
1. Ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
Ngày 05/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2021/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Theo đó, Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam gồm 5 cấp, cụ thể: Dịch vụ gia công hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa chưa được chi tiết ở nơi khác; Dịch vụ vận tải; Dịch vụ du lịch và dịch vụ đi lại khác; Dịch vụ xây dựng; Dịch vụ bảo hiểm và hưu trí; Dịch vụ tài chính; Phí sử dụng quyền sở hữu trí tuệ; Dịch vụ máy tính, thông tin và viễn thông; Dịch vụ cá nhân, văn hóa và giải trí;…
Ngành cấp 1 gồm 12 dịch vụ được mã hóa bằng 2 chữ số từ 01 đến 12; Ngành cấp 2 gồm 45 dịch vụ được mã hóa bằng 4 chữ số theo dịch vụ cấp 1 tương ứng; Ngành cấp 3 gồm 95 dịch vụ được mã hóa bằng 5 chữ số theo dịch vụ cấp 2 tương ứng; Ngành cấp 4 gồm 136 dịch vụ được mã hóa bằng 6 chữ số theo dịch vụ cấp 3 tương ứng; Ngành cấp 5 gồm 168 dịch vụ được mã hóa bằng 7 chữ số theo dịch vụ cấp 4 tương ứng.
Ngoài ra, Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam giải thích rõ những dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu gồm khái niệm, nhận dạng các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ, dịch vụ thuộc phạm vi, không thuộc phạm vi thống kê dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2021.
2. Quy định thủ tục về đăng ký doanh nghiệp
Ngày 04/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định này quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội... Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết phí, lệ phí nộp qua mạng điện tử được hỗ trợ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, phí sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử không được tính trong lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử mà gặp lỗi giao dịch thì cá nhân, tổ chức liên hệ với tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử để được giải quyết. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức còn có thể nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Phòng đăng ký kinh doanh.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 04/01/2021.
3. Cải cách mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu
Ngày 12/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cụ thể, Đề án đặt mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng; Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu…; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.
Đề án đưa ra 7 nội dung cải cách gồm:
Cải cách 1: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cải cách 2: Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.
Cải cách 3: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cải cách 4: Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.
Cải cách 5: Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Cải cách 6: Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Cải cách 7: Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
4. Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2021 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình được phê duyệt nhằm: 1- Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; 2- Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của các bộ, ngành, địa phương; 3- Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của DNNVV, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Chương trình sẽ cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng 01 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho DNNVV; cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của các bộ, ngành, địa phương; tiếp nhận 100% phản ánh từ DNNVV để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
Chương trình thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tối thiểu 30% DNNVV nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
5. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Tại Nghị quyết 02/2021/NQ-CP ngày 01/01/2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết nêu rõ, năm 2020, cùng với nỗ lực phòng chống, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tác động tiêu cực nhiều mặt của dịch bệnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong tình hình mới; là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ ban hành Nghị quyết về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết nhằm tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1- Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020). Trong đó, tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, gồm: cấp phép xây dựng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp, Chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường sinh thái bền vững.
2- Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: (i) Xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; (ii) Phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
3- Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tập trung thực hiện: (i) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); (ii) Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; (iii) ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; (iv) Xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
4- Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa...; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về nội dung và ý nghĩa của phát triến bền vững nhằm phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
5- Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
6. Xử lý nghiêm hành vi tăng giá thuê tàu và container
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container (nếu có).
Xét đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 9918/BCT-XNK ngày 23/12/2020 về chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng do hiện tượng tăng giá thuê tàu và container, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trước tình trạng nêu trên; kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container (nếu có).
7. Nghệ An: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Đây là một trong những ý kiến của lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại Hội nghị “Tổng kết hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020, đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2021” do UBND tỉnh tổ chức.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu để kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi bổ sung như chính sách doanh nghiệp chế xuất, chính sách gia công hàng hóa xuất khẩu, các văn bản quản lý chuyên ngành... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt đối với dự án sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhằm tạo lập nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, giám định chất lượng, kiểm dịch động thực vật, khử trùng, vận tải… giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Các Sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hệ thống cảng biển và tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với các dự án hạ tầng logistics khác theo quy hoạch. Sớm hình thành và phát triển một thị trường dịch vụ logistics hoàn chỉnh dựa trên nền tảng: Hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi, hệ thống giao thông kết nối tối ưu tới các vùng trọng điểm của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ…
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị thường xuyên có trao đổi, thông tin về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu với các cơ quan hữu quan để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường công tác thu mua hàng hoá nông lâm hải sản các loại cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh sản xuất chế biến, nâng cao trị giá hàng hoá xuất khẩu, giảm xuất hàng thô trị giá thấp.
Đồng thời đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn. Trong đó, việc đổi mới, sáng tạo, phát triển sản phẩm có chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu được chú trọng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, cần tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn bị nguồn cung cấp để đảm bảo nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt...
Năm 2020, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã khắc phục khó khăn, vận dụng lợi thế từ các FTA để ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm qua đạt 1.123 triệu USD, giảm 2% so với năm 2019, đạt 93,6% kế hoạch năm 2020. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 813 triệu USD, tăng 2,3% so với năm 2019, đạt 95,6% chỉ tiêu kế hoạch; thu ngoại tệ từ xuất khẩu lao động và dịch vụ du lịch đạt 310 triệu USD, giảm 11,35% so với năm 2019, đạt 88,6% kế hoạch năm. Trong năm 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu trên 57 nhóm/mặt hàng các loại. Cơ cấu các nhóm mặt hàng có sự thay đổi tích cực với kim ngạch nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ 77,5% so với tỷ lệ 71,7% năm 2019; nhóm hàng nông lâm thủy sản năm 2020 chiếm 11,44%, giảm so với tỷ lệ 17,3% năm 2019.
8. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030 đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; phấn đấu Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; xây dựng được 10 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ TTNT. Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT.
Đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về TTNT dẫn đầu trong khu vực ASEAN…
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các định hướng: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến TTNT; phát triển hệ sinh thái TTNT; thúc đẩy ứng dụng TTNT; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTNT.
- Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2025 (08-02-2021)
- Mời tham gia các chương trình, hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại (08-02-2021)
- Mời tham dự “Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với ứng dụng chuyển đổi số - Quảng Bình năm 2025” (08-02-2021)
- Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2025 (08-02-2021)
- Mời tham gia “Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ kết hợp Hội chợ Xúc tiến Thương mại, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền – tỉnh Vĩnh Long năm 2025”. (08-02-2021)