![](/media/cache/53/46/53460053573d7174d59e3b166ee3506c.jpg)
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại Quốc tế
1, Doanh nghiệp lưu ý khi giao thương với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc
Trung Quốc vừa thông báo áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, khả năng thời gian thông quan hàng hóa sẽ kéo dài. Do đó, doanh nghiệp cần có phương án chủ động khi giao thương.
Trước thông báo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) đã có khuyến cáo các doanh nghiệp nắm thông tin để chủ động hoạt động thương mại với các doanh nghiệp tỉnh này.
Cụ thể, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (chung đường biên giới với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang) vừa thông báo áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khi bước vào thời điểm chuyển mùa tại các cửa khẩu trên địa bàn của tỉnh Vân Nam.
Theo đó, các phương tiện chuyên chở hàng hóa và người điều khiển phương tiện phải đăng ký với cơ quan chức năng trước 3 ngày. Người điều khiển phương tiện xuất nhập cảnh phải xét nghiệm axit nucleic 3 ngày một lần. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa (căn cứ vào số lượng hàng hóa tại cửa khẩu).
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, trước mắt, biện pháp trên sẽ được áp dụng cho các phương tiện, người điều khiển phương tiện và hàng hóa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng phía Trung Quốc cũng có thể đề nghị Việt Nam áp dụng các biện pháp tương tự trên trong thời gian tới. Do đó, Bộ Công thương thông báo tới các cơ quan, doanh nghiệp nắm để chủ động trong hoạt động thương mại với doanh nghiệp Vân Nam, Trung Quốc.
Thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 9,8 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm./.
2. Trung Quốc tăng nhanh nhập khẩu hàng hoá Mỹ
Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong tháng 9, khi nền kinh tế thứ hai thế giới hồi phục ấn tượng sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, số liệu cho thấy Trung Quốc còn khoảng cách xa so với cam kết mua hàng được nêu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ theo thỏa thuận đã đạt tới mức cao kỉ lục 9,9 tỷ USD trong tháng 9, với giá trị nhập khẩu các mặt hàng dầu thô, dầu đậu nành và xe hơi ghi nhận mức tăng mạnh. Tuy nhiên, tính đến hết tháng, Trung Quốc mới chỉ đạt 38,5% mục tiêu đề ra về nhập khẩu 170 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong năm 2020.
Nhập khẩu mặt hàng năng lượng từ Mỹ trong tháng 10 tăng 75% so với tháng 8, khi Trung Quốc nhập khẩu một lượng dầu thô cao kỉ lục. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu dầu thô giá rẻ của Mỹ để phục vụ sưởi ấm cho mùa đông đang tới gần của nền kinh tế thứ hai thế giới tăng cao. Nhập khẩu các mặt hàng trong tháng cũng tăng 60%, riêng đậu nành tăng 600%.
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 1/2020, Trung Quốc đồng ý tăng thêm 200 tỷ USD giá trị nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ trong năm 2021, với mốc so sánh là giá trị nhập khẩu của năm 2017. Đại dịch COVID-19 đã phá hỏng một phần kế hoạch này, khi nhu cầu đứt gãy trong quý I/2020. Nhưng sau thời điểm này, kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục, nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại.
Thỏa thuận cũng bao gồm điều khoản, Mỹ và Trung Quốc sẽ nhóm họp định kỳ 6 tháng/lần để rà soát, đánh giá việc thực hiện thỏa thuận, cam kết mua hàng./.
3. Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Anh
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investor Service ngày 16/10 đã hạ xếp hạng nợ công của Anh xuống một mức, từ Aa2 xuống Aa3, với lý do việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) làm trầm trọng thêm sự suy yếu của nền kinh tế.
Moody's cho biết, "sức mạnh" kinh tế của Vương quốc Anh đã giảm sút kể từ khi tổ chức này hạ mức xếp hạng nợ của Anh xuống Aa2 vào tháng 9/2017. Aa3 là nấc thấp trong bậc xếp hạng Aa của Moody's - bậc xếp hạng cho thấy nợ công có chất lượng cao và rủi ro rất thấp.
Bên cạnh việc hạ mức tín nhiệm, Moody’s điều chỉnh đánh giá triển vọng dài hạn nợ công của Anh từ tiêu cực xuống ổn định. Tổ chức này cũng hạ xếp hạng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) xuống Aa3 với triển vọng tiêu cực.
Moody’s nhận định, tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến và tình hình có khả năng sẽ kéo dài trong tương lai do Anh quyết định rời EU và hai bên không thể đạt được thỏa thuận thương mại sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng lưu ý rằng kinh tế Anh cũng sẽ phải gánh chịu những “di chứng” của đại dịch COVID-19 vốn đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này.
Nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới đã chứng kiến mức suy giảm lớn nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong quý II/2020 và nợ công đã tăng lên tới 2 tỷ bảng Anh (2,58 tỷ USD), vượt ngưỡng 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nguyên nhân là do các đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, quy mô lĩnh vực dịch vụ của nước này cùng với những tác động của quy định giãn cách xã hội và nguy cơ xuất hiện các làn sóng lây nhiễm tiếp theo.
Cũng trong ngày 16/10, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cảnh báo nếu EU không thay đổi quan điểm lập trường, các cuộc đàm phán thương mại giữa liên minh này và Anh sẽ kết thúc. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đề nghị tới London vào tuần sau để tiếp tục các cuộc đàm phán, dù hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề chủ chốt như đánh bắt cá và các nguyên tắc cạnh tranh. Theo người phát ngôn trên, hiện "trái bóng" đang nằm bên phía EU. Việc ông Bariner tới London vào tuần sau chỉ đạt được đột phá nếu ông chủ động chuẩn bị thảo luận mọi vấn đề.
Động thái này tiếp tục làm cho đồn đoán về khả năng thời điểm “chia tay” thực sự giữa Anh và EU sẽ không diễn ra tốt đẹp. Brexit không thỏa thuận có nghĩa là thương mại của Anh với EU sẽ dựa trên quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các khoản thuế sẽ được áp đặt theo quy định của tổ chức này khiến giá cả hàng hóa tăng đáng kể.
Moody’s cho biết, ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay, thương mại giữa hai nước vẫn có thể bị thu hẹp về phạm vi và do đó Brexit, theo quan điểm của Moody’s, sẽ tiếp tục gây áp lực làm giảm đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế. Ngay cả trước cú sốc do COVID-19 gây ra, tăng trưởng năng suất thấp liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cùng với tình hình đầu tư kinh doanh ảm đạm kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016, đã đè nặng lên tăng trưởng của nước Anh.
Đồng bảng Anh trong phiên giao dịch 16/10 đã có thời điểm giảm xuống dưới mức 1 bảng đổi 1,29 USD khi thị trường phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Boris Johnson rằng nước Anh cần chuẩn bị cho kịch bản Brexit không kèm thỏa thuận thương mại trong bối cảnh EU "không đàm phán nghiêm túc"./.
Kinh tế Anh có thể mất 134 tỷ bảng mỗi năm do COVID-19 và Brexit
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kết hợp với việc không đạt được một thỏa thuận thương mại sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến Anh thiệt hại khoảng 134 tỷ bảng Anh (174 tỷ USD) giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm trong 10 năm tới.
Đây là kết quả nghiên cứu do công ty luật Baker & McKenzie thực hiện và công bố ngày 5/10.
Trong báo cáo có tựa đề "Tương lai thương mại Anh: Những thực tế nổi lên từ Brexit và COVID-19", Baker & McKenzie cho rằng cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 sẽ khiến GDP của Anh giảm 2,2% so với các mức trước khi dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, việc Anh rời khỏi EU, dù đạt được một thỏa thuận thương mại, cũng sẽ khiến GDP của nước này giảm 3,1% so với thời kỳ nước này vẫn là thành viên của EU, trong đó xuất khẩu hàng hóa sẽ giảm khoảng 6,3%.
Trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận thương mại song phương, Brexit sẽ khiến Anh thiệt hại 3,9% GDP về lâu dài. Theo Baker & McKenzie, Chính phủ Anh sẽ cần sử dụng tất cả các công cụ để giảm thiểu thiệt hại kinh tế phát sinh từ Brexit được cho là rất lớn.
Theo kế hoạch, Anh và EU sẽ nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit trong tuần này. Cả hai bên kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 15/10 tới./.
4. Kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trong quý III/2020
Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/10, sau khi suy thoái ở mức kỷ lục, kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất từ trước đến nay, khi tăng trưởng trong quý III đạt 33,1%.Đây là mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1947.
Trước đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm 31,4% trong quý II, cũng là giai đoạn nghiêm trọng nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, và giảm 5% trong quý 1.Theo Bộ Thương mại Mỹ, chính việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng chi tiêu đã góp phần giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong quý III.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo phần lớn thành quả này là do gói hỗ trợ trị giá hơn 3.000 tỷ USD của Chính phủ Mỹ trong những tuần đầu của đại dịch. Các dữ liệu khác cho thấy chi tiêu đã hạ nhiệt trong tháng 9 và quá trình phục hồi cũng đang đi xuống.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc vào ngày 24/10 là 751.000 người, giảm 40.000 người so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ hai liên tiếp số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm và là mức thấp nhất kể từ khi các doanh nghiệp đóng cửa khiến số người nộp đơn tăng lên mức kỷ lục là 6,8 triệu người trong tháng 3. Dù con số này đang giảm dần song vẫn cao hơn mức 665.000 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính từ năm 2007-2009.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 3.000 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19, đã hết hạn.
Theo hãng tin Reuters (Anh), mặc dù gói cứu trợ trị này của Chính phủ Mỹ đã giúp thúc đẩy tiêu dùng, nhưng những tác động nặng nề của tình trạng suy thoái do dịch COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế mất ít nhất một năm mới có thể phục hồi. Trong tổng số 22,2 triệu người Mỹ bị mất việc làm trong thời kỳ dịch bệnh, mới chỉ có một nửa trong số này có việc làm trở lại.
Trong những tuần gần đây, các doanh nghiệp lớn thông báo sa thải hàng nghìn lao động, trong đó có khoảng 7.000 lao động bị cắt giảm bổ sung theo thông báo ngày 28/10 của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing. Trước tình hình này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và các thể chế tài chính khác đang kêu gọi về đợt hỗ trợ mới của chính phủ nhằm ngăn chặn làn sóng thất nghiệp và đóng cửa doanh nghiệp mới./.
5. 3 lý do biến đồng Nhân dân tệ trở thành 'ngôi sao'
Theo chuyên gia của UBS Global Wealth Management, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc dự kiến sẽ còn tăng trong ngắn hạn. Trả lời phỏng vấn của CNBC, ông Dominic Schnider của UBS Global Wealth Management nhận định, đồng Nhân dân tệ đang thực sự là ngôi sao và còn có thể tăng giá trị trong thời gian tới.
Tờ CNBC cho hay, đồng Nhân dân tệ đã mạnh lên đáng kể cho đến nay trong năm nay và các dữ liệu kinh tế được công bố đang cho thấy, Trung Quốc đang vượt lên trên các quốc gia khác trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tính đến sáng nay theo giờ Singapore, đồng nội tệ của Trung Quốc đứng ở mức 6,6891 so với đồng bạc xanh, mạnh hơn gần 4% kể từ đầu năm.
UBS Global Wealth Management nhận định, trong ngắn hạn, đồng tiền này sẽ giữ ở mức quy đổi 6,6 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Theo ông Schinder cho biết có ba yếu tố có khả năng sẽ củng cố vị trí và giá trị của đồng tiền Trung Quốc là: Tăng trưởng kinh tế, cán cân thanh toán và dòng vốn vào.
Theo đại diện của UBS, kinh tế Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh. Theo số liệu quý 3 mới được công bố, GDP của đất nước tỷ dân đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc trở lại. Trong khi đó, các nền kinh tế khác như Mỹ hay các quốc gia châu Âu đang vật lộn với những khó khăn do đại dịch gây ra và không kỳ vọng sụ tăng trưởng trở lại đến nửa đầu năm 2021.
"Mỹ và châu Âu đang tăng trưởng theo từng quý nhưng đang tụt hậu so với Trung Quốc. Điều này "có lợi" cho các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các tài sản rủi ro ở Trung Quốc, chẳng hạn như thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ", Schnider nói với CNBC.
Thứ hai, theo ông Schnider thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc có thể tăng lên gần 2,8% GDP vào năm 2020 so với 1% GDP vào năm 2019.
"Thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng tăng do xuất khẩu mạnh hơn và thâm hụt cán cân dịch vụ nhỏ hơn. Vì thế nó có xu hướng ủng hộ đồng tiền mạnh hơn trong các quý sắp tới", ông Schnider nói. Với dòng vốn, ông Schnider cho biết có "hai góc độ" đối với vấn đề này. Đầu tiên, việc đưa trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào tiêu chuẩn trái phiếu toàn cầu dự kiến sẽ "kích hoạt" dòng vốn từ 100 tỷ đến 150 tỷ USD trong vòng 12 đến 18 tháng tới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có "lợi suất chênh lệch" so với Mỹ, trong đó các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giữa trả lãi và lãi kiếm được. Điều này có thể đạt được bằng cách vay một loại tiền có lợi suất thấp (chẳng hạn như USD Mỹ) cho các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn ở những nơi khác.
"Ngay cả khi sự biến động được điều chỉnh, tỷ giá (đồng Nhân dân tệ) vẫn hấp dẫn", ông Schnider nói. Tuy nhiên, ông Schnider nhấn mạnh thêm, kết quả cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ vẫn có thể ảnh hưởng đến những dự đoán này.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã đạt được một số bước tiến trong chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ như khuyến khích giao dịch bằng Nhân dân tệ ở nước ngoài, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chấp thuận trở thành đồng tiền dự trữ và tung ra các hợp đồng hàng hóa định danh bằng Nhân dân tệ. Tuy vậy, đồng tiền này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong dự trữ toàn cầu, với chỉ 2% thị phần.
Do sự suy yếu của đồng USD và những số liệu phục hồi tích cực của nền kinh tế Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ tăng lên mức mạnh nhất trong hơn 2 năm qua. Bên cạnh đó, triển vọng chiến thắng của ông Joe Biden trước Đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 3/11 sắp tới cũng hỗ trợ đồng Nhân dân tệ.
6. Trung Quốc - Hàn Quốc gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ
Ngân hàng trung ương của hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ và mở rộng quy mô lên 400 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 60 tỷ USD), hoặc 70 nghìn tỷ won, từ mức 360 tỷ Nhân dân tệ.
Thỏa thuận trên giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) sẽ có hiệu lực trong 5 năm và có thể tiếp tục gia hạn nếu 2 bên đồng thuận.
PBOC cho biết, việc gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trên sẽ giúp ổn định thị trường tài chính, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ hồi tháng 4/2009 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và đến nay đã gia hạn 3 lần. Lần gần đây nhất là vào năm 2017, theo đó PBOC và BOK đã nhất trí gia hạn thêm 3 năm thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá hơn 55 tỷ USD và thỏa thuận này hết hiệu lực vào ngày 10/10 vừa qua.
Hoán đổi tiền tệ là một công cụ ứng phó tình trạng hỗn loạn tài chính, cho phép một quốc gia gặp khó khăn do khủng hoảng thanh khoản vay tiền từ nước khác bằng đồng nội tệ. Hồi tháng 7 năm nay, Hàn Quốc và Mỹ cũng đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 60 tỷ USD trong nỗ lực ứng phó những bất ổn của thị trường trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. /.
7. Nhật Bản mở rộng gói tài trợ chuyển chuỗi cung từ Trung Quốc sang Đông Nam Á
Nhật Bản sẽ mở rộng chương trình tài trợ, khuyến khích doanh nghiệp nước này xây dựng cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung vốn lâu nay phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Tờ Nikkei Asia Review ngày 15/10 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thông báo kế hoạch này trong chuyến thăm tới Việt Nam và Indonesia vào cuối tháng này. Nhà lãnh đạo Nhật Bản thông qua chuyến đi này muốn kêu gọi thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Chọn Đông Nam Á là điểm công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Suga muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đối với Nhật Bản.
Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ chỉ trả khoảng 50% chi phí phục vụ hoạt động dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á với các công ty lớn. Với các công ty quy mô gia đình, mức hỗ trợ là 75%. Lĩnh vực được ưu tiên trợ cấp là các ngành hàng, sản phẩm mà chuỗi cung sản xuất hiện thời có thiên hướng quá tập trung vào một nước riêng lẻ.
Mục tiêu của kế hoạch này là đẩy các công ty của Nhật Bản mở rộng cứ điểm sản xuất theo hướng đa dạng hóa điểm đến đầu tư. Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng dường như Nhật Bản muốn giảm phụ thuộc vào thị trường này. Đáng chú ý, chương trình tài trợ này hướng đến việc hỗ trợ các dự án liên quan đến mở rộng mạng lưới sản xuất đặt tại các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Những dự án liên quan đến rút dây truyền sản xuất từ một nước Đông Nam Á sang một nước khác trong ASEAN sẽ không được nhận kinh phí trợ cấp. Nhưng xây dựng một nhà máy mới ở một nước thành viên ASEAN kết hợp với dời năng lực sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ được coi là hình thức đa dạng hóa sản xuất hợp lý và được hỗ trợ tài chính trong quá trình di dời.
Nhật Bản không đề cập trực diện tới Trung Quốc, bởi làm vậy có thể khiến Tokyo bị chỉ trích “bóp méo thương mại”. Nhưng theo giáo sư Yorizumi Watanabe chuyên ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Kansai, kế hoạch này của Nhật Bản không vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bởi mục đích chính là hỗ trợ chung, chứ không phải trợ cấp một công ty hay một nhóm công ty cụ thể nào.
Hơn nữa, bước dịch chuyển này cũng phù hợp với thực tế. Đông Nam Á đang nổi lên là điểm đến cuốn hút đối với các nhà sản xuất xét trên khía cạnh chi phí nhân công. Theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), chi phí bình quân phải trả cho một lao động tại Indonesia là 5.956 USD/năm, tại Việt Nam là 4.041 USD/năm, trong khi con số này tại Trung Quốc là 10.000 USD/năm.
Để phục vụ cho gói hỗ trợ mới này, chính phủ Nhật Bản sẽ dành ra một khoản tiền đáng kể từ ngân sách, cho thấy tầm quan trọng của sáng kiến này. Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã chi khoảng 223 triệu USD trong ngân sách năm tài khóa 2020, hỗ trợ các công ty di dời sản xuất sang Đông Nam Á để mở rộng chuỗi cung. Trong vòng xét duyệt đầu tiên kết thúc vào tháng 7/2020, chính phủ đã thông qua khoản tài trợ với 30 dự án dịch chuyển đầu tư.
Chính quyền Thủ tướng Abe còn có gói tài trợ khác, quy mô lớn lên đến hơn 2 tỉ USD. Chương trình này chuyên phục vụ các công ty di dời sản xuất từ Trung Quốc, nhưng đích đến là Nhật Bản. Đã có hơn 1.7000 công ty nộp đơn, với số tiền xin tài trợ cao gấp 10 lần khoản ngân sách dự kiến 2 tỉ USD. Trong vòng rà soát đầu tiên, chính phủ đã thông qua 57 dự án, với số tiền tài trợ là 544 triệu USD.
Trước khi chương trình tài trợ “thoát Trung Quốc” được ban hành, nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản cũng đã tiến hành tái cấu trúc chuỗi cung ở châu Á do giá nhân công tại Trung Quốc không còn rẻ. Chiến lược đầu tư “Trung Quốc cộng một” đã được doanh nghiệp Nhật thực hiện từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát, với khởi điểm là tại Vũ Hán, đã làm thay đổi quan điểm của Tokyo. Nhật Bản nhận thấy phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, nhất là với các mặt hàng vật tư, đồ bảo hộ y tế, điện tử. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một nhân tố khiến nhiều công ty lựa chọn địa điểm đầu tư ngoài đại lục, nhằm né thuế trừng phạt mà chính quyền Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (09-11-2020)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (09-11-2020)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (09-11-2020)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (09-11-2020)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (09-11-2020)