hội, nhưng cũng đứng trước những thách thức như: dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu đối với sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...

Những yếu tố trên đòi hỏi toàn ngành phải tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chính của ngành là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cụ thể là, toàn ngành sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản. Điều này được thể hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hướng hữu cơ và chuyên môn hóa; ưu tiên nhập khẩu giống tốt; sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.

Với thuỷ sản, thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để rút “thẻ vàng” của EC và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả... Ở lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/PLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU... là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đáng chú ý, ở góc độ phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, đại diện Bộ NN&PTNT nêu rõ: Bộ xác định nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế, thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và các nước theo FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), chú ý thị trường Nga và thị trường tiềm năng khác.

Trăn trở về vấn đề xuất khẩu nông sản bền vững, trong cuộc trao đổi với một số cơ quan báo chí mới đây, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và nhận ra rằng, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát; nghĩa là chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang chứ chưa có đề án chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường”.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang tham vấn các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tình trạng tới mùa vụ mới đi thu gom nông sản xuất khẩu mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá. Phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu tại địa phương, người nông dân chuẩn hoá theo quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp, đơn vị logistics cũng phải tham gia vào tạo ra giá trị cạnh tranh nhiều hơn.

“Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các đơn vị xuất khẩu nông sản, lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian...”, “tư lệnh” ngành nông nghiệp nói. Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Năm 2022, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.

  1. Nhiều dư địa để tăng tốc xuất khẩu năm 2022

Sau năm 2021 vượt khó thành công, mục tiêu phấn đấu đặt ra trong năm 2022 là XK đạt trên 356 tỷ USD. Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, giảm chi phí logistics… là một số giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hoá mục tiêu này.

Xuất khẩu tăng từ 6-8%

Năm 2022 bối cảnh thế giới lẫn trong nước có khá nhiều yếu tố thuận lợi với hoạt động XNK của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự báo nhu cầu hàng hóa XK trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng. Việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin bổ sung và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng NK từ Việt Nam. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các DN của Việt Nam đang khai thác hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch XNK của nước ta đã và sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều cơ hội.

 Kim ngạch XK của Việt Nam năm 2021 ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu XK, chiếm khoảng 86,24% tổng kim ngạch XK, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước. Kim ngạch XK sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: Trung Quốc tăng 15%; Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%; ASEAN tăng 25,8%; Hàn Quốc tăng 15,8%; Ấn Độ tăng 21%; New Zealand tăng 42,5%; Australia tăng 3,1%.

Tuy nhiên, khó khăn dễ thấy là xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại, chống toàn cầu hóa, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với dịch vụ logistics vẫn tăng mạnh. Giá cước vận chuyển đang ở mức cao nhất trong lịch sử.

“Là nền kinh tế có độ mở cao, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đang được hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, nhiều ngành hàng dựa vào nguyên liệu NK nên sẽ chịu tác động của việc giá cả hàng hóa cơ bản, nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm, vẫn ở mức cao… khiến chi phí đầu vào sản xuất trong nước tăng, tạo áp lực lạm phát”.

Theo doanh nghiệp Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng và các FTA như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, VDSC dự báo tăng trưởng XK sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể chững lại.

Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn song XK ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%). Việt Nam duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD. Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6- 6,5%, năm 2022 ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch XK tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

Điện tử, dệt may, nông sản nhiều dư địa

Đánh giá cao cơ hội tăng trưởng XK của Việt Nam năm 2022, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, những ngành hàng có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 của Việt Nam gồm: điện tử; máy vi tính; máy móc-thiết bị; dệt may; giày dép; sắt thép; nông, thủy sản… Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã “chảy” mạnh vào các ngành sản xuất này, cộng với nguồn vốn trong nước tạo nên khả năng cung ứng lớn mạnh trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tương tự,  Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, tăng trưởng của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, máy tính; máy móc thiết bị, phụ tùng… có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tăng trưởng XK chung của cả nước. “Đó đều là những mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam; tiếp tục là chủ lực trong XK năm 2022 và các năm tới”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin thêm, năm 2022 để thúc đẩy XK, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, XK, giảm chi phí logistics; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Nhấn mạnh vào góc độ tận dụng các FTA để thúc đẩy XK hàng hoá nói chung, nông sản nói riêng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng Bộ NN&PTNT xây dựng các đề án XK nông sản sang từng thị trường có tiềm năng. Hiện, Bộ NN&PTNT đang làm dự thảo đề án theo hướng chuẩn hoá vùng nghiên liệu theo kỹ thuật từng thị trường; lập các liên minh DN XK, DN logistics và các địa phương có vùng nguyên liệu.

“Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cũng cần xây dựng phát triển thị trường nông sản trong nước; tiếp tục nghiên cứu chế biến đa dạng hoá sản phẩm và xúc tiến triển khai kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm XK tiềm năng ở nước ngoài trong 5 năm tới”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, thời gian tới cần đặt vấn đề mạnh hơn để có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong thực thi triển khai các cam kết trong các FTA; hỗ trợ DN quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

  1. Giải đáp vướng mắc về xuất hóa đơn chiết khấu thương mại

Cục Thuế thành phố Hà Nội có Công văn 457/CTHN-TTHT trả lời vướng mắc về xuất hóa đơn chiết khấu thương mại. Theo đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội trả lời vướng mắc về xuất hóa đơn chiết khấu thương mại như sau:

- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có áp dụng chiết khấu thương mại cho khách mua hàng theo quy định của pháp luật thì nội dung hóa đơn phải đảm bảo theo quy định sau:

Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng hoặc khuyến mại theo quy định của pháp luật thì phải thể hiện rõ khoản chiết khấu thương mại, khuyến mại trên hóa đơn. Việc xác định giá tính thuế giá trị gia tăng (thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng) trong trường hợp áp dụng chiết khấu thương mại dành cho khách hàng hoặc khuyến mại thực hiện theo quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng.

- Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau;

- Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh theo quy định sau:

Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Công văn 457/CTHN-TTHT được ban hành ngày 07/01/2022