I. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại Quốc tế
1. EU ra quy định mới, xuất khẩu sắt thép, xi măng.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vừa được EU đề xuất ngày 14/7/2021, ban đầu sẽ áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa gồm: Xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện. Ngày 11/3/2021, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon.
Ngày 14/7/2021, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất lập pháp về CBAM. Theo đề xuất, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến hết năm 2025. Điều này sẽ tạo điều kiện và thời gian cho hệ thống cuối cùng được áp dụng vào năm 2026.
CBAM được EU đề xuất ngày 14/7 vừa qua, ban đầu sẽ áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa gồm: Xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện. Đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. CBAM sẽ áp dụng đối với việc phát trải trực tiếp khí CO2 ra môi trường trong quá trình sản xuất các sản phẩm trên.
Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá CBAM đang hoạt động như thế nào và có thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp” (ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa).
Theo Hội đồng Thương mại Thụy Điển, một số quốc gia nhất định có thể bị ảnh hưởng bởi cơ chế này. Bởi thông qua số liệu nhập khẩu của EU và của Thụy Điển, việc nhập khẩu các sản phẩm có khả năng chịu sự điều chỉnh của cơ chế đang diễn ra mạnh mẽ và tập trung ở một vài quốc gia.
Dù không nằm trong danh sách “top” 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng trong một số lĩnh vực bị xem xét của EU, Việt Nam lại nằm trong “top” 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các sản phẩm trong ngành công nghiệp sản xuất vào Thụy Điển. Bên cạnh CBAM của EU, Thụy Điển là quốc gia đi đầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có thể sẽ đưa ra các quy định và mức thuế riêng lên một số sản phẩm nhất định để bảo vệ môi trường.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đánh giá, để có ứng phó tốt với quy định mới này của EU trong tương lai, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… xuất khẩu sang thị trường EU nói chung và Thụy Điển nói riêng nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.
2. Quy định mới khi bán hàng trực tuyến vào EU
Từ ngày 1/7/2021, Chỉ thị của Hội đồng châu Âu về việc áp thuế giá trị giá tăng (VAT) đối với các giao dịch điện tử theo phương thức từ doanh nghiệp đến khách hàng sẽ chính thức được áp dụng.
Theo đó, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU bất kỳ nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU. Khi tiến hành bán hàng, người bán hoặc sàn giao dịch phải thu thuế VAT theo mức tại nước của người mua (nghĩa là sàn giao dịch hoặc người bán phải biết thuế VAT của nước khách hàng).
Với quy định mới này, nếu người bán đăng ký trên thủ tục một cửa nhập khẩu (IOSS) của từng nước thành viên, khách hàng sẽ biết giá cuối cùng, đã bao gồm VAT, không có phí hoặc lệ phí ẩn. Nếu người bán không đăng ký IOSS, khách mua hàng trực tuyến sẽ thanh toán VAT khi nhập khẩu hàng hóa vào EU.
Các nhà cung ứng dịch vu logistics như bưu điện hoặc người giao hàng có thể tính thêm phí thông quan cho khách hàng để thu khoản VAT này và hoàn thành các thủ tục cần thiết khi nhập khẩu hàng hóa. Vì khách hàng EU đã quen với giá bao gồm VAT, việc thanh toán các khoản phí bổ sung tại thời điểm nhận hàng có thể dẫn đến việc khách hàng từ chối gói hàng được đề cập.
Do vậy, đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp thương mại điện tử muốn cung ứng hàng vào EU thì cần phải đăng ký kinh doanh tại một nước thành viên EU và chỉ định một đối tác tại nước EU đó để làm các thủ tục khai báo và nộp thuế VAT theo quy định. Thời gian vừa qua, bưu điện của Bỉ đã thử nghiệm thu phí đối với giao dịch thương mại điện tử ngoài EU trong bối cảnh chưa có nhà kinh doanh nào đăng ký IOSS.
Kết quả cho thấy, mua hàng trực tuyến từ ngoài EU vào EU đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng rất nhiều. Đối với những món hàng vài chục euro, thuế VAT tương ứng thì vài euro, nhưng phí khai thuế VAT của bưu điện lại lên đến hơn 10 euro, nếu tính trên tỷ giá mặt hàng là rất lớn. Do đó, có nhiều khách hàng từ chối nhận hàng hoặc hoàn trả sản phẩm.
3. Paraguay áp dụng chính sách “Không giấy tờ” đối với xe và máy móc nông nghiệp nhập khẩu
Cục Hải quan Quốc gia Paraguay (DNA) và Tòa án Tư pháp Tối cao (CSJ) đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng Giấy chứng nhận kỹ thuật số quốc gia nhằm mục đích đẩy nhanh quy trình thủ tục nhập khẩu phương tiện và máy móc nông nghiệp. Nội dung chính của Giấy chứng nhận kỹ thuật số quốc gia dựa trên những cam kết hợp tác toàn diện, trong đó tập trung vào thúc đẩy việc trao đổi thông tin, dữ liệu, đào tạo, nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, nghiệp vụ giữa các bên liên quan.
Thỏa thuận được ký bởi người đứng đầu DNA ông Julio Fernández và Chánh án CSJ ông César Diesel. Theo thông báo do DNA đưa ra, công cụ pháp lý mới này đã chính thức có hiệu lực áp dụng và đây là điểm khởi đầu cho việc thực thi chính sách “Không giấy tờ” trên phạm vi rộng giữa các cơ quan chính phủ.
Về cơ bản, công cụ điện tử mới sẽ cắt giảm đáng kể những thủ tục không cần thiết liên quan đến thủ tục nhập khẩu các phương tiện và máy móc nông nghiệp vì quy trình trên nền tảng số hóa sẽ cho phép thực hiện nhanh chóng và chính xác các bước trong thủ tục thông quan, bên cạnh ưu điểm về đơn giản hoá môi trường vận hành của các đối tác có liên quan. Đối với DNA, việc áp dụng chính sách không giấy tờ cũng sẽ giúp cơ quan Hải quan có được nhiều lợi ích khác nhất là có thể rà soát, phân bổ lại nguồn nhân lực của mình. Nói cách khác, chính sách này sẽ định hình lại nguồn nhân lực của DNA vì nhân viên làm việc trong quy trình xử lý tài liệu giấy sẽ được phân công làm các nhiệm vụ khác.
Cục trưởng DNA cho biết nỗ lực của cơ quan Hải quan thực sự hướng tới mục đích tuân thủ chính sách “Không giấy tờ” trong các cơ quan công quyền do chính phủ nước này đưa ra. Các cơ quan chính phủ có thể giảm bớt các thủ tục giấy tờ cũng như sử dụng nguồn nhân lực tốt hơn. Ông Fernández cũng nhấn mạnh rằng khi áp dụng công cụ điện tử mới này thì chắc chắn thủ tục thông quan các loại xe và máy móc nông nghiệp nhập khẩu sẽ đảm bảo “minh bạch và năng động” hơn. Hàng năm, Paragoay nhập khẩu khoảng 120.000 phương tiện để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước.
Người đứng đầu cơ quan Hải quan Paragoay khẳng định đây là một bước tiến cơ bản cho thấy khi hai cơ quan, trong trường hợp này là Tòa án Tư pháp Tối cao và một cơ quan Hành pháp thống nhất thiết lập tương tác trên nền tảng ứng dụng công nghệ và cơ sở pháp lý cải tiến, thì sẽ có thể tạo ra những kết quả đáng kể về hiện đại hóa, minh bạch và tiết kiệm cho xã hội.
4. Nhật Bản, Australia thúc đẩy CPTPP và RCEP
Ngày 15/7, Nhật Bản và Australia đã nhất trí thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như cách thức để làm hồi sinh nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp diễn ra ở Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama và Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Dan Tehan đã cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc hỗ trợ tiến trình gia nhập CPTPP của Anh. Các bộ trưởng khẳng định CPTPP và RCEP "đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế khu vực giai đoạn hậu dịch COVID-19." Bộ trưởng Kajiyama nhấn mạnh: "Đây là thời điểm để tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại chiến lược bao gồm cả các vấn đề thương mại và năng lượng".
Nhật Bản và Australia là thành viên của CPTPP và RCEP.
CPTPP có hiệu lực từ năm 2019 nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận này thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tương tự bao gồm cả Mỹ cho đến khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút lui.
Trong khi đó, Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và 6 quốc gia đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - những quốc gia đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN.
RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người./.
5. Hàn Quốc sẽ ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất chip, pin và vaccine
Bộ luật thuế năm 2021 chú trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh chóng và đẩy mạnh tăng trưởng trong bối cảnh mức chênh lệch thu nhập do đại dịch gây ra ngày càng tăng. Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp khoản ưu đãi thuế trị giá 1.160 tỷ won (1 tỷ USD) cho hoạt động chi tiêu vào R&D và đầu tư vào chip, pin xe điện và vaccine.
Hàn Quốc ngày 26/7 thông báo kế hoạch tăng cường ưu đãi thuế cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp và đầu tư cơ sở vật chất cho sản xuất chất bán dẫn, pin và vaccine. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp khoản ưu đãi thuế trị giá 1.160 tỷ won (1 tỷ USD) cho hoạt động chi tiêu vào R&D và đầu tư vào chip, pin xe điện và vaccine theo dự luật sửa đổi mã số thuế. Trong nỗ lực giúp đảm bảo các động lực tăng trưởng mới, Hàn Quốc đã xác định chip, pin và vaccine là ba công nghệ chiến lược quan trọng của quốc gia.
Bộ luật thuế năm 2021 chú trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh chóng và đẩy mạnh tăng trưởng trong bối cảnh mức chênh lệch thu nhập do đại dịch gây ra ngày càng tăng. Dự kiến, Chính phủ Hàn Quốc sẽ trình dự luật sửa đổi mã số thuế lên Quốc hội Hàn Quốc trước ngày 3/9 để phê chuẩn. Theo đề xuất sửa đổi mã số thuế, chính phủ có kế hoạch tăng mức giảm thuế khi các doanh nghiệpđẩy mạnh R&D vào chip, pin và vaccine cho đến cuối năm 2024.
Hàn Quốc là cường quốc về chip nhớ, chiếm khoảng 20% xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, nước này đã tương đối tụt hậu trong việc phát triển các chip không có đặc tính nhớ. Một cuộc cạnh tranh trên toàn cầu để đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định cho pin xe điện (EV) đã nổi lên, đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất pin Hàn Quốc như LG Energy Solution Ltd. Đại dịch COVID-19 cũng đã làm tăng nhu cầu phát triển vaccine tự sản xuất trong nước nhằm đảm bảo sự chủ động về nguồn cung vaccine.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch nới lỏng các tiêu chí cắt giảm thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập và thuế đối với các doanh nghiệpchuyển hoạt động sản xuất của họ từ nước ngoài về nước. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho hay nguồn thu từ thuế ước tính sẽ giảm khoảng 1.500 tỷ won trong thời gian từ năm 2022-2026 nếu bộ luật thuế sửa đổi có hiệu lực.
Trong thời gian từ tháng 1-5/2021, nguồn thu từ thuế đã tăng 43.600 tỷ won so với cùng kỳ năm ngoái lên 161.800 tỷ won./.
6. Trung Quốc siết IPO ở nước ngoài của các hãng công nghệ
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đề xuất, các doanh nghiệp nắm giữ dữ liệu của hơn một triệu người dùng hiện phải nộp đơn xin phê duyệt an ninh mạng khi muốn IPO ở nước ngoài.
Điều này nhằm tránh nguy cơ dữ liệu và thông tin cá nhân ngưởi dùng bị "ảnh hưởng, kiểm soát và khai thác ác ý bởi các chính phủ nước ngoài". Theo cơ quan này, việc đánh giá an ninh mạng cũng sẽ xem xét các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn từ các đợt IPO ở nước ngoài.
Đề xuất được công bố vào thứ Bảy (10/7), là một trong những bước đi cụ thể để hạn chế khả năng huy động vốn của các doanh nghiệpcông nghệ ở Mỹ thông qua "mô hình sở hữu đặc biệt" (Variable Interest Entity - VIE) mà Alibaba, Baidu và Didi đã áp dụng. Các nhà quản lý cũng đang xem xét việc yêu cầu các VIE đã niêm yết phải được chấp thuận nếu muốn chào bán cổ phần bổ sung ở nước ngoài.
Cơ quan quản lý đang trong giai đoạn nhận phản hồi về đề xuất này. Đầu năm đến nay, 37 doanh nghiệp Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ, vượt qua con số của năm ngoái và huy động được tổng cộng 12,9 tỷ USD, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
"Những quy định này sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệpInternet Trung Quốc niêm yết ở Hong Kong thay vì ở một nơi khác, để bỏ qua việc xét duyệt như vậy. Ngưỡng một triệu người dùng là rất thấp và về cơ bản sẽ áp dụng cho mọi doanh nghiệpInternet muốn IPO", Feng Chucheng, chuyên gia của doanh nghiệp nghiên cứu Plenum ở Bắc Kinh, đánh giá.
Thời gian qua, nhà chức trách Trung Quốc đã đẩy nhanh việc siết chặt IPO ở nước ngoài của các doanh nghiệpcông nghệ. Hội đồng Nhà nước tuyên bố hôm thứ Ba (29/6) rằng các quy định về niêm yết ở nước ngoài sẽ được sửa đổi và các doanh nghiệpđại chúng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật dữ liệu của họ.
Một số doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết tại New York quyết định rút lui. Hôm thứ Năm (1/7), LinkDoc Technology trụ sở tại Bắc Kinh đã trở thành doanh nghiệpđầu tiên tạm hoãn IPO sau tuyên bố về việc sửa quy định của chính quyền. Sau đó, ứng dụng thể dục Keep và doanh nghiệp khởi nghiệp về rau Meicai đều hủy bỏ kế hoạch niêm yết tại Mỹ. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các quy định mới cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch IPO của các doanh nghiệpnhư ByteDance - chủ sở hữu TikTok- hay doanh nghiệp giao nhận Lalamove.
7. Anh đưa ra quy định mới về trợ cấp nhà nước hậu Brexit
Các doanh nghiệp trên khắp Vương quốc Anh sẽ hưởng lợi từ cơ chế kiểm soát trợ cấp nhà nước mới thay thế cho các quy định của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit). Phóng viên TTXVN tại London dẫn thông báo Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh, cho biết ngày 30/6, dự luật Kiểm soát trợ cấp đã được trình lên Hạ viện Anh để xem xét, theo đó các quy định của luật này sẽ thay thế cho các quy định về trợ cấp nhà nước của EU nhằm tạo ra một hệ thống trợ cấp mới cho phép thực hiện các ưu tiên chính trong nước như thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng đều giữa các khu vực ở Anh hay thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp xanh.
Theo bộ trên, khi còn là thành viên của EU, Anh phải tuân thủ cơ chế trợ cấp nhà nước của EU, theo đó tất cả các khoản trợ cấp, trừ các khoản trợ cấp theo “Quy định miễn trừ của Khối” phải trải qua một quy trình kéo dài trong việc báo cáo và đề nghị sự phê chuẩn của Ủy ban châu Âu (EC), điều này đã khiến các khoản trợ cấp quan trọng không thể đến với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn một cách kịp thời.
Cơ chế mới trên được xây dựng dựa trên cơ sở các khoản trợ cấp sẽ được phép thực hiện nếu đúng với các nguyên tắc chung của Anh - mang lại giá trị tốt cho người đóng thuế, đồng thời được trao một cách kịp thời và hiệu quả. Các nguyên tắc này sẽ cho phép các cơ quan công quyền, trong đó có các chính phủ phân quyền của các vùng Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales cung cấp trợ cấp cho những nơi cần thiết mà không phải đối mặt với quá nhiều thủ tục hành chính quan liêu.
Tuy nhiên, cơ chế mới sẽ nghiêm cấm việc trao các khoản trợ cấp dẫn đến việc chuyển công việc và hoạt động kinh tế từ vùng này sang vùng khác nhằm hỗ trợ việc củng cố Vương quốc Anh và tạo ra sự phát triển đồng đều trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh Kwasi Kwarteng, nước này đang nắm bắt cơ hội của việc trở thành một quốc gia thương mại độc lập để hỗ trợ các ngành công nghiệp mới và đang phát triển, tạo thêm việc làm và đưa Vương quốc Anh trở thành nơi tốt nhất có thể để thành lập và phát triển một doanh nghiệp.
8. Từ 1/7, bán hàng Việt vào EU qua thương mại điện tử phải nộp thuế VAT
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, từ ngày 1/7/2021, các giao dịch điện tử theo phương thức từ doanh nghiệp đến khách hàng EU sẽ bị áp thuế giá trị gia tăng (VAT).Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, theo Chỉ thị của Hội đồng châu Âu, nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU. Khi tiến hành bán hàng, người bán hoặc sàn giao dịch phải thu thuế VAT theo mức tại nước của người mua. Điều này có nghĩa sàn giao dịch hoặc người bán phải biết thuế VAT của nước khách hàng.
“Với quy định mới này, nếu người bán đăng ký trên thủ tục một cửa nhập khẩu (IOSS) của từng nước thành viên, khách hàng sẽ biết giá cuối cùng, đã bao gồm VAT, không có phí hoặc lệ phí ẩn. Trong trường hợp người bán không đăng ký IOSS, khách mua hàng trực tuyến sẽ thanh toán VAT khi nhập khẩu hàng hóa vào EU”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay.
Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thời gian vừa qua, bưu điện của Bỉ đã thử nghiệm thu phí đối với giao dịch thương mại điện tử ngoài EU trong bối cảnh chưa có nhà kinh doanh nào đăng ký IOSS. Thực tế, mua hàng trực tuyến từ ngoài EU vào EU đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng rất nhiều. Đối với những món hàng vài chục Euro, thuế VAT tương ứng chỉ mất vài Euro, nhưng phí khai thuế VAT của bưu điện lại lên đến hơn 10 Euro. Nếu tính trên tỷ giá mặt hàng thì rất lớn. Do đó, có nhiều khách hàng từ chối nhận hàng hoặc hoàn trả sản phẩm.
Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), hiện các giao dịch TMĐT của Việt Nam sang EU còn đang rất sơ khởi. Nhưng tin mừng là các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công ban đầu khi bắt đầu xây dựng được mô hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới của mình tại EU.
Vừa qua 3 tấn vải thiều đầu tiên đã được nhập khẩu sang Đức qua sàn thương mại điện tử Voso. Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương với Sàn thương mại điện tử Voso và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) để từng bước phát triển ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo quy định của EU, các giao dịch mua bán hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU sắp tới dù vẫn phải trả thuế VAT, nhưng cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu nếu lô hàng giá trị dưới 150 euro. Nhà cung ứng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hàng hóa của mình trước người tiêu dùng EU, theo các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của EU.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro, tăng 35% so với năm 2019, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu (573 tỷ euro)./.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (16-08-2021)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (16-08-2021)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (16-08-2021)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (16-08-2021)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (16-08-2021)