BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI - TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC THÁNG 01/2021 (08-02-2021)

1. Bộ Công Thương: Hiệu quả từ cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh

Hàng loạt thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được Bộ Công Thương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” và coi nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, Bộ Công Thương đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như chương trình cải cách hành chính (CCHC), trong đó có việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý ngành.

Cắt giảm hơn 70% điều kiện đầu tư kinh doanh

Với chức năng nhiệm vụ là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60 - 70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh tương đối lớn. Theo thống kê đến thời điểm trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh.

Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu với Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2017 về Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018. Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và 09 Nghị định trong năm 2017 và năm 2018.

Ngày 02/7/2019, Bộ Công Thương đã công bố danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương tại cổng thông tin điện tử của Bộ: https://moit.gov.vn

Với việc Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP và 09 Nghị định nêu trên ở trong năm 2017 và năm 2018, theo đó, Bộ Công Thương là Bộ tiên phong thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%). 

Trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/02/2020 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, tập trung vào cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất, điện lực, ô tô, kinh doanh khí, khoáng sản.

Như vậy, sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm trên 70%). Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…

Về rà soát, đơn giản hóa TTHC: Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2020 về việc tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hoá các TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT, ngày 23 tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1649/QĐ-BCT ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2020 của Bộ Công Thương. Theo đó, cắt giảm, đơn giản hóa 53 TTHC (Bãi bỏ 5 TTHC, đơn giản hóa 48 TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 03/CT-BCT.

Với 444 TTHC hiện có, Bộ Công Thương cũng đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 147 TTHC (130 TTHC thực hiện ở cấp Tỉnh; 15 TTHC thực hiện ở cấp Huyện, 02 TTHC thực hiện ở cấp Xã).

Bộ Công Thương cũng là một trong những Bộ đầu tiên ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về hoạt động kiểm soát TTHC: Thông tư số 18/2018/TT-BCT ngày 19 tháng 7 năm 2018 (thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BCT). Theo đó, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, công bố và rà soát theo định kỳ các TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, đảm bảo việc ban hành TTHC đáp ứng các tiêu chí về sự cẩn thiết, tính hợp lý, hợp pháp; rà soát, đơn giản hóa TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính

Trong Kế hoạch công tác năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành CCHC, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết CCHC. Xây dựng và ban hành kịp thời các Kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch về CCHC của Chính phủ, đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại Bộ Công Thương.

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các TTHC ngay từ khi dự thảo các VBQPPL liên quan; thực hiện công bố, công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC mới; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, thực hiện các TTHC do Bộ Công Thương cung cấp. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ và Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Công Thương. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, tổ chức; tăng cường kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cơ chế một của quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Tăng cường công tác kiểm tra CCHC các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Đẩy mạnh đôn đốc thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ thuộc các Chương trình, Kế hoạch về CCHC, Kiểm soát TTHC và Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2021 của Bộ Công Thương.

2. Giám sát hải quan tự động giúp giảm thời gian và chi phí quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng

Sau thời gian khảo sát các doanh nghiệp: xuất nhập khẩu, logistics, kinh doanh kho bãi, hãng hàng không, Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan) vừa có đánh giá về hiệu quả triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Theo kết quả khảo sát, nhờ triển khai hệ thống VASSCM, doanh nghiệp tiết kiệm được trung bình khoảng 2,5 giờ/1 lô hàng khi làm các thủ tục nhập khẩu hàng hóa qua cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài. Trong đó, thời gian làm thủ tục xác nhận hàng qua khu vực giám sát tiết kiệm được trung bình 1,2 giờ/1 lô hàng và thời gian làm thủ tục với đơn vị kinh doanh kho bãi để lấy hàng ra khỏi kho tiết kiệm được trung bình 1.32 giờ/1lô hàng.

* Về chi phí:

+ 90% doanh nghiệp cho biết việc triển khai hệ thống giúp doanh nghiệp giảm chi phí thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa so với trước khi triển khai hệ thống.

+ 91% doanh nghiệp cho biết hệ thống VASSCM giúp hồ sơ, thủ tục để đưa hàng vào/đưa hàng ra khỏi kho/khu vực giám sát hải quan đơn giản hơn.

+ 82% doanh nghiệp cho biết hệ thống VASSCM giúp giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cung cấp cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi để làm thủ tục đưa hàng vào/đưa hàng ra khỏi kho. Thời gian trung bình doanh nghiệp tiết kiệm được trong khâu chuẩn bị hồ sơ là 0.83 giờ.

+ 82% doanh nghiệp cho biết hệ thống giúp giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ.

+ 73% doanh nghiệp cho biết hệ thống giúp doanh nghiệp chủ động thời gian thực hiện thủ tục đối với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi (không phụ thuộc vào thời gian làm việc hành chính của cơ quan Hải quan do Hệ thống điện tử hoạt động 24/7).

+ 73% doanh nghiệp cho biết hệ thống giúp giảm chi phí bốc xếp, vận chuyển, lưu trữ hàng xuất, nhập khẩu tại kho, bãi.

+ 91% doanh nghiệp cho biết hệ thống giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục thông quan.

+ 82% doanh nghiệp cho biết hệ thống giúp giảm chi phí quản lý (chi phí in ấn, lưu trữ, chi phí nhân sự).

+ 73% doanh nghiệp cho biết hệ thống giúp giảm chi phí thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp logistic làm dịch vụ khai thuê hải quan cho biết hệ VASSCM giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ đối với khách hàng.

 

 

* Đối với đơn vị kinh doanh kho bãi:

+ Về các thủ tục bốc xếp dỡ hàng hóa đưa vào, đưa ra kho: Việc truy vấn, tiếp nhận thông tin trên Hệ thống điện tử trước thời điểm xếp dỡ hàng nhập khẩu từ phương tiện vận tải vào khu vực kho, bãi đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục, thời gian, chi phí bốc xếp dỡ hàng hóa đưa vào/đưa ra kho như: Chủ động trong hoạt động xếp dỡ hàng trên cơ sở thông tin có trước từ hải quan và hãng hàng không; Chủ động bố trí vị trí hàng phải kiểm hóa, soi chiếu phù hợp…

+ Về lợi ích của việc triển khai hệ thống VASSCM đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Việc trao đổi, chia sẻ thông tin thuận lợi, kịp thời, chính xác hơn giúp giảm rủi ro trong quản lý, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Bên cạnh đó, quản lý, giám sát hàng hóa ra vào/lưu trữ tại kho, bãi thuận lợi, chính xác, chặt chẽ hơn. Ngoài ra giảm thời gian thực hiện các thủ tục đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu: Thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ và thực hiện các thủ tục giảm; Thời gian đưa hàng vào/đưa hàng ra khỏi kho/khu vực giám sát giảm; Tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh (doanh số, sản lượng hàng khai thác tăng…)

3. Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.

Mục tiêu cụ thể đến 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm; 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3-5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ.

Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình là hoàn thiện thể chế pháp lý, thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

4. Thêm 02 doanh nghiệp sữa Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Ngày 11/01/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo tiếp tục cấp Mã giao dịch cho phép 01 công ty và 01 nhà máy (thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk) của Việt Nam được xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc, cụ thể là:

- Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương (Binh Duong Nutifood Nutrition Food Joint Stock Company) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị sang thị trường Trung Quốc.

- Nhà máy Sữa Trường Thọ (Truong Tho Dairy Factory, trực thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác sang thị trường Trung Quốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp Mã giao dịch cho phép 07 công ty/nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu một số sản phẩm sữa vào thị trường Trung Quốc. Trong đó bao gồm TH True Milk (sản phẩm sữa tiệt trùng và sữa biến đổi); Hanoimilk (sữa lên men); Công ty Bel Việt Nam (các loại phô mai khác); Nutifood (sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị); và 03 nhà máy của Vinamilk (Nhà máy Sữa Thống Nhất với sản phẩm sữa đặc, Nhà máy Sữa Sài Gòn với sản phẩm sữa lên men bổ sung hương vị, Nhà máy Sữa Trường Thọ với sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác).

5. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng không

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam để phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam, trước mắt là tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa, phát triển kinh tế, chính trị. Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, vận chuyển hơn 136 triệu hành khách, năng lực điều hành bay không ngừng nâng cao (hơn 900.000 chuyến bay). Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới.

            Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần phối hợp để đưa ra những giải pháp thích hợp.